#28: Đầu tư: (7) Báo cáo tài chính dưới góc nhìn của Warren Buffet

#28: Đầu tư: (7) Báo cáo tài chính dưới góc nhìn của Warren Buffet
Photo by Andrew Neel / Unsplash

Chúng ta đã biết tầm quan trọng của các báo cáo tài chính doanh nghiệp trong đầu tư chứng khoán. Nhưng để hiểu được những con số trên đó nói lên điều gì thì không phải ai cũng có thể hiểu. Trong đầu tư, chúng ta có lẽ đều biết đến tỷ phú Warren Buffet, ông là một trong 10 người giàu nhất thế giới trong danh sách của Forbes nhiều năm liên tục. Nhưng ngoài việc ông giàu có, người ta còn biết đến ông là huyền thoại đầu tư và là nhà hiền triết xứ Omaha. Không thể phủ nhận rằng những lợi thế về xuất thân góp phần vào thành công của ông, nhưng quan trọng hơn rất nhiều chính trí tuệ mới mang đến cho ông những thành công trong các thương vụ đầu tư khổng lồ.

Warren Buffet là hình mẫu của phương pháp đầu tư giá trị, tích luỹ tài sản. Trong suốt sự nghiệp đầu tư của mình, có lẽ điều quan trọng nhất để ông đầu tư vào một doanh nghiệp chính là lợi thế cạnh tranh (những yếu tố giúp một doanh nghiệp trở nên vượt trội, nổi bật hơn các doanh nghiệp khác hoạt động cùng ngành) của nó. Một doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh cũng có nghĩa là nó đang nắm chắc thất bại trong tay, và vấn đề chỉ là thời gian.

Chúng ta hãy cùng xem Warren Bufett phân tích lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp qua các con số trên báo cáo tài chính như thế nào nhé. Ông luôn luôn chú ý đặc biệt đến những doanh nghiệp không chỉ có lợi thế cạnh tranh mà lợi thế cạnh tranh đó phải bền vững qua thời gian, hay nói gọn lại là lợi thế cạnh tranh bền vữngDCA (Durable Competitive Advantage).

Trước hết, báo cáo tài chính của một doanh nghiệp gồm 3 bản báo cáo sau: (1) Báo cáo kết quả Hoạt động kinh doanh; (2) Bảng cân đối kế toán; (3) Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ. Về ý nghĩa của chúng, nếu chưa biết bạn có thể tra cứu trên Google. Ở đây chúng ta chỉ tập trung xem xét từng báo cáo với những chỉ số mà Warren Buffet chỉ ra, nó có ý nghĩa gì.

1 - Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Thứ nhất, Biên lợi nhuận gộp (hay Tỷ suất lợi nhuận gộp) nếu:
 > 30% cho thấy doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững hay có DCA.
 < 30% cho thấy sự cạnh tranh sẽ dễ bào mòn lợi nhuận gộp.
 < 10% cho thấy khả năng cao là doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh.
Ở chỉ số này, quan trọng nhất là Biên lợi nhuận gộp phải ổn định và có tính đồng nhất, không nhiều biến động trong nhiều năm.

Thứ hai, Chi phí bán hàng và Chi phí quản lý doanh nghiệp (tính theo % trên Lợi nhuận gộp) nếu:
 < 30% cho thấy chất lượng doanh nghiệp tốt, có DCA.
 <= 100% cho thấy ngành nghề kinh doanh có sự cạnh tranh khốc liệt.
Ở chỉ số này, quan trọng nhất là sự ổn định và tính đồng nhất trong nhiều năm.

Thứ ba, Khấu hao (tính theo % trên Lợi nhuận gộp): Doanh nghiệp có DCA sẽ có tỷ lệ này thấp hơn so với đối thủ.

Thứ tư, Chi phí lãi vay (tính theo % trên Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi): Doanh nghiệp có DCA có rất ít hoặc không có lãi vay. Buffet thích những doanh nghiệp có tỷ lệ Chi phí lãi vay < 15%. Doanh nghiệp có tỷ lệ Lãi vay/Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, thấp nhất trong ngành cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có DCA.

Thứ năm, Lợi nhuận sau thuế (tính theo % trên Doanh thu hay Tỷ suất lợi nhuận ròng) nếu:
 > 15% trong nhiều năm cho thấy doanh nghiệp có DCA.
 < 5% có nghĩa là ngành nghề có tính cạnh tranh cao.

2 - Bảng cân đối kế toán

Thứ nhất, Tiền và các khoản tương đương tiền: Nhiều tiền mặt và các khoản tương đương tiền, giấy tờ có giá và đồng thời ít nợ vay. Cần xem chỉ số này trong 5-7 năm để biết dòng tiền mặt được tạo ra từ nguồn nào.

Thứ hai, Hàng tồn kho: Hàng tồn kho và Doanh thu có sự tăng trưởng đồng nhất. Nếu hàng tồn kho biến động lớn (tăng/giảm) liên tục trong nhiều năm là ngành nghề cạnh tranh lớn và ảnh hưởng lớn bởi chu kỳ kinh tế.

Thứ ba, Tài sản cố định hữu hình: Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh không cần phải đầu tư quá nhiều cho, liên tục trong nhiều năm cho tài sản cố định hữu hình để duy trì vị thế.

Thứ tư, Tài sản cố định vô hình: Có rất nhiều tài sản cố định vô hình không được ghi vào sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Nhưng những tài sản này góp phần tạo nên lợi thể cạnh tranh như: bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ, giấy phép, mạng lưới phân phối, mối quan hệ khách hàng,...

Thứ năm, Nợ vay ngắn hạn: Buffet thường tránh những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay ngắn hạn/nợ vay dài hạn cao khi so sánh.

Thứ 6, Nợ vay dài hạn: Các doanh nghiệp có DCA thường có rất ít hoặc không cần nợ dài hạn để duy trì mở rộng kinh doanh.

3 - Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Chi phí vốn hay Chi phí mua sắm tài sản cố định, tỷ lệ % [Chi phí vốn/Lợi nhuận sau thuế] từ trước đến nay nếu:
< 50% thì doanh nghiệp được xem là có DCA.
< 25% đây rất có thể là một doanh nghiệp tuyệt vời với DCA đang kinh doanh trong lĩnh vực quen thuộc. Warren Buffet ưa thích và không ngừng "săn lùng" những doanh nghiệp dạng này. Bởi những cỗ máy tạo ra tiền thường không cần phải đầu tư quá nhiều cho mua sắm trang thiết bị mà vẫn có được những lợi nhuận cao, ổn định và đều đặn.

Trên đây là tóm tắt những chỉ số quan trọng nhất mà Warren Buffet đưa ra dưới góc nhìn của ông để đánh giá về một doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp đó trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Phải nhắc lại rằng, ông luôn săn lùng những doanh nghiệp là những cỗ máy in tiền và đã tìm được nhiều doanh nghiệp như vậy, trong số đó phải kể đến các doanh nghiệp điển hình như: Coca-Cola và Apple.

Việc áp dụng cách làm của Warren Buffet không phải dễ nhưng cũng không quá khó. Cái khó chính là sự kiên trì trau dồi kiến thức và đọc báo cáo tài chính, theo dõi doanh nghiệp. Và cái khó nhất đó là, con người chúng ta ai cũng muốn giàu nhanh và làm gì cũng muốn thấy ngay kết quả trong khi cách đầu tư giá trị của Warren Buffet yêu cầu nhiều năm. Không những vậy, tin tức báo chí, truyền hình, mạng xã hội,... hàng ngày tung hô những nhà đầu cơ kiếm được tiền rất nhanh, rất nhiều chỉ bằng cách xem đồ thị trên màn hình máy tính để ra quyết định đầu tư. Những thông tin kiểu này không bao giờ được kiểm chứng bởi vì họ nói nhưng không bao giờ họ cho chúng ta xem tài khoản của họ thực sự là thế nào.

Vì vậy, đừng vội tin bất cứ điều gì mà hãy đặt câu hỏi "Tại sao?". Tại sao truyền thông thích đưa những thông tin làm giàu không khó, làm giàu nhanh chóng? Thông tin này đưa ra nhằm mục đích gì? Ai hay tổ chức nào sẽ được hưởng lợi? Họ đang muốn dẫn dắt ta làm điều gì? Có thật là làm giàu không khó hay không?

Những người theo phong cách đầu cơ trên thị trường chứng khoán tôn chỉ của họ là "mua giá cao bán giá cao hơn" mà không cần quan tâm đến tình hình tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp ấy như thế nào. Mua mua, bán bán liên tục thì các công ty môi giới chứng khoán càng có lợi bởi họ đứng giữa thu phí giao dịch của người mua và người bán (2 lần – 1 lần của người mua và 1 lần của người bán cho mỗi giao dịch được thực hiện) và họ luôn khuyến khích điều này. Và đương nhiên nhà nước cũng rất khuyến khích bởi sẽ thu được một khoản thuế khi ai đó bán cổ phiếu của mình bất kể người đó có lãi hay là lỗ. Tôn chỉ của những công ty môi giới chứng khoán là "Hãy mua bán không ngừng".

Chắc có lẽ không cần phải nói thêm, chúng ta cũng đã hiểu tại sao xã hội luôn đưa tin, tung hô những cá nhân làm giàu nhanh chóng rồi chứ. Chỉ cần bạn có tiền, sẽ có rất nhiều cái bẫy tài chính được giăng ra để đón lấy những bước đi sai lầm của bạn. Và nếu chúng ta mắc bẫy chỉ vì thiếu hiểu biết, thì chính chúng ta góp một phần tự đẩy mình vào chiếc bẫy này.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!