Lý do phải học về tiền

Lý do phải học về tiền
Photo by Katt Yukawa / Unsplash

"Ngày hôm nay, một người được ngồi dưới bóng râm vì người đó đã trồng cây từ rất lâu rồi" – Warren Buffet

Nhiều người trong chúng ta làm việc không ngừng nghỉ đến tận lúc về già thế nhưng cuộc sống vẫn cứ khó khăn. Thậm chí càng về già càng thấy khó khăn hơn nhiều so với lúc còn trẻ. Tại sao lại như vậy?

Tại sao lại có một số ít người về già họ lại có cuộc sống thảnh thơi, tự do, yên bình và được làm những thứ gì họ muốn? Phải chăng đó là số phận? Và số phận đó chỉ dành cho số ít?

Không! Điều này đơn giản là vì sự thiếu hiểu biết kiến thức về kinh tế. Những kiến thức này quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Nhưng một điều kỳ lạ là, chúng ta lại chấp nhận sống như những kẻ "mù chữ về kinh tế". Trong thời đại mọi thứ đều được đo trên thước đo của "tiền bạc", nếu không có khả năng thấu hiểu các nguyên tắc của tiền bạc hay những kiến thức về kinh tế thì đó cũng chính là "mù chữ".

Trong suốt những năm tháng còn trẻ chúng ta đơn thuần chỉ kiếm sống bằng cách làm đúng công việc theo chuyên môn của mình. Chúng ta bán sức để kiếm tiền nhưng lại không để ý rằng đến khi chúng ta không còn sức nữa thì chúng ta sẽ còn gì để bán đây? Trong khi tiền chúng ta kiếm được thì ngay lập tức lại quay trở lại túi của những người cung cấp cho chúng ta: thực phẩm, quần áo, nhà, xe, điện thoại, TV, internet,...

Chúng ta thường không có gì khác ngoài một nguồn thu nhập bằng cách bán "mồ hôi" của mình. Có câu: "Ráo mồ hôi là hết tiền!", có nghĩa là hết sức thì hết tiền. Điều đáng buồn là chúng ta thường không nhận ra hoặc không để ý những thứ mà chúng ta không nhìn thấy nó một cách rõ ràng: Sức khoẻ của chúng ta bị bào mòn theo thời gian. Chúng ta là những chuyên gia trong cái "giếng" của mình, nhưng cuộc sống lại ở bên ngoài cái giếng ấy, nó chẳng dễ dàng chút nào.

Thế giới mà chúng ta đang sống sẽ ngày càng khó khăn đối với những người "mù chữ về kinh tế". Chúng ta có thể tự mình kiểm chứng bằng cách so sánh thu nhập của chúng ta với giá nhà ở, giá lương thực, thực phẩm đã thay đổi thế nào. Vì vậy, chúng ta phải sống như một chuyên gia về kinh tế nếu không muốn đối mặt với cuộc sống khó khăn khi về già.

Chúng ta có thể phản bác rằng kinh tế là một ngành hoàn toàn khác với chuyên môn của tôi, học kinh tế cần rất nhiều thời gian và công sức. Hay tôi còn rất nhiều thứ khác phải học làm sao có thời gian học về kinh tế. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng chúng ta lại thường quên rằng để kiếm được tiền hay kiếm được nhiều tiền chúng ta cần hiểu về kinh tế. Chúng ta thường xuyên mâu thuẫn khi mà: muốn có một cuộc đời tự do nhưng lại không muốn học về kinh tế.

Bên cạnh đó, có một nguy cơ rất lớn cho những người không hiểu về kinh tế đó là thế giới này có rất nhiều bẫy giăng ra để cướp hết tiền của chúng ta.

Chiếc bẫy thứ nhất có tên là "Tiêu dùng", mà những kẻ nhiều tiền muốn chúng ta sa vào. Họ muốn chúng ta đừng quan tâm đến quản lý và tiết kiệm tiền làm gì mà hãy đắm chìm vào việc giải trí, hãy mua những chiếc xe đẹp và tiêu tiền cho những thứ tuyệt vời khác. Họ không muốn chúng ta hiểu về tiền hay hiểu về kinh tế, vì nếu chúng ta hiểu thì chúng ta trở thành người kiếm tiền như họ. Nếu như vậy, họ sẽ mất một nguồn kiếm tiền và lại thêm một đối thủ cạnh tranh.

Chiếc bẫy thứ hai là có tên là "Lừa đảo", trong thế giới này có rất nhiều kẻ muốn kiếm tiền nhanh chóng mà không phải bỏ sức lao động. Đó là bọn lừa đảo, chúng theo dõi và giăng bẫy để cướp hết số tiền mà chúng ta khó khăn lắm mới kiếm được. Điều này đã xảy ra trong mọi thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai. Và hiện nay trong thời internet này, bọn lừa đảo lại càng dễ dàng sử dụng nó để giăng bẫy khắp nơi. Và những người "ngây thơ" về kinh tế sẽ là con mồi béo bở - "ngon từ nước, ngọt từ xương".

Nếu các chúng ta lấy những người đang bán "mồ hôi" và tiêu dùng và không quan tâm đến các kiến thức về kinh tế làm tiêu chuẩn thì có một điều chắc chắn rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với các thử thách còn khó khăn hơn cả những người ở thế hệ trước khi về già.

Chúng ta hãy chuẩn bị ngay từ sớm để không bị cuốn vào những chiếc bẫy khiến chúng ta làm việc quần quật không ngừng nghỉ mà cuộc sống khó khăn vẫn cứ khó khăn. Đó là lý do tại sao việc học về kinh tế trở nên có tầm quan trọng đặc biệt.

Nhưng cũng cần phải học đúng cách. Rất khó để có thể học những kiến thức thực tế khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nếu không như vậy thì những người giảng dạy về kinh tế  ở đó đã trở thành những người giàu có từ lâu rồi. Những kiến thức kinh tế cần thiết cho cuộc sống là những thứ không nằm trong sách giáo khoa giảng dạy ở trường. Và các chuyên gia kinh tế họ dạy những kiến thức vô cùng phức tạp, bởi như vậy thì họ mới có cái để dạy lâu dài, cũng như để tạo ra những vầng hào quang của chính họ cho người khác ngưỡng mộ.

Kinh tế thực ra đơn giản hơn nhiều những gì chúng ta nghĩ. Ở đây, có 3 nguyên lý quan trọng nhưng đơn giản mà chúng ta có thể áp dụng vào thực tế để tiền có thể đẻ ra tiền đó là:

1 - Không bao giờ tiêu hết những gì mình kiếm được

Hãy tiết kiệm dù số tiền đó nhỏ đến mức nào bởi khi gom chúng lại với nhau theo thời gian chúng sẽ trở thành một số tiền đủ lớn.

2 - Cố gắng hết sức để tạo ra tiền "hạt giống"

Quả cầu tuyết sẽ phát triển theo cấp số nhân khi chúng đạt đến một kích thước nhất định. Tương tự như vậy, tiền phải vượt qua một mức độ nhất định mới có thể bắt đầu tăng lên nhanh chóng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải có tiền hạt giống thì mới tạo ra được thêm nhiều tiền hơn nữa. Đây chính là chìa khoá vì thời nay là kỷ nguyên của tài chính, nơi mà tiền làm ra tiền. Và ghi khắc một điều: "Đừng bao giờ đổ thóc giống ra mà ăn!"

3 - Đầu tư dài hạn bằng tiền hạt giống để tiền đẻ ra tiền

Để tiền đẻ ra tiền cần đầu tư vào những tài sản an toàn và không bao giờ chúng phản lại chúng ta. Ví dụ, đầu tư vào Bất động sản hay Chứng khoán ngay khi có thể. Lưu ý rằng, để đầu tư hiệu quả và tránh những cạm bẫy chúng ta cần phải trang bị kiến thức về kinh tế. Có những kẻ ngày đêm rình mò, giăng bẫy chỉ để "cướp" những đồng tiền "xương máu" mà chúng ta khó khăn lắm mới tích luỹ được.

Và bằng cách theo dõi những kiến thức thực tế, ngắn gọn, dễ hiểu và đặc biệt dễ áp dụng được chia sẻ trong một series bài viết ở đây, chúng ta sẽ có một được một bức tranh vừa tổng quan cũng vừa chi tiết về kiến thức kinh tế có thể áp dụng vào thực tế để đạt được mong muốn của mình.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!