6 chiếc mũ tư duy - Phương pháp tư duy của người thành công

6 chiếc mũ tư duy - Phương pháp tư duy của người thành công
Photo by Belinda Fewings / Unsplash

Chúng ta hẳn đã từng nghe câu: "Nỗ lực không bằng lựa chọn đúng" nhưng cái khó là làm sao để lựa chọn đúng. 6 chiếc mũ tư duy sẽ là một trong những công cụ tư duy tuyệt vời để hỗ trợ cho chúng ta có thể lựa chọn đúng.

Nếu muốn có được một kết quả tư duy tuyệt vời thì cách hợp lý nhất là tìm thật nhiều người tài giúp sức. Trong đó có một nguyên tắc quan trọng cần chú ý là sự khác biệt và đa dạng. Một nhóm người có đặc điểm tư duy khác biệt tập hợp lại với nhau mới có thể hình thành lối tư duy bổ trợ và cân bằng. Nhưng người bình thường chẳng xa xỉ đến vậy. Chỉ những công ty khổng lồ, tập đoàn tài chính hoặc chính phủ, mới có khả năng tập hợp nhóm người như vậy, còn chúng ta chỉ có thể một mình chiến đấu, tự đưa ra quyết định, gặp vấn đề cũng chẳng thể bàn với ai. Vậy có cách nào giúp ta cũng trở nên đa mưu túc trí giống như nhóm người kia không? Tin tốt là, thực sự có một phương pháp như thế. Chúng ta có thể thông qua tư duy hoán vị [6 chiếc mũ tư duy] để nhận được kết quả tương tự.

Sáu loại đặc điểm tư duy

Hãy tưởng tượng có 6 người đứng trước mặt ta, tất cả đều có những đặc điểm tư duy "quá khích":

01 – Lãnh đạo, đội mũ Xanh Lam: là người phân tích toàn diện, kiểm soát cục diện, một nhà lãnh đạo điển hình. Ông ấy đảm nhiệm các vai trò như: trọng tài, người chủ trì, giám sát viên, công tố viên… Lúc nào cũng muốn kiểm soát tốt mọi thứ, làm việc hết sức rõ ràng, rành mạch. Mọi người nhận xét về ông ta: "Chỉ cần người này ở đây, tôi lập tức có cảm giác mọi việc chắc chắn thành công".

02 – Người thu thập số liệu, đội mũ Trắng: là người thu thập dữ liệu điển hình, yêu thích công việc thu thập và lưu trữ số liệu. Anh ta có biệt danh là "Máy tính phiên bản con người", trước giờ chưa từng biểu hiện chút cảm xúc nào, không đưa ra bất cứ nhận xét hay kết luận nào. Mỗi lần có câu hỏi: "Anh có ý kiến gì không?". Anh ta chỉ nhún vai: "Tôi sẽ cho anh xem một vài dữ liệu, anh tự phán đoán đi".

03 – Người cảm tính, đội mũ Đỏ: là người có tư duy cảm tính điển hình. Cô ấy luôn nói: "Tôi có trực giác…", "Cảm giác của tôi là…". Cảm xúc rất phong phú, tần suất thay đổi khá lớn. Mọi người thường bình luận về cô ấy: "Bạn chẳng khách quan gì cả". Nhưng cô ấy không mấy bận lòng, cô ấy sống trong thế giới tình cảm và cảm tính.

04 – Người lạc quan, đội mũ Vàng: là người có lối suy nghĩ lạc quan, tràn đầy hi vọng. Anh ta thường nói: "Chuyện này rất có triển vọng!", "Điều này cực kỳ có lợi!". Thậm chí đối mặt với một sự việc có tính rủi ro cao, anh ta cũng sẽ cảm thấy chẳng có gì to tát cả, vẫn ẩn chứa rất nhiều cơ hội. Mọi người thường bình luận về anh ta: "Lạc quan quá có ngày ngã đau thôi".

05 – Người bảo thủ, đội mũ Đen: anh này nhìn đâu cũng thấy đầy rẫy nguy hiểm, thế này không được, thế kia cũng không xong. Anh ta thường nói: "Sự việc này rất nguy hiểm.", "Sự việc này nhìn có vẻ rất đáng để hi vọng nhưng thực tế thì rủi ro cao". Người khác đề xuất một kế hoạch mới thì anh ta luôn nói kế hoạch này có vô số lỗ hổng, còn không quên bổ sung thêm một loạt khó khăn có thể xảy ra. Mọi người bình luận về anh ta: "Anh ta qúa thận trọng, chẳng làm bất cứ việc gì".

06 – Người sáng tạo, đội mũ Xanh Lá: anh ta lúc nào cũng nghĩ những thứ khác người, thường xuyên đưa ra những góc nhìn mới. Đối với những hạng mục có sẵn, anh ta lúc nào cũng muốn thêm vài phương án dự phòng, thậm chí còn qúa mới mẻ, thiếu tính logic. Mọi người thường bình luận về anh ta: "Rất sáng tạo và đôi khi còn hơi quá mức".

Họ chính là "6 chiếc mũ tư duy" được phát triển bởi bậc thầy tư duy Edward de Bono, tượng trưng cho 6 loại đặc điểm tư duy mà ai cũng có. Bởi vì chúng ta đã có sẵn những đặc điểm tư duy kể trên, nên nếu muốn hoán đổi tư duy chẳng khó khăn gì, chỉ có điều ta chưa hề nghĩ đến mà thôi. Áp dụng 6 chiếc mũ tư duy giúp ta đánh giá mọi thứ một cách toàn diện, giảm thiểu đáng kể sai lầm và dọn dẹp sạch sẽ chướng ngại.

  1. Mũ TRẮNG – Dữ liệu: giúp ta trở nên khách quan, xem trọng sự thật.
  2. Mũ VÀNG – Lạc quan: giúp ta không bỏ lỡ cơ hội.
  3. Mũ ĐEN – Bảo thủ: giúp ta không hành xử liều lĩnh.
  4. Mũ XANH LÁ – Sáng tạo: giúp ta dũng cảm, sáng tạo.
  5. Mũ ĐỎ – Trực giác: giúp ta có được trực giác.
  6. Mũ XANH LAM – Lãnh đạo: giúp ta có cái nhìn tổng quát, rõ ràng, giữ mọi việc trong kiểm soát.

Vậy chúng ta nên sử dụng 6 chiếc mũ tư duy theo trình tự nào? Có cần sử dụng toàn bộ hay không? Khi nào cần sử dụng?

Trình tự sử dụng và số lượng

Mũ TRẮNG, thường được sử dụng từ rất sớm, vì thường các kiểu suy nghĩ đều yêu cầu thông tin khách quan. Và mũ trắng thường được sử dụng lặp lại vì trong qúa trình sử dụng các loại mũ khác, chúng ta phát hiện ra rằng thông tin khách quan chưa đủ, cần bổ sung. Mũ XANH LAM, thường sử dụng ở đầu và cuối quá trình tư duy. Vai trò là rất dắt toàn cục. Một trong những công việc của nó là suy xét toàn bộ quá trình ngay khi mới bắt đầu triển khai tư duy. Khi ở cuối quá trình tư duy, sau khi các loại mũ khác đã phát huy hết tác dụng, khối lượng thông tin phát sinh sẽ gây hỗn loạn, cần có một người nắm bắt, xử lý gọn ghẽ, kết thúc quá trình tư duy. Đồng thời trong quá trình tư duy, đôi khi cũng phải can thiệp kịp thời giữa chừng để chấm dứt hỗn loạn, đưa tư duy trở lại đúng quỹ đạo.

Những chiếc mũ còn lại không có bất cứ trình tự tiêu chuẩn nào, ta có thể linh hoạt sử dụng, cũng có thể sử dụng nhiều lần. Nhưng có một số chú ý sau: Mũ ĐỎ, đại diện cho tình cảm, cảm tính, trực giác. Người lãnh đạo tốt nhất không nên sử dụng mũ đỏ quá sớm, nếu thể hiện sự yêu thích của mình sớm quá, nó sẽ làm hạn chế khả năng tư duy của người khác. Mũ XANH LÁ, đại diện cho tư duy sáng tạo, độ khó khá cao, vì vậy lúc sử dụng cần kéo dài một chút. Mũ ĐEN, đại diện cho tư duy cẩn trọng, sử dụng đối với người lạc quan hoặc sự việc được mọi người cho là hết sức đơn giản, để đánh giá lại mức độ mạo hiểm. Mũ VÀNG, đại diện cho sự lạc quan, sử dụng đối với sự việc đặc biệt bi quan, xem trong nguy có cơ hội tiềm ẩn nào không. Đối với những sự việc đặc biệt quan trọng, chúng ta nên sử dụng toàn bộ 6 chiếc mũ tư duy. Ngược lại, chúng ta chỉ cần dùng một hoặc hai mũ là đủ.

Trường hợp và người sử dụng

6 chiếc mũ tư duy có thể dùng cho cá nhân, nó giúp chúng ta phát triển các đặc điểm tư duy còn đang thiếu. Những cái chúng ta đang thiếu thường sẽ bị cản trở bởi cảm xúc. Ví dụ, một người lạc quan (mũ VÀNG), về mặt cảm xúc anh ta sẽ có khuynh hướng ghét bỏ ý thức dè dặt của mũ đen, nếu có người khuyên anh ta: "Việc này có rủi ro, cậu phải cẩn thận đấy!", anh ta có lẽ sẽ cảm thấy bực dọc, đồng thời không cho phép bản thân có suy nghĩ tương tự. Đây là tâm lý tự bảo vệ rất phổ biến ở khắp mọi nơi.

6 chiếc mũ tư duy cũng rất phù hợp để sử dụng cho tập thể. Trong cuộc họp hay buổi thảo luận, tuyệt chiêu này giúp chúng ta nâng cáo kỹ năng tư duy và hiệu quả giao tiếp. Bởi vì phải chờ đợi sự góp ý của nhiều người, nên thời gian thảo luận kéo dài và tính hiệu quả không cao, mọi người lúc nào cũng muốn giữ vững quan điểm của bản thân. Đối với một người có quan điểm khác mình, muốn hoán vị tư duy đã khó rồi, vậy nên sự xuất hiện của vô số những quan điểm khác nhau sẽ vượt quá giới hạn tư duy của một người bình thường. Vì vậy, trạng thái của cuộc họp sẽ là: tranh luận không ngừng hoặc im lặng. Nhưng 6 chiếc mũ tư duy là một công cụ mang tính kỹ thuật, nó trực tiếp loại bỏ những cuộc tranh cãi của tất cả các đặc điểm tính cách [loại bỏ tranh cãi cá nhân]. Bạn không hề cãi nhau với tôi, vì những lời tôi đang nói không đại diện cho tôi mà chỉ đại diện cho "một chiếc mũ tư duy" tôi đang đội. Khi tất cả mọi người đều sử dụng "6 chiếc mũ tư duy" thì tự nhiên chúng ta hoàn thành hoán vị tư duy tập thể. Cái hay của phương pháp này là, mỗi người tham dự đều có thể duy trì được sự nhất quán và đa dạng trong tư duy.

Sử dụng 6 chiếc mũ tư duy trong cuộc họp cần chú ý những điều sau:
Tất cả mọi người đều phải sử dụng các loại mũ tư duy (trừ màu xanh lam). Có nhiều lúc chúng ta sử dụng sai như: Người này rất sáng tạo, vậy hãy đội chiếc màu xanh lá đi; người kia rất cẩn thận, vậy đội chiếc mũ màu đen,… Cách thức này khiến mọi người vẫn là chính mình, vẫn sẽ gây tranh luận. Phương thức chính xác đó là, cùng một lúc tất cả mọi người sử dụng đồng loạt một chiếc mũ tư duy. Bây giờ tất cả đội mũ màu xanh lá, tức là tất cả mọi người có mặt trong cuộc họp đều sẽ tiến hành tư duy sáng tạo. Tiếp tục đến mũ trắng, tất cả mọi người cùng tìm kiếm và chia sẻ thông tin khách quan…

Ví dụ tiêu biểu

Một người làm nghề quảng cáo đang chuẩn bị thay đổi công việc, anh ta có 3 năm kinh nghiệm làm trong một doanh nghiệp ở quê nhà. Giờ đây anh ta đang suy nghĩ đến việc chẳng biết có nên chuyển lên Hà Nội để tìm cơ hội pháy triển hay không. Chúng ta thử vận dụng "6 chiếc mũ tư duy" để phân tích giải quyết vấn đề. Anh ta viết ra giấy tên của 6 chiếc mũ: Xanh Lam, Trắng, Đỏ, Vàng, Đen, Xanh Lá, rồi bắt đầu thử sử dụng.

Chiếc mũ màu Xanh Lam: Đầu tiên chúng ta hãy xem vấn đề cần suy nghĩ là gì. Muốn lên Hà Nội phát triển sự nghiệp hay ở lại quê nhà, chính là so sánh các mặt lợi hại của việc tới Hà Nội và ở lại quê nhà trên cả 2 mặt: công việc và cuộc sống. Vấn đề đã được đặt ra nhưng thông tin chưa đủ để anh ta có thể quyết định. Tiếp đó, anh ta nhìn vào 6 chiếc mũ trên giấy, đột nhiên nghĩ: "Mũ Trắng thường được sử dụng ở giai đoạn đầu của tư duy. Bây giờ nếu là một người cuống số liệu, vậy tôi sẽ làm gì? Đương nhiên là phải đi thu thập dữ liệu rồi".

Chiếc mũ màu Trắng
Những thông tin thu thập được khi làm việc ở quê nhà: Cơ hội việc làm gần như bằng không, ngoại trừ doanh nghiệp tôi đang làm việc. Nên khả năng nhảy việc là không có; Khả năng thăng tiến rất thấp, lãnh đạo của tôi phải mất 12 năm mới được thăng một cấp, vị trí đó có tới 6 người cạnh tranh nhau. Thu nhập không cao, như lãnh đạo của tôi cũng chỉ cao hơn tôi 3 triệu một chút. Các phúc lợi ngầm thì tôi không rõ, nhưng một năm chắc không quá 50 triệu. Công việc thì chỉ chú trọng vào tiếp thị truyền thống và mở rộng mặt bằng, quảng cáo trực tuyến thì rất hời hợt, nằm ngoài xu hướng của thời đại. Chi phí: tiền thuê nhà ở đây là 1.8 triệu/tháng, tiền ăn uống sinh hoạt 3.500 triệu/tháng.
Những thông tin thu thập được ở Hà Nội: Cơ hội việc làm thì nhu cầu tuyển dụng cao do ngành quảng cáo phát triển; Khả năng thăng tiến trung bình 2-3 năm thăng 1 cấp. Vì thị trường không ngừng mở rộng nên vị trí lãnh đạo liên tục xuất hiện; Thu nhập bình quân cao gấp 2,5-3 lần ở quê, người có chức vị cao còn có thu nhập gấp 5 lần; Công việc tập trung vào tiếp thị trực tuyến và là nơi đầu ngành về quảng cáo; Chí phí: tiền thuê nhà trung bình 5 triệu/tháng, tiền ăn uống sinh hoạt 8 triệu/tháng. Thông tin này cũng tương đối đầy đủ, nhưng anh ta cũng chưa quyết định được. Vì vậy anh ta tiếp tục thử chiếc mũ Vàng xem. Nếu tôi là người lạc qua, tôi sẽ nghĩ gì?

Chiếc mũ màu Vàng
Xem ra tình hình có vẻ rất lạc quan, nếu lên Hà Nội làm việc vì nhu cầu tuyển dụng cao, tôi sẽ rất dễ dàng tìm được việc. Thu nhập lại cao, chưa kể thăng tiến nhanh hơn. Chưa biết chừng vài năm nữa kinh nghiệm làm việc phong phú rồi, có khi tôi còn có thể tự mình gây dựng sự nghiệp riêng cũng nên. Tiếp theo hãy thử chiếc mũ màu đen xem, nếu tôi là một người bi quan, đối với bất cứ điều mới nào cũng sẽ tỏ thái độ phê phán, vậy thì sẽ thế nào?

Chiếc mũ màu Đen
3 năm làm việc ở quê nhà, cũng đã học được chút kinh nghiệm. Nhưng lên Hà Nội anh có thể cạnh tranh được với những người cùng trang lứa trong ngành không Họ đã được làm việc ở môi trường chuyên nghiệp suốt 3 năm liền. Mặc dù thu nhập gấp 3 nhưng giá nhà cao gấp 5, liệu có mua nổi nhà ở Hà Nội Đừng nói mua nhà, đi thuê cũng còn khó. Còn nữa, nếu anh không trụ lại được ở đó, thì sẽ không có cơ hội quay lại quê nhà làm việc nữa đâu. Tư duy lại trở nên hỗn loạn, bởi vì nó đã trở lại trạng thái ban đầu, vừa có ưu điểm cũng có nhược điểm, hoàn toàn không đoán định được. Càng lúc càng bế tắc. Anh ta nhận thấy nên tiếp tục hoàn thành quá trình dùng 6 chiếc mũ tư duy, anh ta thử chiếc mũ Xanh Lá. Nếu là một người đầy ắp tư duy sáng tạo thì tôi nên làm gì?

Chiếc mũ màu Xanh lá
Chiếc mũ màu Đen chỉ ra một vài sự thật đang tồn tại, ta hãy xem có cách nào giải quyết hay không. Cạnh tranh với người cùng trang lứa rất khó. Phải rồi, cạnh tranh với những người mới ra trường chắc chắn sẽ chiếm ưu thế hơn so với những người đồng trang lứa. Đơn giản nhất chính là bắt đầu từ những vị trí cơ bản. Đời còn dài, dù sao sống trong cái mới vẫn tốt hơn nghẹt thở giữa cái cũ. Giá nhà đất cao hơn tiền lương, đây thực sự là vấn đề, vậy phải làm sao? Nếu mọi chuyện thuận lợi, thu nhập 1 năm khoảng 500 triệu, vậy thì tiền thuê nhà cũng không phải vấn đề quá to tát, nhưng qua vài năm vẫn không có được mức thu nhập cao như vậy thì sao? Nếu vậy lại phải về quê sao? Haiz, à chưa chắc mình có thể đến thành phố khác tìm cơ hội mà. Với trình độ quảng cáo mình đã học hỏi ở Hà Nội, mình có thể chuyển tới các thành phố tuyến hai. Hoặc có thể về quê khởi nghiệp với những gì học được ở Hà Nội. Xem ra đã tìm được một con đường, vậy vấn đề đã được giải quyết chưa? Khó mà chắc được, thôi dùng tiếp chiếc mũ Đỏ. Khi phân tích lý tính gặp nút thắt cổ chai, ta có thể hỏi trực giác của bản thân. Nếu chỉ dựa vào trực giác, tôi sẽ phân tích thế nào về tình hình hiện tại?

Chiếc mũ màu Đỏ
Mặc dù cảm giác rất có lý những tôi vẫn thấy có gì đó không ổn, vẫn rất lo lắng.Hay thử dùng lại chiếc mũ màu Đen xem cuối cùng vấn đề nằm ở đâu.

Chiếc mũ màu Đen
Nhưng nếu mới đi được một năm, bạn đã không thể chịu nổi giá cả ở đó, vậy về cơ bản sẽ không có câu chuyện phía sau nữa. Vậy phải làm thế nào? Anh ta nhận thấy lại phải dùng lại chiếc mũ Xanh lá.

Chiếc mũ màu Xanh lá
Năm đầu tiên áp lực đúng là rất lớn. Cụ thể là, một người chưa có kinh nghiệm vừa mới chân ướt chân ráo tới Hà Nội, mức lương có thể khoảng 10 - 15 triệu, chi tiêu cơ bản rơi vào khoảng 6 triệu, tiền thuê nhà 5 triệu, nói chung là hết sạch lương, có khi còn không đủ. Dựa vào mức độ thăng tiến trung bình, phải mất ít nhất 2 năm mới có thể ổn định, haiz, đúng là khó nghĩ! Lại lâm vào bế tắc lần nữa, anh ta nhìn vào dòng chữ "Chiếc mũ màu Xanh lá" và đột nhiên ý thức được vấn đề: Sai rồi! Chiếc mũ Xanh lá không chịu trách nhiệm cho cảm giác và suy nghĩ tiêu cực, mà dùng để phát triển các phương pháp tạo ra những ý tưởng mới. Anh ta triển khai áp dụng lại chiếc mũ Xanh lá một lần nữa.

Chiếc mũ màu Xanh lá
Được rồi, ý tưởng mới. À liên quan đến vấn đề tiền thuê nhà cao, thật ra mới đến thì chưa cần ở một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, thuê phòng đơn giản thôi cũng được hoặc có thể thuê nhà ở xa hơn một chút. Vậy giá thuê phòng theo phương án mới là bao nhiêu? Lúc này ta cần tạm thời dùng chiếc mũ Trắng để thu thập thêm thông tin.

Chiếc mũ màu Trắng
Các khu vực khác nhau có sự khác biệt khá lớn, tiền thuê dao động từ 1.8 triệu – 3 triệu/tháng.

Chiếc mũ màu Xanh lá
Quá tốt rồi, chỉ cần thuê một phòng đơn thôi, vậy tài chính sẽ không quá eo hẹp. Cố gắng phấn đấu 2 năm là sẽ ổn thôi. Đến đây mạch suy nghĩ dường như đã rõ ràng hơn phần nào, có thể tổng kết lại một chút.

Chiếc mũ màu Xanh lam
Tới đây xin tổng kết một chút, căn cứ vào so sánh phân tích hệ thống, nếu lên Hà Nội làm việc, thì sẽ có cơ hội làm việc tốt hơn, khả năng phát triển lâu dài và thu nhập cao hơn. Rủi ro nếu vài năm sự nghiệp không tốt hoặc chi phí qúa cao không thể chống đỡ được thì bắt buộc phải chuyển đến một nơi khác. Giai đoạn đầu phải bắt đầu từ con số 0, đặt mục tiêu cạnh tranh với người mới ra trường và phải chấp nhận chuyện tài chính khá eo hẹp. Giải pháp để đối mặt với rủi ro và giá cả là: nếu ở Hà Nội tôi nâng cao được trình độ, dù không mua được nhà thì vẫn có thể quay về quê hoặc đến thành phố tuyến hai. Bây giờ dường như chúng ta đã có được đánh giá toàn diện dựa trên phân tích logic rồi, phải chăng đã có thể tìm ra được kết quả cuối cùng? Đừng vội, chúng ta vẫn còn có thể xem xét từ góc độ cảm tính mà, hãy sử dụng chiếc mũ màu Đỏ xem sao.

Chiếc mũ màu Đỏ
Cảm giác rất rõ ràng! Mặc dù có chút áp lực nhưng có thể chấp nhận được. Con người nên thay đổi cách sống. Lần này, cảm giác đã tích cực hơn rất nhiều. Nếu anh ta vẫn chưa yên tâm với kết quả này, muốn cẩn thận hơn một chút, vậy có thể dùng thêm chiếc mũ màu Đen.

Chiếc mũ màu Đen
Tôi cho rằng như vậy vẫn rất nguy hiểm! Vậy thì anh còn bất kỳ luận điểm gì nữa muốn bổ sung không? Sau một hồi suy nghĩ, phát hiện ra không còn lý do nào nữa, chỉ là bản thân lo lắng vô cớ mà thôi, vậy thì chúng ta có thể hoàn thành quá trình tư duy và đề ra phương án hành động rồi.

Chiếc mũ màu Xanh lam
Tổng hợp lại quá trình phân tích, mặc dù lên Hà Nội sẽ trở thành một áp lực rất lớn, nhưng nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát, vẫn có đường lui. Đồng thời viễn cảnh tương lai tương đối tốt, phù hợp với mong muốn hướng tới một cuộc sống tốt hơn của tôi. Bắt đầu từ bây giờ tôi sẽ bước vào giai đoạn tìm việc. Quá trình tư duy kết thúc!

Trong ví dụ kể trên, ngoại trừ chiếc mũ màu Xanh lam ở đầu và cuối, trình tự xuất hiện của những chiếc mũ khác không cố định. Cuộc đối thoại của những chiếc mũ có chút hỗn loạn, vướng mắc, điều này đại diện cho trạng thái thực tế trong tư duy của chúng ta. Tư duy của chúng ta là một mớ hỗn độn, không thể hoàn hảo ngay từ đầu được. Nhưng nhờ có sự dẫn dắt của các công cụ tư duy, trong quá trình biến đổi, tư duy sẽ ngày càng trở nên rõ ràng.

Lưu ý: cần tuân thủ nguyên tắc sau
+ Đối với những quyết định quan trọng, sử dụng tất cả các loại mũ.
+ Mỗi lần tư duy trở nên hỗn loạn, mũ Xanh lam đại diện cho người nắm giữ toàn cục có thể xuất hiện.
+ Mỗi lần tư duy vấp phải vướng mắc nào, thiếu luận cứ và tài liệu, thì mũ Trắng xuất hiện.
+ Mũ đỏ có thể xuất hiện thường xuyên, chú ý sự thay đổi của nó để xem sự việc phát triển như vậy có thuận lợi hay không.

Trong cuộc sống và công việc, chúng ta gần như luôn luôn phải lựa chọn và ra quyết định. 6 chiếc mũ tư duy sẽ là công cụ hữu ích để chúng ta có thể rèn luyện và áp dụng vào trong các tình huống của bản thân mình. Còn nhiều các phương pháp tư duy khác nhau, chúng tôi sẽ gửi đến bạn ở các bài viết tiếp theo. Hi vọng rằng nó sẽ giúp chúng ta có đủ các công cụ tư duy để xử lý các vấn đề trong cuộc sống và công việc.

Nguồn: Tổng hợp từ sách.