Suy nghĩ (3) - Phương pháp giải quyết vấn đề hiệu quả

Suy nghĩ (3) - Phương pháp giải quyết vấn đề hiệu quả
Photo by Olav Ahrens Røtne / Unsplash

Chúng ta có muốn mình tư duy một cách tinh vi hơn? Có muốn tìm hiểu xem tại sao một số việc xảy ra có vẻ ngẫu nhiên nhưng một số khác dường như lại theo quy luật? Có muốn trở nên năng suất hơn bằng việc tìm kiếm những cách làm đỡ tốn thời gian hay công sức? Có muốn cải thiện các mối quan hệ bằng cách thấu hiểu nguồn cơn các cuộc tranh cãi không?

Những câu hỏi có vẻ thừa thãi vì đương nhiên ai cũng muốn đạt được điều này trong cuộc sống của mình. Nhưng đa số chúng ta không có câu trả lời.

Chúng ta có thể đạt được những điều này bằng cách luyện tập cho suy nghĩ của mình sắc bén hơn, tinh vi hơn hay sáng suốt hơn. Khi luyện tập cho trí não của mình, mọi thứ sẽ dần dần sáng tỏ. Điều cốt yếu là cần có thời gian luyện tập để đạt được điều đó.

Quá trình này không hề khó và nhưng chắc chắn là mất thời gian mà đôi khi khiến nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó mà kiên nhẫn được. Bởi một điều rằng, con người về mặt bản chất chỉ nhìn thấy những gì hiển hiện trước mắt. Chúng ta thường muốn kết quả trong thời gian ngắn.

Luyện tập cho suy nghĩ của ta sáng suốt hơn cần một khoảng thời gian không thể định trước, đó là trở ngại lớn nhất. Và vì lý do này mà chúng ta thường nghĩ về thời gian như là một kẻ thù chứ không phải là đồng minh. Làm sao để đảo ngược suy nghĩ này để biến thời gian thành đồng minh?

Hãy nhớ rằng, thời gian thực ra là một thứ không có thật, nó là sự sáng tạo của con người. Nó chỉ là hệ quả của việc con người muốn có một thước đo để đánh dấu sự thay đổi của vạn vật xung quanh ta mà thôi.

Để có thể biến thời gian thành đồng minh, ta nên tập trung vào mục tiêu và hành động của mình, vì hành động cùng với thời gian rèn luyện mới khiến chúng ta trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Suy nghĩ, hành động, thời gian và kết quả sẽ nói lên chúng ta là ai.

Vậy chúng ta tập trung vào để suy nghĩ cho sáng suốt, hành động cho hiệu quả. Sự hiệu quả khiến cho thời gian sẽ là bạn đồng hành chứ không phải là kẻ huỷ diệt. Bởi vì ta không còn phải dằn vặt mình với những câu hỏi vô nghĩa: "Sao đến bây giờ ta vẫn chưa làm được gì, ta chưa thành công?", "Sao thời gian trôi nhanh thế nhỉ, chưa làm được gì mà đã già mất rồi?", "Ta còn bao nhiêu thời gian nữa để cố gắng?".

Tập trung vào suy nghĩ và hành động hiệu quả, đó là bước đầu tiên trên con đường tìm kiếm sự sáng suốt. Sự sống là một cuộc cạnh tranh sinh tồn mà ở đó kẻ yếu, thường là những kẻ suy nghĩ thiếu sáng suốt, là những kẻ sẽ bị đào thải, đó là quy luật phát triển của Tự nhiên.

Để thay đổi, hãy suy nghĩ về toàn bộ cuộc sống của chúng ta như thế này: mọi thứ xoay quanh ta là một hệ thống tổng hoà của những thứ vô hình và hữu hình, kết nối và tương tác với nhau. Đầu tiên, ta có những mảnh ghép hữu hình: cơ thể, ngôi nhà, chiếc xe, quần áo, điện thoại, sách vở,... Sau đó, ta sẽ thêm vào những mảnh ghép là những thứ vô hình: suy nghĩ, ý tưởng, niềm tin và các giá trị – mọi thứ mà ta xác định bằng cảm giác và khiến ta là chính mình. Cuối cùng, kết hợp với những thứ khác mà ta không thể kiểm soát hoàn toàn như các mối quan hệ, sức khoẻ, chính trị hay tài chính.

Một khi đã tưởng tượng toàn bộ cuộc sống, chúng ta có thể bắt đầu phân tích nó. Điều tuyệt vời là giờ đây ta đã nhận biết rõ hơn những thứ đang ảnh hưởng tới cuộc sống của chính mình. Vậy làm thế nào để ta cải thiện, làm sao để có những thay đổi tích cực cho cuộc sống của mình?

Khi mà chúng ta nhìn thẳng vào vấn đề dựa trên việc tư duy theo hệ thống, chúng ta quan sát mọi thứ một cách tổng thể, kết nối với nhau thay vì rời rạc và đơn lẻ thì ta thấy rằng mỗi một vấn đề lại có một cách giải quyết khác nhau. Khi ta nhìn tổng thể, ta biết được vấn đề nào là quan trọng, vấn đề nào cần ưu tiên, sau đó ta sẽ tận dụng các công cụ phù hợp để giải quyết chúng một cách hiệu quả. Công cụ đó là các phương pháp tư duy.

Cách thức nhận diện vấn đề để áp dụng các loại tư duy phù hợp sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các vấn đề. Có rất nhiều loại tư duy, và không loại nào tốt hơn loại nào. Chúng đều hữu ích trong các trường hợp cụ thể khác nhau. Ở đây chúng ta sẽ xem xét tổng quan về từng loại tư duy rất hữu ích này.

1 - Tư duy tuyến tính (tham khảo thêm Tư duy chuỗi logic)
Loại tư duy này tin rằng một nguyên nhân sẽ có một kết quả. Nó cho ta biết rằng, có nguyên nhân và có kết quả, có vấn đề và có giải pháp, có khởi đầu và có kết thúc. Mô hình tư duy này tìm kiếm một kết nối đơn giản 1-1 theo một đường thẳng hay tuyến tính.

Điển hình cho loại tư duy  này là phương pháp tư duy 5WHY, 5SO. Nó khá hữu ích trong việc giải quyết những khó khăn cụ thể. Ví dụ: chiếc ĐTDĐ bị tắt nguồn (kết quả) bởi vì máy hết pin (nguyên nhân). Nếu ta cắm sạc pin lại, máy sẽ hoạt động trở lại.

2 - Tư duy đa chiều
Nó liên quan nhiều đến tư duy sáng tạo hơn là dựa vào cách tiếp cận truyền thống của tư duy logic. Nó hướng đến việc tạo ra các sáng kiến mới, cải tiến theo cách mà ta có thể dễ dàng lặp lại theo thời gian. Bản chất của loại tư duy này là khuyến khích mọi ý tưởng ngay cả khi chúng không phù hợp. Điều này có thể làm tốn thời gian hoặc khiến quy trình giải quyết vấn đề đi sai hướng. Nhưng nó khiến những ý tưởng sáng tạo đâm chồi.

Cuộc sống là sự phát triển, tiến lên chứ không phải sự hài lòng với những gì đã có. Tư duy này đề cao chấp nhận cái sai để cuối cùng có cái đúng thay vì từng bước đi phải đúng ngay từ đầu như Tư duy tuyến tính.

3 - Tư duy phản biện
Nó liên quan đến việc phân tích sự kiện một cách khách quan để đạt được đánh giá chính xác. Nó đòi hỏi ta phải có tư duy độc lập để vượt qua mọi thành kiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả nhận thức bản thân. Tư duy này hiệu quả khi ta cố gắng tìm ra kết nối logic giữa các sự kiện, ý tưởng.

Tư duy này không chấp nhận những thứ thông qua bề mặt, nó đào sâu hơn để chắc chắn rằng phải có dẫn chứng sau mỗi thông tin được đưa ra trước khi chấp nhận thông tin là đúng. Nó vô cùng có lợi khi cách tiếp cận có hệ thống giúp giải quyết các vấn đề thiết thực. Sự hoài nghi lành mạnh và đặt câu hỏi về quan điểm là một kỹ năng sống quan trọng, miễn là hoài nghi và các câu hỏi được sử dụng với một lý do chính đáng.

4 - Tư duy hoán vị
Tư duy hoán vị dùng để chỉ việc chúng ta đánh giá về cách nghĩ và cảm nhận của người khác, đồng thời dùng nó làm cơ sở cho sự phát triển suy luận và hành động của bản thân. Khi ta hiểu được người khác nghĩ gì, vì sao người ta lại nảy sinh lối suy nghĩ như vậy, ta sẽ đạt được kết quả mà tư duy hoán vị mang lại.

Hiểu lãnh đạo muốn gì, hiểu cộng sự muốn gì, hiểu khách hàng muốn gì,... sẽ khiến ta có cách để đáp ứng mong muốn và mang lại lợi ích cho bản thân và cho người khác. Ví dụ điển hình cho tư duy hoán vị là phương pháp: 6 chiếc mũ tư duy.

5 - Tư duy trực quan
Thực ra đây là phương pháp hỗ trợ để tư duy. Nó được dùng để hiển thị tất cả các loại thông tin cần thiết, quan trọng trên một mặt phẳng nào đó như: giấy, bảng, màn hình máy tính,... Phương pháp này xuất phát từ nhược điểm "dung lượng lưu trữ thấp" của não bộ, cho nên muốn tư duy được nhanh, phân loại, đánh giá chính xác chúng ta cần hình ảnh để hỗ trợ cho suy nghĩ. Việc này khiến tư duy của chúng ta trở nên rõ ràng, khả năng suy xét chính xác, nhanh chóng và kịp thời hơn. Ví dụ điển hình là Ma trận Eisenhower, Ma trận Ansoff, Dashboard...

6 - Tư duy sinh thái (tham khảo thêm Tư duy sinh thái )
Nguyên lý cơ bản nhất của Tư duy sinh thái là xem xét xu thế thay đổi của một cá thể đơn lẻ theo tác động của môi trường xung quanh để tìm ra những quy luật phức tạp. Hệ sinh thái là từ dùng để mô tả phạm vi rộng hơn "môi trường". Từ này có nguồn gốc từ Sinh vật học, nó để chỉ trạng thái của sinh vật trong môi trường tự nhiên và mối quan hệ giữa sinh vật với nhau, giữa sinh vật với môi trường.

Vì các cá thể trong hệ sinh thái có liên hệ mật thiết với nhau cho nên xu hướng phát triển, trạng thái biến đổi hoặc các lựa chọn mỗi cá thể không hề ngẫu nhiên và cũng không độc lập hoàn toàn mà nó bị tác động bởi hệ sinh thái. Ví dụ điển hình là Mô hình Đào vàng, hay các  mô hình công ty công nghệ hiện nay đang áp dụng như Apple, Google, Facebook, Microsoft.

7 - Tư duy hệ thống
Là loại tư duy để nghiên cứu và phân tích các hệ thống. Hệ thống là nhóm các phần tử được liên kết với nhau và thể hiện những mẫu hành vi riêng của chúng thông qua thời gian để hướng tới một mục đích hoặc chức năng chung. Tư duy hệ thống là cách nhìn toàn diện.  Nó là một cách để suy nghĩ, một ngôn ngữ để mô tả và hiểu biết về các phần tử và mối quan hệ tương tác giữa chúng qua đó hình thành nên hành vi của hệ thống.

Tư duy hệ thống là một sự chuyển đổi mô hình từ những lối tư duy truyền thống mà chúng ta quá quen thuộc và có thể đã quá phụ thuộc trong suốt cuộc đời. Nhưng những tư duy truyền thống không thể giải quyết được vấn đề phức tạp ở cấp độ cao hơn, vĩ mô hơn bởi sự phát triển của thời đại. Vì vậy, tư duy hệ thống sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Tư duy hệ thống là một trường hợp đặc biệt của Tư duy sinh thái. Nó cũng giống tư duy sinh thái là đều nhấn mạnh mối liên kết và tương tác qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cá thể, phần tử. Nhưng nó phức tạp hơn tư duy sinh thái bởi điều quan trọng nhất của hệ thống không phải nguyên nhân-kết quả của từng thành phần trong hệ thống mà là kết quả của hành vi của toàn bộ hệ thống, phản ứng của toàn hệ thống khi nhận được một tác động từ bên ngoài. Một hệ thống có một mục đích và chức năng chung, còn hệ sinh thái thì bao quát rộng lớn hơn và không thể hiện mục đích, chức năng rõ ràng nào.

8 - Tư duy xu thế
Năng lực của cá nhân thật sự rất nhỏ bé so với xu hướng to lớn của xã hội. Chỉ khi ta có thể mượn sức mạnh của xu thế mới có thể giúp chúng ta tiến lên mạnh mẽ. Xu thế của xã hội còn gọi là "thiên thời". Làm thế nào để nhận ra xu thế và tận dụng sức mạnh của nó, đó là Tư duy xu thế. "Ai có thì sẽ được cho thêm, còn ai không có sẽ mất cả những cái đang có" là trích dẫn kinh điển cho tư duy xu thế. Hay "Người giàu sẽ ngày càng giàu, kẻ nghèo sẽ ngày càng nghèo".

9 - Tư duy binh pháp (tham khảo chi tiết tại đây)
"Làm thế nào để tạo dựng năng lực để nắm sự thành bại cho bản thân?" là vấn đề đặt ra cho phương pháp tư duy này. "Thương trường là chiến trường", cuộc sống cũng giống như đánh trận. Tư duy binh pháp giảng giải về các mô hình tư duy: Làm thế nào để né tránh mạo hiểm, nắm bắt cơ hội, nắm quyền chủ động, đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài. Cùng với đó là 2 khái niệm: (1) "Thắng trước khi lâm trận", ngụ ý là không được hành động khi chưa có tính toán, phân tích tỉ mỉ, kỹ càng;  (2) "Thắng lợi có thể dự đoán nhưng không thể đòi hỏi", ngụ ý là đã dám hành động thì cũng phải có khả năng chờ đợi. Phải nắm rõ cái gì có thể làm, cái gì không thể. Khi cơ hội chưa đến thì phải nhẫn nại chờ đợi cho dù là ta cảm thấy mọi thứ dường như không tiến triển gì.

Tổng kết lại, trên đây là 9 loại tư duy phổ biến và hữu dụng cho bất cứ ai muốn học hỏi để tư duy của mình trở nên tinh vi, sâu sắc hơn. Khi suy nghĩ của ta trở nên sáng suốt, chúng ta không cần đặt câu hỏi giá trị của ta nằm ở đâu. Chắc chắn khi đó chúng ta sẽ thoát khỏi cuộc sống tầm thường. Làm chủ cuộc đời mình, tự do, tự tại thay vì một cuộc sống bèo dạt, mây trôi chỉ đảm bảo cho sự "đa dạng sinh học".

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!