Cách hoàng đế La Mã Marcus Aurelius có được sự bình an

Cách hoàng đế La Mã Marcus Aurelius có được sự bình an
Photo by Robert Pearce / Unsplash

Nhắc đến Marcus Aurelius là người ta nhắc đến vị hoàng đế La Mã cổ đại theo trường phái Khắc kỷ (Stoicism) được nhân dân yêu mến, ngưỡng mộ bởi lòng nhân đức, sự tận tâm, giản dị trong đời sống cũng như trong cách cai trị đất nước. Ông được người đời tôn kính gọi bằng cái tên ông Vua triết gia hay vị Phật của La Mã. Tất nhiên, bản thân ông không tự nhận mình là một triết gia.

💡
"Hạnh phúc là một điều tương đối. Thậm chí ở trong tù cũng có ngày vui, ngày buồn. Và ngay cả những triệu phú cũng trải qua niềm vui và nỗi đau. Điều này có nghĩa là hạnh phúc phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận hoàn cảnh của cuộc sống và cách chúng ta phản ứng với điều đó." - Marcus Aurelius

Là hoàng đế của La Mã, ông là người đàn ông quyền lực nhất hành tinh. Tuy nhiên, trái ngược với nhiều người kế vị và tiền nhiệm của mình, Marcus Aurelius hướng đến lối sống có đạo đức vững bền. Ông theo trường phái triết học Khắc kỷ. Một phần của triết lý Khắc kỷ là khả năng giữ tâm trí bình an. Trên thực tế, những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ tin rằng con người, khi ở trạng thái phát triển bản thân thành công, sẽ đạt được hạnh phúc thực sự, hạnh phúc này luôn đi đôi với sự bình yên nội tâm.

Không cần phải nói, Marcus Aurelius là một người bận rộn, ông mang trọng trách lãnh đạo một đế chế và tất cả những căng thẳng bắt nguồn từ việc này. Tác phẩm của ông, Thiền định (Meditations), cho chúng ta ý tưởng về cách ông đối phó với những căng thẳng. Marcus Aurelius nổi tiếng với khả năng hình dung tiêu cực, điều mà các nhà Khắc kỷ hiện đại sử dụng như một phương pháp thiền định để bắt đầu ngày mới [để hiểu điều này, bạn hãy đọc đến cuối bài].

Ở đây tôi muốn tập trung vào những lời dạy ít được biết đến của ông mà chúng ta có thể sử dụng như lời khuyên thiết thực để có cuộc sống thanh thản hơn. Điều đầu tiên này rất đơn giản:

1 - Làm ít hơn

Thật dễ hiểu phải không? Để trở nên bình an hơn, chúng ta chỉ nên làm ít hơn. Điều quan trọng cần đề cập là những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ rất coi trọng năng suất, vì họ coi cần cù là một đức tính tốt. Mặt khác, điều độ cũng là một đức tính tốt.

Vậy chính xác thì chúng ta nên làm ít hơn như thế nào, khi lẽ ra chúng ta phải siêng năng? Marcus Aurelius quan sát thấy mọi người làm nhiều việc không cần thiết. Trong thời đại hiện nay, chúng ta có khả năng tiếp cận với các hoạt động giải trí gần như không giới hạn nên rất dễ bị cuốn vào đủ loại hoạt động phi sản xuất.

‘Làm ít hơn’, theo Marcus Aurelius cũng có nghĩa là: nói ít hơn. Nhiều cuộc trò chuyện vô nghĩa, chẳng dẫn đến đâu và chỉ lãng phí thời gian và sức lực của chúng ta. Vì vậy, ‘làm ít hơn’ có nghĩa là làm những việc thiết yếu. Và làm những việc thiết yếu không chỉ có nghĩa là chúng ta loại bỏ những điều vô nghĩa mà còn là chúng ta làm việc thông minh và hiệu quả hơn.

Một lợi thế lớn mà chúng ta có được từ điều này, ngoài sự bình yên, là chúng ta có thể làm ít hơn nhưng tốt hơn. Làm những việc cần thiết một cách nhất quán cần có một cách tiếp cận chuyên tâm (chánh niệm). Tôi xin trích dẫn: "Nếu bạn có thể loại bỏ những việc không cần thiết, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn và bình yên hơn. Hãy tự hỏi mình mọi lúc, 'Điều này có cần thiết không?'. Nhưng chúng ta cũng cần loại bỏ những giả định không cần thiết, để loại bỏ những hành động không cần thiết sau đó".

Một thói quen tốt giúp tập trung vào những nỗ lực hàng ngày của chúng ta, là lập danh sách các nhiệm vụ vào đêm hôm trước. Bằng cách này, chúng ta dự tính trước về những gì chúng ta phải làm khi thức dậy vào buổi sáng, điều này có tác dụng làm dịu tâm trí. Bởi vì khi chúng ta thiết kế trước các ngày của mình, tâm trí sẽ bớt đi một điều phải lo lắng.

2 - Nghỉ ngơi ngắn

Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ không thích đi đây đó vì mục đích giải trí và không coi đó là cách hay để tìm kiếm sự bình yên. Lý do là vì đi đâu chúng ta cũng mang theo chính mình. Vì vậy, tác dụng của việc đi đây đó chỉ là tạm thời.

Bởi vì, ngay khi sự mới lạ lắng xuống, chúng ta sẽ phải đối mặt với tâm trí của chính mình một lần nữa. Marcus Aurelius đã chỉ trích những người tìm kiếm nơi ẩn náu khỏi những lo lắng hàng ngày bằng cách đi đây đó hoặc cư trú ở những nơi yên tĩnh như núi hoặc bãi biển.

Ông cho rằng, đây là một hành động ngu ngốc, bởi vì tại sao chúng ta cần phải đi đâu khi chúng ta có thể thoát khỏi bằng cách quay vào bên trong? Ông nói: "Không có nơi nào yên bình hơn tâm hồn của chính bạn".

Không có gì sai khi thỉnh thoảng thay đổi khung cảnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tĩnh tâm của chúng ta, miễn là chúng ta giữ cho việc này đơn giản và trong thời gian ngắn.

Những gì Marcus Aurelius đề xuất khiến tôi liên tưởng rất nhiều đến thiền định. Hoặc có lẽ là những giây phút suy tư và chiêm nghiệm, làm mới bản thân để chúng ta có thể bình tâm tiếp tục cuộc sống thường ngày.

Ông cho chúng ta hai điều để suy ngẫm nếu chúng ta chọn tĩnh tâm trong khoảng thời gian ngắn. Tôi xin trích dẫn:

(1) Rằng mọi thứ không thể nắm giữ được tâm hồn. Chúng đứng đó bất động, bên ngoài tâm trí. Sự xáo trộn chỉ đến từ bên trong, từ nhận thức của chính chúng ta.

(2) Rằng mọi thứ bạn thấy sẽ sớm thay đổi và không còn tồn tại. Hãy nghĩ xem bạn đã thấy bao nhiêu sự thay đổi rồi. “Thế giới không có gì ngoài sự thay đổi. Cuộc sống của chúng ta chỉ là sự nhận thức".

Điều này đưa chúng ta đến lời khuyên tiếp theo, đó là ...

(3) Nhớ rằng tất cả rồi sẽ qua. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ nổi tiếng vì luôn ý thức về thực tế đáng sợ của cuộc sống: rằng nó sẽ kết thúc. Memento Mori có nghĩa là sự ý thức (suy tưởng) về cái chết, đó là sự chấp nhận cuối cùng rằng: bản chất thay đổi của vũ trụ cũng có nghĩa là sự suy tàn và biến mất của chính chúng ta.

Marcus Aurelius bảo chúng ta hãy ghi nhớ rằng, mọi thứ trôi qua nhanh như thế nào. Chúng ta có thể đắm chìm vào một thứ gì đó trong một khoảnh khắc, và trong khoảnh khắc tiếp theo nó có thể là một thứ gì đó hoàn toàn khác. Mọi thứ đến và đi trong chớp mắt, và khi chúng ta nhìn vào lịch sử của hành tinh này, cuộc sống của con người là nhỏ bé, vô cùng ngắn ngủi, trong quá trình tiến hóa vũ trụ này.

Thực tế là, mọi thứ luôn thay đổi có thể là nguồn gốc của sự lo lắng, bởi vì không có gì ổn định, và cuối cùng chúng ta sẽ phải lìa xa tài sản và những người thân yêu của mình.

Nhưng nó cũng có thể là nguồn gốc của sự bình an. Việc nhận ra rằng mọi thứ đều là tạm thời, có nghĩa là chẳng ích gì khi yêu thích, bám víu vào những thời điểm tốt đẹp và cực kỳ ghét bỏ những thời điểm tồi tệ.

💡
Việc nhận ra rằng mọi thứ đều là tạm thời, có nghĩa là sẽ chẳng ích gì khi yêu thích, bám víu vào những thời điểm tốt đẹp và cực kỳ ghét bỏ những thời điểm tồi tệ.

Hạnh phúc là một điều tương đối. Thậm chí ở trong tù cũng có ngày vui, ngày buồn. Và ngay cả những triệu phú cũng trải qua niềm vui và nỗi đau. Do đó, điều này có nghĩa là, thế giới nội tâm của chúng ta, cách chúng ta nhìn nhận hoàn cảnh của cuộc sống và cách chúng ta phản ứng với điều đó, cũng thay đổi. Hơn nữa, chúng ta có thể thay đổi cách chúng ta phản ứng với sự thay đổi.

Vậy tại sao chúng ta lại quan tâm đến số phận nhiều đến thế? Như Marcus Aurelius đã viết: "Sự vô tận của quá khứ và tương lai mở ra trước mắt chúng ta một vực thẳm mà chúng ta không thể nhìn thấy được. Nó sẽ khiến một kẻ ngốc cảm thấy mình là quan trọng, hoặc cảm thấy đau khổ hay phẫn nộ như thể những điều khiến chúng ta khó chịu sẽ kéo dài".

Nguồn: EINZELGÄNGER - MakeBetter lược dịch