Cách đương đầu với khó khăn

Cách đương đầu với khó khăn
Photo by Jukan Tateisi / Unsplash

Một chàng trai sau rất nhiều cố gắng, nỗ lực học tập nhưng cuối cùng cậu vẫn trượt kì thi vào một trường đại học mà cậu hằng mơ ước. Cậu vô cùng buồn bã và mất phương hướng, không biết mình nên làm gì tiếp theo. Để khuây khoả, cậu đến thăm người anh họ làm nghề thuỷ thủ mà rất lâu rồi vì bận học mà cậu chưa có dịp gặp lại anh. Khi cậu đi dạo cùng anh họ mình trên bến tàu, cả hai thích thú ngắm nhìn những ngọn sóng lớn xô ầm ầm vào thành cầu cảng. Nhưng cậu vẫn không thể nào quên kết qủa thi của mình và thở dài.

Người anh thấy vậy bèn hỏi: "Nếu một người biết bơi mà bị trượt ngã từ trên đây xuống, liệu anh ta có chết đuối không nhỉ?".

Cậu nhìn dòng nước bên dưới vừa sâu vừa lạnh, trả lời: "Đương nhiên là sẽ chết đuối rồi".

Chàng thuỷ thủ mỉm cười: "Anh chưa bao giờ thấy ai biết bơi bị chết đuối vì ngã xuống nước cả. Em sẽ chỉ chết đuối nếu em ở lâu dưới nước mà thôi".

Cậu có vẻ không tin: "Nhưng anh chắc chắn sẽ bị mất nhiệt trầm trọng và phải nhập viện".

Chàng thuỷ thủ lại cười: "Em sẽ chỉ bị mất nhiệt nếu em ở quá lâu dưới nước thôi. Là một thuỷ thủ, anh thường xuyên ngã xuống nước, thậm chí cả khi nước rất lạnh. Lúc đầu anh rất sợ hãi, nhưng bây giờ anh biết sẽ chẳng có gì đáng ngại nếu anh nhanh chóng ngoi lên bờ. Những điều không mong muốn mà em gặp phải như kì thi vừa rồi giống như khi ngã xuống nước vậy. Vấn đề thường không nằm ở nguồn cơn của khó khăn mà ở chỗ chúng ta để bản thân nghĩ mãi về nó. Nỗi thất vọng của chúng ta mới là mối nguy hiểm thật sự. Đôi khi nỗi thất vọng làm chúng ta trở nên yếu đuối và nó có thể giết chết chúng ta. Một vấn đề không lấn át chúng ta nếu chúng ta ngừng suy nghĩ và thôi uỷ mị về nó".


Khó khăn thực sự mà hầu hết chúng ta trải qua không phải là bản thân tình huống không như ý mà chính là cách mà chúng ta nhìn nhận vấn đề. Chúng ta phải tách những điều xảy ra khỏi cách ta phản ứng với nó từ bên trong. Chúng ta không thể chi phối mọi thứ đang xảy ra. Chúng ta sẽ tiếp tục "ngã xuống nước" mà thôi.

Thất vọng là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta cần phải tìm cách rút ngắn thời gian mà chúng ta cảm thấy thất vọng. Chẳng hạn, nếu một thất bại hay một điều không như ý làm chúng ta buồn phiền và thất vọng trong 3 ngày, chúng ta phải học cách rút ngắn xuống còn 3 giờ, sau đó 3 phút và cuối cùng là 3 giây. Điều này chính là khác biệt cốt yếu của một người bình thường và một người thành công. Cả 2 đều gặp phải khó khăn. Tuy nhiên, trong khi người bình thường đắm mình trong rắc rối thì người thành công chỉ cho phép mình thất vọng trong chốc lát. Họ sẽ nhanh chóng hành động và tập trung vào việc giải quyết vấn đề.

Nếu cứ lo lắng mãi về những khó khăn của mình thì sớm muộn gì ta cũng rơi vào tình trạng không còn khả năng hành động, giống như ở trong nước lạnh quá lâu khiến ta chết cóng. Hãy nhớ rằng, ta hoàn toàn có quyền quyết định mức độ ảnh hưởng của vấn đề đối với bản thân mình. Vào chính thời điểm ta dừng suy nghĩ về nó và bắt đầu tập trung vào giải pháp, vấn đề mất đi khả năng ảnh hưởng tới ta. Bất cứ khi nào có vấn đề phát sinh. chúng ta chỉ nên tập trung tối đa 10% tâm trí vào vấn đề và 90% còn lại để giải quyết nó.

Chúng ta sẽ tiếp tục "bị ngã xuống nước". Nhưng ta sẽ chỉ ở dưới nước lạnh trong khoảng thời gian suy nghĩ vấn đề. Ngay khi bắt đầu nghĩ đến giải pháp, ta đã thoát khỏi làn nước lạnh và không còn chịu ảnh hưởng của nó nữa.

Cách chúng ta nhìn nhận vấn đề chính là vấn đề. Chúng ta thường quá nghiêm trọng hoá chúng mà quên mất rằng vấn đề cũng mang lại cơ hội để trưởng thành.

Có thể chúng ta sẽ cảm thấy kỳ quặc khi ai đó nói rằng: Thử thách cũng đi kèm theo một món quà. Chúng ta nên thường xuyên tìm kiếm những khó khăn và thử thách vì ta cần những món quá từ chúng. Đó là cách mà những người thành công vẫn làm. Các khó khăn mang đến cho ta cơ hội để mở rộng trường ảnh hưởng của mình. Khi nảy sinh vấn đề, ta phải rời khỏi vùng an toàn. Việc này dẫn đến những điều tuyệt vời nhất trong đời. Nếu mục đích sống của ta là trưởng thành thì các vấn đề khó khăn sẽ mang lại sự trưởng thành này.

Nếu muốn trở nên giàu có, ta cần phải có danh sách dài những vấn đề khó khăn. Chúng ta hoặc cố gắng hết sức để tránh gặp vấn đề để rồi sớm nhận ra điều đó là không thể và trở nên thất vọng HOẶC chung sống thành công với chúng.

Đừng mong đợi các điều kiện dễ dàng hơn mà hãy mong có được nhiều tài trí hơn. Đừng mong đợi vấn đề biến mất mà hãy mong có được khả năng để đương đầu với chúng.

Hãy nghĩ về điều sau: Kẻ ngốc nào mà chẳng có thể chung sống được với thành công, nhưng mọi thứ trong đời lại xoay quanh việc giải quyết khó khăn và thất bại.

Vì vậy, người chuyên nghiệp là người có thể thực hiện công việc của mình ngay cả khi không bị đốc thúc. Thành công sẽ tưởng thưởng cho ta, còn thất bại sẽ làm ta mạnh mẽ hơn. Cũng như tự nhiên cần nắng và mưa để sinh sôi nảy nở, ta cũng cần có cả thành công và thất bại để trưởng thành.

Vấn đề lớn giúp ta phát huy được tiềm năng của mình. Chúng ta phải luôn năng động và hành động sáng tạo. Bởi chính những khó khăn làm ta trở nên vĩ đại. Không có vấn đề nào hay nỗi đau nào không ẩn chứa một mỏ vàng. Nhưng rất nhiều người chỉ nhìn chăm chăm vào khó khăn, vì vậy mà không bao giờ phát hiện ra mỏ vàng đó. Mỗi khi cuộc sống gặp trắc trở, hãy nhanh chóng tự hỏi mình những câu hỏi sau đây – và nhớ, đừng bao giờ ngâm mình trong nước lạnh quá lâu. 6 câu hỏi này phối hợp để thiết lập các bước giải quyết vấn đề của chúng ta:

01 – Vấn đề  này mang lại lợi ích gì? Nếu chưa nghĩ ra, hãy hỏi tiếp: vấn đề ấy có thể mang lại ảnh hưởng tốt nào?

02 – Điều gì chưa ổn trong cuộc sống của tôi làm phát sinh vấn đề? Ta sẽ không chỉ muốn giải quyết vấn đề mà còn muốn tạo ra hoàn cảnh mà vấn đề sẽ không phát sinh lại lần nữa trong tương lai.

03 – Tôi nên làm gì để tránh rơi vào tình trạng này lần nữa trong tương lai?

04 – Đâu là giải pháp khả thi?

05 – Giải pháp nào là tốt nhất?

06 – Làm thế nào để tôi có thể vui vẻ vượt qua vấn đề này?

Có 3 dạng vấn đề: Thứ nhất, những vấn đề mà ta có thể kiểm soát trực tiếp. Chúng ta giải quyết chúng bằng cách thay đổi thói quen của mình. Ví dụ, ta có xoay sở ổn thoả với vấn đề tiền nong hay không tuỳ thuộc vào thói quen tiêu xài hay tiết kiệm. Và đó là thứ ta có toàn quyền chi phối. Thứ hai, những vấn đề ta chỉ kiểm soát gián tiếp. Chúng ta sẽ giải quyết bằng cách mở rộng trường ảnh hưởng của mình. Cuối cùng, những vấn đề mà ta không kiểm soát được. Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống này ta vẫn có thể kiểm soát những gì xảy ra bên trong chúng ta, tức là ta có thể kiểm soát cảm xúc và ứng xử của mình. Cách tốt nhất là mỉm cười và đột nhiên trở nên vui vẻ trong mọi tình huống.

Hầu hết mọi người đều tin rằng mình chỉ có thể vui vẻ khi không gặp phải vấn đề gì. Người thành công biết rằng luôn có những vấn đề. Một người càng thành công thì càng gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, người thành công sẽ học cách trân trọng vấn đề. Họ vui vẻ ngay cả khi gặp khó khăn, thậm chí vui vì nó.

THỰC HÀNH – Ngày hôm nay tôi sẽ thực hiện những việc sau để phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề của mình:

01 – Ngay khi vấn đề phát sinh, tôi sẽ nhanh chóng tập trung tìm giải pháp. Tôi sẽ ngay lập tức đọc 6 bước giải quyết vấn đề ở trên.

02 – Tôi sẽ luôn ý thức rằng mình có lẽ không phải là người đầu tiên gặp phải vấn đề này. Tôi sẽ tìm kiếm những tấm gương đã tự vượt qua được những tình huống tương tự để học hỏi.

03 – Tôi hiểu rằng chính những khó khăn giúp tôi trưởng thành hơn. Vì vậy, tôi sẽ không né tránh chúng. Mỗi lần giải quyết xong một vấn đề, tôi sẽ tiếp tục tìm những thử thách mới. Tôi coi việc giải quyết các khó khăn là quá trình rèn luyện.

Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!