Sử dụng "bản đồ" để quan sát hiệu quả

Sử dụng "bản đồ" để quan sát hiệu quả
Photo by Frederick Marschall / Unsplash

Hai vợ chồng nọ dạo quanh trong cửa hàng lớn bán quần áo ngủ. Dạo được một lúc, người vợ đột nhiên hỏi:

- Anh này, em phát hiện ra một chuyện lạ lắm.

- Chuyện gì? - người chồng ngạc nhiên hỏi.

- Em phát hiện đồ ngủ của phụ nữ thì thêu hoa, màu sắc rực rỡ, nhưng đồ ngủ của đàn ông đa số chỉ là pijama kẻ sọc. Tại sao thế anh nhỉ?

Người chồng mỉm cười:

- Đơn giản mà. Vì ban đêm đối với phụ nữ là mùa xuân, còn đối với đàn ông là lao động khổ sai!


Trong cuộc sống, chúng ta thường không để ý quan sát những sự vật, hiện tượng thông thường. Tuy nhiên, nếu để ý, chúng ta có thể thấy được những điều thú vị và học hỏi được nhiều điều.

Quan sát là cách "đọc" sự vật, hiện tượng mà con người sử dụng nó để học hỏi từ thuở còn "ăn lông ở lỗ". Quan sát khác với "Nhìn" đơn thuần. Quan sát có nghĩa là thay đổi góc nhìn khác nhau để nhìn nhận một sự vật, hiện tượng một cách tỉ mỉ, toàn diện, sâu sắc. Góc nhìn không giống nhau dẫn đến đánh giá, nhận xét sự vật, hiện tượng cũng không giống nhau. Đa phần chúng ta thiếu khả năng "quan sát" mà thường chỉ "nhìn" sự vật hiện tượng qua một góc nhìn sơ sài, qua loa.

Quan sát là một bước trong CÔNG THỨC TƯ DUY "5 bước để có sự hiểu biết" của Thomas Watson. Cuộc đời của ông là chuỗi quan sát phi thường. Từ việc bị mất trộm ngựa lẫn hàng hoá trong một lần mải uống rượu khi còn trẻ, khiến ông ám ảnh đến nỗi ông đóng khung một nguyên lý bất di bất dịch: "Rượu và Kinh doanh không thể đi cùng với nhau".

Hay khi Watson thấy ông bạn Ket của mình nổ máy chiếc RollRoys bằng cách ấn một cái nút bằng điện thì quan sát này vĩnh viễn trở thành chiến lược kinh doanh của ông: "Công nghệ có khả năng tạo ra kinh doanh".

Còn những nhân viên của ông thì vẫn nhớ, ông gắt lên với các kỹ sư ở phòng thí nghiệm: "Cái chổi quét của cái máy này, các anh đã để nó 30 năm mà vẫn chưa giải quyết".

Watson diễn giải và đề cao việc quan sát chủ động và có mục tiêu. Ông rất ghét những cái đầu thụ động.

QUAN SÁT với ĐỌC giống và khác ở điểm nào? Việc ĐỌC sách là quan sát một cách gián tiếp khiến ta mở rộng kiến thức bởi vì có những "quan sát" hay góc nhìn, trải nghiệm của người khác mà trong hoàn cảnh cụ thể của ta, ta không thể nào "quan sát" được, ví dụ: vị trí địa lý khác nhau, thời gian khác nhau, khí hậu khác nhau, môi trường khác nhau, trí tuệ khác nhau. Còn QUAN SÁT là cách mở mang kiến thức cũng như kinh nghiệm của từng cá nhân trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể liên quan trực tiếp đến cá nhân đó.

Thực tế đã chứng minh rằng, chỉ có những người biết quan sát và suy nghĩ đúng đắn mới có thể thành công. Chúng ta không sống độc lập mà sống cùng vạn vật, chúng ta có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời với vạn vật. Sẽ cần phải biết những gì diễn ra xung quanh để ta không bị "lỗi nhịp, lạc nhịp", sau đó là tiến lên trong quá trình tìm kiếm sự hiểu biết của bản thân.

Lợi ích của quan sát

1 - Nghề nghiệp: Cho dù làm bất kỳ nghề gì: bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, luật sư hay kinh doanh đều phải lấy quan sát làm căn bản.

Có một bà đi vào cửa hàng mua một cái cổ áo thêu. Mới đầu, người bán hàng đưa ra đồ rẻ tiền. Bà xem rồi bỏ đi không chịu. Người bán hàng để ý quan sát thấy bà không biết phân biệt thứ nào thêu bằng tay, thứ nào thêu bằng máy, mới đem một bó khác ra cùng chất lượng như vậy, nhưng hễ mỗi lần mở ra là một lần người ấy lên giá. Người bán hàng thấy hễ giá càng lên cao thì bà nọ càng vừa ý hơn. Rốt cuộc, bà ta mua một cái, giá 80 đồng, một thứ mà cái ban đầu người bán hàng chỉ bán có 15 đồng thôi.

2 - Khoa học: Đa phần những phát minh khoa học đều xuất phát từ quan sát.

Denis Papin đun nước, thấy hơi làm bung nắp nồi lên rất mạnh, mạnh đến nỗi ông không làm cách nào giữ lại nó nổi. Sau đó, ông tìm ra nguyên tắc của máy hơi nước.

3 - Mỹ thuật: Có lẽ không cần phải nói tầm quan trọng của quan sát đối với các Hoạ sĩ. Những hoạ sĩ nổi tiếng, họ là những nhà quan sát bậc thầy.

Hoạ sĩ người Mỹ James Whisler đang đi dạo một buổi chiều nọ. Đột nhiên ông dừng lại và ngắm nhìn phía đằng xa có một khu nhà và một cái quán cũ ánh sáng rọi ra khung cửa sổ nhá nhem trong đám sương chiều. Ông thốt lên: "Kìa, đẹp làm sao!". Say sưa ngắm một hồi lâu, ông tiếp tục đi không ngó lại nữa. Ít ngày sau, trong hoạ thất của ông, có thêm một bức tranh tuyệt đẹp của cái cảnh buổi chiều hôm nọ.

Quan sát là cách thu nhận thông tin và thông tin sau đó được sử dụng để suy nghĩ và hành động. Có rất nhiều sự vật hiện tượng xung quanh mà chúng ta không thể nào quan sát được hết tất cả.

Chính vì lẽ đó, muốn quan sát hiệu quả phải lựa chọn những cái gì có ích cho chúng ta, những cái vô ích phải loại bỏ ra khỏi tâm trí. Bên cạnh đó, phải biết cái nào là chính, cái nào là phụ. Để làm được việc này, chúng ta sẽ cần có phương pháp quan sát.

Phương pháp Quan sát

Quan sát cần phải có phương pháp và nguyên tắc cũng giống như chúng ta đi đến một nơi nào ta cũng cần phải xem trước bản đồ, biết được toàn cảnh, đường xá giao thông, phương tiện công cộng,... có được những thông tin cần thiết khiến ta không bị bỡ ngỡ, bị động, tránh được những tình huống bất ngờ.

Phương pháp quan sát giúp chúng ta phát hiện ra vấn đề, phát hiện ra giải pháp, phát hiện ra những điều thú vị,...

Một lần Napoleon đến một nơi đóng quân của binh sĩ, ông để ý thấy binh sĩ trong 10 người thì có 8 người hay lấy tay sờ sau cổ. Ông hỏi các sĩ quan, tất cả đều bảo rằng đó là một việc ngẫu nhiên, vì không có ai phàn nàn gì. Ông không hỏi nữa. Ông lấy một bộ quân phục của binh sĩ mặc vào và đi bộ một quãng, ông muốn đích thân kiểm tra, xem xét suy luận của mình. Sau khi kiểm tra xong, trước mặt các sĩ quan, ông tháo cổ áo và chỉ cho họ thấy những vết sẹo sau gáy của các binh sĩ, các sĩ quan đều sửng sốt.

Napoleon quan sát rất tinh. Hàng vạn binh lính thế mà thoáng qua khi ông điểm binh, một cái nút áo thiếu hay một cái áo gài không kín, bất kỳ là một sơ sót nào ông cũng nhận thấy. Các sĩ quan của ông thấy cách làm việc của ông đều khiếp đảm và thán phục vô cùng nhưng không ai biết nhờ đâu mà ông có tài năng đặc biệt như thế.

Có người nói: Sở dĩ Napoleon có được khiếu thông minh hoạt bát như thế là nhờ ông dẫu đi điểm binh cũng dùng đến "bản đồ" (phương pháp quan sát). Napoleon khi xem xét điều gì luôn theo một trật tự bất di bất dịch, tỉ mỉ từ chân tơ kẽ tóc. Ông rèn luyện kỹ năng này đến mức chỉ thoáng qua là ông thấy đủ tất cả mọi chi tiết.

Muốn quan sát được kỹ càng, tỉ mỉ, không ai sót, ta cần phải có một phương pháp rõ ràng. Theo các nhà nghiên cứu, chúng ta chỉ nhận thức được cái gì mà ta đã biết trước. Bởi vậy, muốn cho ta để ý đến một vật nào và nhận thức được nó một cách đầy đủ, chẳng những vật phải có mặt trước mắt, trước các giác quan của ta, mà nó cần phải có mặt sẵn trong trí tưởng tượng của ta.

Nếu chúng ta quan sát một sự vật hiện tượng mà quan sát tất cả cùng một lượt, thì sẽ không thấy được cái gì rõ cả. Nghĩa là, chúng ta phải quan sát theo thứ tự nhất định, mỗi lúc chỉ quan sát một khu vực, và quan sát thật tỉ mỉ, tới nơi tới chốn. Học cách dùng "bản đồ" như Napoleon, để quan sát chúng ta sẽ cần tạo ra những "bản đồ" cho riêng mình. Phải biết dùng nó cho có trật tự. Trật tự ấy, tự mình đặt ra thành một kỷ luật bất di bất dịch. Rồi lâu ngày thành thói quen, ta sẽ quan sát một cách chu đáo như một cái camera.

Sau đây là một ví dụ về "bản đồ" khám bệnh của bác sĩ để tham khảo. Mỗi nghề nghiệp là khác nhau, cho nên ta sẽ cần phải tự lập những "bản đồ" (danh sách cần quan sát hoặc check list) cho riêng mình:

Người bác sĩ dựa vào phương pháp quan sát tỉ mỉ của mình, có thể phát hiện ra sự giống nhau và khác nhau của bệnh trước kia với bệnh hiện tại. Dựa vào các biểu hiện của triệu chứng có thể có được những tiên đoán ban đầu về nguyên nhân của bệnh. Sự quan sát, thu thập thông tin, các triệu chứng của bệnh kết hợp với những kết quả mà máy móc đo đạc, phân tích thì người bác sĩ giỏi sẽ xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh tình cho người bệnh.

Trong khi quan sát ta cần quan tâm đến sự giống nhau và khác nhau của mỗi sự vật, hiện tượng. Thấy cho đúng chỗ giống nhau, nhận cho đúng chỗ khác nhau, đấy là một đầu óc sắc sảo lắm mới làm được. Nhiều việc nhìn bề ngoài thấy phức tạp, rối rắm mà thực ra giống nhau như một. Có nhiều việc bề ngoài giống nhau mà thực ra khác nhau một trời một vực.

Bất kỳ là gặp một cơ hội nào khi gặp sự vật, hiện tượng cũng cần tìm những chỗ giống và khác của nó. Không bao lâu, ta sẽ thấy sự nhận xét của ta càng ngày càng tỉ mỉ, kỹ càng, sâu sắc một cách hết sức mau lẹ. Lúc đó, ta sẽ có được cái khả năng rất quý báu này, là thấy được nhiều mặt, chỗ mà kẻ khác chỉ thấy được có một mặt mà thôi. Đứng về phương diện thực tế, nó giúp ta thấy được sự thật-giả một cách rất dễ dàng trong các sự vật, hiện tượng, có thể thấy được xu hướng của tương lai.

Biết quan sát chưa đủ mà phải phân tích được những quan sát ấy. Quan sát kỹ là biết quan sát được nhiều cái tỉ mỉ nhưng nếu không khéo sẽ bị cuốn vào những cái vụn vặt làm ta "xoắn não" (rối loạn đầu óc). Nếu ta không có một mục tiêu để làm phương hướng để sắp đặt lại nó cho có hệ thống, thì quan sát của ta sẽ rời rạc, vô ích cho mục tiêu mà ta đang tìm kiếm.

Truyện kể: Một toán quân đi cùng một sĩ quan thám thính một ngôi nhà ở ven rừng, tất cả đều là các trinh sát giỏi. Người sĩ quan hỏi: "Đây là rừng cây gì?". Cả hội trả lời: "Cây dẻ gai". Người sĩ quan biết rằng như thế thì khó lại gần căn nhà ấy, vì rừng cây dẻ gai không có cây nhỏ, chỉ toàn cây thân cao lớn, khó mà đi về phía ấy lắm. Muốn đi đến đó phải ẩn núp một cách rất cẩn thận, bò sát mặt đất. Trong khi lặng lẽ rình mò, bỗng thấy một cặm chim rừng bay ra, họ liền đoán chắc trong rừng có người làm động ổ nó. Họ bèn lần mò theo hướng ấy mà đi vào, vì chỗ đó chắc chắn có quân địch ẩn núp. Thật vậy, đến khi bò sát đến cổng nhà, vào trong gặp 4 người lính Đức đang ở trong nhà bếp, còn người thứ 5 đi lượm củi ngoài rừng.

Nếu người sĩ quan không biết rừng cây dẻ gai không có cây nhỏ mọc mà để ý cẩn thận, nếu những lính đi theo không biết để ý đến cặp chim rừng và đoán nơi đó có người, thì cuộc thám thính này đâu có kết quả mỹ mãn và dễ dàng như thế.

Những phẩm chất cần rèn luyện để quan sát

Để quan sát mang lại lợi ích, chúng ta cần rèn luyện các phẩm chất sau:

1 - Khéo léo: Đó là cách biết thuận theo hoàn cảnh hoặc tìm đủ cách để vượt qua những trở ngại ngăn cản sự quan sát của mình. Đôi khi phải tìm kiếm công cụ hỗ trợ, máy móc, hoặc phải tự tạo ra công cụ, tìm kiếm sách, tài liệu nghiên cứu cũng không từ nan.

2 - Kiên nhẫn: Louis Pasteur là người đầu tiên nhận ra nguyên nhân của căn bệnh "Tằm gai" khi dịch bệnh này lây lan trên toàn nước Pháp, ông phải tự mình quan sát tỉ mỉ trên 50.000 lần.

3 - Chú ý: Tập trung tinh thần, tâm trí vào việc quan sát. Có thể gọi sự chú ý là "tất cả sự quan sát".

4 - Sáng suốt: Phân biệt cái nào chính, cái nào phụ và biết loại trừ những cái không có lợi ích gì cho quan sát. Thấy được những mối liên kết ẩn của sự vật hiện tượng, những thứ chỉ có thể cảm nhận được mà không thể nhìn thấy bằng mắt.

5 - Tỉ mỉ, tinh tế: Thấy tận mắt từng chi tiết nhỏ, sắp xếp theo hệ thống hết sức đầy đủ không bỏ sót một phương diện nào. Có nhận xét tinh tế đối với từng chi tiết nhỏ.

6 - Khách quan: Giữ cho mình không thiên vị, không thành kiến. Truyện mất búa: Một người kia nghi cho đứa con nhà hàng xóm ăn cắp cái búa. Lúc này, anh ta quan sát đứa bé, thấy từng cử chỉ đều rõ ràng là đứa ăn cắp. Cho đến khi anh ta tìm thấy cái búa rồi, anh ta xem lại cử chỉ của đứa bé kia không thấy chỗ nào tỏ ra là đứa trộm búa nữa. Quan sát mà bị thành kiến thì sẽ gây sai sót, tưởng vậy mà không phải vậy.

(Còn tiếp...)

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!