Thành bại, tất cả là do sự chuẩn bị

Thành bại, tất cả là do sự chuẩn bị
Photo by Brett Jordan / Unsplash

Joe Girard nói trong cuốn sách "Để trở thành người bán hàng giỏi nhất thế giới" rằng chuẩn bị kỹ càng mọi thứ là "chìa khoá" khiến ông trở thành người bán hàng xuất sắc nhất thế giới trong lĩnh vực bán xe ô tô ở Mỹ, được ghi trong sách kỷ lục Guiness.

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu chúng ta để ý thì tất cả những việc chúng ta làm có kết quả tốt đều phải có sự chuẩn bị chu đáo. Một bữa ăn ngon cần phải chuẩn bị nguyên liệu cho món ăn, dầu-mỡ, gia vị. Một chuyến đi du lịch cần phải chuẩn bị: chọn ngày, đặt vé, đặt chỗ ăn, chỗ ở,... và quan trọng nhất là chuẩn bị tiền.

Thế nhưng, việc chuẩn bị để kiếm tiền, thứ quan trọng nhất để làm được những việc khác thì chúng ta lại không quan tâm đến nó hoặc có quan tâm nhưng chúng ta cũng không biết chuẩn bị thế nào. Thế giới internet ngày nay quá mang đến nhiều sự phân tâm, quá nhiều thông tin khiến chúng ta bị choáng ngợp. Cùng một chủ đề nhưng có rất nhiều người nói khác nhau, thật khó phân biệt cái gì đúng cái gì sai, đúng với ai và sai với ai.

Bên cạnh đó là hiện nay, điều kiện vật chất tốt hơn, ít con hơn khiến các bậc cha mẹ thường bao bọc con cái quá nhiều. Sự quan tâm quá mức của cha mẹ một mặt làm chúng ta cảm thấy bí bách, mặt khác lại khiến tâm lý ỷ lại của chúng ta phát triển mạnh hơn.

Do đó, chúng ta gần như không có sự chuẩn bị nào cho tương lai. Cha mẹ muốn chúng ta có sự chuẩn bị, họ cố gắng làm điều đó nhưng thường là sai cách. Việc kiếm tiền hay làm ra tiền gắn liền với cuộc đời của chúng ta như ăn với ngủ. Mà thiếu nó khiến chúng ta gặp rất nhiều khó khăn.

Không có sự chuẩn bị khiến chúng ta làm gì cũng tới đâu tính tới đó, gặp sự cố là rối lên vì không lường trước và chuẩn bị, rất bị động trong suy nghĩ hay lên kế hoạch kỹ càng cho công việc. Suốt ngày chỉ chạy theo sự cố, bị sự cố điều khiển chứ chưa bao giờ chủ động được tình thế là kết quả tất yếu. Khi để bản thân rơi vào tình huống này, suốt ngày chúng ta chạy theo sau, phản ứng bị động, sau đó là dọn dẹp những tình huống không lường trước dẫn đến thiếu hiệu quả. Tiền chúng ta kiếm nhiều hay ít được dựa vào mức độ hiệu qủa trong công việc của chúng ta làm.

Chúng ta sống trôi dạt theo dòng chảy cuộc sống cho đến khi ta chợt nhận ra và chép miệng "biết thế". Bên cạnh những nguyên nhân khách quan là những nguyên nhân chủ quan (sẽ được đề cập đến ngay sau đây). Nhưng dù là nguyên nhân gì thì ngay bây giờ nếu muốn có kết quả tốt hơn ta cần thay đổi, bắt tay vào chuẩn bị thật tốt.

Để chuẩn bị cho công việc, kiếm tiền và chuẩn bị cho tương lai phía trước, ta cần biết những việc cần phải làm là gì? Trong đó, ta đã chuẩn bị được những gì và sẽ phải chuẩn bị gì tiếp theo?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần dựa trên một tiêu chuẩn chung đã được các nhà giáo dục nghiên cứu và thống nhất về những điều mà một người cần phải chuẩn bị.

Và chúng ta đều biết rằng, đánh giá một người có nghĩa là xem xét năng lực của người đó. Theo các nhà nghiên cứu năng lực của một người bao gồm 2 phương diện: 1 - Kiến thức và 2 - Kỹ năng. Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn ngay sau đây:

1 - Kiến thức

Kiến thức được chia thành 3 loại: Kiến thức cứng (chuyên môn); Kiến thức mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, tạo động lực, phương pháp tư duy, khả năng tự học); Và Kiến thức công cụ (ngoại ngữ, công nghệ).

Các mức độ của Kiến thức: 1-Biết; 2-Hiểu (biết tại sao lại như vậy); 3-Phân tích (biết chuẩn bị, đánh giá trước khi làm); 4-Tổng hợp (biết cách làm năng suất cao hơn); 5-Sáng tạo (biết cách làm khác biệt để có năng suất vượt trội).

2 - Kỹ năng

Kỹ năng là khả năng hoàn thành công việc và khả năng áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

Các mức độ của Kỹ năng: 1-Bắt chước; 2-Tự chủ làm theo ý mình; 3-Dạy người khác; 4-Phối hợp (có thể hợp tác với những người kém hơn mình); 5-Sáng tạo (cách làm khác biệt).

Khi có năng lực có nghĩa là người đó có khả năng mang lại giá trị, và giá trị đó mang lại thành quả là tiền. Nhưng để thành công chúng ta không chỉ cần có Kiến thức và Kỹ năng mà cần bổ sung các phương diện khác nữa. Đó là:

3 - Thái độ

Thái độ bao gồm các đặc điểm: Trung thực; Trung thành; Chăm chỉ; Hợp tác; Khát vọng; Ý chí.

Các mức độ của Thái độ: 1-Nghe; 2-Áp dụng; 3-Có quan điểm riêng; 4-Ảnh hưởng đến người khác; 5-Sáng tạo (Khác biệt).

4 - Sở trường

Sở trường có nghĩa là biết mình giỏi nhất trong việc gì. Để tìm ra sở trường không phải là việc dễ, nó đòi hỏi tự quan sát, tự đánh giá chính mình. Rồi sau đó, tham khảo sự đánh giá của những người xung quanh, càng nhiều càng tốt để đảm bảo tính khách quan.

Sở trường chính là sự khác biệt của ta với những người khác. Charlie Munger, tỷ phú đầu tư người Mỹ, đối tác của tỷ phú Warren Buffet nói rằng: "Nếu bạn tham gia vào trò chơi mà ở đó những người khác chơi giỏi còn bạn thì không, bạn sẽ thua".

5 - Đam mê

Có người từ rất sớm đã biết mình thích gì, đam mê cái gì và họ theo đuổi nó từ nhỏ và đam mê đó mang lại thành công cho họ. Nhưng thật không may, đa số chúng ta đều không có được điều đó. Chúng ta phải lần mò, tìm ra nó rất muộn, thậm chí có người cả đời còn không biết mình đam mê cái gì.

Nhưng ngược lại, có những người thành công đem lại cho họ niềm đam mê. Thật may mắn, đây là cách mà đa số chúng ta sẽ tìm được đam mê của mình. Bằng cách làm việc theo sở trường của mình, thành công nối tiếp thành công và cuối cùng thành công liên tiếp khiến chúng ta đam mê công việc mình làm.

Mong rằng khi biết những tất cả những điều này, chúng ta sẽ chiếu mình theo đó và biết mình đang có gì, đang thiếu gì và bây giờ chúng ta bắt tay vào chuẩn bị thôi. Chuẩn bị, chuẩn bị và chuẩn bị khiến chúng ta trở nên khác biệt và con đường tương lai tươi sáng phía trước cũng mở ra.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!