Tại sao người giàu lại càng giàu và phần còn lại sẽ ngày càng nghèo?

Tại sao người giàu lại càng giàu và phần còn lại sẽ ngày càng nghèo?
Photo by Dan Schiumarini / Unsplash

Nếu chúng ta là người bình thường như bao con người khác trên quả địa cầu này, thì chắc chắn câu hỏi "Tại sao người giàu lại ngày càng giàu hơn?" đã xuất hiện nhiều lần trong tâm trí của chúng ta. Bởi chúng ta thường ngưỡng mộ họ hoặc đố kỵ họ hoặc cả hai. Những người giàu có là những người có quyền lực và có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chúng ta. Do đó, chúng ta cần hiểu để biết chúng ta là ai, chúng ta cần gì sau đó chúng ta phải làm thế nào nếu muốn trở nên giàu có hơn.

Những người nhiều tiền thường sử dụng sự giàu có và đặc quyền mà họ có để nắm được thông tin nội bộ, kiến thức chuyên ngành hoặc kiến thức bổ sung. Thậm chí họ có thể tác động, vận động để tạo ra các chính sách có lợi cho họ. Và ở mức cao hơn nữa họ chính là người tạo ra luật chơi. Đó chính là những thứ giúp họ tạo ra được nhiều tiền hơn, có nhiều đặc quyền hơn và sở hữu nhiều thông tin mật hơn.

Sự cạnh tranh là một cái bẫy. Điều gì xảy ra khi một người dành chiến thắng trong cuộc thi? Câu trả lời là phần thưởng. Phần thưởng này có thể là tiền, thiết bị hoặc quyền truy cập – mang lại cho người chiến thắng lợi thế canh tranh tốt hơn hoặc dễ dàng hơn trong lần tiếp theo. Điều này tạo thành một vòng lặp tăng cường, làm tăng khả năng những người chiến thắng sẽ tiếp tục chiến thắng và những kẻ thua cuộc sẽ tiếp tục thua cuộc.

Một ví dụ mà có lẽ những ai xem, yêu bóng đá đều biết là các đội bóng đá tranh tài ở Cup C1 châu Âu. Khi các đội bóng liên tục góp mặt trong trận chung kết, phần thưởng của họ là được xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình. Việc này cho phép họ có thêm tiền bản quyền và thêm người hâm mộ, mang lại nhiều doanh thu hơn cho các kế hoạch và thu hút nhiều ứng cử viên cho đội bóng.

Qua đó họ có thể tạo ra nhiều tiền hơn bằng việc bán vé, bán áo đấu, hợp đồng quảng cáo và tài trợ. Điều này cho phép thuê những huấn luyện viên giỏi nhất và xây dựng cơ sở vật chất tốt nhất. Tất cả những điều này lần lượt lôi kéo các cầu thủ giỏi nhất tham gia đội bóng, khả năng họ tiếp tục giành chiến thắng tăng lên. Vòng lặp phản hồi đã được tạo ra và trở thành một bức tường kiên cố bảo vệ họ trước các đối thủ cạnh tranh.

Real Madrid là đội bóng điển hình cho ví dụ trên. Họ là câu lạc bộ bóng đá thành công nhất giải đấu Cup C1 châu Âu với 14 lần vô địch và vừa vào lọt vào trận chung kết tiếp theo tại thời điểm của bài viết này. Là câu lạc bộ duy nhất 5 lần liên tiếp (5 giải đầu tiên) và gần đây là 3 lần vô địch liên tiếp.

Karl Mark một nhà kinh tế và triết học người Đức đã phát triển ý tưởng về chủ nghĩa cộng sản để đối phó với những vấn đề ông từng chứng kiến trong chủ nghĩa tư bản, ông tin rằng nếu không được kiểm soát, cạnh tranh thị trường sẽ thực sự loại bỏ chính sự cạnh tranh. Ông chỉ trích chủ nghĩa tư bản, chỉ ra rằng khi có hai doanh nghiệp cạnh tranh, bên nào làm việc hiệu quả hơn, có công nghệ tốt hơn, hoặc lựa chọn đầu tư khôn ngoan hơn sẽ có được lợi thế. Lợi thế đó sẽ tạo ra nhiều tiền hơn, sau đó có thể tái đầu tư các cơ sở vật chất và công nghệ của công ty. Nếu vòng lặp tăng cường này vận hành mà không có sự can thiệp của nhà nước, sẽ làm cho các doanh nghiệp nhanh chóng chiếm ưu thế trên thị trường, trở nên độc quyền và loại bỏ tất cả các đối thủ cạnh tranh khác.

Dự đoán của Karl Mark đã xảy ra ở Mỹ. Số lượng các nhà sản xuất ô tô giảm xuống còn 3 (luật chống độc quyền đã ngăn chặn việc chỉ có một nhà sản xuất duy nhất), nhiều thành phố lớn chỉ có một tờ báo duy nhất. Các nhà cung cấp truyền hình, internet và viễn thông tiếp tục hợp nhất với chính phủ, cẩn trọng để ngăn chặn kịp thời nếu thấy bất kỳ công ty nào có dấu hiệu trở nên quá lớn mạnh khiến tất cả các đối thủ cạnh tranh khác không thể hoạt động. Mỹ chỉ là một ví dụ. Điều này xảy ra ở khắp nơi trên toàn thế giới.

Phần còn lại cũng tương tự như vậy, người nghèo ngày càng nghèo hơn. Trẻ em nghèo thường phải tiếp cận với nền giáo dục tồi tệ nhất, dẫn tới công việc và thu nhập cũng tồi tệ nhất. Sự nghèo khổ của họ ngày càng trầm trọng trong từng giai đoạn cuộc đời. Những người không có nhiều tiền thì hoặc là không đáp ứng đủ điều kiện để vay, hoặc nếu đáp ứng đủ điều kiện vay thì họ phải trả một mức lãi suất cao không cân xứng cho người giàu - người thu tiền. Điều này khiến người nghèo không thể đầu tư và cải thiện tương lai của họ như người giàu. Những người có thu nhập thấp thường không thể sở hữu nhà riêng. Họ phải trả tiền thuê nhà cho những người sở hữu nhà đất. Chủ nhà đất ngược lại sẽ có tiền mua thêm nhà đất cho nhiều người thuê hơn.

Người nghèo có xu hướng trả phần lớn thu nhập của họ cho thực phẩm, nhu cầu thiết yếu, đóng thuế và chăm sóc sức khoẻ. Các cá nhân và tập đoàn giàu có sẽ thuê các luật sư tìm ra những lỗ hổng của luật thuế để tránh phải trả một khoản thu nhập cho thuế mà họ phải đóng. Họ cũng có thể vận động chính phủ nhiều hơn để chính phủ đại diện cho quyền lợi của họ và giảm thuế cho họ.

Thường thì mọi người sẽ được giảm giá khi họ mua hàng với số lượng lớn. Bởi vì người nghèo không có khả năng mua số lượng lớn hàng hoá, họ thường phải trả giá cao hơn cho mỗi sản phẩm mua lẻ. Vì người nghèo thường phải chịu đựng sự ô nhiễm và dịch bệnh đầu tiên, và thường không có sự lựa chọn nào khác ngoài làm một công việc nguy hiểm, lương thấp hoặc sống trong khu vực có tỷ lệ tội phạm cao, vòng lặp tăng cường càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và quan trọng nhất chu kỳ không chỉ ở một thế hệ mà còn tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Vậy làm thế nào để thoát ra khỏi cái bẫy "thành công đến với những người thành công"?

Chính phủ có thể duy trì hiện tượng "giàu càng giàu hơn" trong tầm kiểm soát như luật chống độc quyền. Việc đánh thuế thu nhập cá nhân khiến người giàu trả thuế cao hơn, quy định mức lương tối thiểu, hỗ trợ vay vốn cho người nghèo, hệ thống phúc lợi công cộng, tổ chức từ thiện, công đoàn, … Bên cạnh đó là cấp học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng điều này chỉ với số ít may mắn.

Nhưng nếu chúng ta chỉ dựa vào chính phủ thì chắc chắn là không đủ bởi vì đôi khi chính sách của chính phủ không hiệu quả vì nó không có tính thực tế khi áp dụng, chưa kể chính sách có thể thay đổi bởi rất nhiều yếu tố tác động khiến cho chúng ta luôn ở thế bị động.

Để chủ động, chúng ta có thể chuyển hướng, thích nghi, phát triển để thoát khỏi sự cạnh tranh, đi tìm "Đại dương xanh" cho bản thân. Các doanh nghiệp có thể đa dạng hoá bằng việc tung ra một sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Và quan trọng nhất chúng ta có thể áp dụng hiệu ứng Matthew ở đây. Hiệu ứng Matthew giúp chúng ta chuyển hướng bằng việc nhận ra đâu là lợi thế mà người bình thường có thể tận dụng, qua đó cung cấp cho chúng ta một con đường phù hợp nhất, khả thi nhất để thoát khỏi cái bẫy này.

Khi chúng ta đa dạng hoá các công cụ, tận dụng mọi chính sách của chính phủ, áp dụng nhiều phương pháp để tận dụng lợi thế dù rất ỏi, thì đó chính là cơ hội để thay đổi cuộc chơi, cho phép người đang thua có thể trở nên có sức cạnh tranh và trở thành những người giàu có.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!