#22: Đầu tư: (1) Từ đâu?

#22: Đầu tư: (1) Từ đâu?
Photo by Tierra Mallorca / Unsplash

Để xây dựng một hệ thống kiếm tiền thì ngoài lao động và kinh doanh thì đầu tư chính là mảnh ghép không thể thiếu. Thường thì kiếm tiền từ lao động trước rồi mới đến kinh doanh nhưng đầu tư thì có thể tiến hành song song với 2 bước trên.

Tiền và Đầu tư là hai từ khoá được nhắc đến hàng ngày và nó đã ăn sâu trong tâm trí con người chúng ta trong thời đại ""đồng tiền lên ngôi" này. Tư duy về xu thế cho chúng ta biết rằng dù muốn hay không thì mỗi chúng ta là một cá nhân không thể chống lại xu thế to lớn của xã hội. Ở đây chúng ta không bàn đến việc tiền có làm cho chúng ta hạnh phúc hay không mà chỉ nói rằng tiền là rất quan trọng trong xã hội này. Không có tiền thật khó có thể làm được điều gì. Tiền bản chất không tốt cũng không xấu, chỉ có con người chúng ta với thiên kiến của mình cho là nó là xấu hay tốt. Tiền là phương tiện để chúng ta đạt được mục đích của mình. Còn mục đích của chúng ta thì mới có tốt và xấu.

Hãy tưởng tượng như thế này, chúng ta muốn đến một nơi nào đó thì ta có thể đến đó bằng cách nào? Trong bao lâu? Khi chưa có tiền thì ta phải đi bộ. Khi có đủ tiền mua xe đạp, ta sẽ đi xe đạp. Có nhiều hơn thì ta đi xe máy. Nhiều hơn nữa thì đi ô tô. Nhiều hơn nữa thì đi máy bay. Tất cả phương tiện này giúp chúng ta tiết kiệm sức lực hơn, đi nhanh hơn tới điểm mà ta muốn đến. Nhưng chúng ta phải trả tiền cho những phương tiện đó. Nên việc đầu tiên là kiếm tiền, tích luỹ tiền để có được phương tiện. Tích luỹ tiền cần thời gian và chúng ta dĩ nhiên muốn tận dụng trong khoảng thời gian chờ đợi đó, số tiền đã tích luỹ được tự nó có thể tạo ra tiền trong khi chúng ta vẫn đang kiếm tiền từ lao động, kinh doanh. Bởi vậy chúng ta cần đến đầu tư.

Thông thường nghĩ đến đầu tư chúng ta nghĩ rằng phải có tiền trước đã. Tiền cần thật đấy nhưng thứ ta cần trước hết là kiến thức. Không có kiến thức có tiền đôi khi cũng vô nghĩa, hãy xem thống kê về những người trúng xổ số, sau một thời gian họ cũng mất hết số tiền đó.

Làm thế nào để có kiến thức về đầu tư? Chúng ta biết rằng, lao động là công việc để kiếm sống còn Kinh doanh và Đầu tư là công việc để làm giàu. Với lao động, người chủ sẽ dạy cho chúng ta vì ta đi làm thuê theo mệnh lệnh của ông chủ. Còn kinh doanh và đầu tư chúng ta phải tự học vì giờ đây chúng ta là ông chủ của chính mình, chúng ta làm theo chỉ đạo của chính mình. Vì vậy, chỉ có thể chủ động tham khảo kiến thức, kinh nghiệm và cách làm của người khác sau đó áp dụng và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của bản thân.

Với lao động chúng ta biết rằng khi hoàn thành công việc X trong khoảng thời gian Y chúng ta sẽ nhận được chính xác số tiền là Z. Nhưng với Kinh doanh và Đầu tư chúng ta không thể chắc chắn được số tiền mà mình có thể kiếm được sau khi đã bỏ tiền, bỏ công sức và thời gian. Bởi có quá nhiều biến số tác động khiến kết quả thay đổi. Bởi vậy, tri thức và hiểu biết đóng vai trò then chốt trong quá trình làm giàu này. Tiền lúc này là thứ yếu, điều quyết định là sự hiểu biết.

Các loại hình đầu tư

Để bắt đầu chúng ta xem xét các loại hình đầu tư. Có vô vàn các loại hình đầu tư khác nhau, nhưng ở đây chúng ta chỉ xem xét những loại hình đầu tư phổ biến nhất là: Gửi tiết kiệm Ngân hàng, Vàng, Cổ phiếu, Trái phiếu, Bất động sản.

Đa số chúng ta nếu còn dư dả một chút sau khi đã trang trải cho cuộc sống hàng ngày thì đầu tiên sẽ nghĩ ngay đến việc gửi số tiền nhàn rỗi đó vào quỹ tiết kiệm ở ngân hàng nào đó hoặc mua vàng để cất giữ. Làm sao có thể phản bác được cách lựa chọn cẩn thận và khôn ngoan như vậy? Những hình thức tiết kiệm này là thiết yếu nếu chúng ta muốn bảo vệ mình trước mọi tình huống khẩn cấp không thể dự đoán trước của cuộc sống.

Nhưng ngày nay hàng triệu người đã bắt đầu coi chứng khoán, tức là các loại cổ phiếu cũng là một cách đầu tư tốt không kém. Tất nhiên, luôn tồn tại những rủi ro nhất định khi mua cổ phiếu và hầu hết mọi người cho mức độ rủi ro là qúa lớn vì họ chưa bao giờ bỏ thời gian nghiên cứu về chứng khoán hoặc tìm hiểu cách đầu tư vào cổ phiếu một cách khôn ngoan.

Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng, không có hình thức đầu tư nào là an toàn tuyệt đối. Riêng việc giữ tiền cũng có rủi ro. Thật ra việc giữ tiền có 2 rủi ro. Thứ nhất, ta có thể đánh mất, bị trộm hoặc bị cướp. Thứ hai, nó không rõ ràng như rủi ro thứ nhất nhưng lại có vẻ là rủi ro chính, đó là số tiền ta giữ không còn nguyên vẹn sức mua của nó vào ngày mai, nếu giá lương thực, quần áo và mọi thứ tiếp tục tăng lên, như nó đã từng tăng trong lịch sử. Một người để dành được một ít tiền, cất chúng vào ngăn tủ có khoá hoặc két sắt hoặc chôn chúng ngoài vườn (nếu có) có thể sẽ tránh được rủi ro thứ nhất. Nhưng người đó sẽ không bao giờ có thể tránh được rủi ro thứ hai, vốn vô hình, rủi ro do tình trạng lạm phát.

Vì vậy, mọi quyết định của chúng ta về việc sẽ làm gì với số tiền dành dụm của mình đều phải được cân nhắc về cả hai loại rủi ro nói trên: rủi ro hữu hình và rủi ro vô hình. Đương nhiên, chúng ta cũng phải cân nhắc đến mức lợi nhuận (lãi) mà ta hi vọng sẽ nhận được từ số tiền dành dụm này. Trong hấu hết các hình thức đầu tư, mức lợi nhuận càng cao thì mức rủi ro càng lớn, điều này là hiển nhiên và ta không có cách nào khác là phải chấp nhận nó.

Nếu chúng ta gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng thì hầu như ta sẽ không mất một đồng nào trong số tiền đó (trừ trường hợp bị đánh cắp tài khoản). Nhưng chúng ta sẽ phải chấp nhận mức lãi suất 5-6% mỗi năm. Và mức lãi suất này chưa chắc đã bù được lạm phát. Số tiền hay vốn hay tư bản của chúng ta sẽ không tăng trưởng trừ khi chúng ta tiếp tục gửi khoản lãi mà mình nhận được thông qua hình thức tiết kiệm gộp cả vốn lẫn lãi. Ngay cả trường hợp đó tỉ lệ tăng trưởng vốn của ta cũng rất thấp.

Chúng ta có thể gửi tiền dưới nhiều hình thức tiết kiệm có kỳ hạn có lãi suất cao hơn. Tỉ lệ lãi suất tiết kiệm này phụ thuộc vào số tiền gửi và thời gian chúng ta gửi nó ở ngân hàng. Nhưng dù là hình thức tiết kiệm nào cũng chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với mức độ lạm phát. Ngoài ra các loại hình tiết kiệm này còn có những hạn chế tinh tế khác. Đó là, khoản tiền tiết kiệm sẽ bị cột chặt ở ngân hàng cho đến khi hết kỳ hạn hay đáo hạn. Chúng ta không thể rút nó ra trong trường hợp khẩn cấp hoặc để tận dụng cơ hội đầu tư khác có khả năng sinh lợi cao hơn nếu không muốn mất toàn bộ số lãi theo quy định rút tiền trước thời hạn của ngân hàng.

Đầu tư tiền nhàn rỗi vào các quỹ tài chính bắt đầu phổ biến hơn tại Việt Nam nhưng lãi cũng chỉ ngang bằng hoặc cao hơn một chút so với gửi tiết kiệm.

Chúng ta có thể đầu tư vào bất động sản vì theo quy luật chung, giá bất động sản có xu hướng tăng nhanh hơn lạm phát. Nhiều người nói, đây chính là phương thức tốt để bảo vệ trước rủi ro vô hình lạm phát. Vâng, đúng là như vậy với điều kiện chúng ta mua được đúng ngôi nhà tại đúng thời điểm với giá hợp lý và với điều kiện nữa là ta đủ may mắn khi bán nó. Và với điều kiện chúng ta vượt qua được những quyết định giải toả không thể lường trước của chính quyền. Và với điều kiện nữa, một rào cản rất lớn, chúng ta phải có một khoản tiền đủ lớn để bắt đầu. Với những người ít tiền, đi vay để đầu tư vào bất động sản sẽ đối mặt với rủi ro cực lớn, có thể trở thành một thảm hoạ.

Chúng ta còn có thể đầu tư vào lĩnh vực kim loại quý như mua vàng. Người trung quốc rất thích loại hình này. Hình thức này có ưu điểm là dễ tiếp cận với số vốn nhỏ lúc ban đầu, chống được rủi ro lạm phát. Nhưng rủi ro hữu hình cũng giống như giữ tiền có nguy cơ bị trộm cắp.

Cuối cùng, chúng ta có thể đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu. Đó là cách mà các ngân hàng, tổ chức tín dụng và công ty bảo hiểm sẽ làm với ít nhất một phần trong số tiền tiết kiệm của chúng ta gửi vào, để thu được phần lợi nhuận mà họ sẽ chi trả cho chúng ta cộng với phần lợi nhuận của riêng họ. Các tổ chức này luôn luôn đặt trọng tâm đầu tư của họ vào trái phiếu. Nhưng hiện nay, càng ngày họ càng mua nhiều cổ phiếu hơn.

Tại sao nên đầu tư vào cổ phiếu?

Bởi vì qua các thông kê trong nhiều năm cho thấy nếu tính trung bình thì cổ phiếu mang lại lợi nhuận (hay lợi tức) tốt hơn và sự bảo vệ cân bằng trước các rủi ro hữu hình và vô hình tốt hơn so với các loại hình đầu tư khác.

Khi nền kinh tế tăng trưởng trong những năm qua, người nắm giữ cổ phiếu đã phát đạt. Và nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển, họ sẽ tiếp tục phát đạt. Đương nhiên không phải ai cũng phát đạt và thời điểm nào cũng phát đạt. Một số người kiếm được hàng triệu đô-la, một số phá sản. Cũng giống như một số công ty đã thành công và một số công ty khác thất bại trên thị trường. Nhưng sau nhiều năm, tính bình quân nhà đầu tư vào cổ phiếu đã thu được lợi nhuận đáng kể từ vốn của mình. Điều quan trọng hơn cả là nhà đầu tư chứng kiến giá cổ phiếu mà mình nắm giữ nó trong một thời gian dài, họ có thể bán ra và thu lợi nhuận lớn. Nhờ đó mà họ đã bảo vệ được tiền trước rủi ro vô hình của lạm phát.

Đó là lý do giải thích việc ngày càng có nhiều người đầu tư vào cổ phiếu. Và vì những ưu điểm của đầu tư cổ phiếu nên chúng ta sẽ tập trung nói chi tiết về loại hình đầu tư này. Khi chúng ta nắm chắc được phương pháp đầu tư cổ phiếu thì chúng ta có thể mở rộng sang các hình thức đầu tư khác một cách dễ dàng nếu muốn. Một điều cần nhắc đi nhắc lại rằng, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Cho nên để tránh hoặc giảm thiểu rủi ro là điều cần thiết nhất trong đầu tư trước khi có thể kiếm tiền từ nó. Đôi khi không mất tiền cũng chính là kiếm tiền.

Chúng ta nên làm gì khi lựa chọn đầu tư cổ phiếu?

Để đầu tư cổ phiếu, trước hết chúng ta cần hiểu tại sao cổ phiểu được tạo ra và cách mua bán cổ phiếu như thế nào. Thị trường chứng khoán chính là nơi mà những nhà đầu tư mua bán, trao đổi cổ phiếu hoạt động ra sao. Chúng ta đầu tư vào cổ phiếu với nguyên lý rất đơn giản: thị trường chứng khoán luôn luôn phát triển. Vậy phát triển là như thế nào? Nó sẽ tăng trong ngày mai? Tháng sau? Hay năm sau? Có thể đúng cũng có thể không. Có thể ngày mai sẽ giảm thấp hơn hôm nay. Nhưng sau một khoảng thời gian tương đối dài 10 năm, 20 năm, 30 năm thị trường sẽ lớn mạnh.

Tại sao ư? Bởi vì nó đã được lịch sử chứng minh. Bởi vì thị trường chứng khoán là một thước đo sức mạnh của nền kinh tế và trừ khi có một thảm kịch nào đó rất khủng khiếp xảy ra, bằng không thì nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục phát triển. Bởi vì giá thực phẩm, quần áo và hầu hết mọi thứ khác, bao gồm cả chứng khoán, đang tăng nhanh do sức mua của đồng tiền ngày càng giảm xuống do lạm phát. Và chưa có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ bị đảo ngược.

Và đó là những lý do mọi người khiến mọi người đánh giá cao giá trị của việc đầu tư vào cổ phiếu một cách lâu dài chứ không phải kiếm lời nhanh chóng trong ngày một ngày hai. Điều đó khiến chúng ta cần biết những kiến thức cơ bản về công việc kinh doanh này. Ở đây, khi chúng ta nói đến đầu tư, điều đó nên được hiểu là đầu tư lâu dài, kiếm lợi nhuận từ sự phát triển chứ không phải kiếm lợi từ những mẹo mực, thủ đoạn ngắn hạn mà chúng ta thường thấy trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Xuyên suốt những bài viết về chủ đề đầu tư, chúng ta sẽ hiểu rõ những thực tế của hoạt động đầu tư từ lâu vẫn bị che lấp bởi cách nói nước đôi, bởi những thuật ngữ tài chính khó hiểu và bởi những chi tiết huyền bí không cần thiết. Dĩ nhiên chẳng có chân lý nào là tuyệt đối, nhất là trong thế giới kinh doanh. Vì vậy, với những kiến thức được trình bày ở đây chỉ có một hi vọng duy nhất là: nó sẽ giúp chúng ta mở rộng và củng cố khả năng đánh giá và phán đoán chính xác.

Nhiều người e ngại không muốn mua chứng khoán vì họ nghĩ rằng đầu tư là một công việc phức tạp. Thật ra, đầu tư chỉ có vẻ phức tạp do nó sử dụng rất nhiều từ xa lạ. Chính các thuật ngữ khó hiểu là trở ngại đứng chắn trước bản chất đơn giản của công việc đầu tư. Nhưng ngược lại, nhiều người (nếu không muốn nói là hầu hết) không hiểu rõ bản chất của công việc đầu tư nhưng lại mù quáng làm công việc đầu tư mà không tìm hiểu nó kỹ càng, họ nghĩ đầu tư giống như tung đồng xu.

Các bài viết sẽ cố gắng sử dụng những cách giải thích ngắn gọn dễ hiểu để làm rõ các thuật ngữ kỹ thuật sử dụng trong giao dịch chứng khoán bằng cách giải thích ý nghĩa đằng sau chúng. Nói cách khác, mỗi thuật ngữ sẽ được giải thích theo ngữ cảnh của câu chuyện đầu tư. Chúng ta sẽ không phải tra cứu những thuật ngữ được sử dụng trong đầu tư giống như tra cứu từ điển. Câu chuyện đầu tư sẽ được kể bằng những từ ngữ và khái niệm mà bất cứ ai cũng có thể hiểu được.

Tóm lại, đầu tư sẽ phải bắt đầu từ việc trang bị nền tảng kiến thức vững vàng. Chúng ta chỉ có thể làm giàu khi xây chắc nền tảng đó. Đó là điều kiện trước hết, quan trọng nhất thay vì tiền. Bài viết đã khá dài, nên chúng ta tạm dừng ở đây. Câu chuyện đầu tư sẽ được tiếp tục ở các bài tiếp theo trong chuỗi bài về đầu tư.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!