3 chữ người khởi nghiệp phải nhớ

Ống kính, tập trung vào một điểm
Photo by Paul Skorupskas / Unsplash

Trong nhiều việc, bạn lựa chọn một số việc để làm, còn lại là không làm, bạn đang "làm phép trừ". Bản chất của việc làm phép tính trừ này là chuyên tâm. Trong phương hướng khởi nghiệp, tập trung tấn công vào một điểm nào đó mà không quan tâm đến điều gì khác sẽ dần hình thành sự sáng tạo mang tính đột phá, khả năng thành công cũng được nuôi dưỡng từ đó. Làm phép trừ tức là tin tưởng tuyệt đối vào con đường đã xác định rõ, cũng là cự tuyệt việc trốn tránh chính mình, càng khó khăn càng cần phải cố gắng.

01 - THÀNH CÔNG LÀ HOÀN THÀNH MỘT VIỆC

Chỉ cần nắm chắc được một nhu cầu của khách hàng và thỏa mãn nhu cầu ấy đến mức cao nhất, thì doanh nghiệp đã thành công. Đối với sự phát triển doanh nghiệp, bắt đầu làm 10 việc chẳng bằng chuyên tâm làm 1 việc.

Cái gì cũng làm thì chẳng thể thành công

Làm việc có hai cách, một cách là nắm lấy một điểm rồi làm đến cực điểm, một cách khác là nhắm về một phía nào đó và bắn đạn lên trời để săn chim, được con nào hay con đó. Cách làm thứ nhất, dồn lực lượng vào một điểm để khoan thủng một lỗ, sẽ dễ thành công hơn cách làm thứ hai, phân tán lực lượng để khoan 10 lỗ cùng lúc mà chẳng thủng lỗ nào.

Dù trong lĩnh vực nào thì chúng ta sẽ đều thấy cơ hội nhưng đây chỉ là bề nổi. Nếu không tìm được điểm đột nhập, không hình dung được quy mô khách hàng, thì cơ hội nào rồi cũng chỉ là trên lý thuyết, không thể tạo lập được thị trường của riêng bạn. Cho nên so với việc nở hoa khắp nơi, chi bằng rút về kết lưới, nắm chắc điểm đột phá, lặng lẽ thâm nhập sâu, làm tốt, sau khi hình thành được quy mô khách hàng lớn, vươn đến lĩnh vực liên quan sẽ dễ như trở bàn tay.

Phải biết rằng các trường hợp thành công khi kinh doanh đa dạng hoá là rất ít, mức độ quản lý khi theo mô hình này cũng tăng lên, một loạt vấn đề được đặt ra như tài nguyên phân tán cũng như phát triển thương hiệu, người khởi nghiệp khó xử lý ổn thỏa được.

Đừng lo lắng vì phải bỏ một số việc khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội phát triển. Kết quả của việc bạn muốn làm tất cả không muốn bỏ đi cái nào sẽ chỉ là chẳng đạt được gì. Trong rất nhiều tình huống, tập trung toàn bộ nguồn lực làm tốt một việc đã là thành công.

Một nghề cho chín còn hơn chín nghề

💡
Ba chữ người khởi nghiệp phải thuộc lòng là “làm phép trừ”, phải bỏ qua sự hấp dẫn của những loài hoa dại ven đường, dẫn dắt tập thể đi thẳng đến đích.

Chỉ cần nắm bắt một nhu cầu của khách hàng và thỏa mãn nhu cầu ấy, tập trung tất cả tài nguyên đẩy mạnh và mở rộng phương án giải quyết thì có thể thành công, mấu chốt không nằm ở chỗ cao siêu đến mức nào về kỹ thuật, mà quan trọng là bạn có giải quyết được nhu cầu bức thiết nào đó của khách hàng hay không.

💡
Hầu như lịch sử phát triển của doanh nghiệp nào cũng là "vở kịch" 3 hồi: Hồi 1 - giới thiệu sản phẩm tốt hoặc dịch vụ chiếm lĩnh được thị trường; Hồi 2 - bắt đầu hoàn thiện khả năng cạnh tranh, phát triển trở thành doanh nghiệp có thực lực tổng hợp cân bằng; Hồi 3 - từng bước trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, tham gia cạnh tranh dựa vào năng lực cạnh tranh tổng hợp. Cốt lõi của 3 hồi này là tìm được điểm đột phá, trong thời kỳ khởi nghiệp cần nắm chắc nhu cầu của khách hàng, chọn được điểm đột phá, sau đó tập trung toàn bộ tài nguyên và lực lượng để mở rộng điểm đột phá này ra.

Sự thành công của google là tìm kiếm, facebook là nhờ kết nối mọi người, viettel là thị trường nông thôn. Làm tốt một việc quan trọng hơn gấp trăm lần so với làm mười việc cùng lúc. Rất nhiều dự án, làm xong cũng chỉ lên gác bếp, chẳng ai quan tâm. Loại dự án này dù chuẩn bị đầy đủ đến đâu, phù hợp với nhu cầu thị trường bao nhiêu, đều sẽ vì sự thiếu nhẫn nại và nghị lực của người khởi nghiệp mà mất đi tính liên tục.

02 - TÀI NGUYÊN CHẲNG BAO GIỜ LÀ ĐỦ

Một giả thiết quan trọng của kinh tế học chính là tài nguyên không bao giờ là đủ, không phải mọi doanh nghiệp đều có được nguồn tài nguyên đáp ứng đủ nhu cầu phát triển, không có dự án nào có thể có được nguồn tài nguyên cần để triển khai. Bạn chẳng bao giờ có thể có được nguồn tài nguyên đầy đủ theo nhu cầu cả.

Với doanh nghiệp trong thời kỳ khởi nghiệp thì nguồn vốn (nguồn tài nguyên nói chung) rất thiếu, thiếu người, thiếu tiền, thiếu vốn, thiếu năng lực quản lý, lúc này càng cần làm phép trừ, tập trung, tập trung, tập trung hơn nữa, tập trung vào một điểm, tạo nên đột phá, mở toang cục diện, kết quả của việc cái gì cũng muốn ôm vào chỉ có thể là chẳng làm được trò trống gì.

03 - CHUYÊN TÂM SẼ DỄ THÀNH CÔNG HƠN

Quyết định đến tính tất yếu của chiến cuộc là thắng thua trong những cuộc đấu then chốt, chẳng ai chiến thắng mọi cuộc chiến, kinh doanh cũng vậy, cần kiên quyết loại bỏ những dự án vô bổ kiểu có cũng được mà không có cũng không sao, luôn chú tâm vào chiến trường chính, tập trung ưu thế và binh lực để nắm lấy những dự án quan trọng quyết định đến chiến cuộc.

Doanh nghiệp thời kỳ khởi nghiệp phải làm được bốn cái “nhỏ nhất”

Khởi nghiệp lần đầu, mô hình kinh doanh, tức phương thức kiếm tiền, phải cực kỳ chuyên biệt và đơn giản. Microsoft lúc mới bắt đầu chỉ làm hệ điều hành DOS, New Oriental khởi sự chính là dạy Toefl, họ đều đã tạo nên kỳ tích của sự phát triển.

Đa số mô hình thương mại thành công là những mô hình đơn giản. Một là khởi điểm đơn giản, chỉ để giải quyết một nhu cầu mạnh nhất của khách hàng. Hai là phương án giải quyết đơn giản, trí tuệ của người khởi nghiệp nằm ở chỗ tìm được phương pháp đơn giản mà khéo léo để giải quyết vấn đề khó khăn mà khách hàng gặp phải. Ba là khởi nghiệp đơn giản, chuyên tâm nhưng không cầu toàn, không cầu lớn, không cầu quy phạm, tập trung toàn bộ tài nguyên để làm việc chính.

Doanh nghiệp khởi nghiệp phải làm được 4 cái “nhỏ nhất”:

💡
(1) Chỉ xác định chiến lược quan trọng nhất, tập trung lực lượng đột phá một điểm; (2) Chỉ xác định mục tiêu với mức độ giới hạn thấp nhất, chỉ tiêu mà có nhiều trọng điểm chắc chắn sẽ phân tán, chỉ tiêu cốt lõi đạt được rồi thì các chỉ tiêu khác tự nhiên sẽ đạt được; (3) Chỉ dùng người cần thiết nhất, không hoàn thành nhiệm vụ phải thay chứ không thêm người, buộc từng người trong tổ chức đều phải thích ứng với hoàn cảnh để sinh tồn; (4) Chỉ quản lý ở mức độ thấp nhất, để cấp dưới có không gian phát huy năng lực.

Nhà sáng lập Groupon đã nói, khi họ khởi sự ở Chicago thì đã có một trang web khác làm dự án tương tự với tính chất cũng là mua hàng theo nhóm, nhưng phạm vi công ty ấy rộng hơn. Khi đó họ cho rằng ý tưởng mua theo nhóm rất hay, nhưng nhà mạng đó làm vừa rộng vừa hời hợt. Vì vậy, họ sáng lập nên trang web chỉ chuyên phát triển mảng mua theo nhóm, đây chính là lý do ra đời của Groupon.

Nguồn: Tổng hợp từ sách