Áp dụng Tư duy sinh thái để phát hiện Đại dương xanh

Áp dụng Tư duy sinh thái để phát hiện Đại dương xanh
Photo by Talia Cohen / Unsplash

Khi quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh, đa phần chúng ta có những nhận thức sai lầm khi quá tin tưởng vào cảm quan cá nhân mà bỏ qua sức ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Chúng ta thường hay hô hào kiểu như: "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", nhưng lại quên mất một cách nghĩ tốt hơn đó là, hãy tạo cho bản thân một môi trường ít "bùn" nhất có thể, vậy sẽ chẳng lo vấy bẩn.

Hệ sinh thái, chỉ trạng thái sống của các sinh vật trong một môi trường nhất định và các mối quan hệ giữa các sinh vật với nhau, sinh vật với môi trường. Trong mối quan hệ phức tạp sẽ ẩn giấu quy luật phức tạp. Nếu nắm bắt được quy luật này, chúng ta sẽ có thể hình thành cho chính mình tư duy sinh thái.

Trong vô vàn các phương pháp tư duy sâu khác nhau, tư duy sinh thái dễ bị bỏ qua nhất, bởi vì nó vừa đòi hỏi tầm nhìn vĩ mô vừa yêu cầu chú ý tới những mối quan hệ giữa các sự vật. Những sự vật cụ thể có thể dễ dàng quan sát lý giải, còn mối quan hệ giữa chúng hay bị bỏ qua, thậm chí chúng ta còn không ý thức được rằng chúng đang sản sinh tác dụng.

Hầu hết chúng ta chưa từng nghe đến cái gọi là tư duy sinh thái, nếu có nghe cũng chưa nhận thức rõ ràng cách thức hoạt động của nó, nên không hiểu được sức mạnh to lớn của nó. Tư duy sinh thái giúp chúng ta có được hướng đi tốt hơn trong công việc, xây dựng sự nghiệp bền vững, chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh…


Nguyên lý cơ bản của Tư duy sinh thái

Vì các sự vật trong hệ sinh thái có mối liên hệ mật thiết với nhau, cho nên xu hướng phát triển, trạng thái biến đổi hoặc các lựa chọn của mỗi cá thể không hề ngẫu nhiên và cũng không độc lập tự chủ hoàn toàn, mà nó bị ảnh hưởng bởi toàn bộ hệ sinh thái. Do đó mỗi khi suy nghĩ về một sự việc, ta không chỉ để tâm đến bản thân sự việc đó mà còn phải xem xét môi trường xung quanh và mối quan hệ giữa chúng.


Ví dụ về Tư duy sinh thái

Hiện nay có một nghề rất thú vị đó là game streamer. Những người chơi game chuyên nghiệp lên mạng chơi game cho người khác xem. Nếu ta chơi hay, làm mọi người thích thú, ta sẽ thu hút được rất nhiều người xem.

Giả sử mỗi lần livestream đều có đến 100 ngàn người xem, những người hâm mộ sẽ có quà ủng hộ cho ta. Tuy nhiên số tiền có được từ phần thưởng vốn không nhiều, không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Chính vì vậy mà ta quyết định mở gian hàng online và quảng bá địa chỉ gian hàng của ta trên kênh livestream để bán hàng.

Vấn đề đặt ra là: ta nên bán sản phẩm gì đây? Có hàng vạn thứ có thể bán, nhưng đa phần đều không phù hợp để bán qua kênh livestream game. Thử nghiêm túc suy nghĩ vấn đề này xem, giả sử nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của chúng ta trong vài năm tới.

Nếu vấn đề này không dễ có đáp án, thì thông thường chúng ta sẽ lựa chọn đưa ra một vài phép loại suy dùng để tham khảo như bán các sản phẩm ăn theo game như đồ chơi, phụ kiện, áo phông,… giống như trong ngành công nghiệp hoạt hình, Walt Disney đã bán búp bê hoạt hình và các sản phẩm xoay quanh những bộ phim ăn khách.

Chúng ta có từng nghĩ đến đáp án trên không? Thực tế có không ít các streamer đã thử bán các sản phẩm ăn theo kể trên nhưng đa phần kết quả đều vô cùng ảm đạm.

Câu trả lời chính xác đã được kiểm nghiệm trong thực tế là: bán các sản phẩm như chuột, bàn phím máy tính.

Vì sao lại bán những sản phẩm này? Chúng ta cần phải hiểu được cảm nhận và suy nghĩ thật sự của người xem. Đây là vấn đề của Tư duy hoán vị, thường được kết hợp với Tư duy sinh thái. Tư duy sinh thái nói rằng, chúng ta không nên chỉ nghĩ đến khách hàng mình đang hướng tới mà còn phải suy nghĩ xem đối tượng đó đang ở trong hệ sinh thái nào. Hệ sinh thái quanh người đó sẽ ảnh hưởng đến trạng thái và quyết định của họ.

Một điều hiển nhiên là những người xem livestream game cũng là những người chơi game, vì vậy ta nên suy nghĩ về cảnh tượng này của người chơi game: Một mình ngồi trước máy tính, tay trái đặt trên bàn phím, tay phải cầm con chuột, hai tay chuyển động như đang "múa" theo từng sự thay đổi của hình ảnh trong game. Đây chính là một hệ sinh thái nhỏ trong hoàn cảnh này.

Khi quan sát hệ sinh thái này ta dễ dàng phát hiện ra rằng, bán bàn phím, chuột máy tính mới là lựa chọn sáng suốt nhất. Các game thủ có yêu cầu rất cao đối với chuột và bàn phím nên sẽ thường xuyên thay thế chúng, đồng thời lúc chơi game và xem livestream, chuột và bàn phím cũng có mối liên hệ mật thiết, các game thủ sẽ dễ dàng nghĩ tới việc mua chuột và bàn phím thay vì các sản phẩm khác.

Một số người có thể nghĩ rằng, bán bàn phím và chuột cho game thủ là điều quá dễ dàng đến người bình thường cũng nghĩ ra được, thì cần gì đến Tư duy sinh thái? Mọi chuyện không bao giờ diễn ra dễ dàng như thế. Chúng ta xem xét tình huống tiếp theo.

Bán chuột và bàn phím có thể giúp chúng ta kiếm được kha khá, nhưng một thời gian sau ta sẽ phát hiện ra có những streamer khác cũng đang bán chuột và bàn phím như ta. Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt này, kết quả kinh doanh của ta không mấy sáng sủa, đã đến lúc ta phải nghĩ đến chuyện bán một mặt hàng khác rồi. Vậy tiếp theo ta sẽ bán cái gì?

Vấn đề đã trở nên khó khăn hơn rồi, sản phẩm kinh doanh tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của chúng ta. Lựa chọn đúng, thu nhập tăng gấp nhiều lần. Lựa chọn sai, ta sẽ bị thâm hụt vốn đầu tư ban đầu do tiến hàng bị ứ đọng, tiền trang trí giao diện cửa hàng,…

Nếu ta muốn bán máy tính, điện thoại hoặc đạo cụ trong game thì ta chỉ là một người bắt chước bởi vì đây không phải là sự chọn lựa tốt nhất. Lựa chọn ổn thoả lúc này đó là bán đồ ăn vặt, nước uống. Điều này có vẻ không giống với những gì chúng ta dự đoán nhỉ? Đáp án này đúng là ít có người nghĩ đến. Không giống như chuột, bàn phím, game online chẳng có chút liên quan nào đến đồ ăn vặt và nước uống cả.

Lẽ nào trên bao bì của đồ ăn vặt có thể in hình đạo cụ trong game? Không, chúng ta sẽ chỉ kinh doanh những món đồ ăn vặt hết sức bình thường như mỳ cay, chân gà cay, thịt bò viên, nước uống, … Nhưng tại sao streamer lại nên bán đồ ăn vặt?

Tư duy sinh thái khiến chúng ta nghĩ đến hệ sinh thái xung quanh game thủ và hình dung ra một hình ảnh. Lần này không phải hình ảnh anh ta đang chơi game, mà là lúc anh ta đang xem streamer phát trực tiếp: Một người thoải mái ngồi trên ghế, trước mặt là chiếc bàn, trên bàn là máy tính xách tay, trên màn hình là đủ các hình ảnh trong game.Giờ chúng ta thử nghĩ xem, lúc này anh ta sẽ ở trong trạng thái như thế nào?

Đương nhiên đó là trạng thái thả lỏng, thư thái, hưởng thụ, xem livestream là để thư giãn. Vậy xung quanh anh ta nên có những gì cho phù hợp? Tất nhiên là một số thứ tiêu khiển ví dụ như đồ ăn vặt, nước uống,… Vậy streamer bán đồ ăn vặt và nước uống là một sự lựa chọn cực kỳ hợp lý.

Trò chơi kinh doanh hư cấu này vẫn phải tiếp tục, đồng thời độ khó cũng không ngừng tăng lên. Cho đến thời điểm hiện tại, các đáp án đều được đúc kết từ thực tế của ngành công nghiệp game. Vậy chúng ta sẽ xem một đáp án tham khảo khác chưa có trên thị trường để không bị ảnh hưởng bởi vì chúng ta đã biết trước câu trả lời.

Tiếp tục dựa theo Tư duy sinh thái, ta có thể kinh doanh túi giữ ấm chân. Chúng ta tiếp tục mở rộng hệ sinh thái xung quanh người chơi thêm chút nữa. Trong hình ảnh trên, trạng thái cơ thể của người chơi như thế nào? Có thể tay anh ta để trên bàn, đang bóc đồ ăn vặt. Nhưng chân anh ta để ở đâu? Vào mùa đông, mà ngồi trước máy tính trong một thời gian dài đa phần sẽ cảm thấy lạnh chân. Vì vậy các game thủ sẽ rất vui vẻ mua túi giữ ấm chân. Do đó, chúng ta cũng có thể bán túi sưởi tay, hoặc đệm sưởi kiêm lót chuột … Vào mùa đông, lạnh tay là điều tối kỵ với game thủ.

Xiaomi là một ví dụ điển hình cho Tư duy sinh thái. Ấn tượng trước đây, Xiaomi chỉ là một doanh nghiệp sản xuất điện thoại bình thường. Mặc dù mô hình Hunger Marketing, giá rẻ và quảng cáo trực tuyến của Xiaomi đều rất đáng được khen ngợi, tuy nhiên nếu chỉ dựa vào những điều này thì chưa đủ biến họ thành một doanh nghiệp hùng mạnh. Hơn nữa vẫn có rất nhiều người đặt ra nghi vấn đối với Xiaomi: giá rẻ đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận và còn gây ra một cuộc chiến về giá cả. Kiểu ép giá như vậy khiến cho mô hình phát triển trước mắt mang tính chộp giật, không bền vững.

Sau khi phát động cuộc chiến cạnh tranh về giá với các hãng khác, Xiaomi cũng phải đối mặt với thách thức, tốc độ tăng trưởng chậm lại và sắp kịch trần. Mọi người tỏ ra vô cùng nghi ngờ, liệu Xiaomi có tiếp tục giảm giá không? Liệu có đưa ra được mô hình mới không? Liệu có tồn tại được bao lâu nữa? Mối quan tâm này rất hợp lý khi mà các đối thủ của Xiaomi là Huawei, Lenovo và thậm chí cả Apple và Samsung đều rất mạnh. Kiểm soát chất lượng, hình ảnh thương hiệu, kênh tiếp thị, người nổi tiếng đại diện thương hiệu… Mỗi công ty đều có những tuyệt chiêu riêng, vậy Xiaomi còn không gian nào để phát triển?

Sau đó Xiaomi đã đưa ra một câu trả lời hoàn toàn bất ngờ khi bước ra khỏi cuộc canh tranh về giảm giá điện thoại, để tạo ra một hệ sinh thái mới. Đó là, những ngôi nhà thông minh, các sản phẩm điện gia dụng như tivi, robot quét dọn, máy lọc không khí, bộ lọc nước, nồi cơm điện, ổ cắm dài, thiết bị đeo thông minh, máy ảnh, bộ định tuyến,… Hiện tại chuỗi sinh thái Xiaomi đang phát triển rộng khắp.

Tại sao một công ty điện thoại lại sản xuất các loại thiết bị gia dụng thông minh? Những thiết bị kia dường như chẳng có chút liên quan nào đến hoạt động kinh doanh điện thoại cả. Theo logic của kinh doanh truyền thống, cùng lúc kinh doanh nhiều mặt hàng như vậy chắc chắn sẽ thất bại, vì thế một doanh nghiệp thông thường sẽ không phát triển theo hướng này.

Nhưng Xiaomi đã sử dụng tư duy sinh thái để đưa ra chiến lược của mình: Điện thoại thông minh có thể kết nối với tất cả các thiết bị điện, chúng cùng nhau tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho ngôi nhà thông minh, còn điện thoại là trung tâm của hệ sinh thái này. Điện thoại không còn là điện thoại nữa mà là cánh cửa bước vào thế giới trong ngôi nhà thông minh. Trong hệ sinh thái nhà thông minh, giá trị của chiếc điện thoại tương đối thấp, nhưng tổng giá trị của thiết bị trong ngôi nhà như TV, máy lọc không khí, nồi cơm điện, … thì là một con số khổng lồ có thể tạo ra đủ doanh thu và lợi nhuận cực lớn.

Vì vậy, ý tưởng bán điện thoại giá thấp của Xiaomi trong giai đoạn đầu rất có ý nghĩa, mặc dù nó làm giảm lợi nhuận đáng kể nhưng lại mở ra cánh cửa kinh doanh trong tương lai.

Sau khi xem xong các ví dụ tuyệt vời về các doanh nghiệp lớn, chúng ta hãy trở lại với chính mình. Vậy Tư duy sinh thái có thể mang đến cho chúng ta lợi ích gì? Xiaomi là một gã khổng lồ với lượng vốn đầu tư khổng lồ, còn một người bình thường thì sao? Chúng ta có thể áp dụng Tư duy sinh thái cho cuộc sống hàng ngày không?

Mặc dù trong dẫn chứng đầu tiên về streamer là một ứng dụng cá nhân, nhưng về cơ bản thì ngành công nghiệp này có tính đặc thù, phần lớn chúng ta đều không làm công việc như vậy. Mặt khác, một streamer có thể thu hút được khoảng 100 ngàn người hâm mộ thì cũng có thể coi là anh ta đã có được nguồn tài nguyên nhất định rồi. Với đa số chúng ta thì chẳng có bất cứ nguồn tài nguyên nào, chẳng hạn như sinh viên đại học xuất thân từ một gia đình bình thường và không tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu, liệu Tư duy sinh thái có hữu ích như nhau không?

Trong mấy mô hình phái sinh của Tư duy sinh thái sau đây, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, lối Tư duy này không chỉ dành riêng cho các công ty lớn mà ngay cả những người bình thường cũng đều có thể sử dụng một cách hết sức tự nhiên.


MÔ HÌNH ĐÀO VÀNG

"Cách suy nghĩ để dành chiến thắng ngay cả khi cạnh tranh khốc liệt."

Vào khoảng đầu thế kỷ 19, trong quá trình Hoa Kỳ bành trướng lãnh thổ của mình về phía Tây, một lượng lớn vàng đã được phát hiện ở California, đồng thời tin tức này đã được lan truyền nhanh chóng. Nhóm người khai phá tiên phong đã bay đến California. Sau mọi vất vả khổ cực, họ thực sự đã tìm thấy vàng và trở nên giàu có. Những trường hợp thành công đã kích thích rất nhiều người trẻ ưa mạo hiểm lao tới California để tìm kiếm vận may.

Giả sử chúng ta là một người Mỹ trẻ tuổi trong thời kỳ đó, ta có nên tham gia vào cơn sốt tìm vàng kia không? Nếu không đi, có thể ta đã bỏ lỡ cơ hội làm giàu, thậm chí là sẽ trằn trọc hàng đêm trong suốt quãng đời còn lại, hối hận vì sự bảo thủ và do dự của bản thân khi ấy. Vậy thì đi thôi! Đáng tiếc là, không phải bất cứ người đào vàng nào cũng đều có thể trở nên giàu có. Khi ngày càng có nhiều người đi đào vàng thì lẽ dĩ nhiên số lượng vàng một người có thể đào được sẽ ngày càng ít. Tất nhiên sẽ có một số người may mắn, vô tình đào được một cục vàng lớn, nhưng rất nhiều người khác chỉ tìm được vàng nhỏ như hạt cát mà thôi. Như vậy cũng không đến nỗi nào, dù không phát tài nhưng cũng đã tốt hơn rất nhiều so với ở lại quê nhà làm một công việc bình thường.

Vậy cuối cùng chúng ta có nên gia nhập vào làn sóng đào vàng này hay không?
Mặc dù trên đây chỉ là một giả thuyết xa xôi, nhưng nó lại không hề xa lạ đối với việc quyết định một vấn đề nào đó trong cuộc sống thực. Câu trả lời là gì?

Nó sẽ là: chúng ta nên đi, nhưng không phải đi đào vàng mà là đi bán quần bò.
Một số người lập tức nhớ lại, đây chẳng phải là câu chuyện khởi nghiệp của thương hiệu quần jean Levi's hay sao? Người đào vàng có thể không kiếm ra tiền, nhưng họ lại rất cần những chiếc quần cứng cáp, nên việc bán quần jean đã giúp Levi's trở nên giàu có. Có điều chúng ta không nhất thiết phải bán quần jean. Chúng ta có thể bán xẻng, thuốc chống muỗi hoặc mở quầy bán xúc xích và đồ ăn nhanh. Thông qua việc bán quần jean Levi Strauss đã thành lập ra một thương hiệu quần áo nổi tiếng.

Nếu chúng ta có năng lực tư duy tương tự, ta có có thương hiệu của riêng mình và vươn tới đỉnh cao của cuộc sống. Nhưng điều này đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn rộng hơn và năng lực tư duy sinh thái. Khi ta nghe được tin tức liên quan đến vàng, nhìn thấy những người đào vàng thì điều chúng ta phải nghĩ ngay đến chính là toàn bộ hệ sinh thái chứ không phải bản thân vàng và người đào vàng.

Chúng ta phải nghĩ ngay rằng, vàng thu hút sự quan tâm của nhiều người như vậy, mà mọi người cần quần áo, chỗ ở, nước uống, dụng cụ,… Vì vậy cơ hội của chúng ta không nằm ở bản thân những khối vàng đó, mà là toàn bộ hệ sinh thái thuộc về nó.

Đây chính là mô hình đào vàng trong Tư duy sinh thái. Vàng rất chói mắt còn hệ sinh thái đằng sau nó là vô hình. Muốn nghĩ tới cả hệ sinh thái sẽ đòi hỏi khả năng tư duy của chúng ta cao hơn một chút. Tin tốt là, nó cũng đòi hỏi ở những đối thủ của chúng ta cao y như vậy. Đối thủ cạnh tranh của chúng ta sẽ khó lòng nghĩ tới điều này.

Bản chất của mô hình đào vàng

Mô hình đào vàng có tính chất cộng sinh, nghĩa là chúng ta không chỉ tập trung vào một điểm nhất định trong hệ sinh thái và sau đó phát hiện ra hàng loạt đối thủ cạnh tranh mà là suy nghĩ đến toàn bộ hệ sinh thái đồng thời xem làm thế nào để cộng sinh với nó. Có thi nhân từng nói: "Bạn đứng trên cầu ngắm phong cảnh, người đứng trên lầu đang ngắm bạn". Bây giờ ta hãy ngoái đầu lại nhìn và học cách đứng trên lầu, quan sát dòng người nhộn nhịp trên cầu và hệ sinh thái tương ứng với nó.


MÔ HÌNH RỪNG RẬM

Khi những người khởi nghiệp và các nhà đầu tư tiến hành đàm phán, sẽ luôn có một câu hỏi được đặt ra: "Nếu Tencent cũng phát triển sản phẩm tương tự như của bạn, bạn sẽ làm gì?"

Đây là vấn đề mà các nhà khởi nghiệp ghét nhất, nghĩ tới liền đau đầu, bởi vì bản thân anh ta cũng không biết làm thế nào. Có rất nhiều nhà khởi nghiệp ưu tú rất tự tin về năng lực của bản thân nên đã quyết định nghĩ ra rất nhiều phương pháp để tối ưu hoá sản phẩm, mở rộng quỹ đạo hoạt động, phát huy hết mọi khả năng, nguồn lực và ý chí của mình thề phải cạnh tranh với Tencent. Cuối cùng, tất cả bọn họ đều kết thúc một cách thê thảm.

Phần lớn mọi người sẽ không khởi nghiệp hoặc không phải trực tiếp đối mặt với tình huống kể trên, nhưng luôn có vấn đề tương tự xuất hiện. Chúng ta là lập trình viên? Điều gì sẽ xảy ra nếu có một số lượng lớn các tiến sĩ về lập trình du học trở về cạnh tranh với chúng ta?

Trong mô hình đào vàng đã đề cập đến việc chúng ta có thể thay đổi vị thế của bản thân để có thể cộng sinh và tìm kiếm cơ hội, nhưng đại đa số mọi người sẽ không chấp nhận việc thay đổi bản chất công việc của mình, vậy phải làm thế nào?

Hãy tưởng tượng về một bức tranh sinh thái như thế này, một khu rừng rậm được bao bọc bởi đồng cỏ mênh mông, một con sông chảy xuyên qua chúng. Các loài ăn thịt to lớn như hổ và gấu đang chiếm lĩnh khu trung tâm của khu rừng, bầy sói cư ngụ ở phía bên ngoài bìa rừng, tránh xa địa phận của đám hổ và gấu. Loài chim làm tổ trên cây trong khi loài thỏ lại đào hang và sinh sống ở trên thảo nguyên bên ngoài bìa rừng.

Mô hình rừng rậm thực ra là một mô hình ổ sinh thái

Ổ sinh thái dùng để chỉ vị trí của một loại trong hệ sinh thái, bao gồm các yếu tố như không gian, thời gian, loại thức ăn… Nguyên lý cơ bản của Tư duy ổ sinh thái là khi gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ, ngoài việc đối đầu, ta còn có thể lựa chọn tránh né.

Sau vài năm học hỏi kinh nghiệm những người khởi nghiệp đã biết cách làm thế nào để giải quyết vấn đề "khi Tencent cạnh tranh với bạn". Lựa chọn lĩnh vực mà Tencent chưa có, đến khi chúng ta đã có vị thế nhất định mà lúc đó Tencent lại đang muốn thâm nhập vào lĩnh vực này, Tencent sẽ tìm cách thâu tóm, chúng ta có thể bán lại cho Tencent để kiếm tiền.

Tuy nhiên, trong qúa trình sử dụng thực tế, chúng ta cần lưu ý một số điều sau:

01 - Mô hình rừng rậm không đồng nghĩa với việc "bỏ chạy khi gặp kẻ địch mạnh"

Những con thỏ không chỉ chăm chăm chạy trốn lũ hổ sói vì có lúc sẽ không thể trốn được. Chúng cần không ngừng tiến hoá, chúng cần chạy nhanh hơn và sinh sản nhiều hơn. Nhưng nếu không chọn ổ sinh thái thì thỏ phải đối đầu trực diện với hổ sói, nếu vậy muốn sống sót thì không còn cách nào khác là phải to khoẻ như hổ, có bộ răng sắc nhọn như sói, mà đây hiển nhiên là điều không thể xảy ra. Sau khi lựa chọn hệ sinh thái, thỏ chỉ cần chạy thật nhanh, sinh sản thật nhiều, vậy là đủ. Nhiệm vụ này hiển nhiên dễ dàng hơn rất nhiều. Vì vậy mô hình rừng rậm và lựa chọn ổ sinh thái không phải thứ giúp chúng ta leo lên đỉnh cao của cuộc sống mà là phương pháp giúp chúng ta thoát khỏi nơi không có cơ hội thành công dù chúng ta có cố gắng thế nào đi chăng nữa.

02 - Lựa chọn ổ sinh thái không đồng nghĩa với "bỏ phố về rừng"

Việc lựa chọn ổ sinh thái vốn hết sức linh hoạt, không thể tóm tắt trong một, hai câu đơn giản. Giả sử chúng ta là người đặt nền móng cho lĩnh vực kinh doanh mới nào đó, mà không có đối thủ cạnh tranh ở những thành phố lớn đông đúc, thì tất nhiên ta chẳng cần chạy đến một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó đâu. Hoặc ở thành phố lớn tuy có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng nhu cầu cũng nhiều hơn, khi đó hệ sinh thái của nó chưa bão hoà, chúng ta chưa cần phải di chuyển đến những nơi ít cạnh tranh hơn. Như ở Thâm Quyến, mặc dù những giáo viên có trình độ rất nhiều nhưng bởi vì dân số không ngừng gia tăng nên có thể tiếp nhận thêm rất nhiều giáo viên. Ngược lại, ngay cả ở xa mạc chẳng có sự uy hiếp nào thì loài thỏ cũng chẳng thể sinh tồn được.

Ngoài ra, nếu chúng ta là người có năng lực thì việc tiến vào giữa khu rừng để tranh tài cao thấp với đám hổ hay sói cũng không phải là lựa chọn tồi.


MÔ HÌNH AO NƯỚC

Đây là tư duy nền tảng, tạo ra một hệ sinh thái để các tất cả cùng phát triển như: Facebook, Apple, Amazon, Alibaba, Tencent…

Việc xây dựng các nền tảng lớn như trên là bất khả thi với những người bình thường nhưng chúng ta có thể lựa chọn xây dựng các nền tảng nhỏ hơn.

Quay lại ví dụ streamer game online sau đó kinh doanh các mặt hàng khác. Mô hình này sẽ bị cạnh tranh rất nhanh chóng, nhưng nếu những streamer có kinh nghiệm vận hành một mô hình có thể cung cấp dịch vụ vận hành cho các streamer khác, đây là Mô hình Nền tảng [platform].

Thêm một ví dụ về một người bình thường

Một người làm gia sư dạy toán cấp 3, anh đã tự xây dựng một chương trình dạy toán trực tuyến và mở bán khoá học. Nhờ chất lượng chương trình và khả năng quảng bá bản thân, anh có được một nhóm học sinh hết sức mến mộ và ủng hộ nên thu nhập tương đối tốt.

Nhưng anh cũng gặp phải một số vấn đề khó giải quyết, bởi vì có quá nhiều giáo viên dạy toán cấp 3 nên hôm nay học sinh thích chương trình của anh nhưng ngày mai các em lại thích chương trình của các thầy cô khác là hết sức bình thường. Vì vậy mà số lượng học trò của anh bị phân tán. Tốc độ tăng trưởng không đủ nhanh và việc liên tục bị mất khách hàng.

Vậy, làm thế nào để phát triển? Nâng cao chất lượng chương trình ư? Môn toán cấp 3 chỉ yêu cầu đến thế mà thôi. Đề thi quanh quẩn mấy dạng đề, có thể giảng tốt hơn người khác đến đâu nữa? Tiếp tục đánh bóng bản thân, mở rộng mô hình kinh doanh thì sao? Anh không phải giỏi kinh doanh, tốc độ phủ sóng có giới hạn, anh chẳng có cách nào tăng tốc được cả. Vậy làm thế nào?

Đáp án thực tiễn đó là, anh đã phát triển một ứng dụng và xây dựng một nền tảng giáo dục mô hình nhỏ. Ý tưởng cơ bản của nền tảng này đó là không có sự cạnh tranh giữa các giáo viên của các môn học khác nhau vì vậy họ có thể giới thiệu học sinh cho nhau. Do đó nền tảng này đã chia các giáo viên thành từng nhóm khác nhau và mỗi nhóm chỉ có một giáo viên cho từng môn học. Bằng cách này, chỉ cần tham gia vào nền tảng của anh, các giáo viên sẽ có cơ hội tìm kiếm được lượng học sinh cao gấp 5-10 lần. Còn nền tảng được trích phần trăm trung gian, đôi bên cùng có lợi.

Đây là ví dụ của người bình thường, còn Alibaba hoặc Tencent thật sự quá xa vời đối với chúng ta, còn mô hình tư duy của những người bình thường nhưng gặt hái được thành công lại có thể mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích.


Tư duy Sinh thái giúp chúng ta hiểu được rằng, chúng ta không nên tập trung vào bản thân sự việc mà phải quan sát, suy nghĩ về cả hệ sinh thái, bao gồm: môi trường xung quanh sự vật và mối quan hệ giữa chúng. Mạch suy nghĩ thay đổi có thể khiến con người sáng tỏ thông suốt nhiều điều, tựa như vừa bừng tỉnh sau một giấc mộng dài.

Ba mô hình tư duy: Đào vàng, Rừng rậm, Ao nước đã thể hiện rõ nét cách thức vận dụng của tư duy sinh thái vào thực tế đời sống. Mặc dù đây không phải là toàn bộ nội dung của Tư duy Sinh thái nhưng chúng vẫn có thể thúc đẩy khả năng hoán vị tư duy ở cấp độ vi mô và dẫn dắt chúng ta lựa chọn cho mình một chiến lược khôn khéo từ góc độ vĩ mô, tối ưu hoá con đường phát triển cho bản thân và cuối cùng thay đổi vận mệnh của chính mình.

Nguồn: Tổng hợp từ sách


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!