#27: Đầu tư: (6) Báo cáo tài chính cho ta biết điều gì?

#27: Đầu tư: (6) Báo cáo tài chính cho ta biết điều gì?
Photo by Scott Graham / Unsplash

Câu chuyện của công ty Cần Câu Bỏ Túi (CBT) cho chúng ta biết một công ty được xây dựng từ ban đầu như thế nào và cách mà nó huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu. Nhưng những công ty như CBT không phù hợp cho việc đầu tư tích luỹ tài sản, bởi đơn giản nó quá mạo hiểm, mạo hiểm đến mức có thể gọi là liều lĩnh. Nó chỉ thích hợp cho việc đầu cơ, nghĩa là ta sẵn sàng chấp nhận rằng ta có thể mất hết số tiền đầu tư vào công ty đó nếu (1) nó thất bại – phá sản và (2) nó sống lay lắt – không thể phát triển và tạo ra lợi nhuận HOẶC gặt hái được lợi nhuận rất cao nếu (3) nó thành công. Chỉ tính một cách đơn giản ta cũng biết rằng cơ hội thắng chỉ có 1 và rủi ro thua là cao gấp đôi.

Với một công ty mới thành lập như những ngày đầu tiên của CBT, chúng ta có thể đánh giá một phần nào về nhu cầu của thị trường, một phần nào đó về những người sáng lập (đương nhiên là không thể biết hết), còn lại tất cả những yếu tố khác làm nên thành công của một doanh nghiệp đều chỉ có thể dựa vào suy đoán. Chúng ta không thể biết được sản phẩm của nó có được thị trường đón nhận tích cực hay không? Chúng ta không biết được chất lượng sản phẩm và giá cả của nó có cạnh tranh được với các đối thủ khác trên thị trường hay không? Chúng ta cũng không biết được là công ty đó có được quản lý tốt hay không,... Và quan trọng nhất trong việc đầu tư là doanh nghiệp đó có tạo ra nhiều lợi nhuận hay không?

Hay nói cách khác, là những công ty mới thành lập chưa có nhiều thứ để chứng minh được là nó có thành công hay không. Trong khi đó đứng ở góc độ của người đầu tư, chúng ta sẽ có nhiều sự lựa chọn mà rủi ro của nó thấp hơn nhiều. Trên thị trường chứng khoán luôn có nhiều công ty đã chứng minh được sự thành công của nó: doanh nghiệp đó đã tồn tại một thời gian tương đối lâu trên thị trường, nó phát triển tốt cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Và xu hướng của nó vẫn đang trên đà phát triển do nó có lợi thế cạnh tranh lớn, được quản lý tốt. Nhưng làm sao chúng ta biết được điều này?

Câu trả lời là, chúng ta có thể biết được phần lớn nếu chúng ta biết đọc báo cáo tài chính. Để bắt đầu bước chân vào lĩnh vực đầu tư cổ phiếu, việc đầu tiên cần làm là nắm bắt được tình trạng tài chính của công ty mà ta có ý định đầu tư. Hầu hết mọi người đều bỏ qua việc này rồi bắt tay vào đầu tư ngay với những thông tin có được ở trên báo chí, truyền thông mà không hề xem xét kỹ lưỡng.

Việc đầu tư cổ phiếu, so sánh đơn giản thì nó cũng giống như chúng ta cho ai đó vay tiền, chúng ta cần biết người đó là ai, tình trạng tài chính, uy tín cá nhân và người đó có khả năng trả lại tiền cho chúng ta hay không. Việc không hiểu rõ tình trạng tài chính của công ty nào đó mà đã đầu tư ngay chẳng khác nào cho người lạ vay tiền. Đương nhiên chúng ta chẳng bao giờ cho người lạ vay tiền cả, cho dù đó là số tiền nhỏ. Thông thường người ta chú ý quản lý những khoản tiền nhỏ nhưng lại rất cẩu thả trong việc quản lý những khoản tiền lớn, vậy nên hiển nhiên họ thường bỏ qua bản chất của sự việc. Có những việc tưởng chừng như khác nhau mà thực chất nó lại như nhau, nhưng vì không hiểu bản chất nên người ta thường hành xử khác nhau với những việc như nhau.

Có rất nhiều người không xem xét và tìm hiểu dòng vốn của doanh nghiệp mà mình định mua cổ phiếu. Điều này là do đa số mọi người coi việc đọc và kiểm tra các báo cáo tài chính vốn không hề dễ dàng, thậm chí nó được coi là thứ rất khó hiểu. Những báo cáo tài chính luôn nửa đúng nửa sai chứ không hoàn toàn phản ánh 100% sự thật. Báo cáo tài chính cũng chỉ là một văn bản cứng nhắc, nhưng nếu chúng ta có thể hiểu được logic đằng sau nó thì báo cáo tài chính sẽ trở thành người bạn trung thực nhất của chúng ta. Càng hiểu nhiều thì ta sẽ càng cảm nhận được logic ẩn giấu trong bản chất của nó. Vậy việc chúng ta phải làm khi đầu tư cổ phiếu là nên "làm bạn" với các báo cáo tài chính.

Ban đầu, nếu chưa làm quen, báo cáo tài chính như một ma trận, ta bị lạc trong các con số mà không biết ý nghĩa của nó là gì, ta không biết bắt đầu từ đâu. Nó khiến chúng ta "xoắn não" và muốn bỏ cuộc. Nhưng nếu đã làm quen thì chúng ta sẽ thấy rằng, chỉ cần hiểu được một số con số quan trọng là ta đã có thể nắm bắt được tình hình kinh doanh cũng như tài chính của doanh nghiệp.

Để có thể làm quen với báo cáo tài chính, đầu tiên chúng ta cần lưu tâm là thứ tự xem xét các bản báo cáo. Thứ ta nên ưu tiên xem xét đầu tiên là "doanh số bán hàng""lợi nhuận hoạt động". Bởi doanh số bán hàng có thể cho ta thấy quy mô của công ty là lớn hay nhỏ, còn lợi nhuận hoạt động cung cấp cho ta cái nhìn sâu sắc về hoạt động kinh doanh của công ty có hiệu quả hay không, công ty có lợi thế cạnh tranh hay không. Khi nhìn vào những con số này, ta có thể thấy được doanh nghiệp lớn như thế nào và kiếm được  bao nhiêu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty.

Hãy thử phân tích qua một ví dụ đơn giản. Giả sử mệnh giá cổ phiếu của công ty X là 10 USD và giá đóng cửa của ngày hôm trước là 100 USD. Doanh thu hàng năm của công ty X là 2 triệu USD và lợi nhuận hoạt động là 20.000 USD, tương đương với tỉ suất lợi nhuận là 1%. Apple đạt tỷ suất lợi nhuận hoạt động ở mức 20-30% mỗi năm và của Samsung là 10-20% mỗi năm. So với mức này thì lợi nhuận hoạt động của công ty X là mức sinh lời thấp và không có ý nghĩa gì. Xét về khía cạnh tài chính, đây là mức giá cổ phiếu không thể chấp nhận được. Chúng ta có thể thấy rằng dòng cổ phiếu dạng như cổ phiếu của công ty X không hề ít trên thị trường chứng khoán hiện nay, và nó hơi kỳ lạ đối với những nhà đầu tư nhưng lại rất bình thường với những nhà đầu cơ.

Vậy nên để có thể hiểu một cách sâu sắc về nguyên nhân tạo ra những dòng cổ phiếu này chúng ta cần xem xét các yếu tố tác động đến giới đầu tư chứng khoán, như điều kiện kinh tế, xã hội đang thuận lợi hay khó khăn, đang thừa tiền (bơm tiền) hay thiếu tiền (hút tiền). Chúng ta có thể tự mình phát hiện ra những điểm bất thường và phân tích chúng. Việc phân tích để chúng ta có thể hiểu lý do thực sự đằng sau gây ra những biến động ấy.

Nếu xem xét các báo cáo tài chính trên quan điểm như vậy, chúng ta sẽ biết được chính xác tình hình tài chính hiện tại của công ty ấy ra sao. Và chúng ta không chỉ xem xét báo cáo tài chính của năm hiện tại mà còn phải xem xét báo cáo tài chính của doanh nghiệp đó ít nhất là 5 năm gần nhất để có thể so sánh được quá khứ và hiện tại, để xem được xu hướng tương lai.

Trên đây chỉ là những ví dụ đơn giản nhất, để cho thấy tầm quan trọng của việc đọc và phân tích báo cáo tài chính trước khi chúng ta có ý định mua cổ phiếu của một doanh nghiệp nào đó. Bài viết này không có ý định trình bày cụ thể về những con số, chỉ số quan trọng mà chúng ta cần phải biết và nên biết khi đọc và phân tích một báo cáo tài chính. Nó chỉ cung cấp cái nhìn về báo cáo tài chính và nên bắt đầu tiếp cận đầu tư cổ phiếu từ đâu và nó không hề khó như chúng ta vẫn nghĩ nếu chúng ta hiểu bản chất của vấn đề.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!