#24: Đầu tư: (3) Vì sao doanh nghiệp phát hành thêm cổ phần

#24: Đầu tư: (3) Vì sao doanh nghiệp phát hành thêm cổ phần
Photo by Declan Sun / Unsplash

Giả sử rằng, việc kinh doanh thuận lợi và tốt đẹp đối với công ty Cần Câu Bỏ Túi (CBT) của chúng ta. Nó liên tục tăng trưởng, loại cần câu gấp được bạn chạy như tôm tươi và giờ đây công ty đã xuất xưởng hàng loạt mẫu mã khác nhau. Tỉ lệ lợi tức cao thu được qua mấy năm liên tiếp cho phép Hội đồng quản trị thiết lập một mức chia cổ tức cố định hàng năm. Mỗi năm 1 cổ phần sẽ được chia 1 USD, tức là 0,25 USD mỗi quý, và trong những năm phát đạt họ còn chia thêm cho cổ đông những khoản cổ tức đặc biệt, một lần 0,25 USD và 2 lần 0,5 USD mỗi cổ phần.

Giờ đây công ty cảm thấy đã đến lúc cần phải mở rộng sản xuất. Nó có thể bán được số cần câu nhiều gấp đôi, thu về lợi nhuận gấp đôi nếu có một nhà máy sản xuất lớn hơn. Vì vậy, HĐQT quyết định mở rộng nhà máy. Điều đó có nghĩa là công ty cần nhiều máy móc hơn, nhà xưởng lớn hơn và đi cùng với nó là cần nhiều tiền hơn, nhiều hơn rất nhiều so với ngân quỹ hiện có của công ty. Vấn đề nảy sinh, đào đâu ra 40.000 USD?

Một ngân hàng có thể cho công ty của chúng ta vay tiền. Cũng có thể 2 hoặc 3 ngân hàng cùng cho vay. Nhưng một số thành viên HĐQT có thể không thích ý tưởng phải thế chấp tài sản cho ngân hàng. Họ lo lắng không chỉ về việc phải trả lãi hàng năm, mà cả về số vốn vay phải trả hoàn trả một lần. Những khoản chi đó về lâu dài có thể làm hao hụt đáng kể lợi nhuận của công ty và sẽ làm giảm, hoặc xấu hơn là triệt tiêu, phần chia cổ tức của các cổ đông. Ngoài ra, ngân hàng thường không thích cho vay với thời hạn dài, giả sử nếu họ cho vay với thời hạn dài thì họ có thể sẽ đòi đưa đại diện của họ vào HĐQT công ty để bảo vệ khoản vay của họ. Đó là viễn cảnh mà một số thành viên HĐQT công ty CBT không thể chấp nhận.

Vậy còn cách nào khác để huy động vốn không? Tất nhiên là có.

Có thể các cổ đông hiện tại muốn đầu tư thêm tiền vào công ty. Có thể những người khác cũng muốn đầu tư vào công ty CBT đang làm ăn rất phát đạt này. Đó chính là giải pháp.

Thế là HĐQT gửi thông báo đến các cổ đông rằng công ty sẽ phát hành thêm 3.000 cổ phần bổ sung, trong đó 2.000 cổ phần sẽ được bán ngay, còn 1.000 cổ phần sẽ được giữ lại cho đến khi công ty muốn tăng vốn lần nữa. Mỗi cổ phần mới sẽ có các quyền y hệt như cổ phần ban đầu.

Đề xuất này được đa số cổ đông biểu quyết thông qua nhưng không phải không có những ý kiến bất đồng. Một cổ đông phản đối kế hoạch này. Anh ta nghĩ rằng công ty nên có 2 loại cổ phiếu phổ thông: cổ phiếu hạng A, bao gồm toàn bộ các quyền của cổ phiếu ban đầu và cổ phiếu hạng B, được chia cổ tức nhưng không có quyền biểu quyết. Nói cách khác, anh ta muốn quyền kiểm soát công ty nằm trong tay những cổ đông đầu tiên.

Chủ tịch HĐQT trả lời đề xuất này bằng cách chỉ ra rõ ràng rằng, ngày nay mô hình cổ phiếu hạng A và B đã không còn thích với các nhà đầu tư. Mặc dù một số công ty vẫn duy trì 2 loại cổ phiếu phổ thông khác nhau nhưng hiếm có công ty nào phát hành chúng trong những năm gần đây. Hơn nữa, các cổ đông ban đầu vẫn có thể giữ được mức độ kiểm soát của mình đối với công ty vì họ có thể mua phần lớn số cổ phiếu mới sẽ được phát hành. Họ sẽ được ưu tiên mua trước với các điều kiện ưu đãi. Đây là thủ tục thông thường để một công ty phát hành cổ phiếu mới.

Trong câu chuyện của công ty CBT, HĐQT đề nghị các cổ đông cũ mua ở mức giá 20 USD, thấp hơn 2 USD so với giá cổ phiếu hiện tại trên thị trường. Trong khi các cổ đông mới sẽ mua cổ phiếu với giá thị trường.

Sau khi các cổ đông biểu quyết thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu bổ sung, mỗi cổ đông hiện hữu sẽ được cấp một quyền mua cổ phiếu mới với mức giá chiết khấu. Quyền này được thể hiện bằng văn bản gửi cho mỗi cổ đông. Người sở hữu một cổ phần trong 2.000 cổ phần ban đầu sẽ được mua một cổ phần mới với giá 20 USD. Cứ như vậy nhân lên theo số cổ phần mà cổ đông đang nắm giữ. Nhưng các quyền này phải được thực hiện trong vòng 2 tuần, sau thời gian đó chúng không còn giá trị. Nếu quyền mua cổ phiếu có giá trị trong thời gian dài, có thể là một năm hoặc thậm chí là vĩnh viễn, nó không còn được gọi là quyền, mà là một bảo đảm đi cùng với bảo đảm này là một văn bản xác nhận cổ đông có quyền mua một số lượng cổ phiếu nhất định của một công ty với một mức giá quy định trong một thời hạn nào đó hoặc trong một số trường hợp là vô thời hạn.

Một số cổ đông của công ty CBT không thể hoặc không muốn mua thêm cổ phiếu phát hành mới, có thể bán quyền của họ. Thông thường thị trường mua bán các quyền này rất sôi động, ngay cả khi giá của chúng chỉ bằng một phần nhỏ giá của một cổ phiếu – 1/10, 1/5 hoặc 1/4 giá của cổ phiếu mới.

Trong trường hợp của công ty CBT mỗi quyền mua cổ phiếu mới trị giá 1 USD. Hãy xem cách tính giá trị của quyền mua: nếu bạn sở hữu một cổ phần ban đầu của CBT giá hiện nay là 22 USD và bạn thực hiện mua một cổ phần mới với giá 20 USD, thì bạn sẽ có 2 cổ phần với giá trung bình là 21 USD, thấp hơn giá thị trường là 1 USD. Do đó, người ta coi quyền mua một cổ phần mới của bạn có giá trị là 1 USD. Trong thực tế, một số cổ đông sẽ bán quyền của mình với giá rẻ hơn, trong khi người khác có thể bán được nhiều hơn 1 USD nếu giá cổ phiếu của CBT tiếp tục tăng lên trong thời gian hiệu lực của quyền mua cổ phiếu. Và tất nhiên, một số cổ đông bất cẩn hoặc đãng trí sẽ bỏ qua quyền của mình, không thực hiện chúng cũng không bán lại. Các quyền của họ sẽ không còn giá trị sau khi hết thời hạn quy định.

Vậy công thức chung để tính giá trị của quyền mua cổ phiếu như sau: đầu tiên, lấy giá hiện tại của cổ phiếu trên thị trường (22 USD), rồi trừ đi giá ưu đãi (20 USD) rồi chia 2.

Sau khi các quyền mua cổ phiếu hết hạn, công ty CBT thông kê và thấy rằng, có 50 cổ phiếu mới chưa được mua. Các cổ phần này sẽ được bán với giá thị trường là 22 USD. Như vậy công ty đã huy động được 40.100 USD vốn mới và có tổng cộng 5.000 cổ phiếu đã phát hành, trong đó có 4.000 cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.

Như vậy, kế hoạch mở rộng nhà máy của CBT đã có thể đi vào thực hiện. Nhưng vì sự chậm trễ trong việc mua máy móc thiết bị cần thiết, nhà máy mới cần thêm 2 năm nữa mới có thể vận hành hết được công suất. Tình huống này khiến cho HĐQT một khó khăn lớn, đó là làm cách nào để chi trả cổ tức cho cổ đông. Trong năm thứ nhất của giai đoạn chuyển tiếp, HĐQT vẫn thanh toán cổ tức 1 USD/ cổ phần cho mọi cổ đông. Nhưng điều đó khiến số vốn lưu động của công ty hụt đi nghiêm trọng. Đến năm thứ hai, HĐQT thấy rằng nếu tiếp tục làm như vậy là tự sát. Họ đi đến thống nhất rằng điều hợp lý nhất mà họ có thể làm là bỏ qua kỳ thanh toán cổ tức để giữ lại toàn bộ lợi nhuận của năm đó nhằm bổ sung vốn lưu động cho tới khi nào nhà máy mới hoạt động hiệu quả.

Nhưng nếu không thanh toán cổ tức, cổ đông sẽ nói gì? Việc bỏ qua một kỳ thanh toán cổ tức gần như chắc chắn sẽ khiến cho giá cổ phiếu giảm xuống. Lý do là nó sẽ được những người đang muốn mua cổ phiếu của công ty xem như là một dấu hiệu rắc rối.

HĐQT tìm ra một giải pháp để vượt qua khó khăn này nhờ 1.000 cổ phần mới đã được cho phép những chưa phát hành. Được sự đồng ý của các cổ đông, họ chia 1.000 cổ phần này cho các cổ đông mà không thu về một đồng nào. Như vậy mỗi cổ đông sẽ được chia thêm 1.000/4.000 (25%) số cổ phần mà họ đang nắm giữ.

Trên thực tế, kiểu thanh toán cổ tức bằng cổ phiếu chẳng mang lại cho cổ đông lợi ích gì trước mắt. Họ không được thêm một xu nào, cũng không nắm quyền kiểm soát công ty nhiều hơn. Tuy nhiên, xét về triển vọng tương lai, 25% số cổ phần tăng thêm đó thực sự là một tài sản đầy tiềm năng. Khi công ty lại ăn nên làm ra, số cổ phần tăng thêm đó sẽ sinh ra lợi nhuận và cổ tức đi kèm.

May mắn thay, những dự đoán tốt đẹp đều đã xảy ra. Công ty Cần Câu Bỏ Túi tiếp tục thành công. Trong năm tiếp theo lợi nhuận của công ty là 2 USD trên mỗi cổ phần. Và HĐQT thấy rằng họ có thể khôi phục mức thanh toán cổ tức 1 USD mỗi cổ phần như cũ. Đối với một cổ đông hiện nay đang nắm giữ 1 và 1/4 số cổ phần, cổ tức mà cổ đông đó nhận được là 1,25 USD.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!