Bốn bước quan sát để khám phá mọi vật

Bốn bước quan sát để khám phá mọi vật
Photo by Brett Jordan / Unsplash

Chúng ta thường không để ý đến những sự vật, hiện tượng bình thường lặp đi lặp lại hàng ngày. Nhưng những ý tưởng đầu tiên lại xuất hiện qua quan sát sự vật hiện tượng hàng ngày đó, sau đó phát triển và dần hoàn thiện, vận dụng nó trong thực tế, có thể trở thành sản phẩm. Chúng chính là sự kết hợp khoa học, kỹ thuật, thiết kế và nghệ thuật cùng tạo nên nền văn minh hiện nay.

Có lẽ chúng ta đều biết, gần đây, Mỹ đã coi Trung Quốc là một đối thủ chính, thách thức địa vị thống trị thế giới của mình về Kinh tế, Quân sự và Khoa học Công nghệ. Làm thế nào mà một nước nghèo và lạc hậu lại có thể trở thành một kẻ thách thức, khiến Mỹ e ngại đến như vậy?

Trung Quốc chỉ bắt đầu đổi mới từ năm 1979, sau 40 năm phát triển, một số công nghệ Trung Quốc đã đi trước thế giới như: Tàu điện cao tốc, Công nghệ 5G, 6G và nhiều thứ khác. Điều đó không phải tự nhiên mà Trung Quốc có thể đạt được, chắc chắn là họ phải có phương pháp để học hỏi công nghệ, sau đó làm chủ, rồi tiến lên dẫn đầu.

Trung Quốc đã trở thành công xưởng sản xuất của Thế giới từ lâu. Hàng hoá họ sản xuất đa dạng, phong phú, từ chất lượng thấp đến chất lượng cao. Cho dù là hàng chất lượng cao hay thấp thì mẫu mã luôn rất đẹp và giá rất rẻ so với hàng sản xuất ở quốc gia khác. Họ tạo ra được sự cạnh tranh mà hiếm có quốc gia nào có thể làm được. Vì vậy, chúng ta cần phải xem phương pháp của họ là gì. Bắt đầu từ cách họ quan sát đến cách họ suy nghĩ.

Đầu tiên, họ quan sát, khám phá mọi vật như thế nào? Họ đưa ra phương pháp quan sát 4 bước như sau:

4 bước quan sát để khám phá mọi vật

Hãy xem cách mà họ quan sát học hỏi qua một vật rất bình thường như cây bút chì. Bút chì là đồ vật rất quen thuộc nhưng nếu quan sát nó từ những góc nhìn khác nhau, chúng ta sẽ thu về được rất nhiều điều mới lạ mà trước đó ta chưa từng biết. Việc quan sát cây bút chì được thực hiện qua 4 bước sau:

1 - Chất liệu
Chất liệu là những nguyên tố tạo nên một vật. Bút chì gồm vỏ bằng gỗ bao bọc ruột bằng than chì. Ruột chì mềm, xét về thành phần hoá học nó được cấu tạo bởi nguyên tử cacbon trong tinh thể graphit. Do các lớp graphit không có liên kết chặt chẽ nên có thể rơi ra khi ma sát, lưu lại vệt đen trên bề mặt ma sát (ví dụ giấy), vì vậy rất thích hợp để viết, vẽ. Và do nó có tính chất không bám chặt nên vết than chì trên bề mặt giấy có thể tẩy xoá được.

Do bản chất nguyên thuỷ mà chúng ta thường sợ sai sót khi làm bất cứ việc gì. Chính vì thế bút chì lại hữu ích trong các trường hợp con người sợ sai sót. Chính tính chất có thể xoá được nên bút chì có thể giúp ta thoải mái phác thảo các bản thiết kế, bản vẽ, lên các ý tưởng mà không phải lo lắng về việc sai sót, không thể làm lại.

Nhưng ruột chì quá mềm, dễ gãy người ta phải thêm một lượng nhỏ đất sét mịn trộn cùng với than chì và nung ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra ruột chì có độ cứng vừa đủ. Vỏ bằng gỗ cứng và ruột chì mềm, một cứng một mềm kết hợp hài hoà, bổ trợ cho nhau. Một đồ vật tốt phải được cấu tạo cân bằng. Cách đơn giản và khả thi nhất là kết hợp 2 yếu tố không giống nhau nhưng có thể dùng để bổ sung cho nhau.

Có thể nói trong một hệ thống bất kể là sự vật đơn giản hay phức tạp chúng ta cần suy xét xem các nguyên tố cấu thành nên sự vật có cân bằng hay không. Dù rất khó để chỉ rõ thế nào là cân bằng nhưng những hệ thống cân bằng mới có thể trường tồn. Khi nó xuất hiện, chúng ta có thể cảm nhận ngay được nó.

Vì vậy, nếu muốn hiểu một sự vật có cân bằng hay không, trước hết chúng ta phải hiểu các nguyên tố tạo nên nó là gì, chia nhỏ nó ra để xem xét, sau đó đánh giá toàn bộ vật thể hoàn chỉnh. Tiến hành phân tách, chia nhỏ sự vật để quan sát chi tiết là một kỹ năng vô cùng quan trọng.

Qua quan sát chất liệu của cây bút chì chúng ta có thể thấy sự tương tự trong các sự vật khác. Như trong phim ảnh hay truyện có những "chất liệu" chính tạo nên tác phẩm. Tác phẩm hay, chiếm được sự yêu mến của khán giả thì yếu tố cân bằng của những "chất liệu" cũng phải được đảm bảo. Ví dụ những tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung hay thế giới siêu anh hùng của Marvel không chỉ hấp dẫn khán giả bởi những pha đấu võ nghệ gay cấn mà còn lôi cuốn độc giả ở những cảnh tình trường đầy cảm xúc. Tiểu thuyết võ hiệp hay thế giới siêu anh hùng cũng là một hình thức biểu đạt nhân tình. "Vỏ" của nó là những pha thi thố võ nghệ, bao bọc cho lớp "Ruột" tình yêu trong câu chuyện. Hai yếu tố này kết hợp với nhau như "mũi tên xuyên qua lớp áo giáp của khán giả", tấn công vào điểm yếu khiến nó trở thành những tác phẩm được ưa chuộng.

Thế nên, chất liệu là góc nhìn để ta quan sát, không có giới hạn nào về cách sử dụng và ý nghĩa của chất liệu. Chất liệu không nhất thiết phải hữu hình mà có thể vô hình. Bất cứ điều gì cũng có thể trở thành chất liệu. Quan sát và suy nghĩ về chất liệu của một sự vật là điểm khởi đầu để hiểu sự vật đó.

2 - Tạo hình
Nhìn thế giới bằng con mắt hình học. Cây bút chì tiêu chuẩn thường là hình trụ lục giác có 6 cạnh bằng nhau. Hình lục giác là một hình khá kỳ diệu và phổ biến trong thế giới tự nhiên, các ô hình lục giác trong tổ ong là một ví dụ. Rất nhiều quặng đá thiên nhiên có cấu trúc hình trụ lục giác như ngọc lục bảo, mai rùa cũng cũng được tạo thành từ kết cấu hình lục giác.

Trong các vật thể nhân tạo, vật có hình lục giác thường thấy là các loại đai ốc để cố định các linh kiện trên ô tô, xe máy, máy móc,... Cảm nhận của chúng ta với hình lục giác là sự kiên cố, chắc chắn, ổn định, vững vàng.

Bút chì có nhiều hình dạng khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là hình lục giác, nó tạo cho người dùng cảm giác ổn định, an toàn cũng như tính thẩm mỹ và lợi ích dễ cầm, không bị trơn trượt.

Trên thực tế, hình dạng lục giác của bút chì có thể là biểu tượng được truyền cảm hứng bởi chất liệu tạo ra nó – than chì. Cấu trúc của than chì là hình lục giác đều với 6 nguyên tử cacbon trên cùng một mặt phẳng. Bên cạnh đó, một lớp than chì được tạo thành từ vô số nguyên tử cacbon liên kết với nhau. Một lớp than chì như vậy được gọi là graphen, một thanh than chì gồm hàng tỷ lớp graphen. Nếu xếp thật nhiều cây bút chì lục giác lại thành một bó thật khít, ta sẽ thấy chúng tạo ra một mô hình giống cấu tạo của graphen. Vậy thế giới vi mô và thế giới hàng ngày có hiện tượng giống nhau đến kỳ lạ (nguyên lý hình học phân dạng).

Dùng con mắt hình học để quan sát chúng ta có thể đi từ toàn thể đến cục bộ, từ trừu tượng (tổng quát) đến cụ thể, từ đơn lẻ đến kết hợp. Qua đó, có thể nắm thông tin cốt lõi, quan sát chi tiết, sắp xếp thành từng mục, từng bước tuần tự, từ thô đến tinh. Đây là nguyên tắc có thể vận dụng ở hầu hết các lĩnh vực.

3 - Trang trí
Vẫn là cây bút chì hình lục giác. Nhà sản xuất khắc chữ lên thân bút nhưng chưa chắc chúng ta đã lưu ý đến nó. Hãy thử xem: Có bao nhiêu mặt được khắc chữ? Và nó khắc những chữ gì?

Câu trả lời là 3 mặt khắc chữ và 3 mặt trống. Mặt khắc chữ và mặt trống xen kẽ nhau, bên cạnh mặt có chữ là mặt trống. Nội dung trên 3 mặt cũng khác nhau. Những thông tin muốn truyền tải đến người dùng chủ yếu 2 nội dung: (1) Thương hiệu (hoặc nhà sản xuất); (2) Ký hiệu loại chì.

Thông tin số (1) xuất phát từ nhu cầu quảng bá thương hiệu của nhà sản xuất, thông tin số (2) xuất phát từ nhu cầu sử dụng của khách hàng, người dùng muốn biết loại chì để lựa chọn nhanh chóng và phù hợp với nhu cầu của họ.

Vậy vì sao lại chỉ khắc có 3 mặt? Dụng ý là gì? Có thiết kế nào tốt hơn không?

Có thể có nhiều lựa chọn khắc chữ khác nhau nhưng với cách khắc 3 mặt có chữ và 3 mặt trống xen kẽ nhau đảm bảo thông tin đầy đủ, rất hài hoà và thẩm mỹ. Điều này thể hiện một yếu tố quan trọng khác là VỪA ĐỦ và CÂN BẰNG.

Trong thời đại này, chúng ta thấy quá nhiều những sự thừa thãi, lãng phí dẫn đến mất cân bằng. Bất kể là con người, sự vật hay môi trường, mất cân bằng khiến nảy sinh vấn đề.

Mở một trang web, ta có thể thấy quảng cáo nhấp nháy khắp nơi. Bữa tiệc bày ra quá nhiều thịt cá, thừa thãi không thể nào ăn hết. Lên các mạng xã hội thì nhà nhà, người người livestream bán hàng không ngừng...

Nếu những thứ trên không quá thừa như vậy thì có lẽ hiệu quả đạt được sẽ còn lớn hơn nhiều, nhưng đa số không hiểu được chân lý này. Thông thường ít ai nói cho ta biết những sự thật đơn giản, nhưng chúng ta có thể tự tìm hiểu qua việc quan sát sự vật hiện tượng như cây bút chì.

Cho nên, vẻ bề ngoài hay thiết kế và cách trang trí của một sản phẩm sẽ thể hiện phong cách hay triết lý mà nhà sản xuất muốn thể hiện. Một vẻ bề ngoài thu hút là sự kết hợp hài hoà của thiết kế và trang trí, một sự cân bằng hoàn hảo.

4 - Công nghệ
Công nghệ là quá trình sản xuất của sản phẩm. Vậy bút chì được chế tạo thế nào?

Nhìn qua hình dáng bên ngoài, vỏ gỗ của bút chì là một hình trụ lục giác rỗng, ruột chì là một hình trụ tròn dài nằm ở bên trong. Làm sao để khớp 2 phần này lại với nhau?

Ta dễ nghĩ rằng phải làm vỏ trước, rồi nhét ruột chì vào bên trong. Nhưng làm sao để nhét được nó vào? Quan sát ai cũng thấy rằng vỏ gỗ và ruột chì gắn rất khít, không có khe hở. Làm sao để đưa ruột chì vào mà ma sát không làm gãy nó? Có gì đó không hợp lý ở đây. Vậy có cách nào khác không?

Nếu quan sát kỹ hơn, ta có thể sẽ phát hiện ra mặt cắt của bút chì có một đường phân chia rất nhỏ nằm ngay chính giữa. Ở 2 bên đường phân chia kết cấu và màu sắc vỏ gỗ có sự khác biệt nhỏ. Chứng tỏ phải là 2 mảnh gỗ khác nhau ghép lại tạo lên lớp vỏ. Như vậy ta có thể suy luận cách mà nhà sản xuất làm ra cây bút chì như sau: (1) Lấy 1 nửa vỏ gỗ với mặt lõm hướng lên trên; (2) Đặt ruột chì hình trụ dài vào trong một nửa vỏ gỗ; (3) Đặt nửa vỏ gỗ khác lên trên, giống như một cái nắp.

Trong các bước trên có thể sử dụng một số chất kết dính để cố định các bộ phận vào với nhau. Dựa theo công trình của Petroski, nhà nghiên cứu lịch sử công nghệ Mỹ, thì đây là quy trình sản xuất bút chì điển hình.

Những hiểu lầm trong quá trình sản xuất bút chì xuất phát từ việc chúng tự do tưởng tượng trong suy nghĩ. Vì chúng ta cho rằng cây bút chì đơn giản nên chủ quan không quan sát chi tiết, tỉ mỉ rồi nghĩ rằng cách chế tạo nó cũng đương nhiên như cách ta tưởng tượng.

Và thực tế với đa số các trường hợp khác chúng ta cũng thường hiểu lầm như vậy: "Một đáp án hiển nhiên nhưng sai lầm".

Vì thế, khi quan sát sự vật, hiện tượng ở bất kỳ lĩnh vực nào, những điều có vẻ đúng đắn kỳ thực lại là sai. Thực tiễn bao gồm những kiến thức và kỹ năng mà hầu hết mọi người không thể tưởng tượng ra được, đơn giản bởi vì thực tiễn là ý tưởng loé lên sau hàng trăm, hàng ngàn lần thử nghiệm. Học cách quan sát mọi thứ từ góc độ khác, những điều ta nhận được nhất định sẽ nhiều hơn, chính xác hơn kẻ khác.

Khi quan sát, mọi thứ chúng ta nhìn thấy đều là một "kết quả". Nhưng chúng ta không nên hài lòng với nó, chúng ta nên quan tâm đến "quá trình" tạo ra kết quả đó.

Xét từ góc độ kinh doanh, đại đa số các sản phẩm để phải mua bán mới có được, nên muốn có được "kết quả" thì phải chi tiền. Nhưng nếu đã biết "quy trình", chúng ta có thể lợi dụng nó để tự tạo nên "kết quả" cho bản thân, sau đó bán "kết quả" đó cho người khác.

Vì thế, kiến thức về "quy trình" mới là tri thức để kiếm tiền. Hiểu một mắt xích mà thấy được cả chuỗi, trước mặt ta sẽ là cả một bầu trời.

Quy trình sản xuất bút chì có thể tìm thấy trong các tài liệu công khai. Nhưng trên đời này rất nhiều thứ phức tạp mà chúng ta thực sự không biết làm sao để tạo ra chúng. Đó có thể gọi là "tri thức ẩn", nó được giấu kín bởi nếu công khai người khác bắt chước gây ra thiệt hại rất lớn về lợi ích kinh tế.

Quan sát là một kỹ năng mà mỗi người đều phải học nhưng đáng tiếc là nó không được chú trọng ở trường. Chúng ta không hiểu hết được tầm quan trọng của nó nên phần lớn là coi nhẹ bài học về quan sát.

Mọi sự phát hiện đều bắt đầu từ việc quan sát. Quan sát đưa tới vấn đề, vấn đề lại dẫn đến tư duy. Quan sát có hiệu quả hay không phụ thuộc vào góc nhìn và phương pháp quan sát.

Cây bút chì hình trụ lục giác có 6 mặt bên và 2 mặt đầu đuôi. Nhưng đại đa số sự vật, hiện tượng, sự việc, con người đều phức tạp hơn cây bút chì rất nhiều. Thế nên có thể nói tất cả mọi vật đều là những khối đa diện. Chúng không chỉ có 8 mặt mà nhiều hơn rất nhiều. Trong số đó có mặt là hữu hình và có mặt vô hình, có mặt nổi bên ngoài, có mặt ẩn dưới những tầng sâu trong lớp vỏ che kín.

Vì vậy, duy trì quan điểm cố định và duy nhất về một sự vật tương đương với việc chúng ta chỉ thấy được một số mặt của nó. Quan sát như vậy khiến thông tin chúng ta nhận được trở nên thiếu sót, phiến diện, dẫn đến nhận thức sai lầm. Chỉ có tiến hành tìm hiểu những quan điểm khác nhau, điều chỉnh linh hoạt sự chú ý của bản thân thì ta mới có thể nhận thức được hoàn chỉnh về một sự vật.

Chúng ta đã quen dùng khái niệm để lý giải sự vật thay vì dùng đôi mắt của chính mình để quan sát thế giới. Khi dùng khái niệm để nhận thức thì ta chỉ cần nhìn nó một cái là được rồi.

Hãy tưởng tượng, trước mặt ta là một cái cốc thuỷ tinh, chúng ta nhận biết ngay nó chính là chiếc cốc thuỷ tinh. Nhưng cốc thuỷ tinh là một khái niệm. Khái niệm đơn giản hoá thông tin, giúp ta hiểu, nhận dạng một cách nhanh chóng nhưng ta không thể gọi đây là quá trình quan sát.

Giả sử bây giờ chiếc cốc biến mất, ta có thể mô tả lại chính xác cái cốc mà ta vừa nhìn thấy không? Chắc chắn là không. Bởi đơn giản có rất nhiều thứ mà ta không biết. Ta không biết thiết kế của nó ra sao, mô tả hình dáng nó như thế nào, nó có điểm gì đặc biệt. Chỉ nhìn lướt qua và biết khái niệm về nó là chưa đủ. Ta cần phải nhìn đi nhìn lại nhiều lần theo những góc khác nhau. Có nghĩa là chọn nhiều hơn một điểm để tập trung phân tích. Có thể, đầu tiên điều đập vào mắt ta là phần miệng cốc, thì tiếp theo ta cần tập trung vào thân cốc, sau đó là phần đáy cốc.

Mỗi lần chúng ta chỉ tập trung làm một việc. Mỗi lần chọn một góc nhìn là một lần ta chọn một số thông tin và bỏ qua những thông tin khác. Chỉ có như vậy ta mới có thể đạt được chiều sâu của nhận thức. Bởi tâm lý học nhận thức đã chứng minh rằng lượng thông tin mà một người có thể xử lý trong một khoảng thời gian ngắn là rất ít ỏi. Chúng ta không thể xử lý nhiều thông tin trong cùng một thời điểm mà chỉ có thể xử lý lần lượt.

Nên đặc trưng của một chuyên gia là luôn quan sát và tư duy theo một trình tự rõ ràng (dùng "bản đồ" hay checklist), trong khi người bình thường luôn có xu hướng mù quáng vơ hết tất cả lại thành một mớ hỗn độn, rối tinh rồi mù không tuân theo trật tự nào cả.

Vì vậy, chọn góc nhìn để quan sát là chọn một phương pháp để lọc thông tin. Cần tập trung vào thông tin liên quan, những thứ không liên quan thì loại bỏ. Sau khi không còn bị "nhiễu" bởi những thông tin không liên quan, ta có thể tập trung vào việc quan sát, phân tích, sắp xếp những thông tin quan trọng. Sau khi hoàn thành bước này, ta tiếp tục chuyển sang một góc nhìn khác và nó cứ lặp đi lặp lại cho đến khi ta đạt được mục tiêu.

Tóm lại, mỗi lần tập trung vào một việc là phương pháp quan sát hiệu quả. Đầu tiên sẽ chia nhỏ sự vật, hiện tượng ra, quan sát từng trường hợp, sau đó tổng hợp lại thông tin, đó chính là quan sát có trật tự của một chuyên gia.

Đọc sự vật giúp ta tiến gần hơn đến điểm giao thoa giữa tư duy và hành động. Nghiên cứu sự vật một cách thấu đáo giúp ta biết kiến thức nào có thể mang lại lợi ích. Chúng ta có thể biết tri thức phải được tổng hợp, sắp xếp lại thành một hệ thống tổng thể ra sao, từ đó hướng tới việc ứng dụng tri thức vào thực tiễn.

Tri thức ẩn trong mỗi một sản phẩm thường bao gồm: toán học, vật lý học, hoá học, kỹ thuật công nghệ, thiết kế và mỹ thuật. Tất cả đều liên quan chặt chẽ với nhau, được kết hợp trong một sản phẩm bằng sự sáng tạo. Nếu chỉ học vài tri thức rời rạc qua sách, báo hoặc từ các khoá học trên mạng thì rất khó để tạo ra một sản phẩm thực tế.

Tóm lại, qua phương pháp quan sát 4 bước: (1) Chất liệu; (2) Tạo hình; (3) Trang trí; (4) Công nghệ. Từ sự tỉ mỉ qua những góc nhìn khác nhau, chúng ta mới có thể hiểu rõ một sản phẩm sau đó họ tiến đến tìm hiểu sâu hơn quá trình sản xuất để tạo ra nó. Đó là cách mà chúng ta đi từ học hỏi đến dần dần làm chủ công nghệ sau đó là quá trình sáng tạo để có những sản phẩm có thể cạnh tranh của riêng mình.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!