#26: Đầu tư: (5) Ý nghĩa của từ 'Mạo hiểm'

#26: Đầu tư: (5) Ý nghĩa của từ 'Mạo hiểm'
Photo by Jonatan Lewczuk / Unsplash

Mạo hiểm chắc chắn là một phần không thể thiếu trong đầu tư. Nhưng rộng hơn, mạo hiểm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

Bất cứ lúc nào chúng ta cũng đứng trước những nguy cơ rủi ro không thể tránh khỏi – rất nhiều tình huống như vậy xảy ra hàng ngày – chúng ta đang mạo hiểm. Chúng ta không còn cách nào khác là phải đón nhận những thách thức đó và nắm lấy cơ hội của mình. Thông thường khi gặp những tình huống không chắc chắn, ta sẽ cân nhắc lợi hại và chọn ra một lựa chọn mà chúng ta cho là chắc chắn nhất hoặc đúng đắn nhất. Đó là một quyết định mạo hiểm.

Một doanh nhân phải di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác vì công việc có thể lựa chọn đi bằng máy bay hoặc xe hơi. Dĩ nhiên rồi, ông ta sẽ chọn máy bay để di chuyển nhanh hơn. Nhưng luôn luôn có khả năng sẽ gặp phải thời tiết xấu hoặc trục trặc kỹ thuật khiến chuyến bay bị hoãn. Nhưng rủi ro này sẽ giảm bớt nếu ông ta chọn đi xe hơi. Nhưng vì lựa chọn thứ hai, ông ta lại đối mặt với những rủi ro khác, kẹt xe, tai nạn, chết máy giữa đường,... Đứng trước mỗi sự lựa chọn như vậy, rõ ràng ông ta phải mạo hiểm.

Giám đốc một doanh nghiệp phải lựa chọn giữa 2 người cho một vị trí quan trọng phải mạo hiểm đánh giá ai là người có khả năng và thích hợp với công việc hơn.

Và toàn bộ công việc của một người nông dân là một sự mạo hiểm lớn. Khi anh ta gieo hạt giống xuống đất, anh ta đang mạo hiểm với khả năng hạt giống đó có thể nảy mầm và mọc lên thành cây, rồi anh ta có thể bán hoa trái mà cây đó mang lại để thu lợi nhuận, bất chấp thời tiết xấu, sâu bệnh, chim chóc phá hoại và sự bấp bênh của thị trường – được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Khi một người phải chấp nhận rủi ro không thể tránh khỏi, anh ta đang mạo hiểm. Nhưng khi chấp nhận một rủi ro mà anh ta không nhất thiết phải chấp nhận, anh ta đang liều lĩnh.

Đó có thể coi là một đặc điểm chính để phân biệt sự khác nhau giữa mạo hiểm và liều lĩnh. Nhưng còn một điểm khác. Sự mạo hiểm xuất phát từ một lý do bắt buộc, trong khi động cơ của sự liều lĩnh không gì khác ngoài cơ hội. Người bắt buộc phải mạo hiểm có thể đưa ra một đánh giá khôn ngoan về những chướng ngại trên con đường của anh ta. Còn người liều lĩnh chỉ hoàn toàn dựa vào may rủi.

Khi chúng ta mua một cổ phiếu hoặc gửi tiết kiệm ở ngân hàng chúng ta phải chấp nhận một phần mạo hiểm. Nguy cơ chứng khoán hay tiền của chúng ta bị mất giá là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, khi một người mua chứng khoán, có thể anh ta không tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào cơ hội mà nó mang lại. Anh ta có thể đưa ra những đánh giá sáng suốt về mức độ rủi ro mà anh ta có thể chấp nhận. Và anh ta có rất nhiều lựa chọn với rất nhiều mức độ rủi ro khác nhau: từ cổ phiếu blue chip của những doanh nghiệp lớn cho tới cổ phiếu "trà đá" của những công ty mà tài sản đáng giá nhất của chúng không gì khác ngoài niềm hi vọng.

Nhiều nhà đầu tư mang tư tưởng cổ điển chỉ đầu tư vào các loại chứng khoán khác như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp hạng nhất. Đó là lý do vì sao những người chịu trách nhiệm đầu tư ở các ngân hàng, công ty bảo hiểm, vốn vô cùng thận trọng, tất cả các cổ phiếu đều quá rủi ro để có thể được liệt vào danh mục "đầu tư", bất chấp thực tế một số cổ phiếu đã chứng minh là an toàn hơn nhiều so với trái phiếu doanh nghiệp xét về lâu dài.

Có một số cổ phiếu của những công ty lớn đã được thời gian và thị trường chứng minh là ổn định. Nên hiện nay, ngay cả những nhà đầu tư thận trọng nhất cũng đồng ý coi những cổ phiếu này là "chứng khoán đầu tư" để phân biệt với "chứng khoán đầu cơ". Trong đó ổn định nhất thường là cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiện ích xã hội, lương thực-thực phẩm, ngân hàng, hàng tiêu dùng thiết yếu, cho dù trong trong những giai đoạn thuận lợi hay khó khăn của nền kinh tế nói chung.

Nhưng dĩ nhiên, thứ được gọi là mạo hiểm với người này lại được người khác xếp vào danh sách đầu tư. Bên cạnh các chứng khoán có độ an toàn cao nhất đã kể trên là rất nhiều cổ phiếu đa dạng khác mà nhiều người đánh giá là những đối tượng đầu tư tốt, chủ yếu do những khoản chia cổ tức hấp dẫn của chúng.

Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu trong số này thuộc về các công ty có mức doanh thu tăng giảm rất nhiều theo chu kỳ kinh doanh. Đó là các công ty thuộc các nhóm công nghiệp như xe hơi, thép, xây dựng hoặc dệt may. Khi tình hình kinh doanh thuận lợi họ chia cổ tức rất nhiều. Còn khi việc kinh doanh bị ngưng trệ, cổ tức lập tức bị cắt giảm hoặc thậm chí không được thanh toán.

Một quy luật vàng cần nhớ là mức độ mạo hiểm của chúng ta khi mua một trong những cổ phiếu thuộc loại "chu kỳ" này tỉ lệ thuận với mức chia cổ tức của chúng. Tỉ lệ cổ tức trên giá càng lớn thì mức độ rủi ro càng cao. Lý do là các cổ phiếu chia cổ tức nhiều thường được nhà đầu tư ưa chuộng, dẫn tới nhu cầu lớn. Nhu cầu lớn này thể hiện qua mức giá cao của cổ phiếu. Nếu giá cổ phiếu không cao, điều đó có nghĩa là mức chia cổ tức cao đã không phản ánh qua giá cổ phiếu vì một yếu tố rủi ro nào đó khiến các nhà đầu tư e ngại.

Lại có cả hàng trăm cổ phiếu khác phải được phân loại là đầu cơ. Nhưng ngay cả chúng cũng khác biệt nhau rất nhiều về phẩm chất. Trên đỉnh của nhóm này là các cổ phiếu đang tăng trưởng tốt. Đó là cổ phiếu của các công ty thường chia rất ít hoặc thậm chí không chia cổ tức, vì viễn cảnh tươi sáng của họ trong tương lai đã đủ hấp dẫn các nhà đầu tư.

Ở Mỹ 80 năm về trước nhiều cổ phiếu xe hơi và máy thu thanh đã từng được xếp loại này. Gần đây hơn là các cổ phiếu hàng điện tử, máy tính, thiết bị văn phòng , dược, hàng không đã thế chỗ chúng. Và gần đây nhất là các công ty về công nghệ nổi lên, các cổ phiếu này tăng trưởng như vũ bão, là cục cưng của cộng đồng đầu tư. Nhu cầu sở hữu chúng lớn đến nỗi các nhà đầu tư sẵn sàng trả mức giá cao hơn mức lợi nhuận hàng năm mà chúng mang lại tới 40-50 lần.

Một số chứng khoán thuộc loại đầu cơ hấp dẫn không phải vì tương lai xán lạn, mà vì phẩm chất của chúng đã được cải thiện nhiều so với quá khứ. Một công ty có thể bỏ qua vài kỳ chia cổ tức hoặc không thanh toán lãi vay trong giai đoạn cải tổ khó khăn và chông gai. Nhưng một khi nó bắt đầu phục hồi, cổ phiếu của nó thường sẽ lột xác.

Thể loại cổ phiếu đầu cơ phổ biến nhất là cổ phiếu của những công ty hoạt động trong các lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ. Những công ty này sở hữu rất nhiều niềm hi vọng nhưng thường chia cổ tức bằng phát hành thêm cổ phiếu hoặc không chia cổ tức.

Cuối cùng là những cổ phiếu "trà đá". Một số cổ phiếu loại này thuộc về những công ty lỗi thời đang rơi vào tình cảnh tồi tệ nhất. Hoạt động kinh doanh của họ tuột dốc không phanh và cổ phiếu của họ gần như vô giá trị. Và một số công ty mà hoạt động kinh doanh của họ "lẹt đẹt" mãi không thể phát triển, sống "lay lắt" qua ngày.

Mặc dù sự khác biệt giữa kiểu "đầu cơ" này với gửi tiền tiết kiệm hay mua trái phiếu chính phủ là rất rõ ràng. Nhưng khoảng cách giữa chúng thường trở nên mờ nhạt ngay khi chúng ta rời khỏi một trong 2 thái cực. Nhà đầu tư là người góp tiền của mình vào một doanh nghiệp với hi vọng có được một nguồn thu nhập thoả đáng và lâu dài thông qua cổ tức và sự tăng giá của cổ phiếu. Nhà đầu cơ thì chỉ dựa trên cái nhìn ngắn hạn. Anh ta không quan tâm đến cổ tức mà điều quan tâm là làm sao kiếm tiền càng nhanh càng tốt với số vốn của mình và sẽ bán cổ phiếu ra bất cứ khi nào thấy thích hợp (giá đã tăng lên đủ mức mà anh ta mong đợi). Thông thường nhà đầu cơ sẽ phải chấp nhận một rủi ro lớn trong quá trình mua bán đó, nhưng nếu anh ta đúng, anh ta sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng những người kiếm được rất nhiều tiền trong đầu cơ có vẻ rất ít. Vì cho dù là đúng 9 lần nhưng chỉ 1 lần sai thôi, anh ta có thể mất hết số tiền kiếm được trước đó.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những nhà đầu cơ chuyên nghiệp thường không cố gắng kiếm lời bằng cách đổ tiền vào những loại cổ phiếu đầu cơ đang tăng trưởng mạnh. Có lý do giải thích cho việc này. Xét tại bất kỳ thời điểm nào, giá của một cổ phiếu thể hiện sự đánh giá của mọi người đang tham gia trên thị trường chứng khoán.

Trong hầu hết các trường hợp, nhà đầu cơ sẽ đưa ra đánh giá trái ngược với công chúng. Có thể anh ta đã tiến hành nghiên cứu một công ty đến từng chi tiết nhỏ nhất và anh ta cho rằng mình biết rõ hơn công chúng giá trị thật của công ty đó – giá trị mà chẳng sớm thì muộn mọi người sẽ nhận ra. Hoặc anh ta tin rằng mình cảm nhận xu hướng thị trường tốt hơn mọi người – khi nào nó bước vào chu kỳ tăng giá, khi nào nó vào chu kỳ giảm giá. Đó có thể là cơ hội để anh ta kiếm tiền nhanh chóng.

Nếu nhà đầu cơ tin rằng nhận xét của mình là đúng, anh ta sẽ tìm cách khuếch đại (đòn bẩy hay margin) tối đa lợi nhuận bằng các công cụ tài chính khác nhau như vốn vay qua các công ty chứng khoán (hay còn gọi là vay margin). Đúng là có một số ít người đã kiếm được nhiều tiền từ đầu cơ. Nhưng sự thành công của kẻ mạnh mang lại ảo tưởng cho kẻ yếu những người thiếu khả năng sẽ tự huỷ diệt mình khi họ lao vào con đường đầu cơ.

Tóm lại, chúng ta cần phải hiểu rõ thế nào là mạo hiểm, thế nào là liều lĩnh trước khi tham gia vào bất cứ hoạt động đầu tư nào. Mạo hiểm là thứ chúng ta phải đối mặt hàng ngày, không thể tránh khỏi, và để đưa ra lựa chọn hay quyết định sáng suốt chúng ta phải trau dồi kiến thức cùng với khả năng tư duy của mình. Và dĩ nhiên cùng với khả năng ngày một nâng cao, chúng ta tránh được sự liều lĩnh. Một lần nữa: Khi một người phải chấp nhận rủi ro không thể tránh khỏi, anh ta đang mạo hiểm. Nhưng khi chấp nhận một rủi ro mà anh ta không nhất thiết phải chấp nhận, anh ta đang liều lĩnh.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!