Bí mật của sự may mắn và giàu có

Cỏ ba lá, bí mật của sự may mắn và giàu có
Photo by Yan Ming / Unsplash

TRUYỀN THUYẾT VỀ THẦN TÀI

Theo văn hoá phương Đông, Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc. Và tiền bạc chính là biểu tượng của Tài lộc. Không chỉ tài lộc, vị thần này còn được coi là biểu tượng của may mắn. Vì vậy trước khi làm một công việc gì đó, mọi người thường cầu Thần Tài phù hộ cho công việc được suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió, tài lộc hanh thông.

Bên cạnh việc thờ cúng thì còn có ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng giêng hàng năm), giới doanh nhân, thương nhân đặc biệt coi trọng ngày này. Bởi không chỉ là ngày cảm ơn Thần Tài đã phù hộ cả một năm qua, mà còn mong đổi vía, lấy vía của Thần Tài để phù hộ cho gia chủ làm ăn sung túc.

THẦN TÀI CÓ THẬT HAY KHÔNG?

Tương truyền Thần Tài là một nhân vật lịch sử, ông họ Phạm tên Lãi, phò tá vua nước Việt là Câu Tiễn thời Xuân Thu-Chiến Quốc (Trung Quốc). Truyện về ông được ghi chép trong Sử ký Tư Mã Thiên, “Việt Vương Câu Tiễn Thế Gia” như sau:

Vua Việt là Câu Tiễn khi được tin vua Ngô là Phù Sai ngày đêm luyện tập quân sĩ, sắp sửa đánh Việt để trả thù. Vua Việt muốn đánh trước khi vua Ngô xuất trận. Phạm Lãi can: "Không nên. Tôi nghe nói việc binh là điều gở, đánh nhau là trái với đức, tranh nhau là việc thấp nhất. Lo âm mưu, làm trái đức, thích dùng điều gở, lấy thân mình làm việc thấp hèn nhất, là việc Thượng đế cấm. Nếu làm là bất lợi."

Vua Việt nói: "Ta đã quyết định rồi." Bèn cất quân. Vua Ngô nghe tin đem tất cả tinh binh đánh quân Việt thua to ở Phù Tiêu. Vua Việt bèn đem 5.000 quân còn lại giữ và trốn ở núi Cối Kê. Vua Ngô đuổi đến, bao vây Cối Kê.

Vua Việt bảo Phạm Lãi: "Ta vì không nghe lời nhà ngươi nên đến nông nỗi này. Bây giờ làm thế nào?"

Phạm Lãi nói: "Kẻ nào giữ gìn được trọn vẹn cái cảnh ngộ của mình khi đầy đủ là tuân theo trời; bình định được tình hình nguy ngập là tuân theo người; sử dụng vật tiết kiệm là tuân theo đất. Nhà vua hãy dùng lời lẽ khiêm nhượng, lấy lễ hậu để đưa cho người ta. Nếu người ta không nghe thì thân hành đến thờ người ta."

Câu Tiễn nói: "Được". Bèn sai quan Đại phu nước Việt là Văn Chủng đến cầu hoà với Ngô, đút lót cho quan Thái tể nước Ngô là Phỉ. Vua Ngô cuối cùng tha cho vua Việt, bãi binh và quay về...

Câu Tiễn muốn sai Phạm Lãi cai quản chính trị trong nước. Phạm Lãi đáp: "Việc chiến tranh thì Chủng không bằng Lãi, nhưng việc cai trị, vỗ về nước nhà khiến cho trăm họ thân và theo mình thì Lãi không bằng Chủng." Nhà vua bèn giao chính trị trong nước cho Đại phu Chủng, còn sai Phạm Lãi làm con tin ở nước Ngô. Được 2 năm vua Ngô cho Phạm Lãi trở về.

Khi bị nguy khốn ở Cối Kê, Câu Tiễn thở dài than rằng: "Ta thế này là hết hay sao?". Chủng nói: "Vua Thang bị trói ở Hạ Đài, vua Văn Vương bị tù ở Dĩu Lý, Trùng Nhĩ nước Tấn bỏ chạy đến Địch, Tiểu Bạch nước Tề bỏ chạy đến Cử, nhưng cuối cùng đều làm vương làm bá. Cứ xem như vậy biết đâu thế này chẳng là phúc!"

Sau khi nước Ngô tha tội, vua Việt Câu Tiễn trở về nước, khổ mình nhọc sức, đặt mật ở chỗ ngồi, khi ngồi hay khi nằm đều nhìn mật, khi uống hay khi ăn đều nếm mật. Câu Tiển nói: "Mày quên cái nhục ở Cối Kê rồi sao?"

Sau khi vỗ về binh sĩ và dân chúng trong hơn 10 năm. Câu Tiễn mời Phạm Lãi đến nói: "Vua Ngô đã giết Tử Tư, những kẻ a dua nhà vua rất đông, bây giờ đã đánh được chưa?" Phạm Lãi đáp: "Chưa được."

Mùa xuân năm sau, vua Ngô đi họp chư hầu ở Hoàng Trì. Tinh binh nước Ngô đều đi theo, chỉ có người già yếu cùng thái tử ở lại giữ thành. Câu Tiễn lại hỏi Phạm Lãi. Phạm Lãi đáp: "Được rồi đấy."

Câu Tiễn bèn đem quân đánh Ngô, quân Ngô thua to, Việt lại dồn Ngô Vương lên núi Cô Tô. Vua Ngô sai người đến xin giảng hoà với vua Việt. Vua Việt không nỡ, muốn bằng lòng giảng hoà. Phạm Lãi nói: "Việc xảy ra ở Cối Kê trước kia là trời đem nước Việt trao cho nước Ngô nhưng nước Ngô không lấy. Nay trời lại đem nước Ngô trao cho nước Việt. Nước Việt có nên làm trái mệnh trời không? Vả chăng nhà vua ra triều sớm, bãi triều muộn chẳng phải để trả thù nước Ngô đó sao? Việc lo lắng 20 năm trời nay có nên sớm bỏ đi không? Trời đã cho không lấy thì trái lại sẽ bị tội. Nhà vua quên cái nạn ở Cối Kê rồi sao?"

Câu Tiễn nói: "Ta muốn nghe lời nhà ngươi nhưng ta không nỡ từ chối sứ giả." Phạm Lãi bèn sai đánh trống, cho quân tiến lên nói: "Nhà vua đã trao quyền cho Lãi này, sứ giả về ngay, nếu không sẽ bị tội." Sứ giả nước Ngô khóc mà về…

Phạm Lãi khổ mình nhọc sức cùng Câu Tiễn mưu toan hơn 20 năm, kết quả diệt được nước Ngô, rửa được cái nhục ở Cối Kê. Phía Bắc đem quân qua sông Hoài đến sát nước Tề, Tấn, ra hiệu lệnh cho Trung Quốc để tôn thờ nhà Chu. Câu Tiễn làm Bá, còn Phạm Lãi làm Thượng tướng quân.

Khi về nước, Phạm Lãi cho là danh lớn khó lòng được lâu. Vả lại, ông biết Câu Tiễn là người hoạn nạn thì có nhau, nhưng vui thì khó lòng mà ở được. Lãi bèn viết thư từ biệt Câu Tiễn: “Tôi nghe, vua lo thì tôi phải khó nhọc, vua nhục thì tôi phải chết! Hồi xưa, nhà vua chịu nhục ở Cối Kê, tôi sở dĩ chưa chết là vì còn phải trả thù. Nay rửa được nhục rồi, tôi xin chết theo tội ở Cối Kê!”.

Câu Tiễn nói: "Ta đương sắp chia nước này cùng cai trị với nhà ngươi! Không nữa sẽ giết nhà ngươi!" Phạm Lãi nói: "Vua có lệnh của vua thì tôi có ý tôi."

Bèn soạn gói châu ngọc và của cải nhẹ nhàng cùng đầy tớ riêng xuống thuyền ra biển đi suốt đời không quay trở lại. Phạm Lãi đi biển sang Tề, đổi họ tên, tự gọi là Chi Di Tử Bì, cày ruộng ở biển, khổ thân cố sức, cha con cùng lo làm ăn. Ở không được bao lâu, của có đến hàng mấy chục triệu.

Người nước Tề nghe ông hiền, mời làm tướng quốc, Phạm Lãi ngậm ngùi than rằng: "Ở nhà thì có hàng ngàn lượng vàng, làm quan thì đến công, khanh, tướng quốc, kẻ áo vải được thế là tột bậc rồi, giữ mãi tiếng tăm lừng lẫy là không tốt". Bèn trả ấn tướng quốc, đem tất cả tài sản cho bạn bè, làng xóm. Chỉ mang những của thật quý, lẻn đi.

Phạm Lãi dừng lại ở đất Đào, cho nơi đó là ở giữa thiên hạ, tiện đường đổi chác, buôn bán để làm giàu, Phạm Lãi bèn tự gọi mình là Đào Chu Công. Chu Công ở Đào sinh người con út. Khi người con út đã lớn, người con trai thứ hai của Chu Công giết người, bị tù ở Sở. Chu Công nói: "Giết người bị chết là đáng rồi! Nhưng ta nghe nói: Con nhà nghìn vàng không chết ở chợ”.

Liền bảo người sang xem sự việc ra sao. Ông lấy nghìn nén vàng bọc vào trong túi đựng vào trong quần áo vải thô chở bằng xe bò, định sai người con út đi. Con trai cả của Chu Công cũng cố xin đi. Chu Công không nghe. Người con cả nói: "Con cả trong nhà được gọi là kẻ coi sóc việc nhà, nay em có tội, cha chẳng sai con, lại sai em út đi, thế con là đứa con hư!"

Người con cả toan tự sát. Người mẹ nói hộ cho anh ta: "Nay ông sai thằng út đi thì chưa chắc đã cứu sống được thằng thứ hai mà trước tiên vô cớ giết mất thằng cả! Biết làm thế nào?"

Chu Công cực chẳng đã phải sai người con cả đi. Ông viết một phong thư đưa cho người bạn cũ là Trang Sinh và dặn rằng: "Khi con đến thì dâng ngàn lượng vàng vào nhà Trang Sinh, mặc ông ta làm. Nhất thiết không được tranh cãi với ông ta trong việc này". Người con cả khi đi cũng tự mang theo riêng vài trăm nén vàng sang Sở…

Trang Sinh nhà kề ở ngoại thành. Người con cả phải lách cỏ lau mới tới cửa, thấy nhà có vẻ rất nghèo. Nhưng người con cả cũng đưa thư, dâng nghìn vàng theo lời cha dặn. Trang Sinh nói: "Thôi anh hãy đi ngay đi! Chớ có ở lại! Dù em anh được ra cũng chớ hỏi tại sao lại được tha."

Người con cả ra rồi, không đến nhà Trang Sinh nữa mà ngầm ở lại, lấy của mình đem dâng cho một quý nhân có quyền thế ở Sở. Trang Sinh tuy ở một xóm nghèo khổ, nhưng cả nước đều nghe tiếng ông thanh liêm và chính trực. Từ vua Sở trở xuống đều tôn làm bậc thầy. Khi Chu Công vừa đưa vàng, không phải ông có ý muốn nhận. Ý ông ta chỉ muốn xong việc sẽ lại đưa trả để làm tin mà thôi. Cho nên khi vàng đưa đến, Trang Sinh bảo vợ: "Đây là vàng của ông Chu. Nhỡ tôi không sống được cách đêm thì thế nào cũng phải đưa trả, chớ có động đến!"

Nhưng con cả Chu Công không biết ý ông ta, cho ông ta chẳng có thế lực gì.

Trang Sinh thong thả ra mắt vua Sở, nói: "Có nơi sao… mỗ, đóng ở chỗ… mỗ, cái đó hại cho nước Sở…" Vua Sở vốn tin Trang Sinh liền hỏi: "Giờ biết làm thề nào?". Trang Sinh nói: "Chỉ có cách dùng đức mới trị được nó." Vua Sở đồng ý, nói: "Thầy về nghỉ! Quả nhân sẽ làm theo." Nhà vùa liền sai sứ giả niêm phong ba kho tiền. Quý nhân nước Sở kinh ngạc bảo người con cả Chu Công: "Nhà vua sắp đại xá." Người con cả Chu Công nói: "Làm sao biết?"

Quý nhân nước Sở nói: "Mỗi lần nhà vua sắp đại xá thường cho niêm phong ba kho tiền. Chiều qua nhà vua sai sứ đi niêm phong." Người con cả Chu Công nghĩ rằng: “Nếu đại xá thì em mình thế nào cũng được tha. Anh ta tiếc nghìn vàng đem cho lão Trang Sinh, thật là mất toi”, bèn lại ra mắt Trang Sinh. Trang Sinh giật mình hỏi: "Anh chưa về ư?" Người con cả nói: "Thưa vẫn chưa ạ! Trước kia vì việc thằng em, nay thằng em may mắn được hưởng lệnh đại xá, cho nên lại đây chào cụ để về."

Trang Sinh biết ý anh ta muốn lấy lại vàng, liền nói: "Anh vào nhà trong mà lấy vàng." Người con cả tự vào nhà lấy vàng ra. Trang Sinh xấu hổ vì bị đứa trẻ con mua chuộc, bèn vào yết kiến vua Sở nói: "Tôi trước kia có nói về ngôi sao… mỗ. Nhà vua nói sẽ sửa đức để bổ cứu. Nay tôi ra đường đâu cũng thấy đồn rằng: đứa con nhà giàu ở Đào là Chu Công, giết người bị giam ở Sở, nhà nó đem nhiều vàng bạc đút lót cho các quan hầu nhà vua. Nhà vua không phải biết thương nước Sở mà xá đâu, chỉ vì chuyện con Chu Công đó thôi."

Vua sở cả giận: "Quả nhân tuy kém đức thật, nhưng lẽ nào lại vì có con Chu Công mà phải ra ơn." Liền làm án giết con Chu Công. Hôm sau bèn ra lệnh Đại xá. Con cả Chu Công rốt cục lại đưa đám tang em trở về!…

Người mẹ và người làng đều lấy làm thương xót. Chỉ có Chu Công cười một mình mà rằng: "Ta biết thế nào nó cũng giết em nó! Không phải nó không thương em nó đâu, nhưng có một điều nó không thể chịu nổi. Nó từ nhỏ đã từng chịu khổ cùng ta thấy việc làm ăn khó khăn nên bỏ của thì tiếc! Trái lại thằng em nó đẻ ra đã thấy ta giàu. Nó chỉ biết cưỡi xe bền, giong ngựa tốt, theo đuổi bầy cáo, nào biết của cải do đâu mà có, cho nên phung phí tiền một cách dễ dàng, chẳng tiếc rẻ gì. Trước đây, sở dĩ ta sai thằng út đi chỉ là vì nó biết coi thường tiền bạc đó thôi! Thằng cả thì không biết thế, vì vậy mà nó giết chết em nó. Lẽ đời là thế, có gì đáng thương. Ta ngày đêm vẫn đợi nó đưa đám tang về!"

Tư Mã Thiên nói: Phạm Lãi ba lần đổi chỗ ở mà vẫn thành danh trong thiên hạ. Không phải ông chỉ bỏ đi một cách dễ dàng và thế là hết. Ông ở đâu là nổi danh ở đấy.

THẦN TÀI PHẠM LÃI CÓ BÍ MẬT GÌ MÀ THÀNH CÔNG VÀ GIÀU CÓ NHƯ VẬY?

1 - Có tư duy chiến lược vô cùng sắc bén, hiểu đạo lý của tự nhiên

Những lời khuyên cho Câu Tiễn về thời cơ đánh Ngô cho thấy ông thấu hiểu được Đạo lý của Trời, Đất, Vạn vật cùng với một tư duy chiến lược cực kỳ xuất sắc, từ việc chuẩn bị lực lượng cho đến chờ đợi thời cơ để đánh bại nước Ngô.

2 - Là người trí tuệ, hiểu mình và hiểu người

Khi Câu Tiễn định giao việc chính trị trong nước, ông cho rằng ông giỏi việc chiến tranh, còn việc chính trị không bằng Đại phu Chủng. Ông hiểu điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và biết tài năng của người khác ra sao. Phải có tầm tri thức cao, rộng mới được như vậy.

3 - Thấu hiểu đạo lý nên không tham danh lợi

Ông bỏ Câu Tiễn mà đi trong lúc đang ở đỉnh cao cho thấy: Ông thấu hiểu thấu hiểu đạo lý ở đời nên không tham danh lợi, vì vậy mà ông có thể hành động mau lẹ và dứt khoát, cuối cùng tránh được hoạ sát thân.

4 - Có tầm nhìn sáng suốt

Việc ông 3 lần đổi chỗ ở, 2 lần làm lại từ đầu mà vẫn cực giàu có và nổi danh thiên hạ, cho thấy: Ông không chỉ làm tướng giỏi mà ông làm kinh doanh cũng vô cùng xuất sắc. Việc ông chọn đất Đào (nơi đó là ở giữa thiên hạ, tiện đường đổi chác, buôn bán để làm giàu) cho thấy tư duy, tầm nhìn sáng suốt ra sao.

5 - Đúng người đúng việc

Việc ông sai người con út đi cứu người con trai thứ bị tội, cho thấy: Ông có con mắt tinh đời trong việc nhìn người, hiểu người và giao việc đúng người. Ông biết trước kết quả khi người con cả đi thay người con út.

6 - Kết bạn với người hiền

Việc ông kết giao với Trang Sinh (người được cả dân chúng và vua Sở tôn kính gọi là Thầy), cho thấy: Câu “Gió tầng nào, gặp mây tầng đó!” hay “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ biết bạn là người như thế nào!” thật vô cùng chí lý.

KHÁM PHÁ "BÍ MẬT CỦA SỰ GIÀU CÓ"

1 - Tư duy sắc bén

Tư duy dẫn lối hành động. Ta cần rèn luyện để có một tư duy sắc bén, trí óc sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng để biết ưu tiên việc gì trước, việc gì sau; việc gì nên làm, việc gì nên tránh; nhận ra đâu là cơ hội cần nắm bắt, đâu là rủi ro cần phải tránh.

2 - Học rộng, hiểu sâu

Người xưa có câu: “Kẻ làm tướng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Học rộng, hiểu sâu thì mới hiểu rõ được đạo lý của Trời, Đất và Vạn vật; Hiểu rõ được Nhân-Quả; Hiểu rõ được chính mình; Biết cái gì là bền vững, cái gì là nhất thời. Nhờ thế mới có niềm tin.

3 - Ẩn mình chờ thời

Muốn thành công phải hội tụ 3 yếu tố: Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà. Không phải lúc nào ta cũng có đủ 3 yếu tố ở trên nên đòi hỏi phải rèn luyện tính kiên nhẫn, chờ đợi không được nóng vội. Trong lúc chờ thời thì cần phải chăm chỉ trau dồi, rèn luyện chuẩn bị khi thời cơ tới mới có thể nắm bắt được.

4 - Dám hành động, dám thất bại

Quyết đoán Hành động khi thời cơ đến, nếu không, cơ hội sẽ mau chóng trôi qua. Hành động quyết đoán cũng đồng nghĩa với dám chấp nhận thất bại. Không có hành động nào đảm bảo chắc chắn sẽ đạt được thành công cho dù có chuẩn bị chu đáo đến thế nào. Nếu thất bại, hãy dám chấp nhận và làm lại từ đầu.

5 - Dám buông bỏ, dám làm lại từ đầu

Ở đời khi sự vật, sự việc phát triển đến điểm cực thịnh ắt sẽ suy. Có câu: "Phò thịnh chứ không phò suy", hiểu rằng chúng ta nên buông bỏ khi ở đỉnh cao. Ai cũng hiểu nhưng làm được thì có mấy ai. Tất cả cũng là do luyến tiếc quá nhiều: tiếc công sức mình bỏ ra, tiếc của mình kiếm được, tiếc sự nghiệp mình tạo dựng.

Chỉ khi có đủ trí tuệ mới có thể coi rẻ danh lợi, khi đó mới có thể buông bỏ. Hãy hiểu một điều, dù ta có buông bỏ thì cái gì của ta cuối cùng sẽ thuộc về ta, cái không phải của ta thì gồng mình cố sức giữ lại cũng chẳng xong.


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!