Suy nghĩ (2) - Phải học thứ có giá trị nhất

Suy nghĩ (2) - Phải học thứ có giá trị nhất
Photo by Belinda Fewings / Unsplash

Tại sao nói kiến thức Tầng giữa, đóng vai trò kết nối giữa kiến thức lý thuyết cơ bản với thực tiễn để tạo ra sản phẩm thường bị bỏ qua? Bởi đơn giản, nó là kiến phức tạp nhất. Chúng ta vừa phải hiểu kiến thức cơ bản lại phải kết hợp với kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm. Và chỉ có dùng Suy nghĩ hay Tư duy thì chúng ta mới có thể làm được điều này.

Kiến thức học ở sách vở, kiến thức học nhờ quan sát là những kiến thức rời rạc. Nếu không biết làm sao để liên kết những mảnh kiến thức này với nhau và với thực tiễn, với vấn đề cần giải quyết thì dẫu ta có học được một kho kiến thức cũng hoàn toàn vô ích. Chúng ta chưa từng biết ai có thể trở thành một nhà phát minh, nhà khoa học, nhà văn,... chỉ bằng việc đọc sách, đọc bách khoa toàn thư.

Nhưng liên kết không đơn giản chỉ là lồng ghép, đan xen những thứ đơn lẻ vào với nhau, mà sự liên kết phải tạo ra được hiệu ứng "đòn bẩy", nghĩa là nó phải tạo ra một giá trị khác biệt.

Để đơn giản, hãy tưởng tượng như thế này, chúng ta có những nguyên liệu sau: bánh phở, thịt bò, xương, gia vị. Khi chúng được đặt cạnh nhau thì chúng vẫn chỉ là những thứ y nguyên như vậy, không có khác biệt gì. Nhưng kết hợp bánh phở, thịt bò với nước hầm xương cùng hành, tỏi, ớt, gia vị, rau thơm thì ta sẽ có một món: Phở.

Nhưng chúng ta cũng biết rằng có nhà hàng làm phở rất ngon, nhưng có nhà lại làm không ngon. Vậy điều gì tạo ra sự khác biệt giữa bát phở ngon và không ngon? Đó chính là nồi nước hầm xương. Nước hầm xương nóng hổi, ngọt, thơm mới chính là thứ liên kết tất cả những nguyên liệu tươi ngon khác tạo thành bát phở mà vạn người mê.

Ngoài ra, một nồi nước xương hầm nóng hổi, ngọt, thơm không chỉ làm ra được món phở ngon mà còn làm ra rất nhiều món khác cũng ngon không kém như: bún, bánh đa, mì tôm bò, bò trần giá đỗ, ...

Nồi nước hầm xương thật sự là thứ rất "bá đạo", một thứ nước có thể nói là "vạn năng", chỉ từ một nồi nước dùng có thể làm ra nhiều món khác nhau. Nước dùng là thành phần chính hay nó chính là module tần suất cao, quan trọng nhất trong các món ngon truyền thống của chúng ta. Vì vậy, để có thể nấu được món phở ngon ta biết rằng bằng mọi giá mình cần phải học được cách làm ra một nồi nước hầm xương đạt tiêu chuẩn.

Tương tự như vậy, để học cách tạo ra các sản phẩm xuất sắc có sức cạnh tranh trên thị trường, chúng ta cần tìm ra module giá trị nhất, được sử dụng nhiều nhất. Đây chính là vấn đề mà chúng ta cần suy nghĩ trong qúa trình học tập để vươn lên.

Phương pháp tìm hiểu một hệ thống

Để tìm ra các module tần suất cao trong một lĩnh vực nào đó, ta cần chia lĩnh vực đó thành nhiều cấp bậc khác nhau. Sau đó xem xét nó theo hai hướng: (1) Từ trên xuống; (2) từ dưới lên.

(1) Từ trên xuống: là bắt đầu từ một hệ thống hoàn chỉnh. Sau đó phân tách ra thành hệ thống con, rồi lại tiếp tục chia nhỏ để tìm ra một số module tần suất cao.

(2) Từ dưới lên: là bắt đầu nghiên cứu từ các nguyên tố cơ bản của cấp độ thấp nhất trong hệ thống, cân nhắc xem những nguyên tố này có thể kết hợp như thế nào, hình thành module ra sao. Rồi module này kết hợp với module khác tạo thành hệ thống con, hệ thống con kết hợp với hệ thống con khác tạo thành hệ thống lớn. Cứ như vậy cho đến khi hoàn thành một hệ thống hoàn chỉnh.

(1) Từ trên xuống là cách học áp dụng cho người đi sau, học lại cách làm của người đi trước. (2) Từ dưới lên là cách làm sáng tạo, cách làm tạo ra những thứ mới mẻ, người tiên phong.

Chúng ta lúc mới học hỏi là người đi sau, vậy hướng học hỏi phù hợp là cách (1) Từ trên xuống. Ban đầu, chúng ta đi theo hướng đơn giản, tiến hành nghiên cứu những hệ thống hoặc sản phẩm hoàn chỉnh, bắt đầu từ những thứ quen thuộc. Sau đó, tách rời những hệ thống đó ra để tìm kiếm những module giá trị nhất. Đây là mục tiêu ngắn hạn.

Sau khi chúng ta đã làm chủ được hệ thống có sẵn, lúc đó ta cần thử nghiệm cách làm khác, tiếp cận cách (2) Từ dưới lên để sáng tạo ra liên kết mới. Đây là mục tiêu dài hạn.

Cũng giống như một người chơi cờ, có hàng ngàn thế cờ mà những danh thủ khác đã nghĩ ra, ta cần phải học hỏi những thế cờ đó mới có thể trở thành người chơi giỏi, sau đó mới kết hợp với sáng tạo của bản thân để có những nước cờ đặc sắc của riêng mình. Nếu không tiếp cận theo hướng đó thì sao một người có thể trở thành cao thủ đánh cờ?

Cách tìm ra "module tần suất cao" trong một hệ thống

Vấn đề tiếp theo là nếu muốn sử dụng phương pháp tiếp cận (1) Từ trên xuống, thì phải làm cách nào?

Chuyện FPT xuất khẩu phần mềm
Khi FPT tìm hướng xuất khẩu phần mềm với việc FPT Software được thành lập năm 1999, Trương Gia Bình và Nguyễn Thành Nam đã quyết định sang Ấn Độ để học hỏi cách làm. Thời điểm đó Ấn Độ đứng số 1 thế giới về gia công xuất khẩu phần mềm. Trong hành trình đó, khi gặp gỡ những công ty hàng đầu về xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ, đi đến đâu cũng nghe họ nói đến CMM. Ông Bình liền hỏi ông Nam, là người phụ trách chính: "Chú có biết CMM là cái gì không?". Ông Nam cũng không có câu trả lời.

Tuy cả hai ông không biết CMM là gì, nhưng nó được nhắc đi nhắc lại nhiều như vậy, nên Bình mới bảo Nam: "Nếu nhắc đến nhiều như vậy thì chắc nó là thứ rất quan trọng, cần phải nghiên cứu".

Khi trở về, FPT Software bắt tay ngay vào việc nghiên cứu CMM và nó là một trong những nguyên tố nền tảng tạo nên thành công về xuất khẩu phần mềm của FPT ngày nay. Nhân tiện, CMM là Capability Maturity Model, một mô hình chuẩn chất lượng quốc tế về quy trình phát triển phần mềm lúc bấy giờ.

Hãy xem một câu chuyện khác
Hôm ấy tại viện kiến trúc quốc gia Mexico, Ricardo Legorreta, một sinh viên kiến trúc, có cơ hội hiếm hoi gặp được bậc thầy người Đức, Gropius. Ricardo liền mạnh dạn đặt câu hỏi: "Phương pháp tốt nhất để học thật giỏi kiến trúc là gì?". Chàng sinh viên Ricardo ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời đơn giản ngoài sức tưởng tượng: "Đi càng nhiều càng tốt".

Câu trả lời có vẻ không đáng tin cho lắm. Nhưng những lời của thần tượng như là lời thần thánh với chàng trai trẻ. Anh làm theo lời khuyên. Anh cần mẫn tiết kiệm tiền sau đó dành thời gian đi du lịch khắp nơi. Đầu tiên Ricardo đi du lịch khắp Mexico, rồi tiếp đến các nước khác trên thế giới.

Đúng là không ngờ được, sau nhiều năm nỗ lực làm việc, chàng trai trẻ vô danh ngày nào giờ đã thực sự trở thành một kiến trúc sư có tiếng tăm, là nhân vật đại diện cho giới kiến trúc sư Mexico. Những công trình kiến trúc của anh rất đặc sắc là sự kết hợp độc đáo giữa văn hoá đặc trưng của Mexico và phong cách kiến trúc hiện đại.

Vậy rốt cuộc chàng trai Recardo đã học được gì khi đi du lịch và tại sao lại hiệu quả hơn ở trường? Câu trả lời nằm ở 2 khía cạnh: một là học rộng; hai là học sâu. Nhiều khái niệm và phương pháp được giảng dạy ở trường nhưng nó là không đủ. Thông thường, các ví dụ minh hoạ trong buổi học chỉ sử dụng hình ảnh phẳng (thời đó chưa có công nghệ 3D) hoặc mô hình khá đơn giản và số lượng ví dụ là ít ỏi vì thời lượng có hạn. Và những hình ảnh đó không phản ánh đúng thực tế, chỉ thể hiện được một phần nhỏ của cả một khối kiến trúc đồ sộ.

Hãy nghe Ricardo nói: "Cách thực sự để đánh giá một toà kiến trúc là trực tiếp đi vào bên trong, tự mình khảo sát về nó. Các giáo sư và nền giáo dục tại trường học đã cho tôi biết kiến trúc là gì, nhưng những lý thuyết ở trường không truyền cảm hứng cho tôi. Tôi phải tự tìm kiếm nhận thức cho riêng mình để hiểu cặn kẽ khái niệm thiết kế. Tất cả những khái niệm của tôi về hình dáng, màu sắc, tỉ lệ, ... mọi kiến thức cần có đều đến từ các thành phố và làng mạc ở Mexico".

Sau khi khảo sát rất nhiều công trình, một kiến trúc sư có thể tiếp thu được rất nhiều thông tin đa dạng. Mỗi người sẽ có cách nhìn nhận khác nhau nhưng dù thế nào việc tìm được module tần suất cao chắc chắn là một điều đặc biệt quan trọng.

Kiến trúc sư Kenichi người Nhật đã nghiên cứu một cách có hệ thống các tác phẩm của Le Corbusier cũng như những kiến trúc được coi là đỉnh cao của thế kỷ 20, sau đó tóm tắt chúng thành 9 nguyên mẫu. Những nguyên mẫu này chính là những module tần suất cao, nó được nhiều người bắt chước mô phỏng theo.

Như vậy, chúng ta cảm nhận rằng có 2 bước chính để khám phá ra được "module tần suất cao":

Đầu tiên hãy để bản thân "chìm đắm" trong nhiều tài liệu mẫu. Thứ hai, thông qua quan sát đa dạng và nhiều cấp độ, sau đó tìm kiếm các cấu trúc con trùng lặp trong tài liệu mẫu.

Tại sao chúng ta phải làm điều này? Nếu nghiên cứu một thứ gì đó với số lượng nhỏ, ta không thể khẳng định được kết qủa tìm thấy là chính xác. Sự tích luỹ nhẫn nại là không thể thiếu. Khi số lượng nghiên cứu và kinh nghiệm đã đạt đến mức độ nhất định, ta sẽ tự nhiên sẽ khám phá ra các module chính yếu, quan trọng nhất.

Tất nhiên quá trình này không nhất thiết phải diễn ra một cách có chủ ý, mà nó có thể là một loại phản ứng của trực giác, là kết quả của hoạt động của tiềm thức.

Bản chất của thế giới thực là tổ hợp của vô vàn các mối liên hệ giữa con người với vạn vật. Tài năng của một người thể hiện qua việc anh ta phát hiện được bao nhiêu quan hệ chính yếu, mang tính quyết định cho kết quả cuối cùng.

Mở rộng sang các module khác

Dù chúng ta đã biết rõ về tầm quan trọng của module tần suất cao nhưng để hoàn toàn làm chủ một hệ thống thì không thể bỏ qua các module khác. Tuy vậy, ta ưu tiên trước nhất là nắm rõ các module tần suất cao, sau đó mở rộng ra các module khác. Khi mở rộng ra nắm rõ các module khác, ta còn có thể khám phá ra được nhiều cách kết hợp khác nhau để tạo ra nhiều thứ mới lạ khác.

Tối ưu hoá module tần suất cao của bản thân

Từ những câu chuyện, ví dụ minh hoạ, chúng ta đã thấy rằng module tần suất cao có giá trị rất lớn. Từ cảm hứng đó, ở phạm vi cá nhân ta cũng nhận ra rằng mỗi chúng ta trong công việc hàng ngày cũng có module tần suất cao của mình.

Làm sao để biết được công việc nào là module tần suất cao? Thường là những hoạt động mà chúng ta dành nhiều thời gian nhất, tạo ra nhiều giá trị nhất để làm mỗi ngày chính là module tần suất cao. Chúng ta đã bao giờ nghĩ đến việc thử kiểm tra module tần suất cao của mình để xem liệu có thể cải tiến nó hoặc thay thế nó bằng module khác tốt hơn không?

Về cơ bản cuộc sống và công việc hàng ngày của các chuyên gia diễn ra đều đặn. Họ thường làm việc vô cùng tập trung trong một khoảng thời gian nhất định. Tuỳ vào nhịp sinh học mà có người thích làm việc vào sáng sớm, có người thích làm việc vào ban đêm. Nhưng cho dù vào lúc nào thì họ vẫn đảm bảo làm việc tập trung tối thiểu trong 3-4 giờ mỗi ngày, nhiều nhất là hơn 10 giờ.

Thói quen làm việc liên tục và tập trung cao độ là thứ còn thiếu ở những người bình thường. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi internet, mạng xã hội, các trò giải trí đa dạng, chưa kể là những cuộc điện thoại liên tục chào mời mua hàng.

Chúng ta muốn trở thành chuyên gia, những bậc thầy thì nhất thiết cần phải học hỏi cách làm của các chuyên gia. Dùng thời gian, sự tập trung, trau dồi kiến thức để cải thiện bản thân. Ngày nào cũng như ngày nào, kiên trì làm việc thì sau 2, 3 năm thành quả mà ta đạt được sẽ cực kỳ đáng kể.

Chúng ta không cần phải nâng cấp toàn bộ các module, mà cần thiết nhất là nâng cấp module tần suất cao. Cũng không phải đặt cho mình một tiêu chuẩn quá cao hoặc quá khó, như việc phải tận dụng từng giờ từng phút trong ngày. Làm như vậy mang lại hiệu ứng ngược khiến ta nản lòng.

Hãy dành 2 giờ mỗi ngày tập trung hoàn toàn vào làm việc ở module tần suất cao, kiên trì mỗi ngày không thay đổi, nếu có điều gì phát sinh cũng chỉ là nhất thời. Nếu có thể đảm bảo như vậy, chắc chắn một điều rằng ta có thể làm được những điều đáng kể.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!