#30: Đầu tư: (9) Cách 'đọc' xu hướng thị trường

#30: Đầu tư: (9) Cách 'đọc' xu hướng thị trường
Photo by Myriam Jessier / Unsplash

Hầu hết mọi người khi mua cổ phiếu lần đầu tiên đều vì những lý do sai lầm. Có thể họ mua vì nghe lời ai đó – bạn bè hoặc các nhà đầu tư "có kinh nghiệm" đi trước hoặc môi giới của một công ty môi giới nào đó khuyến nghị.

Có vẻ như bản chất của con người là luôn luôn tin rằng người khác – nhất là những người thành công – biết một thông tin quý giá nào đó mà mình chưa biết hoặc không biết, rằng họ dựa trên những thông tin nội bộ hoặc thông tin bí mật nào đó để biết về tình trạng của các công ty.

Vậy thứ gọi là thông tin nội bộ hay thông tin mật đó có tồn tại trong thực tế hay không?

Dĩ nhiên là có. Các quan chức trong ban lãnh đạo của một công ty đương nhiên là biết về tình hình hoạt động và triển vọng của công ty đó nhiều hơn bất cứ người ngoài nào. Và họ có người thân, bạn bè mà họ có thể trao đổi về tình hình công ty. Kết quả là những người này biết được những thông tin bí mật và quan trọng – những thông tin nội bộ thực sự.

Và cũng vì lý do này mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) luôn theo dõi những giao dịch có liên quan đến họ một cách chặt chẽ. Lịch sử thị trường chứng khoán cho thấy những vụ việc mà các quan chức lãnh đạo của các công ty lợi dụng những thông tin nội bộ mà mình biết để kiếm lời trên thị trường chứng khoán, góp phần khiến thị trường thêm rối loạn và sụp đổ.

UBCKNN muốn quản lý điều này. Ngày nay, tất cả những người thuộc diện nắm thông tin nội bộ như trên đều phải báo cáo UBCKNN về mọi giao dịch của họ có liên quan đến cổ phiếu công ty họ. Những giao dịch thuộc loại này được báo cáo và công bố thông tin rộng rãi cho các nhà đầu tư. Người nắm thông tin nội bộ không được mua bán cổ phiếu của công ty anh ta nếu không báo trước cho UBCKNN về khoảng thời gian mà anh ta thực hiện việc mua bán đó. Nếu phi phạm, anh ta sẽ bị phạt hành chính hoặc bị cấm giao dịch. Hoặc thậm chí là phạt tội hình sự nếu hành vi của anh ta được chứng minh là lừa đảo, thao túng thị trường. Và ngay cả khi anh ta để cho vợ hoặc người thân khác đứng tên giao dịch thay cho mình thì giao dịch đó vẫn được coi là do anh ta thực hiện.

Tất nhiên thông tin nội bộ không còn là nội bộ khi đã được công bố trước công chúng. Những điều này hiện nay được quy định thành luật và chúng ta thấy dường như là hiển nhiên. Nhưng thực ra để có những luật này, đó là kết qủa của những bài học. Hãy xem xét một số vụ việc đã từng xảy ra ở thị trường chứng khoán lớn nhất và phát triển nhất thế giới là thị trường chứng khoán Mỹ.

Trong vụ án quan trọng tháng 5 năm 1966 tại Mỹ. Các bị can bị truy tố là hàng chục thành viên trong ban lãnh đạo Công ty Khai khoáng vịnh Texas, công ty này đã phát hiện một loạt vỉa quặng đồng, kẽm và chì có giá trị ở Timmins, Ontario, vào năm 1963. Nhưng vẫn âm thầm khai thác đến tận tháng 3 năm 1964 mới công bố về phát hiện mới của mình trước giới truyền thông.

SEC (Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ) cáo buộc nhiều quan chức của công ty này đã lợi dụng thông tin nội bộ mà mình nắm được để trục lợi bằng cách mua cổ phiếu của công ty ngay trước khi thông tin về những vỉa quặng mới được công bố. Thậm chí cơ quan này buộc tội cả một thành viên trong ban giám đốc mặc dù lệnh mua 3.000 cổ phiếu của ông này thực hiện một giờ đồng hồ sau khi tin tức đã được loan báo. Cáo buộc này bị bác trong phán quyết sơ thẩm của toà án liên bang và chỉ 2 trong số các bị cáo bị phán là có tội. Nhưng giới công nghiệp Hoa Kỳ hiểu rằng SEC muốn siết chặt hơn nữa sự quản lý đối với các giao dịch của các quan chức lãnh đạo các công ty, hay nói chính xác hơn là những người nắm thông tin nội bộ.

Tiếp sau đó, tháng 9 năm 1968 SEC tiếp tục cáo buộc công ty môi giới chứng khoán lớn nhất nước này Merill Lynch, Pierce, Fenner & Smith rằng công ty này đã tiết lộ thông tin nội bộ về hãng hàng không Douglas, một công ty được họ bảo trợ, cho hàng chục khách hàng tổ chức giúp những khách hàng này trục lợi. Cụ thể SEC tố cáo công ty môi giới chứng khoán này đã thông báo trước cho các khách hàng rằng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 1966 của Douglas giảm mạnh. Nắm được thông tin này, hàng chục khách hàng tổ chức của Merill Lynch đã bán tổng cộng 19.000 cổ phiếu của Douglas trong một, hai ngày trước khi bản báo cáo tài chính được công bố. Merill Lynch chấp nhận bị phạt, còn một số khách hàng tổ chức kiên quyết chống án. Nhưng tất cả đều bị kết án ngoại trừ duy nhất một quỹ là Quỹ Dreyfus.

Từ những vụ án kể trên, chúng ta có thể thấy thông tin nội bộ về các công ty là hoàn toàn có thật. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng những thông tin thực sự quan trọng thường được bảo mật rất cẩn thận và gần như không có khả năng bạn hoặc một nhà đầu tư nào khác hoặc người môi giới ở công ty chứng khoán nào đó biết về chúng trước khi chúng được công bố rộng rãi trước công chúng.

Tất cả các công ty chứng khoán được niêm yết đều có trách nhiệm công bố trong thời gian sớm nhất mọi thông tin có thể ảnh hưởng đến giá chứng khoán của mình. Mọi thông tin dù tốt hay xấu đều phải được phổ biến. Các sàn giao dịch được yêu cầu phải duy trì chặt chẽ về vấn đề này, đặc biệt với các thông tin được coi là thông tin nội bộ.

Trong thực tế, việc "rò rỉ" thông tin nội bộ rất hiếm khi xảy ra, do đó bất kỳ nhà đầu tư nào đưa ra quyết định dựa trên thông tin nội bộ đều có nguy cơ và thường là mắc sai lầm nghiêm trọng.

Thế thì nhà đầu tư phải dựa vào đâu để đưa ra quyết định của mình? Nếu ta không biết chút gì về thị trường hoặc cổ phiếu của nhiều công ty khác nhau? Ta có thể lấy thông tin ở đâu?

Có lẽ câu trả lời rõ ràng nhất là từ báo chí, từ những trang chuyên đề về kinh tế, tài chính như: VnEconomy, Tinnhanhchungkhoan, 24hMoney, CafeF, Vietstock, Fireant,... Hiện nay các trang này cung cấp khá đầy đủ các thông tin về các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Nếu nhà đầu tư chưa quen thuộc với bảng giá chứng khoán, có lẽ việc đầu tiên nên làm là nghiên cứu nó thường xuyên một thời gian. Phần thông tin đầu các cột hầu như đã tự giải thích ý nghĩa của những dữ liệu bên dưới chúng. Bảng giá chứng khoán chủ yếu để cho chúng ta biết thông tin giao dịch của cổ phiếu trong ngày. Các thông tin chính có Mã cổ phiếu, Đồ thị giao động giá, Thị giá, (+/-) giá tăng hay giảm so với ngày hôm trước và Khối lượng giao dịch.

Những thông tin nào cần để ý và chúng có ý nghĩa như thế nào
Đầu tiên, chúng ta quan tâm đến biên độ giá của một cổ phiếu. Một cổ phiếu được giao dịch trong một phạm vi hẹp nghĩa là mức giá thấp nhất (giá đáy) trong năm của nó là 36.000 trong khi mức giá cao nhất của nó là 40.000 (giá đỉnh). So sánh biên độ giá này với biên độ giá của các cổ phiếu khác sẽ cho ta cái nhìn tổng quát về việc nên xếp cổ phiếu này vào loại chứng khoán đầu tư hay đầu cơ. Tất nhiên quy luật bất di bất dịch ở đây là biên độ giao động càng rộng thì tính đầu tư càng thấp và tính đầu cơ càng cao.

Tiếp theo, phần trăm (%) cổ tức được chia của cổ phiếu cho chúng ta dấu hiệu khác để đánh giá chất lượng của nó. Cổ tức được chia như thế nào, bằng tiền hay bằng cổ phiếu hoặc cả hai. Nếu công ty chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng doanh thu, lợi nhuận không tăng thì có một dấu hỏi về việc công ty giữ lại lợi nhuận để làm gì, có thể công ty đang che giấu điều gì?

Tiếp theo, tỉ lệ P/E (Price/Earnings) tức Giá/Lợi nhuận của cổ phiếu bằng cách đem Thị giá (giá thị trường) chia cho mức lợi nhuận của mỗi cổ phần. Do đó, nếu cổ phiếu có Thị giá là 40.000 và lợi nhuận của mỗi cổ phần là 3.500 thì tỉ lệ P/E của nó sẽ là 11,4 và sẽ được làm tròn lên 12 cho tiện báo cáo. P/E càng cao cho thấy sức hút của cổ phiếu càng lớn. Nó biểu hiện cho cổ phiếu tăng trưởng. Và P/E rất cao phần nào cho thấy đây đa phần là cổ phiếu đầu cơ.

Tiếp đến, Khối lượng giao dịch (KLGD) trong ngày hay số cổ phần giao dịch trong ngày cho thấy mức độ quan tâm của của thị trường đối với cổ phiếu đó. Khối lượng giao dịch đi kèm với Thị giá luôn là thông tin quan trọng và hấp dẫn đối với mọi nhà đầu cơ, vì nó giúp họ dự đoán giá của cổ phiếu sẽ vào xu hướng tăng, giảm hay đi ngang trong tương lai.

Và những con số biểu diễn các mức giá: Cao, Thấp và Giá đóng cửa cung cấp cho nhà đầu tư bức tranh về biến động giá của cổ phiếu trong ngày. Trong mỗi ngày giao dịch, biến động giá của mỗi cổ phiếu là hoàn toàn khác nhau. Dữ liệu này cho thấy giá của một cổ phiếu có dao động thuận theo xu hướng chung của thị trường hay không. Nếu thị trường giảm mạnh trong ngày hôm đó nhưng một cổ phiếu có giá đóng cửa bằng giá cao nhất trong ngày, và cứ như vậy trong nhiều phiên thị trường giảm liên tiếp, thì ta có thể xem cổ phiếu đó là cổ phiếu mạnh vì nó cưỡng lại xu hướng của cả thị trường.

Thông số giá thay đổi (+/-) thể hiện khoảng cách chênh lệch giữa giá của cổ phiếu ngày hôm đó so với giá đóng cửa của ngày hôm trước. Giá đóng cửa của ngày hôm trước còn được gọi là giá tham chiếu. Thỉnh thoảng chúng ta sẽ thấy giá của cổ phiếu giảm so với ngày hôm trước nhưng Thông số giá thay đổi lại không thể hiện mức sụt giảm tương ứng. Đó là do cổ phiếu vừa thực hiện việc chia cổ tức, hay cổ phiếu được bán với giá trừ cổ tức. Và ngày chúng ta thấy giá cổ phiếu tự dưng giảm do chia cổ tức là Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ). Có nghĩa là nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu vào ngày này thì sẽ không được hưởng quyền chia cổ tức.

Có một điều rõ ràng là, sẽ là một sai lầm nếu nhà đầu tư đưa ra kết luận lạc quan hoặc bi quan về một cổ phiếu nào đó mà chỉ dựa trên các thông số của nó trong 1 ngày, 1 tuần hoặc 1 tháng giao dịch. Nhưng nếu theo dõi nó qua thời gian và so sánh nó với hàng chục cổ phiếu khác đặc biệt là các cổ phiếu cùng nhóm ngành với nó, nhà đầu tư sẽ dần có được bức tranh ban đầu về sự đánh giá của hàng ngàn nhà đầu tư khác đang tham gia giao dịch trên thị trường hàng ngày về cổ phiếu đó.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!