Công thức tư duy để thành công của Thomas Watson - IBM

Công thức tư duy để thành công của Thomas Watson - IBM
Photo by explorenation # / Unsplash

"Tôi tư duy nên tôi tồn tại" – Descertes, câu nói này là yếu tố nền tảng cho triết học phương Tây. Có lẽ nó cũng chính là nền tảng thúc đẩy những tiến bộ về kinh tế, khoa học, kỹ thuật mà phương Tây đạt được ngày nay. Tư duy là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thành công trong bất cứ việc gì. Vì tầm quan trọng của nó, nên việc chúng ta phải tìm hiểu cách trang bị cho mình một phương pháp tư duy hiệu qủa là điều hiển nhiên. Điều này khiến chúng ta mang lại giá trị, và tiền chỉ là kết quả cuối cùng phản ánh giá trị của chúng ta.

Thomas Watson Sr.,  người tạo ra “gã khổng lồ của thế giới” – như tờ Time đã gọi IBM vào năm 1982, ông là một trong số những người tạo cảm hứng, hoài bão cho mọi thời đại. Ông đặt tầm quan trọng của tư duy lên hàng đầu trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của cá nhân ông và gã khổng lồ IBM. Đã có một thời dòng máy tính xách tay nổi tiếng với thương hiệu "ThinkPad", đó là dòng máy mơ ước của bất cứ ai hồi thập niên 1990.

Khi Watson đến CTR (tiền thân của IBM) tiếp quản vị trí CEO vào năm 1914, khi ấy ông 40 tuổi, các nhân viên IBM thấy trên bàn ông chữ THINK được viết hoa. Không ai hỏi ông về biểu tượng đó. Người ta không hỏi vì đã quen rằng đây là cách mà ai đó vẫn làm để tự nhắc nhở mình điều gì. Có thể Watson tự nhắc mình hãy suy nghĩ và suy nghĩ về những điều mình làm.

Gần 20 năm sau, Watson mới nói về chữ THINK mà ông luôn luôn tâm niệm. Đó là lễ khánh thành Trường SchoolHouse của IBM, ông khiến cho người nghe cảm nhận lời của ông là một trải nghiệm của cả đời người. Ông muốn nói với các học viên lớp đầu tiên của mình về điều quan trọng nhất của ông và cả IBM: "Có 5 bước để đạt được sự hiểu biết".

Sau đó ông đưa ra công thức R.L.D.O.T (Read, Listen, Discuss, Observe, Think) vì ông cho rằng công thức làm người ta dễ nhớ hơn, đây là con đường nhận thức của Watson và với công thức này Watson làm nên sự nghiệp của mình và IBM.

1 - Thứ nhất hãy Đọc (Read)
Watson chắc chắn không phải là người đầu tiên nói đến tầm quan trọng của việc đọc nhưng ông là người thực hiện, đề cao sức mạnh của nó và truyền bá văn hoá đọc rất mạnh mẽ ở IBM. Bất kỳ nhà nghiên cứu nào cũng thừa nhận ông là một nhà hùng biện. Khi ông khánh thành phòng thí nghiệm với chi phí lên đến 1 triệu đô-la những năm xảy ra chiến tranh thế giới thứ 2 (thời đó là một con số khổng lồ), Watson đã làm cho nơi này trở thành thiên đường của các nhà khoa học. Trong thiên đường ấy thư viện là nơi đẹp nhất với thảm và lò sưởi dùng cho mùa đông.

2 - Sau đó là Lắng nghe (Listen)
Ông lắng nghe mọi thứ mặc dù không ai lạ gì tính tình nóng nảy và gia trưởng của vị chủ tịch này. Không ai có thể nói qua quýt với ông trong các buổi họp. Ông lắng nghe đời sống của nhân viên và đưa ra những chính sách lao động mà ngày nay vẫn là nền tảng với sự tôn trọng và công bằng.

3 - Tiếp theo là Thảo luận (Discuss)
Watson đưa ra nguyên tắc làm việc nhóm ngay từ những ngày đầu ông mới đến năm 1914. Nhân viên của IBM không thể quên phương pháp làm việc nhóm ngay từ đầu trong ngày ra mắt, ông nói: "Điều quan trọng hơn cả là làm việc nhóm". Chúng ta không thể làm việc nhóm mà không thảo luận. Và nếu không biết cách lắng nghe đồng đội của mình, ta khó lòng thảo luận thành công. Muốn có gì đó để nói với người khác và làm cho người khác LẮNG NGHE mình, ta không thể không thu thập thông tin, mà việc ĐỌC là một cách hữu hiệu. Đó là lý do tại sao ông để ĐỌC và LẮNG NGHE lên đầu.

Ngày nay, các giáo trình kỹ năng làm việc nhóm không thể không đề cao kỹ năng lắng nghe tích cực. Và hơn cả kỹ năng, đó là một THÁI ĐỘ. Và thái độ đó đủ khả năng để chia sẻ quan điểm và hiểu biết đồng sự. Có thể ngày nay những đúc kết phong phú và chính xác hơn thời của Watson theo bước tiến của thời đại. Tuy nhiên giá trị cốt lõi của chúng thì vẫn vẹn nguyên.

4 - Tiếp đến là Quan sát (Observe)
Cuộc đời của ông là chuỗi quan sát phi thường. Từ việc bị mất trộm ngựa lẫn hàng hoá trong một lần mải uống rượu khi ông còn niên thiếu, khiến ông ám ảnh đến nỗi đóng khung một nguyên lý bất di bất dịch: Rượu và kinh doanh không thể đi cùng với nhau. Hay khi Watson thấy ông bạn Ket của mình nổ máy chiếc RollRoys bằng cách ấn một cái nút bằng điện(*) thì quan sát này vĩnh viễn trở thành chiến lược kinh doanh của ông: Công nghệ có khả năng tạo ra kinh doanh. Còn những nhân viên của ông thì vẫn nhớ, ông gắt lên với các kỹ sư ở phòng thí nghiệm: Cái chổi quét của cái máy, các anh đã để nó 30 năm mà vẫn chưa giải quyết. Watson diễn giải và đề cao việc quan sát chủ động và có mục tiêu. Ông rất ghét những cái đầu thụ động.

(*) Hiện nay việc nổ máy ô tô bằng cách ấn một cái nút bằng điện là chuyện bình thường nhưng thời đó là một phát minh điều kỳ diệu. Thời đó nổ máy chiếc xe ô tô thì người lái xe phải cầm cái thanh sắt dài tầm 0.5m, tròn, to bằng nửa cổ tay và ra đằng trước xe dùng thanh sắt đó cắm vào một lỗ, dùng sức quay tròn mấy vòng để nổ máy.

5 - Bước cuối cùng và quan trọng nhất là Suy nghĩ (Think)
Năm 1933, năm chữ này được khắc trên cổng ra vào của trường huấn luyện trong khu vực nhà máy của IBM ở Endicotte. Chữ THINK viết hoa với kiểu chữ có chân của Watson bắt đầu xuất hiện khắp mọi nơi. Người này khắc nó lên gỗ, người khác viết nó trong cuốn sổ. Các nhà trang trí công ty thì khắc nó trên đá. Nó xuất hiện khắp mọi nơi trong các ấn phẩm của IBM. Tờ nội san cho hàng chục ngàn nhân viên từ New York đến Endicotte in chữ THINK dưới dạng một con dấu với đường viền khung vuông bao quanh.

Năm 1946, khai trương phòng thí nghiệm mang tên Watson tại trường Đại học Columbia. Watson bước vào thư viện của phòng thí nghiệm - nơi ông đặc biệt quan tâm. Ông ngước nhìn kệ sách có hình vòm cong. Trên đỉnh của vòm cong, người ta khắc một ô chữ nhật bao quanh chữ THINK viết hoa với kiểu chữ có chân. Ông hài lòng, ngồi vào chiếc ghế sau cái bàn gỗ nâu. Như vậy, ông quay lưng lại kệ sách, và chữ THINK nằm ngay phía trên ông.

Nhiều học giả đã viết rằng, Watson đã xây dựng IBM với khẩu hiệu “TƯ DUY” (THINK). Nhưng dường như, đó là khát vọng tự thân của Watson hơn là ông muốn IBM trở nên như vậy.


"5 BƯỚC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC SỰ HIỂU BIẾT" là một CÔNG THỨC TƯ DUY để thành công của Thomas Watson Sr. và gã khổng lồ công nghệ IBM. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đó là một quá trình không hề dễ dàng. Nó cần được xem xét kỹ hơn, sâu hơn, rõ ràng hơn nữa ở từng bước trong quá trình này. Đây mới chỉ là sự khởi đầu, chúng ta sẽ cùng nhau đi sâu vào mỗi bước Đọc, Lắng nghe, Thảo luận, Quan sát và Suy nghĩ ở các bài tiếp theo.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!