Lắng nghe - Nâng bước thành công

Lắng nghe - Nâng bước thành công
Photo by Nick Fewings / Unsplash

Từ xưa tới nay, lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng nhất nhưng cũng khó nhất trong giao tiếp. Tại sao lại khó? Bởi theo lẽ tự nhiên, con người chúng ta thường chỉ ưu tiên, quan tâm đến nhu cầu của bản thân. Khi nghe người khác nói, trong đầu ta sẽ hiện lên những câu hỏi: Điều này có thú vị không? Có tương đồng với quan điểm của ta không? Điều này có liên quan đến ta không? Điều này có lợi ích gì cho ta không? Người đang nói là người nào, có địa vị không, có uy tín không, có thuyết phục không?...

Chúng ta đã xây sẵn những "bộ lọc" trong ý thức và vô thức khiến cho việc lắng nghe trở nên khó khăn hơn nhiều. Bộ lọc này hoạt động mọi lúc, nó bỏ qua những thông tin có vẻ không liên quan, đặc biệt là những thông tin trái với quan điểm của ta, cái mà ta không thích. Mà điều này cũng đúng chứ, đó là cơ chế bảo vệ cho bản thân chúng ta cơ mà. Nghe cũng phải có chọn lọc chứ, nếu không thì chúng ta thành "hố rác" của thiên hạ hay sao?

Đúng vậy, lắng nghe phải có chọn lọc. Nhưng rất nhiều khi "bộ lọc" của chúng ta hoạt động sai, những thứ có ích cho chúng ta nhưng ta lại loại bỏ nó. Điều đáng bàn ở đây là khi lắng nghe làm sao chúng ta thu nhận được nhiều nhất những thứ có giá trị cho sự hiểu biết và thành công của chúng ta.

Lắng nghe được xếp vào nhóm kỹ năng mềm. Để làm việc hiệu quả và sống hiệu quả không thể thiếu kỹ năng mềm vì thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% là do kiến thức chuyên môn và 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm được trang bị.

Trong số các kỹ năng mềm, lắng nghe là kỹ năng tối cần thiết trong giao tiếp để xây dựng mối quan hệ và thu phục lòng người. Đồng thời nó cũng là phương thức hữu hiệu để chúng ta học hỏi, tiếp nhận tri thức, kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống.

1 - Thế nào là nghe và lắng nghe
Hàng ngày chúng ta tiếp nhận rất nhiều âm thanh, thông tin từ con người, từ các phương tiện truyền thông… bằng đôi tai của mình giúp chúng ta có kiến thức, hiểu biết, nhìn nhận và đánh giá vấn đề.

Hàng ngày chúng ta nghe rất nhiều âm thanh, tiếng nói xung quanh mình nhưng phần nhiều là "luôn luôn lắng nghe, đôi khi cũng hiểu". Nhiều khi không lưu tâm, đôi khi không nhất thiết phải hiểu. Theo kết quả của các công trình nghiên cứu thì nghe có 5 cấp độ: Nghe phớt lờ, Nghe giả vờ, Nghe chọn lọc, Nghe chú tâm và Nghe thấu cảm.

Nghe phớt lờ, hay không nghe gì cả tức lúc này ta giao tiếp nhưng hoàn toàn để ngoài tai những gì người khác đang nói. Ta không tập trung hoặc đang chăm chú làm việc riêng hoặc đang theo đuổi suy nghĩ của riêng mình. Có thể nói rằng đây là cách nghe tệ nhất, thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác.

Nghe giả vờ, lúc này người nghe có suy nghĩ rằng những gì mình đang nghe là không cần thiết hay trái với suy nghĩ, mong muốn của mình nên không muốn nghe. Nhưng có thể vì sợ, vì phép lịch sự nên tỏ ra đang lắng nghe nhưng thực tế không nghe gì cả.

Nghe chọn lọc, là kiểu nghe có sự lựa chọn thông tin tiếp nhận, tức là chỉ nghe những gì mình cho là thích, là có ích hay đúng với suy nghĩ của bản thân. Ngược lại, những gì cảm thấy không phù hợp, không thích thì cho phép bản thân bỏ nghe và suy nghĩ việc khác.

Nghe chăm chú, là một trong những cấp độ cao của việc nghe, ta sẽ tập trung sự chú ý và sức lực để nắm bắt các thông tin, nội dung của người nói để hiểu và lưu giữ thông tin đó.

Nghe thấu cảm, là cấp độ cao nhất của việc nghe, lúc này ta không chỉ tiếp nhận thông tin bằng thính giác mà còn bằng cả trái tim để lắng nghe cả những thông tin không được diễn đạt thành lời. Ta đang đặt mình vào vị trí của người nói để cảm nhận được tình cảm, nội tâm, suy nghĩ của họ. Ta đang nghe một cách tích cực và chân thành. Và chỉ khi ta nghe ở cấp độ thấu cảm thì nó mới trở thành kỹ năng lắng nghe hay nghệ thuật lắng nghe.

Nghe là phản xạ tự nhiên của con người nhưng lắng nghe là kỹ năng, là nghệ thuật nên chỉ có nghe chăm chú, nghe thấu cảm mới được coi là lắng nghe.

Để lắng nghe thì trước tiên ta hãy để tâm mình tĩnh lại, lắng xuống trước bởi có thế ta mới tiếp nhận lời nói của người khác bằng cả trái tim, bằng sự đồng cảm chân thành nhất mà không có sự đánh giá, phán xét. Vì vậy mà ta có chữ “lắng” đứng trước chữ “nghe” và trở thành từ ghép “lắng nghe” vô cùng ý nghĩa.

2 - Tầm quan trọng và lợi ích của việc lắng nghe
Có câu: “Mất 3 năm để học nói nhưng mất cả đời để học lắng nghe” hay “Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương” để thấy được tầm quan trọng và khó khăn của việc học lắng nghe đối với tất cả mọi người – không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp… Lắng nghe là cách thức để rút ngắn con đường tới thành công.

Đầu tiên, lắng nghe thể hiện sự tôn trọng đối phương. Được tôn trọng là một trong những nhu cầu luôn tồn tại trong bản thân mỗi người, không phân biệt giàu nghèo, chức vụ, nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính bởi mọi người đều có cảm nhận, lòng tự ái và sự tự tôn. Nên khi ta lắng nghe đối phương nói bằng cả đôi tai, ánh mắt, bằng thái độ chân thành là cách chúng ta làm thỏa mãn nhu cầu được tôn trọng, đáp ứng nhu cầu được người khác lắng nghe mình nói của đối phương.

Mặt khác, muốn có tài ăn nói thì phải biết lắng nghe, muốn được người khác quan tâm thì trước tiên ta phải học được cách tôn trọng, quan tâm tới người khác vì: “Trong cuộc sống, không thể trao đi một cục đá lạnh lại đòi về những tình cảm yêu thương, ấm áp”.

Không những thế, lắng nghe còn giúp chúng ta gắn kết, tạo lập các mối quan hệ. Chúng ta nhận ra rằng trong cuộc sống để tạo lập được một mối quan hệ đã khó và để duy trì nó luôn bền vững, tốt đẹp còn khó hơn nhiều. Vì vậy, khi người khác trò chuyện chúng ta hãy lắng nghe với một tâm hồn tĩnh lặng, một thái độ tập trung và biết khuyến khích họ nói về chính họ về thành công của họ.

Có câu nói: “Lắng nghe trọn vẹn đôi lúc còn có giá trị hơn cả những lời an ủi bâng quơ, bởi cảm giác được trút hết nỗi lòng mình ra cho một người thành thực để tâm đã là quá đủ nhẹ nhõm rồi”. Đặc biệt, trong sự vận động hối hả của thời gian, giữa bộn bề lo toan của cuộc sống, con người lại càng có nhiều nỗi lòng mong được chia sẻ để nhận sự thấu cảm của người khác. Và chính sự lắng nghe trọn vẹn là cử chỉ của trái tim chân thành đem lại sự hàn gắn hay thấu hiểu nhau hơn.

Để làm được điều này, chúng ta phải ghi nhớ một nguyên tắc trong quản lý con người: “Mọi người thường không quan tâm đến bạn hay công việc của bạn cho đến khi họ biết bạn quan tâm thực sự đến những vấn đề của họ”.

Khi trò chuyện với ai đó, chúng ta hãy nhớ rằng “mỗi người sinh ra chỉ có một cái miệng nhưng có hai cái tai” và miệng được xem là vũ khí sắc bén, nó có thể làm tổn thương, gây đau đớn, thậm chí là “hạ gục” đối phương. Bởi vậy ta hãy: “Nói ít lại, quan sát và lắng nghe nhiều hơn”.

Và lắng nghe còn là biện pháp hữu hiệu để giải quyết xung đột, mâu thuẫn. Bởi khi ta thực sự chú tâm và lắng nghe một cách chân thành thì chính sự chân thành, thấu hiểu quan điểm, mong muốn của đối phương, điều đó sẽ xoa dịu cơn tức giận của đối phương. Khi họ cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu, họ sẽ có xu hướng cởi mở hơn trong việc giải quyết các vấn đề khúc mắc giữa hai bên.

Đồng thời, biết lắng nghe sẽ giúp chúng ta tiếp cận nhanh hơn tới sự thành công. Điều này đã được chứng minh bởi thực tiễn từ những nhân vật kiệt xuất, doanh nhân, nhà quản trị thành công trên khắp thế giới. Với họ, thời gian lắng nghe nhiều hơn thời gian nói, viết và đọc. Mặt khác họ cũng thích người nghe giỏi hơn người nói giỏi. Theo kết quả điều tra của Mỹ thì trong quá trình làm việc các nhà quản trị dành 32,7% thời gian cho việc lắng nghe, 25,8% thời gian cho việc nói, 22,6 % cho việc viết và chỉ dành 18,8% cho việc đọc. Tất cả họ đều đồng ý rằng lắng nghe là vấn đề mấu chốt giúp họ thành công trong công việc.

Chúng ta có lẽ cũng đã biết lắng nghe sẽ tiếp thu tri thức tốt hơn, học hỏi được kinh nghiệm nhiều hơn, có cái nhìn thấu đáo hơn, có nhiều mối quan hệ tốt đẹp, bền vững hơn. Và chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến chúng ta thành công hơn, trưởng thành hơn trong công việc, cuộc sống. Nên có câu nói: “Hãy học cách lắng nghe, vì cơ hội có thể gõ cửa rất khẽ”.

3 - Rào cản của việc lắng nghe
Lắng nghe là kỹ năng quan trọng trong giao tiếp, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu điều này và tất nhiên có người hiểu được lợi ích và tầm quan trọng của lắng nghe nhưng lại không thể làm chủ được kỹ năng này. Vậy đâu là rào cản của việc lắng nghe?

Nguyên nhân khách quan
Do các yếu tố bên ngoài tác động vào quá trình lắng nghe, khiến chúng ta mất tập trung nên làm cho việc lắng nghe bị gián đoạn. Đó có thể là do tiếng ồn, nó chính là “thủ phạm” làm cho cả người nói và người nghe mất tập trung. Hoặc thời gian diễn ra quá trình giao tiếp không phù hợp cũng là yếu tố ảnh hưởng tới khả năng lắng nghe, như khi mệt mỏi, căng thẳng khả năng lắng nghe sẽ giảm đi rõ rệt.

Đặc biệt trong các yếu tố khách quan thì khả năng truyền đạt của người nói đóng vai trò quan trọng nhất trong việc lắng nghe. Người nói với giọng điệu đều đều, trình bày không rõ ràng, không lưu loát hay khó hiểu, nói nhanh, nói nhỏ, nói khó nghe… sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng lắng nghe của chúng ta.

Nguyên nhân chủ quan
Có nhiều yếu tố khách quan tác động tới việc lắng nghe, tuy nhiên rào cản lớn nhất của vấn đề này vẫn thuộc về các yếu tố chủ quan. Đó là các yếu tố của chính bản thân người nghe như thể chất, tinh thần, nhận thức, tính cách… đã ảnh hưởng tới khả năng lắng nghe.

Thể trạng mệt mỏi: Chúng ta nghe trong tình trạng cơ thể mệt mỏi, bị bệnh hay khả năng nghe kém thì hiệu quả lắng nghe cũng sẽ thấp.

Mức độ tập trung, chú ý thấp: Để lắng nghe có hiệu quả đòi hỏi tinh thần tập trung cao độ với một tâm hồn tĩnh lặng với đôi tai, đôi mắt luôn hướng về người nói. Nhưng ngược lại nghe với trạng thái mơ màng, suy nghĩ tới những vấn đề khác thì hiệu quả sẽ không cao. Hay nhiều người có thói quen làm việc riêng khi nghe cũng làm cho lắng nghe kém hiệu quả.

Thiếu sự kiên nhẫn khi nghe: Kiên nhẫn là tố chất quan trọng trong lắng nghe bởi đôi khi các cuộc giao tiếp diễn ra hàng giờ liền. Đồng thời để nghe và để hiểu hết ý của người nói ta không chỉ lắng nghe phần nội dung đơn giản hay mình cho là thú vị mà đòi hỏi nghe cả phần nội dung khô khan, thông tin khó hiểu. Vì vậy nếu thiếu sự kiên nhẫn, người nghe sẽ nhanh chóng cho bản thân mình buông bỏ việc nghe và chuyển hướng suy nghĩ những việc khác.

Khả năng tư duy chậm: Lắng nghe là để hiểu vì vậy người nghe cần phải tích cực tư duy và cần có khả năng tư duy tốt. Dó đó nếu người nghe với khả năng tự duy chậm nhiều khi không kịp hiểu nội dung thông tin mình mới tiếp nhận thì người nói đã chuyện sang nội dung khác làm người nghe không theo kịp vấn đề. Và khi không hiểu thì người nghe sẽ có cảm giác nản và bỏ việc nghe giữa chừng.

Thiên kiến, thành kiến: Đây là một trong những rào cản phổ biến và khó vượt qua nhất khi lắng nghe. Thông thường trong cuộc sống, trong công việc mỗi người sẽ có ý kiến, quan niệm, quan điểm riêng và nó có thể trái ngược với quan điểm của người khác. Và trong trường hợp khi chúng ta nghe ai đó trình bày những ý kiến, quan điểm khác mình nếu chúng ta lập tức suy nghĩ đưa ra các luận điểm để phản bác ý kiến của người nói nhằm bảo vệ quan điểm của mình sẽ làm kết quả lắng nghe của chúng ta không cao.

4 - Một số phương pháp nâng cao hiệu quả lắng nghe
Chúng ta đã chỉ ra những yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng tới việc lắng nghe. Tuy nhiên hiệu quả của việc lắng nghe vẫn chịu sự chi phối bởi các yếu tố chủ quan. Vì vậy, các yếu tố khách quan nếu không thuận lợi như chúng ta mong muốn nhưng với tinh thần lắng nghe một cách chân thành, cầu thị thì vẫn sẽ đạt được kết quả. Và sau đây là một số phương pháp nhằm cải thiện khả năng nghe giúp chúng ta có trong tay kỹ năng lắng nghe hiệu quả.

Hãy đặt mình vào vị trí của người nói và dành cho họ sự tôn trọng: Có thể nói rằng đây là bước đầu tiên để chúng ta có thể triển khai một quá trình lắng nghe hiệu quả. Bởi chỉ khi ta thể hiện một thái độ tích cực đối với việc lắng nghe là đặt mình vào vị trí của người nói để thấu hiểu mong muốn, cảm xúc của họ, chúng ta sẽ không cho phép bản thân mình lơ là việc lắng nghe. Vì biết rằng, khi chúng ta hứng thú lắng nghe sẽ là sự cổ vũ tinh thần rất lớn cho người nói, để họ cảm thấy mình được tôn trọng và nếu làm ngược lại ta khiến họ bị tổn thương, khiến họ nghĩ rằng bản thân không được đánh giá cao.

Hãy nghĩ tới lợi ích của việc lắng nghe: Khi chúng ta không đặt ra mục tiêu, không xác định được mục đích, không thấy được lợi ích của việc mình sẽ làm thì không tìm thấy đường đi, không có động lực. Vì vậy, nếu không thấy lợi ích của việc lắng nghe, ta dễ dàng cho phép mình bỏ nghe giữa chừng. Do đó nếu khi có suy nghĩ không thích việc lắng nghe thì hãy nhớ rằng bản thân sẽ luôn học được một điều gì đó hoặc thu nhận được thông tin gì đó từ việc lắng nghe như: sẽ có kiến thức, có thông tin đa chiều, lắng nghe để hiểu con người hay đơn giản là chia sẻ những ưu tư với người nói để lòng họ được nhẹ nhàng… Đương nhiên có những trường hợp ta thấy không có lợi ích gì cho bản thân, cho người khác thì việc từ chối lắng nghe là cần thiết.

Hãy tập trung cao độ: Để làm được điều này thì khi nghe người khác nói chúng ta hãy gác tất cả các việc khác qua một bên bởi không tập trung có thể bỏ qua nhiều kiến thức, thông tin quý giá. Mặt khác do tiếp nhận thông tin không đầy đủ có thể hiểu nhầm, hiểu sai lệch vấn đề. Vì vậy hãy tập trung cao độ để lắng nghe, lắng nghe không chỉ bằng đôi tai mà còn nghe bằng trái tim và ánh mắt bởi nghe không chỉ thu thập thông tin mà còn để chia sẻ, cảm thông.

Hãy tương tác để khuyến khích người nói: Lắng nghe không có nghĩa chúng ta ngồi im chỉ để nghe mà nên “hòa nhịp” cùng người nói để họ biết rằng chúng ta đang ở đây, đang lắng nghe một cách hào hứng và chân thành. Đó có thể là những khuyến khích bằng lời hay bằng đôi mắt hướng về họ, bằng cái gật đầu, cái mỉm cười tán thành. Và đây thực sự là nguồn động viên vô cùng lớn đối với người nói, giúp họ tự tin, nhiệt tình trong diễn giảng, cởi mở trong trò chuyện.

Hãy ghi chép: Ghi chép ở đây không có nghĩa là chúng ta cắm cúi ghi tất cả những gì người nói trình bày. Ghi ở đây là để nắm bắt được các ý chính mà người nói muốn truyền đạt. Việc ghi chép sẽ giúp chúng ta nhớ lâu hơn và không bỏ sót các vấn đề quan trọng.

Hãy phản hồi: Chính là hồi đáp lại những nội dung kiến thức, thông tin mà mình lĩnh hội được. Việc hồi đáp phù hợp thể hiện chúng ta là người lắng nghe một cách tích cực và hiểu vấn đề, đồng thời giúp chúng ta kiểm tra lại kiến thức để biết được thông tin chúng ta tiếp nhận không bị sai lệch. Mặt khác nếu có vấn đề chưa hiểu rõ, người nói có thể giải đáp luôn để chúng ta hiểu vấn đề sâu hơn.

Hãy kiểm soát cảm xúc của bản thân: cảm xúc là yếu tố không chỉ chi phối tới hiệu quả lắng nghe mà còn có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ, đến khả năng giải quyết các vấn đề. Vì vậy chúng ta cần biết kiểm soát cảm xúc của bản thân, đó là nhận thức rõ cảm xúc của mình trong tình huống nào đó và hiểu được ảnh hưởng của cảm xúc đến bản thân cũng như người khác thế nào để điều chỉnh và thể hiện cảm xúc một cách phù hợp. Và khi chúng ta biết kiểm soát cảm xúc sẽ giúp quá trình lắng nghe nói riêng và giao tiếp nói chung đạt hiệu quả, giúp giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả.

TÓM LẠI
Lắng nghe giúp chúng ta tạo nên sự liên kết và duy trì mối quan hệ tốt đẹp hơn, là cách chúng ta trao cho người khác trái tim chân thành, sự cảm thông, thấu hiểu và tôn trọng để được nhận lại sự tin tưởng, uy tín, tình yêu mến của mọi người. Đồng thời, lắng nghe giúp chúng ta chinh phục từng nấc thang tri thức cũng như học hỏi kinh nghiệm một cách hiệu quả nhất.

Bởi vậy, lắng nghe là không thể thiếu trong bước tiến thành công của mỗi người. Nhưng để có thể lắng nghe một cách chăm chú, lắng nghe một cách thấu cảm lại không đơn giản nên chúng ta cần nỗ lực vượt qua những rào cản làm ảnh hưởng tới quá trình lắng nghe và luôn nhớ rằng “nói là gieo, nghe là giặt” để nhắc nhở bản thân phải tập trung lắng nghe một cách tích cực nhất.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!