3 điều nhất định phải biết

Cửa đã hé mở
Photo by Jan Tinneberg / Unsplash

01 - THÀNH CÔNG LÀ TỔNG HỢP NHIỀU YẾU TỐ

Tuy thành công không có bí quyết gì kỳ diệu, nhưng thành bại lại có quy luật. Hạt nhân của thế giới là logic, không thành công nào không có lý do, chẳng thất bại nào không có nguyên nhân. Doanh nghiệp thành công vì doanh nghiệp ấy đã làm đúng ở rất nhiều phương diện, mà hễ doanh nghiệp làm đúng thì chắc chắn sẽ có đất dụng võ.

Thành công có quy luật

Thành bại có tính quy luật nhất định, dù là khởi nghiệp hay làm thuê, dù ngành nghề nào, thì việc theo 3 chân lý: đi đường chính đạo, sáng tạo và kiên trì đến cùng, sẽ giúp bạn giành được thành công tốt hơn, nhất là hai việc đi chính đạo và kiên trì đến cùng.

Những người thành công đều không viện lý do

Nghe nói khi Steve Jobs đề bạt Phó Tổng Giám đốc, ông đã cho người đó hiểu rõ một nguyên tắc đơn giản: sự khác biệt giữa anh và nhân viên nằm ở đâu?

“Khi anh là nhân viên, lý do có đất dụng võ. Còn khi anh là Quản lý thì lý do không còn hữu dụng nữa!”.

Ý muốn nói rằng, thất bại có nghĩa là thất bại, chẳng có lý do nào khác.

Sự khác biệt lớn nhất giữa người lãnh đạo và nhân viên nằm ở chỗ nhân viên là người chấp hành mệnh lệnh, lãnh đạo là người giải quyết vấn đề. Giải quyết vấn đề là tìm ra kết quả, nếu không ngừng giải thích và kiếm cớ, bạn đã thất bại. Trước khi trả lời câu hỏi mà bạn liên tục giải thích, có nghĩa bạn hoặc không biết câu trả lời hoặc không thể nói đi đôi với làm.

Người thành công nắm khi cần nắm, buông khi cần buông

Nắm được cơ hội phải kiên trì đến cùng, quá chú trọng đến bản thân hạn chế rất lớn đến thành công. Khởi nghiệp bắt đầu từ số không, thân phận, thành tích nghề nghiệp là quá khứ. Không thể quên đi, lưu luyến huy hoàng của quá khứ, sẽ mất đi rất nhiều cơ hội.

Không buông, bản thân sẽ không làm nổi công việc cơ bản nhất. Với việc sáng lập công ty, công việc cơ bản nhất là công việc bức thiết nhất.

Người khởi nghiệp có nghĩa là đảm nhận vai trò mới, là lính mới, có thể điều chỉnh tốt tâm thế, buông bỏ được những thứ của bản thân mình trước kia hay không là một cửa ải khó vượt qua.

Người thành công đều giỏi điều chỉnh tâm thế

Điều chỉnh tâm thế là cửa ải khó nhất. Đa số người khởi nghiệp thất bại đều vì vấn đề tâm thế, họ thường thiếu nhận định rằng khởi nghiệp là quá trình, vội vàng mạo hiểm, luôn ảo tưởng đánh một trận là xong, ngủ một đêm là sáng hôm sau mọi thứ như ý, họ hận không thể chỉ ăn một lần no cả đời.

Họ thường dễ dàng rơi vào cục diện “công ty nhỏ làm lớn”, điều hành công ty nhỏ như công ty lớn, quá chăm chú vào những thứ chỉ có ở công ty lớn như chiến lược, quy hoạch, chế độ, quy trình, phức tạp hóa mọi việc của công ty, đẩy giá thành lên quá cao, hạ thấp hiệu suất.

Đằng sau ánh hào quang của thành công là sự lận đận

Chẳng có bữa cơm nào miễn phí, chẳng ai muốn mà thành công ngay. Thứ mà chúng ta thấy là hào quang lấp lánh trước mặt của những người thành công, nhưng mấy ai thấy được cảm giác cô độc chua cay sau lưng họ.

Mỗi người khởi nghiệp thành công đều là những người còn sót lại sau một quá trình đầy thách thức. Trước khi có được thành công sau cùng, họ đều trải qua việc đứt đoạn dòng tiền mặt, không có tiền trả lương, bó tay với việc quảng bá mở rộng thị trường, bạn bè đối tác trở mặt thành thù. Cho nên, những người khởi nghiệp không được than thân trách phận, phải hiểu rằng đâu chỉ mình bạn nếm trải long đong thách thức, mọi người đều như nhau, đều trải qua mọi khó khăn thách thức, chỉ có điều bạn không thấy mà thôi.

02 - VĨ ĐẠI ĐỀU TỪ CHỊU ĐỰNG MÀ RA

Hi vọng, chính là ráng kiên trì thêm năm ba dặm; thành công, chính là đã kiên trì được năm ba dặm. Ông trời luôn thử thách sự nhẫn nại và sức chịu đựng của bạn, đến giây cuối cùng mới để bạn thắng. Thành công luôn chỉ đến khi bạn đã sẵn sàng vứt bỏ tất cả, kiên trì bước đi, khi bạn đã rã rời mệt mỏi và chẳng còn hi vọng gì nữa.

Kẻ sống sót là vua

Trong Anh hùng xạ điêu của Kim Dung, có một câu nói của nhân vật Chu Bá Thông khiến tôi ấn tượng sâu sắc, ông ta luận về người có võ công cao nhất: "Người có thể sống lâu nhất chính là người có võ công cao nhất", chỉ cần chịu đựng, chịu đựng đến khi cao thủ giống bạn đều chết hết rồi, thì bạn là đệ nhất thiên hạ.

Chân lý này cũng giống như làm doanh nghiệp, một doanh nghiệp sống được 100 năm, không muốn phát triển nữa cũng sẽ trở thành anh cả của thị trường phân khúc.

Phùng Luân nói: “Vĩ đại đều từ chịu đựng mà ra”, thành công không phải là kết quả của một tiến trình được cài đặt sẵn, mà là của sự thể nghiệm sai lầm, sau khi đã đi qua những khúc cua, những con dốc, chúng ta mới tìm ra con đường ấy một cách chính xác nhất.

Chìa khóa thành công là luôn kiên trì 5 phút

Nhiều khi thành công hay không thường nằm chính ở “khoảnh khắc” cuối cùng. Giống như leo núi, bạn phải tự leo, không được leo thiếu dù chỉ một con dốc, một dặm đường. Chẳng ai có thể thay bạn, chẳng có cách nào để tránh, nên có oán than cũng chẳng có tác dụng gì. Bạn chỉ có thể điều hòa hơi thở, điều hòa tâm thế, từng bước dấn thân tiến lên phía trước, không sợ chậm chỉ sợ đứng lại, chỉ cần kiên trì bước, cuối cùng sẽ đến đỉnh. Khi đó nếu người khác đều bỏ cuộc hoặc đã hy sinh, thì bạn chính là người chiến thắng duy nhất.

Phải kiên trì 5 phút cuối cùng, phải là người ngã xuống sau cùng. Rất nhiều việc, thành bại chỉ trong khoảnh khắc, thứ mà bạn đạt được sau khi đã kiên trì 5 phút cuối cùng có thể chính là thành công.

Khi Đại tướng Hoàng Vĩnh Thắng đánh trận ở Đông Bắc, có một lần chiến đấu vô cùng khó khăn, quân lính dần trụ không nổi. Khi ông ta chuẩn bị rút quân, liền phát hiện kẻ địch bắt đầu pháo kích, rất nhanh ông ta đoán rằng địch cũng đang cần rút quân, liền lập tức ra lệnh cho quân lính giữ vững đội hình chờ thêm 5 phút nữa, quả nhiên quân địch rút lui, Hoàng Vĩnh Thắng tức tốc truy kích, kết quả thắng to.

Khi bạn sức cùng lực kiệt cũng là lúc đối thủ mệt mỏi, khi bạn muốn đánh trống thu quân có thể đối thủ cũng đang đánh trống thu quân, ai có thể cắn răng chịu đựng kiên trì hơn 5 phút, người đó là kẻ chiến thắng sau cùng.

Sự kiên trì đến sau cùng này, chẳng có liên quan gì đến thể lực, hay tài nguyên, mà thách thức chính là niềm tin của bạn, phẩm chất ý chí của bạn.

03 - PHẢI XEM MỖI CƠ HỘI CÓ ĐƯỢC LÀ CƠ HỘI CUỐI CÙNG

Phải xem mỗi cơ hội có được là cơ hội cuối cùng, may ra mới thành công.

Quyết chiến là một dạng tinh thần, còn kiên trì đến cùng là một dạng thái độ khởi nghiệp. Điều gọi là tiến thủ chính là cảnh giới không ngừng đem điểm cao của ngày hôm nay đặt thành điểm thấp của ngày mai, cũng như quyết tâm biến 5% hy vọng thành 100% hiện thực. Thành công là biến thứ không thể thành có thể.

Người có quá nhiều cơ hội không dễ thành công

Thường người có càng nhiều cơ hội thì càng không dễ thành công, vì họ rất dễ bỏ cuộc, khi không giành được mục tiêu trước mắt họ lập tức vứt bỏ, gặp trở ngại thì thoái lui, không muốn kiên trì. Người có ít cơ hội thì khi có được lại tỏ ra quý trọng, kiên trì đến cùng xem đó là cơ hội cuối cùng của đời người, phát huy hết mọi năng lực, cuối cùng thường đạt được thành công.

Tôi có người bạn rất thông minh, suốt 20 năm qua có được không ít cơ hội, có lần anh ta hỏi tôi: “Sao mấy cơ hội ấy tớ đều đã làm, nhưng lại không làm được, còn người khác thay tớ làm thì lại kiếm được nhiều tiền vậy?” Câu trả lời của tôi là: “Vì cơ hội của cậu quá nhiều.” Bạn tôi có quá nhiều cơ hội để lựa chọn, nên thường khi gặp cơ hội mới, anh ta sẽ vứt bỏ những thứ đang có trong tay để nhảy vào cơ hội mới ấy.

Tuy số cơ hội mà ông trời trao cho mỗi người là như nhau, nhưng một số cơ hội đổi đời hi hữu chỉ đến với một thiểu số những người may mắn. Khi cơ hội đến bạn phải nắm chắc, đặc biệt là những cơ hội ngàn năm hiếm có, nếu không sẽ hối hận suốt đời, và ông trời cũng sẽ không ban vận may lần hai cho bạn đâu!

Biến 5% hy vọng thành 100% hiện thực

Trong số những người khởi nghiệp thất bại: 50% chưa nghĩ kỹ đã làm, 15% không kiên trì, 10% chưa dốc hết tâm sức, 10% không gặp may mắn, 5% thời cơ không đúng, 5% tài lực không đủ, 5% năng lực hạn chế. Cho nên, thành công hay không chủ yếu phải xem xét ở bản thân bạn.

Thành công không cần phải đánh đâu thắng đó. Nắm chắc một cơ hội là đủ để có được một doanh nghiệp, sự thành công của đa số công ty đều vì đã làm thành công một sản phẩm như QQ đối với Tencent.

Cơ hội là thứ xuất hiện từ nhiều yếu tố gộp lại

Có một số cơ hội, một khi bỏ lỡ, sẽ không bao giờ có được nữa. Lenovo nắm bắt được cơ hội mua lại PC của IBM, khiến Lenovo ngay tức khắc trở thành thương hiệu quốc tế, đứng vào hàng 500 công ty hàng đầu thế giới. Nếu không nắm chắc cơ hội này, tập đoàn Lenovo ngày nay có lẽ cũng chỉ thuộc hạng bình thường.

Nguồn: Tổng hợp từ sách