Cái giá của Tiền

Cái giá của Tiền
Photo by Dmytro Demidko / Unsplash

Tiền được dựa trên hai nguyên tắc phổ biến sau:
1 - Sự hoán đổi rộng rãi: với tiền trong vai trò một nhà giả kim, bạn có thể biến đất đai thành lòng trung thành, công lý thành sức khỏe, và bạo lực thành kiến thức.
2 - Sự tin tưởng rộng rãi: với tiền trong vai trò một người trung gian, bất kỳ hai người nào cũng có thể hợp tác trong bất cứ dự án nào.

Những nguyên tắc này đã làm cho hàng triệu người xa lạ có thể hợp tác hiệu quả trong buôn bán và sản xuất công nghiệp. Nhưng những nguyên tắc có vẻ ôn hòa này cũng có những mặt khuất của chúng. Khi mọi thứ đều có thể hoán đổi được, và khi niềm tin dựa vào những đồng tiền kim loại và tiền vỏ ốc vô danh, nó sẽ bào mòn những truyền thống địa phương, những mối quan hệ thân tình và giá trị con người, thay vào đó là những định luật lạnh lùng của cung và cầu.

Các cộng đồng và gia tộc loài người đã luôn được dựa trên niềm tin vào những thứ “vô giá” như danh dự, lòng trung thành, đạo đức và tình yêu. Những thứ này nằm bên ngoài phạm vi của thị trường và chúng không nên bị mang ra mua bán lấy tiền. Ngay cả nếu thị trường có chào ta một mức giá tốt, thì có một số điều ta cũng không nên làm. Cha mẹ không được bán con cái làm nô lệ; một tín đồ mộ đạo không được mắc tội trọng; một hiệp sĩ trung thành không được phản bội lãnh chúa của mình; và đất đai do tổ tiên để lại không được bán cho người ngoài.

Tiền luôn cố gắng để vượt qua được những ranh giới này, giống như nước rỉ qua những vết nứt của một con đập ngăn nước. Cha mẹ buộc phải bán vài đứa con đi làm nô lệ để lấy tiền mua thức ăn cho những đứa con khác. Những tín đồ mộ đạo đã giết người, ăn cắp và gian dối – và sau đó dùng chiến lợi phẩm của mình để mua lấy sự tha thứ của nhà thờ. Những hiệp sĩ đầy tham vọng bán đấu giá lòng trung thành của họ cho ai trả giá cao nhất, và mua lòng trung thành của những người đi theo mình bằng tiền mặt. Những mảnh đất của tổ tiên để lại được bán cho những người xa lạ từ bên kia địa cầu để mua lấy một tấm vé hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Tiền thậm chí còn có mặt khuất hơn nữa. Mặc dù tiền xây dựng nên sự tin tưởng chung giữa những người xa lạ, nhưng sự tin tưởng này không được đặt vào con người, cộng đồng hay những giá trị thiêng liêng, mà vào chính bản thân tiền và những hệ thống vô cảm đứng sau nó. Chúng ta không tin tưởng vào người lạ cũng như tay hàng xóm sát vách, mà tin vào những đồng tiền họ đang nắm giữ. Nếu họ hết tiền, chúng ta cũng hết tin ở họ. Khi tiền làm sụp đổ những con đê bảo vệ của cộng đồng, tôn giáo và quốc gia, thế giới có nguy cơ trở thành một thị trường khổng lồ và vô cảm.

Vì vậy, lịch sử kinh tế của loài người là một vũ điệu tinh tế. Con người dựa vào tiền bạc để thúc đẩy việc hợp tác với những người xa lạ, nhưng họ lại e sợ nó sẽ phá hủy các giá trị nhân văn và các mối quan hệ thân tình. Với một tay, con người sẵn lòng phá hủy những con đập bảo vệ chung của cộng đồng, vốn đã kiểm chế quá lâu dòng luân chuyển của đồng tiền và sự buôn bán thương mại. Nhưng với tay còn lại, con người lại xây nên những cái đập ngăn mới để bảo vệ xã hội, tôn giáo và môi trường khỏi sự nô dịch hoá của các lực thị trường.

Ngày nay, chúng ta thường tin rằng thị trường luôn thắng thế, và những con đập được các vị vua, linh mục và cộng đồng dựng nên cũng không thể kìm giữ được những cơn thủy triều của đồng tiền. Điều này thật thơ ngây. Những chiến binh tàn bạo, những kẻ cuồng tín tôn giáo, và những cư dân có trách nhiệm đã thử xoay xở nhiều lần nhằm đánh bại các nhà buôn đầy toan tính, và thậm chí toan tính nhào nặn lại nền kinh tế.

Vì vậy, sẽ là bất khả thi nếu hiểu sự thống nhất của loài người như một quá trình kinh tế thuần túy. Để có thể hiểu được làm cách nào hàng ngàn nền văn hoá bị cô lập đã hợp nhất được theo thời gian, hình thành nên ngôi làng toàn cầu ngày nay, chúng ta phải xem xét vai trò của vàng và bạc, nhưng chúng ta không thể phớt lờ vai trò không kém phần quan trọng của sắt thép.

Nguồn: Tổng hợp từ sách

Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!