#23: Đầu tư: (2) Những điều cần biết về Cổ phiếu phổ thông

#23: Đầu tư: (2) Những điều cần biết về Cổ phiếu phổ thông
Photo by Adeolu Eletu / Unsplash

Đừng coi thường cổ phiếu phổ thông, nó là loại chứng khoán số một trên thị trường của chúng ta, là nền tảng của các tập đoàn và của hệ thống kinh tế. Nếu sở hữu một cổ phần của một công ty nghĩa là chúng ta sở hữu một phần của công ty đó. Chúng ta và các cổ đông khác, là những người cùng nhau sở hữu một doanh nghiệp khi sở hữu cổ phần của nó.

Vậy một cổ phiếu phổ thông ra đời như thế nào? Hãy tưởng tượng rằng, bạn sáng chế ra một loại cần câu cá mới bằng kim loại, có thể gấp lại được. Bạn sợ sáng chế của mình bị đánh cắp nên để bảo vệ nó bạn đi đăng ký và được cấp bằng sáng chế. Bạn tin rằng có một thị trường khả quan dành cho loại cần câu này.

Bạn lên một kế hoạch kinh doanh và đã chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng bắt tay vào sản xuất hàng loạt loại cần câu này để tung ra thị trường. Nhưng bạn còn thiếu một yếu tố cơ bản nhưng rất quan trọng đó là: vốn. Bạn không có tiền để xây một nhà máy nhỏ, mua các máy móc thiết bị cần thiết, thuê đội ngũ công nhân và nhân viên kinh doanh.

Bạn cần 20.000 USD để trang trải cho những thứ đó, nhưng hiện tại bạn không có số tiền này. Bạn nghĩ đến ngân hàng, nhưng họ sẽ không cho bạn vay tiền đơn giản vì bạn không có gì để thế chấp, họ đòi bạn phải đưa tài sản của mình ra để đảm bảo rằng trong trường hợp bạn không trả được số tiền vay, họ sẽ lấy tài sản đảm bảo đó. Và bạn cũng không thể tìm ra được một "thiên thần" nào đó cho bạn số tiền cần thiết để triển khai kế hoạch kinh doanh của mình.

Vì vậy, bạn quyết định thành lập một công ty và bán các cổ phần của các dự án sắp tới. Bạn chuẩn bị giấy tờ cần thiết theo luật định và công ty Cần Câu Bỏ Túi ra đời.

Để thành lập công ty đó, bạn tìm được 20 người, mỗi người sẵn sàng góp một phần vốn bằng nhau là 1.000 USD, gọi là vốn đầu tư mạo hiểm, họ chấp nhận rủi ro rằng có thể cần câu bỏ túi có thể không bán được và họ không thể thu hồi được số tiền mà họ bỏ ra. Trong trường hợp này, bạn chỉ phải phát hành 20 cổ phần, mỗi cổ phần có giá là 1.000 USD. Tiếp theo, các cổ đông mỗi người sẽ mua một cổ phần và sở hữu 1/20 công ty.

Nhưng có thể một người nào đó muốn góp vốn 2.000 USD vào công ty Cần Câu Bỏ Túi của bạn, trong khi một người khác chỉ có thể đầu tư 200 USD. Để có thể đáp ứng được nhiều trường hợp, thay vì phát hành 20 cổ phần giá 1.000 USD, bạn quyết định tốt hơn nên hạ thấp giá trị của mỗi cổ phần xuống và phát hành nhiều cổ phần hơn. Như vậy kế hoạch của bạn có thể trở nên hấp dẫn hơn đối với những người muốn mua cổ phiếu, vì đến khi họ muốn bán nó, họ sẽ dễ thực hiện hơn với một mức giá thấp. Rõ ràng là có nhiều người có thể để dành được 10 hoặc 100 USD hơn so với số người có thể mua một cổ phần trị giá 1.000 USD.

Sau khi cân nhắc, cuối cùng bạn quyết định phát hành 2.000 cổ phần với giá mỗi cổ phần là 10 USD. Tổng số cổ phần này đại diện cho sổ cổ phiếu phổ thông được phát hành bởi công ty Cần Câu Bỏ Túi. Mức giá 10 USD do bạn ấn định gọi là mệnh giá của cổ phiếu công ty bạn.

Bạn bán 2.000 cổ phần với giá 10 USD, bằng cách này bạn đã huy động được 20.000 USD tư bản mà bạn cần. Công ty Cần Câu Bỏ Túi đã có thể đi vào hoạt động. Tất nhiên, trong thực tế bạn có thể nghĩ rằng công ty này là của bạn. Vì vậy khi thành lập công ty, bạn có thể thoả thuận các các cổ đông khác cho phép bạn sở hữu một số cổ phiếu với giá ưu đãi, thấp hơn hoặc miễn phí. Nhưng để đơn giản chúng ta hãy xem như bạn cũng mua cổ phần như các cổ đông khác.

Tất cả những người sở hữu cổ phiếu của công ty Cần Câu Bỏ Túi giờ đây đều là cổ đông của công ty. Họ là chủ sở hữu một phần công ty. Phần công ty mà họ sở hữu lớn thế nào phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu mà họ đã mua trên 2.000 cổ phiếu được bán ra, hay tổng số cổ phần. Nếu mua 20 cổ phiếu họ sở hữu 20/2.000 phần hay tương đương với 1% công ty. Một giấy chứng nhận sở hữu cổ phần sẽ được cấp cho mỗi cổ đông, ghi rõ số cổ phần mà cổ đông đó sở hữu, để làm bằng chứng quyền sở hữu của họ.

Khi tất cả cổ phiếu đã được bán hết, ta hãy giả sử công ty của bạn có tên 50 cổ đông trong danh sách cổ đông của mình. Giờ đây thật khó để mà điều hành công ty nếu lúc nào cũng phải hỏi ý kiến của 50 cổ đông này về mọi quyết định lớn – mua loại máy này, hay loại máy kia, định giá sản phẩm là 40 hay 50 USD, ...

Đó là lý do, cổ đông sẽ phải thành lập ra một hội đồng quản trị (HĐQT) để giám sát mọi hoạt động của công ty. Làm sao để lựa chọn ai trong số các cổ đông sẽ là thành viên trong hội đồng quản trị? Do các cổ đông bầu ra với số phiếu của mỗi người tỉ lệ thuận với số cổ phần mà người đó sở hữu. Nếu hội đồng này có 5 thành viên, hoạt động trong một nhiệm kỳ cố định, thì một cổ đông giữ 1 cổ phần sẽ được bỏ 1 phiếu cho mỗi vị trí, trong khi một cổ động giữ 10 cổ phần sẽ được bỏ 10 phiếu cho mỗi vị trí.

HĐQT 5 thành viên này sẽ bầu ra chủ tịch của mình, và sẽ chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của công ty Cần Câu Bỏ Túi. Vì đại đa số trường hợp các thành viên HĐQT không thể dành trọn thời gian làm việc của mình cho việc điều hành công ty nên họ sẽ chọn một giám đốc điều hành để đảm nhiệm trọng trách đó. Họ cũng sẽ lựa chọn các viên chức quan trọng khác. Các viên chức này có thể là thành viên HĐQT hoặc không nhưng họ chịu trách nhiệm trước HĐQT và phải báo cáo toàn bộ tình hình hoạt động của công ty cho HĐQT theo định kỳ, có thể là mỗi tháng hoặc mỗi quý một lần.

Tiếp theo, mỗi năm HĐQT công ty Cần Câu Bỏ Túi (CBT) sẽ tổ chức một cuộc họp mở – gọi là Đại hội Cổ đông (ĐHCĐ) – mời tất cả các cổ đông tham dự. Tại cuộc họp này họ sẽ công bố báo cáo thường niên cho các chủ sở hữu công ty. Ngoài ra, HĐQT sẽ cung cấp cho tất cả các cổ đông, dù có mặt hay không, một bản sao báo cáo nói trên.

Nếu một cổ đông không hài lòng về phương thức hoạt động của công ty, anh ta cỏ thể phát biểu ý kiến của mình tại buổi họp đại hội cổ đông. Thậm chí anh ta có thể đề xuất HĐQT áp dụng một chính sách hoặc thủ tục nào đó mà anh ta nghĩ là một cải tiến so với hoạt động hiện nay. Khi một đề xuất được đưa ra, nó sẽ được gửi đến toàn bộ cổ đông để bỏ phiếu tán thành hoặc phản đối. Đa số các trường hợp, những trường hợp như vậy sẽ được quyết định theo ý kiến chiếm đa số phiếu.

Nếu một hành động nào đó đòi hỏi việc bỏ phiếu của các cổ đông được lên lịch từ trước khi diễn ra một cuộc họp cổ đông, như một cuộc họp bầu HĐQT mới, mỗi cổ đông sẽ được thông báo. Nếu một cổ đông không thể đến dự đại hội cổ đông và bỏ phiếu, thông thường anh ta sẽ được yêu cầu ký giấy uỷ quyền cho một hoặc nhiều viên chức hoặc thành viên HĐQT đại diện và bỏ phiếu thay anh ta. Vì vậy giấy này gọi là giấy uỷ nhiệm hay giấy uỷ quyền.

Đôi khi một nhóm cổ đông chống đối lại HĐQT, nhóm chống đối sẽ tiến cử các thành viên khác để đối đầu với HĐQT. Khi đó một cuộc chiến sẽ nổ ra, mỗi bên sẽ nỗ lực hết sức để dành tối đa số giấy uỷ nhiệm ủng hộ phe của họ. Đây gọi là cuộc chiến tranh uỷ nhiệm. Ngoài các cuộc họp HĐQT và ĐHCĐ hàng năm những cuộc họp bất thường của cả 2 nhóm đều có thể được tổ chức ở bất cứ thời điểm nào.

Tại sao người ta lại đầu tư tiền của họ vào công ty CBT? Bởi vì họ nghĩ nó sẽ sản xuất ra một sản phẩm tốt và nhiều khả năng sẽ thu được nhiều lợi nhuận. Nếu điều này xảy ra, phần sở hữu của họ trong công ty cũng sẽ thu được lợi nhuận. Lợi nhuận (hay lợi tức) có thể đến dưới 2 hình thức: thông qua việc chia cổ tức và thông qua sự tăng giá của cổ phiếu.

Đầu tiên, chúng ta hãy quan sát bức tranh cổ tức. Giả sử trong năm đầu tiên hoạt động, sau khi trừ đi mọi chi phí và thuế, công ty thu được một khoản lãi ròng, hay lợi tức, là 2.000 USD tương ứng 10% tổng vốn (hay tư bản) của nó – tức là số tiền 20.000 USD huy động được thông qua việc bán 2.000 cổ phần ban đầu. Khoản lãi ròng này là một kết quả xuất sắc đối với một công ty mới thành lập.

Bây giờ HĐQT sẽ phải quyết định nên làm gì với lợi nhuận ròng vừa thu được. Họ có thể chia toàn bộ khoản lợi tức này cho các cổ đông dưới hình thức cổ tức. Hoặc họ có thể biểu quyết giữ lại toàn bộ số lợi tức nhằm bổ sung vốn cho công ty, mua thêm máy móc, nguyên vật liệu, tuyển thêm nhân công để có thể sản xuất ra nhiều cần câu hơn, mang lại nhiều lợi tức hơn trong năm tiếp theo.

Vì mọi cổ đông đều thích chia cổ tức và HĐQT biết điều đó, nên họ có thể đưa ra quyết định rất đúng đắn là dung hoà 2 nhu cầu nêu trên. Họ có thể biểu quyết chia cổ tức cho các cổ đông với một nửa số lợi tức, 1.000 USD, và giữ lại 1.000 USD làm vốn bổ sung.

Theo phương án này thì với số lợi tức được chia là 1.000 USD trên tổng số cổ phần là 2.000, vậy mỗi cổ phần sẽ được chia 0,5 USD. Đó là số tiền mà cổ đông sẽ nhận được trên 1 cổ phiếu mà họ nắm giữ. Cổ đông giữ 10 cổ phiếu sẽ nhận được 10*0,5 = 5 USD, cổ đông giữ 100 cổ phiếu sẽ nhận 50 USD... Đối với tất cả các cổ đông thì số tiền họ nhận được sẽ đại diện cho 5% lợi tức mà khoản đầu tư của họ mang lại, bất kể là số cổ phần mà họ nắm giữ vì tất cả họ đều chi ra 10 USD cho mỗi cổ phần.

Và vốn đầu tư của họ còn sinh ra một khoản lợi tức khác. Ta nhớ rằng vẫn còn khoản tiền 1.000 USD mà HĐQT quyết định giữ lại để tái đầu tư cho công ty và nó sẽ làm tăng giá trị cổ phần của mỗi cổ đông (hay thường gọi là vốn cổ phần của họ) trong công ty.

Nếu mỗi cổ phần ban đầu của công ty CBT trị giá 10 USD, thì mỗi cổ phần giờ đây có thể coi là trị giá 10,5 USD, vì công ty đã bổ sung thêm số vốn 1.000 USD vào số vốn ban đầu 20.000 USD.

Như vậy mệnh giá 10 USD của cổ phiểu công ty CBT không còn chính xác. Theo thời gian nó sẽ không còn liên quan gì đến giá trị thật của cổ phiếu công ty phát hành, đặc biệt là công ty đó tiếp tục tạo ra lợi nhuận và HĐQT tiếp tục quyết định bổ sung một phần lợi tức vào vốn của công ty để mở rộng sản xuất. Chỉ trong vài năm, tổng tài sản của công ty (mọi thứ mà nó sở hữu: nhà xưởng, máy móc, hàng hoá tồn kho) có thể tăng gấp đôi trong khi phần tiêu sản (tổng các khoản nợ của công ty) không tăng lên tương ứng. Khi đó, giá trị tài sản của mỗi cổ phần (được tính = [Tổng tài sản - Tổng nợ]/Tổng số cổ phần) sẽ tăng lên.

Mệnh giá của một cổ phiếu là một khái niệm thường gây nhầm lẫn và hoàn toàn không có giá trị nào đáng kể ngoài việc lấy làm căn cứ để chia cổ tức. Ngay cả giá trị tài sản của cổ phiếu ngày nay cũng không có nhiều tính thực tế, mặc dù nó rất quan trọng khi hiện nay ở thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu no nước được bán một cách vô tội vạ. Tên gọi cổ phiếu no nước hàm ý so sánh các cổ phiếu được thổi phồng giá trị giống như cách của bọn buôn bò vô đạo đức trước kia đã làm: bọn này cho những con vật của mình ăn một lượng muối lớn trên đường đưa chúng ra chợ, sau đó cho chúng uống thật nhiều nước ngay trước khi cân nhằm làm gia tăng trọng lượng của chúng.

Khi áp dụng vào lĩnh vực chứng khoán, khái niệm trên được dùng để chỉ các công ty phát hành cổ phiếu bao gồm một phần giá trị lạm phát (giá trị ảo). Ví dụ cụ thể, một nhà tư bản vô đạo đức có thể chi nửa triệu USD để mua một công ty, sau đó phát hành cổ phiếu giá trị 1 triệu USD. Ông ta có thể bán toàn bộ số cổ phần đó cho người khác và bỏ túi nửa triệu USD chênh lệch. Hoặc sau khi bán một nửa số cổ phần và thu hồi đủ vốn, ông ta vẫn giữ được một nửa số cổ phiểu mà chẳng tốn một xu nào. Những trò gian lận này đã xảy ra ở Việt Nam đầu những năm 2000 và có lẽ nó vẫn chưa chấm dứt.

Đa số người sở hữu cổ phiếu đều nhận ra rằng giá trị tài sản của một cổ phiếu phổ thông không mang nhiều ý nghĩa. Điều thực sự quan trọng là khả năng sinh lợi của công ty và triển vọng phát triển của công ty đó chứ không phải giá trị nhà xưởng, máy móc, của nó. Cổ phiếu của các công ty lớn thường được bán ở mức giá cao, đôi khi gấp đôi hoặc gấp 3 giá trị tài sản của nó. Trái lại những công ty mà vốn phải đầu tư một lượng tư bản (vốn) khổng lồ vào trang thiết bị, được bán ở mức giá thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản của nó.

Giá trị tài sản của một cổ phiếu phổ thông chỉ có thể đươc coi là đại diện cho những gì mà cổ đông có thể mong đợi nhận được một khi công ty phát hành cổ phiếu bị phá sản và thanh lý. Nghĩa là công ty ngừng hoạt động và bị phát mại (bán) mọi tài sản. Tuy nhiên đây cũng không phải là một con số đáng tin cậy, vì công ty bị thanh lý sẽ không bao giờ thu lại được đầy đủ giá trị tài sản của nó, một khi chúng đã bị phát mại.

Vậy thì làm cách nào chúng ta có thể biết một cổ phiếu nào đó thực sự giá trị bao nhiêu? Chỉ có một câu trả lời duy nhất đó là số tiền mà người khác chịu trả cho chúng ta để mua lại cổ phiếu đó, khi nào ta muốn bán nó.

Nếu sản phẩm không bán chạy, nếu chi phí để trả lương công nhân và mua nguyên vật liệu quá cao, nếu ban giám đốc điều hành không hiệu quả, bất kỳ công ty nào đều có thể thất bại. Và nếu nó phá sản, thì cổ phiếu của bạn có thể trở thành một mảnh giấy vô giá trị. Đó là mặt tối của bức tranh và đó là điều có thể xảy ra.

Nhưng nếu thời gian chứng minh công ty CBT là doanh nghiệp thành công, nếu nó liên tục đạt lợi nhuận tốt, nếu một phần lợi tức đó thường xuyên được chia cho các cổ đông dưới hình thức cổ tức và phần còn lại được CBT sử dụng một cách khôn ngoan để mở rộng hoạt động, sản xuất thì cổ phiếu của bạn nhiều khả năng sẽ có giá trị lớn hơn so với 10 USD đã phải bỏ ra cho nó.

Và đó là 2 cách mà một người sở hữu cổ phiếu có thể trông đợi để kiếm lợi nhuận từ vốn đầu tư của họ. Thứ nhất, thông qua cổ tức. Thứ hai, thông qua sự tăng giá của cổ phiếu hay nói cách khác là sự gia tăng mức giá mà người khác chịu bỏ ra để mua cổ phiếu của bạn. Đó được gọi là hiện tượng nâng giá.

Giá của cổ phiếu cũng giống như giá của mọi thứ khác trên thế giới này, đều được quyết định bởi quy luật Cung – Cầu: mức giá mà một người muốn trả để mua một cổ phiếu và mức giá mà một người khác muốn nhận được để bán cổ phiếu đó. Đây là lý do mà các cổ phiếu luôn có giá đặt mua và giá đặt bán.

Và chúng ta cũng không được quên rằng, mức giá hiện tại của một cổ phiếu không phải lúc nào cũng là một thông số hướng dẫn đầu tư tốt. Một số người nghĩ rằng mua cổ phiếu giá thấp sẽ tốt hơn vì chúng rẻ và do đó họ rất ngần ngại trước các cổ phiếu giá cao vì cho rằng chúng quá đắt. Thật ra không hẳn vậy. Cổ phiếu của một công ty nào đó bán ở mức giá thấp có thể đơn giản vì tổng số cổ phần mà công ty đó phát hành là rất lớn, nghĩa là chiếc bánh được chia thành rất nhiều phần nhỏ. Trong khi cổ phiếu của một công ty tốt tương đương có thể có giá cao hơn vì nó có tổng số cổ phần ít hơn. Giá của cổ phiếu chỉ có ý nghĩa khi chúng ta xem xét nó trong mối quan hệ với lợi nhuận và cổ tức của nó.

Trên thị trường chứng khoán có rất nhiều các công ty danh tiếng, đã hoạt động hàng chục năm. Nó cũng tương tự như công ty CBT trong câu chuyện này. Chỉ có khác một điều là những công ty lớn này đã tồn tại nhiều năm, bạn biết rõ về chúng. Bạn biết các sản phẩm dịch vụ của nó tốt hay không. Bạn có thể phân tích tình hình tài chính của nó trong lịch sử, giá cổ phiếu dao động như thế nào, lợi nhuận và cổ tức ra sao. Và dựa trên những thông tin này bạn có thể hình thành một sự đánh giá đáng tin cậy hơn.

Trái lại, người muốn mua cổ phiếu của công ty CBT sẽ chẳng có thông tin nào khác để phân tích ngoại trừ đánh giá chủ quan của anh ta về chất lượng sản phẩm của công ty và thị phần tiềm năng của sản phẩm đó.

Xét về khái niệm thì người sở hữu cổ phần của CBT không thể gọi chính xác là nhà đầu tư. Anh ta không phải đang đầu tư mà đang đầu cơ. Một nhà đầu tư, là người chấp nhận một mức độ rủi ro vừa phải nhằm tìm kiếm một lợi tức vừa phải. Còn nhà đầu cơ là người chấp nhận mức độ rủi ro lớn với hi vọng thu được lợi nhuận lớn qua sự tăng giá cổ phiếu. Nhà đầu tư thường chú tâm vào lợi nhuận sau một thời gian dài, còn nhà đầu cơ thường hi vọng kiếm lợi lớn trong một thời gian tương đối ngắn.

Một nền kinh tế cần cả hai loại người nói trên. Không có các nhà đầu cơ, các doanh nghiệp mới sẽ không thể ra đời, các doanh nghiệp cũ sẽ không thể vượt qua những giai đoạn khó khăn. Không có nhà đầu tư, một doanh nghiệp sẽ không có đủ vốn để hoạt động, làm giảm đi rất nhiều tốc độ tăng trưởng và mở rộng.

Tóm lại, đó là câu chuyện mà chúng ta cần biết về cổ phiếu phổ thông: nó là cái gì, nó xuất hiện trên thị trường như thế nào, và sở hữu nó mang lại lợi ích gì.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!