Tiết kiệm và tích luỹ là "chìa khoá" mở ra cánh cửa của sự giàu có

Tiết kiệm và tích luỹ là "chìa khoá" mở ra cánh cửa của sự giàu có
Photo by Towfiqu barbhuiya / Unsplash

Hàng ngày, chúng ta vẫn nghe nói về tiết kiệm: Tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, tiết kiệm tiền,... Chung quy tất cả các hình thức tiết kiệm đều có thể quy được thành tiền. Nhưng chúng ta có thể vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tiết kiệm.

Warren Buffet đã từng nói: "Ngày hôm nay, một người được ngồi dưới bóng râm vì người đó đã trồng cây từ rất lâu rồi". Tiết kiệm, tích luỹ và cuối cùng là đầu tư chính là cái cây. Và gốc rễ của cây chính là tiết kiệm và tích luỹ. Tán của cây chính là thành quả của nhiều năm chăm sóc bằng đầu tư.

Tiết kiệm cũng quan trọng như cuộc sống, tự nhiên, không khí, nước, ánh sáng,... nhưng chúng ta thường lại không nghĩ như vậy hoặc không để ý bởi vì chúng là những thứ quá phổ biến, quá tự nhiên. Và có những lý thuyết kinh tế cổ suý cho nền kinh tế tiêu dùng vì tiêu dùng mới thúc đẩy kinh tế phát triển và xu hướng cho rằng cuộc sống là phải hưởng thụ nếu không thì sống để làm gì khiến cho việc tiết kiệm có vẻ như không còn hợp thời.

Nếu không hiểu rõ sự vận hành của nền kinh tế thì lý luận trên nghe hết sức hợp lý và thuyết phục, nhưng nếu hiểu rõ thì chúng ta có thể chỉ ra ngay những điều không hợp lý: Nếu ở điều kiện bình thường mọi thứ đều tốt đẹp thì nó đúng nhưng ở điều kiện không tốt như: khủng hoảng kinh tế, mất sức lao động, bệnh tật,... thì chúng ta sẽ thấy rằng lý thuyết về nền kinh tế tiêu dùng không còn đúng nữa. Và khi những điều kiện kinh tế không thuận lợi xảy ra (và chắc chắn nó luôn xảy ra) thì nếu chúng ta không có tiết kiệm thì chúng ta sẽ ngồi ở dưới trời nắng gắt đến xây xẩm mặt mày thay vì được ngồi thoải mái dưới bóng cây râm mát.

Chúng ta phải hiểu rằng trong một nền kinh tế có nhiều nhóm người khác nhau, mỗi nhóm có một lợi ích và họ sẽ bảo vệ cho lợi ích nhóm của mình. Chúng ta cần biết các nhóm đó là những nhóm nào và định vị mình thuộc về nhóm nào sau đó chúng ta mới biết được những chính sách áp dụng cho nền kinh tế sẽ có lợi cho nhóm nào và hại cho nhóm nào. Và thường không phải nhóm nào cũng có lợi như nhau. Thế giới này không có công bằng đâu. Còn ở bây giờ chúng ta chỉ cần biết rằng, tiết kiệm là chiến lược đúng trong mọi hoàn cảnh.

Quay trở lại với khái niệm "tiết kiệm" ở đây ta nói đến tiết kiệm tiền, đó là việc tích luỹ các khoản tiền mà chúng ta không phải dùng để chi tiêu. Ngày nay chúng ta bắt đầu chuyển sang sử dụng các ứng dụng và tài khoản ngân hàng để quản lý tiền. Khi chúng ta có tiền chúng ta có thể gửi tiết kiệm ngay trên ứng dụng của ngân hàng cung cấp. Lợi ích của việc gửi tiết kiệm là chúng ta bảo vệ tiền của mình, làm cho nó sinh lời.

Nếu tiền lãi nhận được sau khi gửi tiết kiệm lại được gửi tiết kiệm cùng với tiền gốc thì chúng ta có lãi suất kép hay còn gọi là lãi mẹ đẻ lãi con. Albert Einstein từng nói: "Lãi suất kép là kỳ quan thứ 8 của thế giới". Lãi suất kép sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn nếu chúng ta biết áp dụng nó.

Tuy nhiên, trước khi chúng ta chọn gửi tiền vào ngân hàng thì nhất thiết chúng ta phải biết ngân hàng đó có hoạt động tốt, có uy tín hay không (đây không phải là việc khó). Đã có nhiều trường hợp ngân hàng phá sản phải bán lại với giá 0 đồng. Mặc dù ở Việt Nam chính phủ gần như chắc chắn đảm bảo rằng người gửi tiền sẽ không bị mất nhưng không có gì là chắc chắn 100%. Nên tốt nhất chúng ta cần phải chọn ngân hàng trước khi có thể yên tâm gửi tiền "mồ hôi nước mắt" của mình vào đó. Đừng tham vài % lãi suất tiết kiệm mà bỏ qua những thứ quan trọng khác.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ thấy các ngân hàng ngoài gói sản phẩm gửi tiết kiệm, còn có những gói sản phẩm khác như bảo hiểm và đầu tư. Các sản phẩm tài chính này thường được đặt tên hoặc gộp vào với nhau khiến chúng ta rất dễ bị nhầm lẫn và không phân biệt được đâu là gói tiết kiệm, đầu tư hay bảo hiểm. Để có thể phân biệt được chúng ta cần có kiến thức về tín dụng. Chúng ta phải hiểu chính xác và rõ ràng ý nghĩa của tiết kiệm cũng như xem xét kỹ đến các yếu tố rủi ro.

Nền kinh tế cũng giống như thời tiết có lúc nắng, lúc mưa và cả lúc bão giông. Và mỗi tình huống sẽ ảnh hưởng đến lãi suất mà các ngân hàng cung cấp. Trong thời kỳ lãi suất cao, gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng là một việc làm rất hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời kỳ lãi suất thấp, rất khó để tiết kiệm tiền trong ngân hàng. Chính vì vậy, việc tiết kiệm tiền đơn thuần bằng cách gửi tiền vào ngân hàng không phải lúc nào cũng có lợi. Thế giới đang dần dịch chuyển từ tiết kiệm sang thời đại đầu tư.

Với tiết kiệm thì đặc điểm nổi bật là sự ổn định, còn đầu tư thì đặc điểm nổi bật là phát triển nhưng đi kèm với nó là rủi ro. Thế nhưng trong thời kỳ lãi suất thấp, chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc đầu tư nếu không chúng ta sẽ thấy tiền của chúng ta ngày càng teo tóp đi. Đây không còn là thời đại mà con người có thể sống trên nền tảng ổn định của tiết kiệm nữa rồi.

Khi lãi suất được hạ xuống và lượng cung tiền ngày càng tăng khiến giá trị của đồng tiền giảm dần hay nói cách khác tiền đang ngày càng mất giá. Vì vậy, chúng ta cần có các sản phẩm tín dụng khác nhau và các hình thức đầu tư khác nhau để có thể đạt được hiệu quả tối đa cho tiền hạt giống của mình. Nhưng trước khi tìm hiểu về các đầu tư khác, chúng ta phải hiểu rõ các gói tiết kiệm cơ bản và lợi ích của từng gói.

Thông thường sẽ có 3 gói tiết kiệm cơ bản:

1 - Tiết kiệm từ tiền gửi không kỳ hạn

Ta để một khoản tiền vào ngân hàng, sau đó có thể gửi thêm hoặc rút ra bất cứ lúc nào. Khoản tiền này thường có lãi suất dưới 1% hay còn gọi là tiền gửi lãi suất theo ngày. Khoản tiền để trong tài khoản là loại chỉ có mục đích giữ tiền như chúng ta để trong ví hay trong két sắt.

2 - Tiết kiệm có kỳ hạn

Đây là loại tiền gửi mà số tiền sẽ được gửi trong một khoảng thời gian nhất định: 1 tháng, 2 tháng có thể lên đến 5 năm. Trong kỳ hạn đã định thì ta sẽ không được rút ra và ngân hàng sẽ trả lãi theo một tỷ lệ đã cam kết ví dụ 5%/năm. Tỷ lệ lãi suất có thể tăng hoặc giảm theo độ dài của kỳ hạn, thường kỳ dài hơn sẽ có lãi suất cao hơn. Loại tiết kiệm này sẽ nhận lại cả gốc và lãi sau khi đáo hạn (hết kỳ hạn). Nếu rút trước kỳ hạn thì chúng ta chỉ được hưởng lãi suất bằng tiền gửi không kỳ hạn (số 1)

3 - Tiết kiệm định kỳ

Đây là khoản tiết kiệm theo hình thức tích luỹ có kỳ hạn. Nó tương tự như Tiết kiệm có kỳ hạn (số 2), nhưng khác ở chỗ cả tiền gốc và tiền lãi sẽ tiếp tục được tự động gia hạn cho kỳ tiếp theo. Đây là loại tiết kiệm áp dụng ma thuật của lãi suất kép.

Lãi suất kép là trong đó "tiền lãi mẹ sẻ đẻ tiền lãi con" song hành cùng với tiền lãi từ số tiền gốc. Chúng ta thường không nhìn thấy ngay lập tức sức mạnh của lãi suất kép nếu chỉ nhìn trong ngắn hạn. Lãi suất kép đã trở thành một quy luật kỳ diệu chi phối cuộc sống của chúng ta. Những người hiểu biết về kinh tế biết rằng thứ chi phối cuộc sống của chúng ta chính là lãi suất kép dường như vô hình ấy chứ không phải là tiền gốc.

Lãi suất kép là một hiệu ứng vô hình, con người chúng ta thường chỉ tin vào những gì có thể nhìn thấy ngay được. Những người giàu có là những người có thể nhìn ra được những thứ vô hình như lãi suất kép. Khi nói đến lãi suất kép chúng ta thường chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp. Nhưng hiệu ứng của lãi suất kép cũng đúng với những thứ tiêu cực. Tập thể dục, đọc sách, chia sẻ... sẽ tích lũy những lãi suất kép tích cực. Ngược lại, nhậu nhẹt, thuốc lá, tham lam, ích kỷ sẽ tích luỹ lãi suất kép tiêu cực.

Chúng ta phải thiết kế cuộc sống của mình làm sao để tích luỹ càng nhiều lãi suất kép tích cực, thay vì ngược lại. Những thói quen xấu khi đã hình thành thì việc khắc phục hậu quả của những tích luỹ tiêu cực và thay thế bằng những tích luỹ tích cực là điều hết sức khó khăn. Phải nhận ra rằng tất cả các kết quả trong cuộc sống đều là kết quả của lãi suất kép tích cực hoặc tiêu cực thì chúng ta mới có thể bước lên được những nấc thang giàu có và thành công của cuộc sống.

Hãy tưởng tượng việc học tiếng Anh của sinh viên đại học. Giả sử một tuần phải học 10 giờ. Có 2 sinh viên, người thứ nhất học 2 giờ mỗi ngày trong 5 ngày còn một người học 10 giờ trong một ngày duy nhất. Nếu tính theo cách thông thường thì 2 người học cùng số giờ như nhau là 520 giờ trong vòng 1 năm. Nhưng nếu tính theo lãi suất kép thì sẽ khác nhau hoàn toàn. Hãy tính 1o% lãi suất cho một lần học thì người học 2 giờ mỗi ngày thì sẽ ra kết quả 1.085 giờ, còn người học 10 giờ trong một ngày duy nhất trong 1 tuần sẽ là 653 giờ. Sự chênh lệch là khủng khiếp nếu tích luỹ theo thời gian đủ dài.

Mức độ tập trung giữa 2 phương pháp học tập cũng khác nhau. Chúng ta biết rằng mức độ tập trung sẽ quyết định hiệu qủa học tập. Con người có thể tập trung được 2 giờ một ngày nhưng vô cùng hiếm người nào có thể tập trung được 10 giờ một ngày. Vậy rõ ràng cách học hiệu quả hơn chính là học liên tục 2 giờ mỗi ngày. Đó chính là lãi suất kép trong học tập. Trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, đừng cố gắng nhồi nhét mà hãy thực hiện đều đặn mỗi ngày. Chỉ khi đó chúng ta mới tận dụng được tối đa lợi ích mà lãi suất kép mang lại.

Lãi suất kép sẽ chỉ hiệu quả khi tích luỹ đều đặn trong thời gian đủ dài. Nếu ta tiết kiệm tiền đều đặn trong nhiều tháng nhiều năm, tiền sẽ tự nó sinh lãi. Và một ngày nào đó chúng ta sẽ ngạc nhiên là mong ước của mình ngày nào, nay đã trở thành sự thật.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!