Suy nghĩ (1) - Tri thức ẩn và tri thức hiện, cái nào sẽ mang lại thành công?

Suy nghĩ (1) - Tri thức ẩn và tri thức hiện, cái nào sẽ mang lại thành công?
Photo by Kenny Eliason / Unsplash

Trong CÔNG THỨC TƯ DUY  5 bước để có sự hiểu biết (Đọc, Lắng nghe, Thảo luận, Quan sát, Suy nghĩ) thì Suy nghĩ không hề tách biệt với các bước còn lại mà mỗi một bước đều có Suy nghĩ đi song hành. Bởi làm sao ta có thể thu nhận được kiến thức gì khi Đọc, khi Quan sát mà không có Suy nghĩ đi kèm.

Suy nghĩ hướng dẫn hành động. Suy nghĩ là yếu tố cốt lõi và xuyên suốt trong quá trình tìm kiếm sự hiểu biết. Đọc - Quan sát - Suy nghĩ phải được ưu tiên trước hết và lặp lại thường xuyên, liên tục mỗi ngày. Phải đến khi có được sự hiểu biết nhất định chúng ta mới có thể làm 2 bước tiếp theo: Lắng nghe và Thảo luận một cách có hiệu quả.

Khi Đọc sách và Quan sát, có lẽ chúng ta đều biết rằng luôn có những kiến thức ẩn chứa đằng sau một cuốn sách, một sự vật, một hiện tượng. Đặc biệt trong thế giới kinh doanh chứa đựng vô vàn kiến thức ẩn, đó là những bí mật kinh doanh. Để có thể thấy được, cảm nhận được và hiểu được những kiến thức ấy, bắt buộc phải ta phải dùng đến Suy nghĩ.

Tri thức ẩn trong thế giới kinh doanh

Trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta thường có tương ớt Chin-su, đồ uống như Coca-Cola, Pepsi, đồ ăn nhanh KFC, ... Vậy cách người ta đã tạo ra các sản phẩm này như thế nào? Chúng ta có thể tìm thấy kiến thức này ở đâu?

Công thức pha chế Coca-Cola đã được giữ bí mật từ lúc loại nước uống này ra đời cho đến nay. Một thứ thức uống tưởng chừng đơn giản nhưng lại không hề đơn giản như chúng ta nghĩ. Một sản phẩm có tính cạnh tranh đặc biệt luôn bao gồm 2 loại kiến thức: (1) Tri thức thấy được; (2) Tri thức ẩn (bí mật)

Tri thức ẩn vô cùng quan trọng trong thế giới kinh doanh, nó quyết định tính sống còn của doanh nghiệp, bởi nếu ai cũng có thể bắt chước được thì sự cạnh tranh sẽ là rất lớn và cuối cùng doanh nghiệp có thể phá sản. Nhưng nếu nắm được tri thức ẩn, sử dụng chúng để tạo ra sản phẩm ta sẽ chiếm được thị trường, có ưu thế cạnh tranh rất lớn và phát triển trong một thời gian dài.

Nhưng tri thức này sẽ bị giấu kín, chúng ta không thể tìm thấy được nó từ bất cứ nguồn công khai nào. Bởi vậy, chúng ta có thể dùng đến Suy nghĩ để suy luận rằng:

  1. Những tri thức trong sách đều không phải là Tri thức ẩn
  2. Những tri thức được giảng dạy ở trường đều không phải là Tri thức ẩn
  3. Những tri thức có thể tìm kiếm trên Internet đều không phải là Tri thức ẩn

Những kiến thức được chia sẻ công khai thì các lợi thế kinh doanh của nó yếu hoặc không còn. Đó là lý do tại sao khi chúng ta áp dụng những kiến thức công khai vào kinh doanh thường là thất bại.

Tri thức ẩn bắt nguồn từ thực tiễn

Những bí mật hay bí quyết trong kinh doanh được đúc rút từ sự tìm tòi, đúc rút tinh hoa từ kinh nghiệm nhiều năm qua vô vàn thử nghiệm và thất bại. Tri thức ẩn không được tiết lộ bất cứ đâu, nó được giữ bí mật tuyệt đối để ngăn chặn sự rò rỉ tri thức cốt lõi. Điều này diễn ra điển hình trong lĩnh vực kinh doanh, quân sự.

Những người sở hữu bí quyết ấy không đăng ký bằng sáng chế. Từ hàng trăm năm trước họ đã nghĩ về điều này. Điển hình như Henry Bessemer một trong những nhà phát minh vĩ đại người Đức. Vào những năm 183 ông vô tình biết được rằng, những bức tranh được ưa chuộng nhất, đắt tiền thời đó được trang trí bằng bột vàng. Bột vàng này rất đắt tiền.

Ông tò mò liền mua một hộp bột vàng mang về nhà kiểm tra và phát hiện ra rằng chúng chẳng hề có chứa chút vàng nào, tất cả đều là bột đồng. Nguyên liệu từ đồng được xử lý thông qua một quy trình công nghệ đặc biệt để tạo ra các hạt rất mịn. Bột này phủ lên những bức tranh khiến người xem có cảm giác đó là bột vàng. Nó được sử dụng rất phổ biến trong những bức tranh cũng như trong kiến trúc Châu Âu thời bấy giờ.

Tại sao "bột vàng" này lại đắt đến thế? Nguyên nhân là do nó không hề dễ làm, không phải ai cũng sản xuất được. Toàn bộ mặt hàng này chỉ được sản xuất duy nhất ở vùng Nuremberg, nước Đức.

Sau khi biết được, Bessemer đã làm 2 việc:
Đầu tiên, ông đến thư viện để tìm kiếm tư liệu, giở một cuốn sách rất dày về nghề thủ công ra, bên trong ông tìm thấy "phương pháp làm bột vàng" từ đồng, hoàn toàn thủ công, rất cầu kỳ và tốn rất nhiều thời gian.

Thứ hai, ông tự hỏi liệu có thể cải tiến phương pháp thủ công này không, bởi nó mất quá nhiều thời gian lại không hiệu quả dẫn đến giá thành rất cao.

Rồi ông cũng quyết định thiết kế một dây chuyền sản xuất sử dụng máy móc để sản xuất. Sau mấy tháng thử nghiệm, Bessemer sử dụng động cơ hơi nước tạo nhiệt lượng, cải tạo các thiết bị gia công kim loại hiện có và cuối cùng tạo ra được dây truyền sản xuất "bột vàng".

Bessemer nhận thấy phát minh mới này có thể mang lại cho mình một khoản tiền lớn, nên ông đã giữ bí mật tuyệt đối về nó bằng cách:

  • Không đăng ký bằng sáng chế.
  • Thay vì đặt hàng làm một thiết bị gia công kim loại hoàn chỉnh từ nhà sản xuất, ông mua linh kiện rồi tự mình lắp rắp, khiến không ai có thể biết ông làm như thế nào.
  • Xưởng sản xuất chỉ có một lối vào, không có cửa sổ, thiết bị được bố trí trong 3 gian phòng riêng biệt, trên tường có đục lỗ để kết nối các thiết bị, khiến toàn bộ xưởng trông giống như một "hộp đen".
  • Toàn bộ dây chuyền sản xuất được vận hành tự động để giảm thiểu số lượng nhân công, giảm khả năng rò rỉ thông tin ra ngoài.
  • Những người biết toàn bộ thông tin về quy trình và thiết bị là Bessemer và 3 người thân đáng tin cậy.

Bằng cách này, ông đã giữ bí mật quy trình sản xuất bột vàng suốt 40 năm. Nó đã mang lại cho ông rất nhiều tiền.

Nhưng lòng ham mê phát minh của ông khiến ông không hài lòng với những gì đang có, ông tiếp tục tạo ra các phát minh khác. Trong những phát minh đó có thể kể đến phát minh quan trọng nhất chính là "phương pháp luyện lò thép chuyển đổi". Phương pháp luyện thép sau này được đặt theo tên ông, đây là phương pháp luyện thép quy mô lớn đầu tiên, mở ra một thời kỳ luyện thép mới.

Tổng cộng, ông nhận được 114 bằng sáng chế và rất nhiều trong số đó mang về cho ông nguồn lợi nhuận lớn. Ông trở thành vua của những nhà sáng chế hàng đầu Châu Âu thế kỷ 19 và cũng là hình mẫu làm giàu nhờ trí óc.

Vậy tri thức nào là quan trọng?

Chúng ta luôn nghĩ rằng phàm những gì được viết trong sách và dạy ở trường là tri thức. Nhưng ta đã lầm, và đó chính là lý do đa phần chúng ta đi học ở trường, đọc sách thường sẽ đi làm thuê cho người khác. Những kiến thức trong sách vở rất hiếm khi hữu dụng nếu ta không nghiên cứu để áp dụng nó vào thực tiễn.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận kiến thức trong sách vở, tuy nó rất quan trọng nhưng lại chưa đủ. Để nó hữu dụng thì vẫn phải kết hợp với những tri thức khác mà bản thân tích luỹ được từ thực tế. Khi vận dụng kết hợp hai kiểu tri thức này, ta mới đạt được mục tiêu mình mong muốn.

Walter Vincenti, chuyên gia kỹ thuật hàng không tại Đại học Standford cho rằng, kiến thức được chia thành 2 loại: (1) Kiến thức mang tính mô tả (descriptive); (2) Kiến thức mang tính quy định (prescriptive).

Kiến thức mang tính mô tả là mô tả sự vật đúng như những gì mà chúng ta thấy, ví dụ là những kiến thức về toán, vật lý, hoá học,... Kiến thức mang tính quy định là những phương pháp hoặc tiêu chuẩn, quy trình để thực hiện một công việc, ví dụ như dây chuyền sản xuất bột vàng của Bessemer.

Để tạo ra một kết quả, ta phải có cả 2 loại kiến thức này. Thế giới ta sống như một trò chơi xếp hình, có rất nhiều hình ghép nhỏ được sắp xếp để tạo ra một hình lớn. Hình lớn lại được sắp xếp để tạo ra hình lớn hơn, lặp lại dường như vô tận. Mỗi một hình ta có thể gọi nó là một mô-đun (module). Có những mô-đun được hình thành bởi kiến thức mô tả và có những mô-đun được hình thành bởi kiến thức quy định. Một số mô-đun có thể nhìn thấy, một số lại bị ẩn đi. Ta cần khéo léo lắp ghép chúng lại theo trí tưởng tượng sáng tạo của mình để tạo ra những gì mình muốn.

Vì vậy, một mặt chúng ta phải nâng cao kiến thức trong sách vở, quan sát. Mặt khác lại phải dùng suy nghĩ, tư duy mày mò tìm kiếm những kiến thức ẩn, vô hình không thể thấy. Chúng ta phải học cách khám phá tìm tòi trong lĩnh vực mình đã chọn, rồi nắm vững cả 2 loại kiến thức. Sau đó chúng ta mới có thể tạo ra tri thức ẩn của riêng mình, nếu làm được điều này thì việc làm giàu đã ở trong tầm tay.

Suy nghĩ về cấp độ để hiểu rõ những hệ thống phức tạp

Dây chuyền sản xuất bột vàng của Bessemer được gọi là những hệ thống phức tạp. Nó được cấu thành từ rất nhiều bộ phận khác nhau: động cơ hơi nước, máy gia công kim loại, và công thức chế biến bột vàng mà chúng ta không biết. Mỗi một bộ phận có thể gọi là một module. Mỗi một module lại được cấu thành từ những module nhỏ hơn. Cứ như vậy gồm nhiều tầng, nhiều lớp khác nhau. Mỗi một tầng, một lớp lại chứa đựng những kiến thức khác nhau.

Để đơn giản hoá, chúng ta hãy tưởng tượng bất kỳ lĩnh vực chuyên môn nào như một cái cây lớn, bao gồm:

  • Rễ cây là những kiến thức cơ bản, nền tảng mang tính lý luận.
  • Thân cây là những kiến thức cốt lõi, nó lấy kiến thức lý luận từ rễ sau đó tiếp tục phát triển dựa trên nhu cầu thực tiễn.
  • Tán cây, rất lớn tượng trưng cho các sản phẩm muôn hình muôn vẻ, mỗi sản phẩm có nét đặc sắc riêng nhưng bản chất là như nhau.

Bây giờ nếu phân chia cái cây lớn thành cấp bậc (tầng) để đánh giá thì ta có thể coi Rễ cây là một tầng, Thân cây là một tầng, Cành to là một tầng, Cành nhỏ là một tầng, Lá là một tầng. Thông thường, chúng ta chỉ để ý đến tầng dưới cùng (Rễ hay Lý thuyết) và tầng trên cùng (Lá hay Sản phẩm). Nhưng bỏ qua tầng giữa (Thân, Cành) là tầng kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn để tạo ra kết quả cuối cùng. Đây mới là tầng cần đặc biệt chú ý.

Bởi vậy một kỹ năng học hỏi rất quan trọng là tìm ra tầng đóng vai trò trung gian hay bị bỏ qua (không được để ý đến) và sau đó nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Bởi vì đây mới là kiến thức giúp ta kiếm được tiền.

Ví dụ, nhìn một chiếc xe đạp, ta có lẽ đều biết rằng về nguyên tắc chuyển động của chiếc xe đạp là dựa trên nguyên lý đòn bẩy (Rễ cây) và thấy bản thân chiếc xe đạp nó có màu sắc như nào, nhẹ hay nặng, thiết kế ra sao (Lá cây). Nhưng chúng ta thường không hiểu cách áp dụng nguyên lý đòn bẩy như thế nào và những bộ phận nào hoạt động dựa trên nguyên lý đòn bẩy (Tầng giữa). Để nắm rõ được chiếc xe đạp vận hành như nào, rồi tiếp đến có thể sản xuất được thì chúng ta cần chú ý đến Tầng giữa và nắm chắc nó một cách kỹ lưỡng. Đó chính là lúc chúng ta cần dùng đến Suy nghĩ hay Tư duy mới có thể làm được.

Suy nghĩ liên tục để tìm ra được nguyên tắc, phương pháp cốt lõi, sau đó tìm cách làm chủ và rồi tiếp đến là tạo ra bí quyết cho riêng mình, chính là cách mà chúng ta có thể sử dụng kiếm tiền.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!