Hiểu bản chất của tiền bạc để làm giàu

Hiểu bản chất của tiền bạc để làm giàu
Photo by Erik Mclean / Unsplash

Cuộc sống hiện đại ngày nay ai cũng nhắc đến tiền và tiền nhưng để hiểu "Tiền là gì?" và "Tại sao tiền lại xuất hiện?" thì rất ít người có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Có một bài thơ vui nói về tiền như sau:

"Tiền là Tiên là Phật,
Là sức bật lò xo,
Là thước đo lòng người,
Là nụ cười tuổi trẻ,
Là sức khỏe tuổi già,
Là cái đà danh vọng,
Là cái lọng che thân,
Là cán cân công lý."

Đây là cách hiểu phổ biến của chúng ta từ xưa đến nay về Tiền. Vì vậy đa số chúng ta ai cũng mong muốn mình sở hữu số tiền lớn. Thế nhưng đối với hầu hết mọi người đó chỉ là một giấc mơ không có thật, tiền bạc vẫn là thứ ảo ảnh không thể chạm tới trong cuộc sống này. Chỉ rất ít người có thể biết cách kiếm tiền. Chúng ta đều chỉ thích nói về bề nổi hay về kết quả của tiền bạc hơn là tìm hiểu cặn kẽ bản chất của tiền bạc là gì.

Vậy bản chất của tiền là gì? Để một thứ được gọi là Tiền nó phải có 3 tính chất (hay chức năng) cơ bản: 1- Là thước đo (đơn vị đo) giá trị của hàng hoá; 2- Đóng vai trò trung gian trong việc trao đổi hàng hoá; 3- Là đối tượng tích luỹ tài sản.

Hiện nay chúng ta đang sử dụng tiền giấy được phát hành (hay được in) bởi các Ngân hàng Trung ương, ở Việt Nam là ngân hàng nhà nước. Vậy tiền giấy chúng ta đang tiêu có phải là Tiền thực sự hay không? Nếu mà đối chiếu theo định nghĩa ở trên thì chúng ta sẽ thấy nó đáp ứng được chức năng 1 và 2, nhưng 3 thì không.

Vậy tại sao nó không đáp ứng được tính chất thứ 3 - Là đối tượng tích luỹ tài sản? Hãy xem phương trình được đơn giản hoá để mô tả mối tương quan giữa Tiền và Hàng hoá trong một nền kinh tế như sau:

Tổng Tiền = Tổng (Hàng hoá * Giá hàng hoá)

Nếu Tổng Tiền phía bên trái tự nhiên tăng lên trong khi hàng hoá sản xuất không đổi thì Giá hàng hoá phải thay đổi theo để đảm bảo sự cân bằng của 2 vế. Giá hàng hoá tăng lên khi Tổng Tiền tăng lên. Giá chỉ giảm khi Tổng Tiền không tăng nhưng số lượng Hàng hoá sản xuất tăng lên. Do đó, sự thay đổi dẫn đến những kết quả sau: Lạm phát (khi Tổng tiền tăng lên nhưng Hàng hoá không tăng tương ứng) và Giảm phát (khi lượng Hàng hoá tăng lên nhưng Tổng tiền không tăng tương ứng).

Lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế (Tổng Tiền) bị thay đổi do Ngân hàng Trung ương có quyền in tiền ra. Cho nên thông thường chúng ta sẽ thấy hàng hoá thường tăng lên chứ ít khi giảm đi đặc biệt là những hàng hoá khó sản xuất được thêm (ví dụ đất đai hay bất động sản). Điều này dẫn đến việc tiền giấy hay tiền mặt (cash) hiện nay không đảm bảo chức năng "Tích luỹ tài sản" vì Tích luỹ tài sản phải đảm bảo rằng giá trị của tài sản đó không đổi hoặc tăng lên theo thời gian.

Người giàu có không tích luỹ tiền mặt mà họ tích luỹ tài sản bởi họ là những người hiểu chính xác bản chất của Tiền giấy không phải là Tiền đúng nghĩa. Tiền giấy luôn giảm giá trị theo thời gian. Bài học lịch sử ở Việt Nam đã từng xảy ra đổi tiền khiến những người giữ tiền mặt gần như mất trắng. Đó là bài học đau thương cho những người không hiểu biết về kiến thức kinh tế.

Và nhu cầu tích luỹ tài sản là một lý do mà khiến cho mất cân bằng cung cầu khiến cho giá một số loại tài sản có giá trị tăng lên như Vàng, Bất Động Sản. Lý do người giàu có nhu cầu lớn nhưng nguồn cung thì không đáp ứng được. Và đây cũng là lý do nếu chúng ta mua tài sản càng chậm chúng ta sẽ càng phải trả giá cao hơn.

Đối với đa số chúng ta, thường không có kiến thức về kinh tế thì Tiền giấy hoặc tiền trong tài khoản ngân hàng là thứ mà chúng ta lựa chọn để cất giữ. Vì vậy, khiến đa số chúng ta khó mà biến ước mơ thành hiện thực. Chỉ khi nào chúng ta hiểu bản chất của tiền, hiểu mối quan hệ giữa tài sản và tiền thì sau đó ta mới có thể kiếm tiền và giữ tiền tốt hơn.

Thế giới ngày càng nghiêng về chủ nghĩa tư bản tài chính, nơi những người có tiền ngày càng kiếm ra nhiều tiền hơn. Ngược lại, những người ít tiền càng kiếm được ít hơn. Việc xã hội vận hành nền kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa đang khiến sự bất bình đẳng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu chúng ta sở hữu một tài sản có giá trị không thay đổi khi tiền mất giá thì quy mô tài sản của chúng ta cũng tự tăng lên theo thời gian. Những tài sản đó có thể là vàng bạc, bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu.

Để hiểu được chủ nghĩa tư bản tài chính, chúng ta cần xem xét 3 sự kiện then chốt trong lịch sử tài chính liên quan đến tiền tệ mà kết quả của nó là sự vận hành của tiền giấy hiện nay. Nếu chúng ta nghĩ rằng những việc từng xảy ra trong quá khứ thì có ích gì cho hiện tại thì nhiều khả năng ta sẽ trở thành "chú cừu non" trong thế giới tư bản tài chính này.

Trước khi chạm được vào ước mơ, chúng ta phải hiểu bản thân mình là ai, chúng ta thiếu gì, cũng như thời đại ta đang sống. Để làm điều đó thì không gì tốt hơn là tìm hiểu quá khứ. Bằng cách này, chúng ta có thể dự đoán được tương đối những gì có thể xảy ra trong tương lai.Bây giờ chúng ta hãy xem quá khứ của tiền và quá trình biến đổi cho đến hiện tại.


Trong quá trình phát triển, Tiền đã trải qua 3 cuộc cách mạng lớn tính đến nay:

1 - Sự ra đời của Ngân hàng Trung ương Anh, năm 1694
Là ngân hàng đầu tiên phát hành tiền tệ quốc gia và tiền được bảo lãnh bởi nhà nước. Bắt đầu từ đây, tiền giấy đã trở thành một hệ thống do ngân hàng trung ương phát hành và phân phối. Trước đó, tiền xu làm bằng vàng, bạc, đồng là tiền tệ chứ không phải tiền giấy.

Tiền giấy thuở ban đầu xuất phát từ những tờ giấy chứng nhận (chứng từ) cấp cho một người khi người đó gửi vàng vào ngân hàng và chứng từ đó có thể được sử dụng như tiền. Niềm tin của con người trong việc đổi chứng từ đó thành vàng đã tạo ra tiền giấy.

2 - Hệ thống tài chính Bretton Woods, năm 1944
Năm 1944 để để xây dựng hệ thống tài chính thế giới sau chiến tranh, tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế. Tại đây, các nước đã thống nhất thành lập ra một hệ thống tài chính được gọi là Bretton Woods - bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và chế độ tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng đôla Mỹ (USD) gắn với vàng.

Nó đã mở đầu thời hoàng kim của đồng USD. Bretton Woods đã gắn đồng tiền của thế giới với đồng USD và được quy đổi sang vàng tương ứng là 35 USD đổi = 1 ounce (0.83 lượng), lý do vì thời điểm đó Hoa Kỳ chiếm hơn một nửa tiềm năng sản xuất của thế giới và giữ gần như toàn bộ lượng vàng của thế giới. Nó có nghĩa là USD đã trở thành đồng tiền chính được sử dụng trong trao đổi hàng hoá giữa các nước và là đồng tiền dự trữ của thế giới tương đương với vàng.

Bằng cách sử dụng đồng USD làm tiêu chuẩn tiền tệ của thế giới, Mỹ đã bắt đầu một kế hoạch thao túng, điều khiển tiền tệ thế giới theo ý mình cho dù các nước khác không hài lòng.

3 - Ngừng việc chuyển đổi USD sang vàng, năm 1971
Ngày 15/08/1971 tổng thống Mỹ lúc đó là Nixon tuyên bố ngừng chuyển đổi USD sang vàng, có nghĩa là USD sẽ không phải gắn với vàng nữa. Kể từ đây Mỹ có thể in tiền của thế giới theo ý muốn của họ. Kể từ đó, Mỹ đã tạo ra một hệ thống mà các quốc gia khác cũng áp dụng theo để có thể in tiền theo ý muốn của họ mà không hề có sự đảm bảo bằng vàng.

Bước đi này, Mỹ đã hoàn toàn điều khiển, thao túng tiền tệ của thế giới. Và tất cả nền kinh tế các nước khác sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách kinh tế của nước Mỹ. Ngân hàng Trung ương Mỹ hay Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là cơ quan có thể nói là quyền lực nhất thế giới do nắm quyền phát hành đồng USD.


Từ khi Mỹ ngừng chuyển đổi USD sang Vàng, hay nói cách khác là đồng USD không còn phải có sự đảm bảo bằng Vàng nữa khiến giá trị tiền giấy ngày càng giảm (do lạm phát). Bởi vì Vàng khai thác thêm được rất ít do khan hiếm tự nhiên, còn tiền thì có thể in thêm bất cứ lúc nào chính phủ cần. Đây là lý do tại sao chúng ta phải giữ tiền của mình bằng cách mua những tài sản an toàn, chống đỡ tốt hơn trước lạm phát như vàng, bạc, cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, ...

Một ví dụ về cách để giữ tiền không mất giá là mỗi khi dành dụm được tiền chúng ta có thể mua Vàng tích trữ. Đây là cách phổ biến từ xưa đến nay, đặc biệt là người Trung Quốc, có lẽ tích trữ Vàng là niềm yêu thích của họ. Chúng ta mua Vàng, bởi Vàng có thể mua bằng số tiền tương đối nhỏ. Còn khi đã tích luỹ một số tiền đủ lớn thì lúc đó có rất nhiều lựa chọn khác nhau.

Mayer Rothschild nói: "Tôi không quan tâm ai trở thành vua, miễn là tôi có thể kiểm soát quyền phát hành tiền tệ của một quốc gia".

Câu nói này chính là bản chất của xã hội vận hành theo hướng Tư bản tài chính. Ai nắm được quyền in tiền, có nhiều tiền người đó sẽ là vua của mọi ông vua. Vì vậy tiền đóng vai trò cốt yếu trong xã hội ngày nay, nếu chúng ta không hiểu bản chất của tiền thì sẽ rất khó để sống bình yên khi mà người có tiền sẽ chi phối cuộc sống của chúng ta. Đương nhiên, vẫn có cách sống bình yên mà không cần nhiều tiền nhưng cách ấy có lẽ không dành cho số đông.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!