Phương pháp đọc sách hiệu quả

Phương pháp đọc sách hiệu quả
Photo by Ishaq Robin / Unsplash

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, đến đoạn kết nghĩa vườn đào, Quan Vũ cất lời:

“Quan mỗ ta tuy chỉ là một kẻ học võ, nhưng cũng hiểu đôi chút về hai chữ Trung Nghĩa. Giống như con chim chọn cành có được cây tốt, như kẻ hạ thần tìm kiếm chủ gặp được minh quân, coi như đã thỏa nguyện trong cuộc đời của Quan mỗ. Từ nay về sau, mệnh của Quan mỗ là mệnh của Lưu huynh, thân thể của Quan mỗ là thân thể của Lưu huynh, mọi sự tùy huynh định đoạt, quyết chẳng dám hai lòng!”

Trương Phi đứng bên cạnh nói: “Ta cũng vậy!”

Quan Vũ tiếp lời: “Ta thề cùng huynh chung hoạn nạn, bầu bạn tới cuối đời, sinh tử có nhau!”

Trương Phi lại nói: “Ta cũng vậy!”

Quan Vũ nói tiếp: “Nếu làm trái lời này, Trời và Người cùng phanh thây!”

Lần thứ ba Trương Phi vẫn nói: “Ta cũng vậy!”

Quan Vũ đọc sách nên có thể xuất khẩu thành văn, Trương Phi không đọc sách nên chỉ có thể nói: “Ta cũng vậy!”


Đọc sách là con đường ngắn nhất giúp một người nâng cao năng lực của bản thân. Một cuốn sách hay đôi khi được tác giả đúc kết kiến thức kinh nghiệm của cả một đời người. Trong khi chúng ta một thời gian ngắn có thể thu lượm được những tri thức chưa từng biết, hiểu được những kiến giải khác nhau, thậm chí có thể thấu hiểu cảm ngộ nhân sinh của các bậc trí giả.

Sách giúp con người mở mang tầm mắt, vun đắp động lực tinh thần, khiến tâm hồn trở nên khoáng đạt, tầm nhìn cao rộng, nội tâm phong phú. Đọc sách là đang tiếp cận với bầu trời rộng lớn hơn, "kết giao" với những tâm hồn, trí tuệ vĩ đại hơn, khiến tri thức, tư duy không ngừng mở rộng.

Đọc sách là sự đầu tư ít nhất, cũng là hiệu quả nhất để thay đổi vận mệnh của đời người. Nếu có thể, hãy khiến việc đọc sách trở thành một thói quen, một niềm vui thích, thậm chí là một lối sống.

Từ xưa đến nay, những người có thành tựu trên con đường học vấn và sự nghiệp, hầu như không một ai là không thích đọc sách.

Trong "Công thức Tư duy" của Thomas Watson đưa ra gồm 5 bước: R.L.D.O.T (Read, Listen, Discuss, Observe, Think). Khi áp dụng nó vào thực tế của bản thân, 5 bước này không cần thực hiện theo thứ tự trước sau, nó bổ sung cho nhau chứ không cần phải tuần tự hết bước này thì mới đến bước khác.

Gần đây, AI có thể nói là từ "hot" nhất mà mọi người nhắc đến hàng ngày. Xu hướng của AI được phổ biến trên toàn cầu có lẽ bắt nguồn từ sự kiện Chat GPT phiên bản đầu tiên ra mắt vào tháng 11 năm 2022. Ngay sau đó là một làn sóng bùng nổ về AI, các công ty công nghệ bắt đầu một cuộc đua mới. Và chúng ta biết rằng AI đã có bước phát triển vượt bậc về độ "thông minh" và nó bắt đầu được truyền thông so sánh với trí thông minh của con người.

Có lẽ chúng ta cũng đều biết rằng, nó thông minh hơn bởi nó được học kiến thức từ nguồn tri thức của nhân loại đã tích luỹ từ hàng ngàn năm. Hay nói cách khác, nó "đọc" vô cùng nhiều các kiến thức Đông-Tây, Kim-Cổ. Vậy không cần phải nói thêm, chúng ta đều biết việc "Đọc" khiến chúng ta thông minh hơn.

Nhưng lựa chọn đọc cái gì và đọc như thế nào sẽ quyết định việc đọc có mang lại lợi ích cho chúng ta hay không. Trong cuốn "Tôi tự học", cụ Nguyễn Duy Cần viết: "Sách có rất nhiều, vậy học qua sách thế nào cho hiệu quả? Có thể tóm lại trong 2 điều kiện: Chỉ đọc những sách hay Phải biết cách đọc".

Chỉ đọc những sách hay

Thế nào là sách hay? Làm cách nào để tìm ra nó? Trước hết, sách hay ta nói về sách để học. Bắt đầu bằng cách loại trừ:

Thứ nhất, loại trừ đầu tiên những sách học quá dài (từ 500 trang trở lên), to lớn, nặng nề. Một người đọc sách để học, thời gian đương nhiên có hạn, sự chăm chú, năng lực tinh thần cũng như trí nhớ có hạn. Bởi vậy mà quyển sách dài lê thê không thể thích nghi được. Thật ra, người nào viết sách học mà viết dài lê thê bất tận là chứng tỏ bất tài và bất lực của mình. Sách học càng ngắn càng tốt, càng gọn càng hay. Sách nào quá dài, tốt hơn đừng đọc. Hãy đợi đến khi mình có được một lượng kiến thức tương đối vững vàng, bấy giờ mới nên đọc đến những sách dài của những nhà nghiên cứu và những chuyên gia.

Thứ hai, loại trừ những sách buồn chán. Sách học mà trình bày buồn tẻ, khô khan thì không nên đọc.

Thứ ba, sau cùng, loại trừ những sách khó hiểu. Sách khó hiểu là sách của hạng tác giả không biết mình nói cái gì. Cũng có thể, tác giả là bậc thông thái, nhưng họ đang dạy học cho những đầu óc tầm thường. Họ viết cho họ hơn là cho người học. Có khi vì họ muốn cầu kỳ để tăng "giá trị" của họ.

Tóm lại, cần loại trừ những loại sách dài lê thê bất tận hoặc buồn chán hoặc "khó tiêu". Ngày nay, internet giúp chúng ta có thể tiếp cận được rất nhiều sách và kiến thức hay. Chúng ta có thể đọc đánh giá (review) của những người đọc sách trước ta để biết được một phần cuốn sách đó hay-dở ra làm sao.

Đọc sách đến mức cao thâm là đọc sách không phải để tìm hiểu cái bên ngoài ta, mà để tìm hiểu bên trong con người thật của ta.

Phải biết cách đọc

Vậy phải đọc sách cách nào?

  1. Đọc sách cần đặt cho mình trước một vấn đề mình muốn biết, muốn giải quyết hay một câu hỏi để tìm kiếm, săn đuổi.
  2. Chỉ đọc những tác phẩm hay, phù hợp với mục đích của ta. Và lên một lịch đọc thường xuyên vào lúc ta tập trung nhất, dễ vào nhất.
  3. Chọn một cuốn để "gối đầu giường", là bộ sách mà bất cứ hoàn cảnh nào đều có thể giúp cho ta một vài ý tưởng; những sách giúp cho ta biết hoài nghi suy nghĩ thêm, biết đặt vấn đề, biết làm cho lòng ta nhẹ nhàng và phần khởi, khôn ngoan và trong sạch hơn.
  4. Đọc sách cần xem bản mục lục. Nhờ nó ta nhanh chóng tìm được "bản đồ", sự liên kết mạch lạc của cuốn sách, biết trước tổng quan những chủ đề, nội dung và cách tác giả trình bày như thế nào. Khi nghiên cứu một hệ thống tư tưởng, học thuyết mới, cần đi ngay vào những tác phẩm chính.
  5. Đọc đi đọc lại nhiều lần. Nếu chỉ đọc qua 1 lần, ta không thể hiểu được hết. Đọc lần đầu cần phải đọc thật nhanh, tạm bỏ qua những chỗ khó hiểu, để xem nội dung tổng quan của cuốn sách. Đọc lần 2, lần 3, ta sẽ ngạc nhiên thấy những trở ngại trước đây biến mất. Nội dung bấy giờ có sự liên kết, không bị gián đoạn nữa vì ta đã biết phương hướng của nó rồi. Ta biết rằng những nhà đại tư tưởng thường viết ngắn gọn mà chứa nhiều hàm ý sâu xa. Khi trải nghiệm của ta còn ít, trí tuệ của ta còn nông, muốn hiểu hết ý nghĩa phải cần thời gian.
  6. Tóm tắt lại những gì mình đã đọc. Ngoài ra, ta còn phải biết ghi lại những cảm nhận của riêng ta, hoặc những ý kiến riêng của ta phản bác lại tác giả, chắt lọc những gì nên giữ, những gì nên bỏ. Không cần phải tóm tắt đến 5-10 trang giấy làm gì mà chỉ nên cố gắng trong 10 dòng tóm tắt là đủ.

Sách là một trong những nguồn kiến thức quý giá, nhưng để biến kiến thức trong sách thành những thứ hữu dụng chúng ta cần phải tìm cách áp dụng nó vào thực tế trong cuộc sống cũng như trong công việc. Đó là lý do mà Thomas Watson đưa việc "Đọc" chỉ là một bước trong Công thức tư duy 5 bước để có được sự hiểu biết của ông.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!