#29: Đầu tư: (8) Nên đầu tư cách nào nếu bạn có thể đầu tư?

#29: Đầu tư: (8) Nên đầu tư cách nào nếu bạn có thể đầu tư?
Photo by Precondo CA / Unsplash

Chắc chắn cổ phiếu mà chúng ta muốn mua là cổ phiếu không tồn tại trong thực tế. Đây là cổ phiếu mơ ước của bất kỳ ai: nó an toàn tuyệt đối, nó có mức cổ tức cao chót vót và sẽ tăng giá vùn vụt.

Có những cổ phiếu tốt sẽ thoả mãn được một trong ba điều kiện nêu trên. Nhưng sẽ không có cổ phiếu nào thoả mãn được cả 3 điều kiện đó. Nếu muốn một cổ phiếu an toàn sẽ phải từ bỏ hi vọng nó tăng giá vùn vụt. Ngược lại, nếu muốn thấy tiền vốn "đẻ" ra tiền một cách nhanh chóng thì phải chấp nhận rủi ro lớn hơn.

Đôi khi chúng ta có thể tìm thấy một cổ phiếu tương đối an toàn và có mức cổ tức cao hơn mức trung bình. Nhưng ngay cả trường hợp này, quy luật hiển nhiên vẫn là không thể vừa để dành một cái bánh vừa ăn nó được. Nếu cổ tức cao thì nhiều khả năng một trong hai yếu tố kia sẽ thấp.

Do vậy bước đầu tiên trong việc giải quyết vấn đề đầu tiên của mỗi người là quyết định một mục tiêu mà chúng ta coi là quan trọng nhất cần đạt được khi đầu tư. Hãy tự hỏi mình, mục tiêu đó là an toàn, hay cổ tức cao, hay là giá cổ phiếu tăng mạnh?

Khi bắt đầu nghĩ về những cổ phiếu phù hợp nhất với mục tiêu kể trên, đầu tiên chúng ta nên khảo sát nhiều nhóm ngành khác nhau và tiềm năng tăng trưởng của chúng trong tương lai.

Để thấy những yếu tố kể trên có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn mục tiêu đầu tư của mỗi người ra sao, chúng ta sẽ xem xét ví dụ sau để có thể mường tượng ra những vấn đề cần quan tâm trong đầu tư cổ phiếu.


Anh A là một thanh niên 24 tuổi, chưa lập gia đình, anh cảm thấy thoải mái với cuộc sống độc thân hiện tại và muốn tiếp tục trong một thời gian nữa. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp đại học, giờ đây anh làm việc trong một phòng thí nghiệm hoá thực phẩm của một công ty thực phẩm có tiếng. Thu nhập của anh là 250 triệu mỗi năm và nhờ thuê chung một căn hộ với 2 người bạn khác, anh để dành được khoảng 50 triệu mỗi năm. Anh đã bắt đầu có một công việc ổn định và đã bắt đầu xây dựng được một gia tài cho riêng mình.

Với số tiền dành dụm được sau 2 năm làm việc, giờ đây anh A đã có trong tay 100 triệu nhàn rỗi, hầu như không phải để dành cho tình huống khẩn cấp nào, và anh chưa có trách nhiệm gì lớn phải cáng đáng. Ngoài ra, nếu rơi vào một tình huống thật sự khó khăn, A biết có thể tin tưởng vào sự giúp đỡ của bạn bè.

Anh không muốn thấy số tiền mà mình dành dụm ngày càng giảm giá trị do lạm phát của nền kinh tế 5% mỗi năm, mà muốn thấy số vốn của mình sinh sôi nảy nở. Nên anh muốn đầu tư nó vào những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lớn, mặc dù những cổ phiếu như vậy có thể chỉ chia rất ít hoặc thậm chí không chia cổ tức.

Một người trẻ tuổi và nhiều tham vọng như A với công việc ổn định, có thể chấp nhận mức độ rủi ro tương đối lớn. Có thể anh muốn đầu tư toàn bộ số tiền của mình.

Anh sẽ dành 20 triệu (20%) cho một quỹ tài chính vì nó đảm bảo rằng anh có thể rút số tiền này ra bất cứ lúc nào anh cần. Khoảng 40 triệu (40%) nữa có thể mua một cổ phiếu ổn định. Cổ phiếu này là một trong những cổ phiếu được coi là thành trì của nền kinh tế, vì chúng luôn vượt qua được các cơn khủng hoảng và chia cổ tức khá cao.

Tiếp theo A có thể tự tin đầu tư 40 triệu (40%) còn lại vào cổ phiếu có nhiều tính chất đầu cơ hơn, có nghĩa là những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lớn. Có thể là một cổ phiếu dược phẩm, công nghệ hay bất động sản. Nhưng cũng có thể A nên đặt cổ phiếu hoá chất lên hàng đầu vì đó là lĩnh vực chuyên môn của mình. Dù là chọn cổ phiếu nào đi chăng nữa, A cũng phải rà soát kỹ lưỡng danh sách để tìm ra những cổ phiếu "chưa được đánh thức" thay vì chạy theo những cổ phiếu đã quá nổi tiếng và thường được bán với giá rất cao. Có nhiều công ty tốt, với thành tích tăng trưởng trong quá khứ và tương lai không hề thua kém, thậm chí hơn hẳn những công ty lớn nhưng A vẫn có thể mua được cổ phiếu của chúng với mức giá tương đối thấp. Tìm và phát hiện những cổ phiếu đang được "thổi phồng giá trị" hay "cổ phiếu "no nước" cũng là bài tập có ích cho A. Cũng không nên quên rằng hầu hết các cổ phiếu "siêu sao" hôm nay sẽ hết thời trong tương lai không xa.

Những khoản tiền để dành được trong tương lai, khoảng 50 triệu mỗi năm cũng có thể được A dồn phần lớn vào cổ phiếu tăng trưởng, chừng nào tình trạng cuộc sống của anh còn chưa thay đổi.


Trong thực tế chúng ta thấy rằng, sẽ có rất nhiều các trường hợp khác nhau với những điều kiện hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn như bạn không phải là chàng trai 24 tuổi ở trên, mà bạn ở tuổi 35 có một gia đình nhỏ gồm hai con 3 tuổi và 7 tuổi thì dĩ nhiên mức độ mạo hiểm của bạn có thể sẽ khác. Có thể bạn sẽ dành phần lớn tiền đầu tư vào cổ phiếu ổn định và chỉ dành khoảng 10-20% dành cho các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lớn thay vì 40% như A. Hoặc bạn ở tuổi 45 có 2 con, 1 đứa đang học cấp 3 và định cho con đi du học và một đứa đang học cấp 2 sẽ cần mức độ an toàn cao hơn...

Như vậy tuỳ thuộc vào độ tuổi, trách nhiệm phải gánh vác với gia đình mà chúng ta có thể phân bổ tiền đầu tư vào các hạng mục khác nhau tuỳ vào hoàn cảnh và điều kiện của bản thân. Hãy luôn nhắc nhở mình rằng là không có một công thức chung nào cho tất cả mọi người. Vì vậy chúng ta phải cân nhắc kỹ điều kiện, hoàn cảnh của mình để ra quyết định đầu tư cũng như phân bổ vốn đầu tư của mình sao cho hiệu quả.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!