Cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất châu Âu và trò lừa đảo tài chính kinh điển

Cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất châu Âu  và trò lừa đảo tài chính kinh điển
Photo by Christine Roy / Unsplash

Bong bóng Mississippi, cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất châu Âu thế kỷ 18. Câu chuyện cũng bắt đầu với một công ty cổ phần chuyên xây dựng đế chế.

Năm 1717, công ty Mississippi, được thành lập tại Pháp, đã xây dựng một thuộc địa ở vùng thung lũng hạ lưu sông Mississippi, và trong quá trình đó đã thành lập thành phố New Orleans. Để đầu tư cho những kế hoạch đẩy tham vọng của công ty, nhờ có những mối liên hệ tốt với triều đình của vua Louis XV, họ đã bán cổ phần trên thị trường chứng khoán Paris.

John Law, Giám đốc công ty, cũng là Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp. Thêm nữa, nhà vua đã bổ nhiệm ông ta làm Trưởng ban Quản lý tài chính trung ương, một chức vụ gần như tương đương với Bộ trưởng Tài chính ngày nay.

Năm 1717, vùng thung lũng hạ lưu sông Mississippi chỉ có rất ít cơ hội làm ăn hấp dẫn bên cạnh đầm lầy và cá sấu, nhưng công ty Mississippi đã cho lan truyền các câu chuyện bịa đặt về sự giàu có và những cơ hội vô biên. Giới quý tộc Pháp, những doanh nhân và thành viên mà khuôn mặt lúc nào cũng nghiêm trang lạnh lùng của giai cấp tư sản thành thị đều rơi vào cái bẫy ảo tưởng này, khiến giá cổ phiếu của công ty Mississippi tăng vọt.

Ban đầu, cổ phiếu được chào bán với giá 500 livre một cổ phiếu. Ngày 1 tháng 8 năm 1719, cổ phiếu được mua bán ở mức 2.750 livre. Ngày 30 tháng 8, giá cổ phiếu là 4.100 livre, và ngày 4 tháng 9, chúng đã đạt ngưỡng 5.000 livre. Ngày 2 tháng 12, giá cổ phiếu của Mississippi vượt ngưỡng 10.000 livre. Sự phấn chấn quét qua những đường phố Paris. Người ta bán tất cả tài sản của mình, và vay những khoản nợ khổng lồ để mua cổ phiếu Mississippi. Mọi người đều tin rằng họ đã tìm ra con đường dễ dàng để trở nên giàu có.

Ít ngày sau đó, cơn hoảng loạn bắt đầu. Một số nhà đầu cơ nhận ra giá cổ phiếu hoàn toàn phi thực tế và không bền vững. Họ tính toán rằng tốt hơn nên bán khi giá cổ phiếu đã ở đỉnh. Khi nguồn cung cổ phiếu tăng, giá bán chúng sẽ giảm đi. Khi những nhà đầu tư khác thấy giá đi xuống, họ cũng muốn thoát ra thật nhanh. Giá cổ phiếu càng tụt nhanh hơn, bắt đầu lao dốc.

Để bình ổn giá, Ngân hàng trung ương Pháp – theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng là John Law – đã mua vào cổ phiếu Mississippi, nhưng Ngân hàng không thể làm như vậy mãi được. Cuối cùng họ cũng hết tiền. Khi điều này xảy ra, Trưởng ban Quản lý tài chính trung ương, vẫn là John Law, ủy quyền in thêm tiền để mua thêm cổ phiếu. Điều này đặt toàn bộ hệ thống tài chính Pháp vào trong một quả bong bóng. Và ngay cả thiên tài trong lĩnh vực tài chính này cũng không thể cứu vãn được thảm họa.

Giá cổ phiếu của công ty Mississippi đã giảm từ 10.000 livre xuống 1.000 livre, sau đó sụp đổ hoàn toàn, và những cổ phiếu đó cũng mất nốt giá trị đến đồng xu cuối cùng. Đến khi đó, Ngân hàng trung ương và Kho bạc hoàng gia sở hữu một lượng lớn cổ phiếu vô giá trị, và không có tiền. Phần lớn các nhà đầu tư lớn thì bình an vô sự – họ đã bán tháo kịp thời. Những nhà đầu tư nhỏ mất sạch, và nhiều người đã tự tử.

Bong bóng Mississippi là một trong những sự kiện sụp đổ tài chính khủng khiếp nhất lịch sử. Hệ thống tài chính hoàng gia Pháp không bao giờ hồi phục hoàn toàn sau sự sụp đổ này. Cách thức mà công ty Mississippi dùng ảnh hưởng chính trị của họ để thao túng giá cổ phiếu, và đổ thêm dầu vào lửa gây nên tình trạng điên cuồng mua cổ phiếu, khiến công chúng mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng Pháp và sự hiểu biết về tài chính của nhà vua Pháp.

Vua Louis XV thấy rằng ngày càng khó để vay vốn tín dụng. Điều này đã trở thành một trong những lý do chính khiến thuộc địa Pháp ở nước ngoài rơi vào tay người Anh. Trong khi người Anh có thể vay tiền dễ dàng với lãi suất thấp, thì Pháp gặp nhiều khó khăn khi bảo đảm vay nợ, và phải trả lãi suất cao.

Để trả cho những khoản nợ ngày càng tăng của mình, vua Pháp tiếp tục vay thêm tiền với lãi suất cao hơn và cao hơn nữa. Cuối cùng, năm 1780, Louis XVI, người đã lên ngôi khi ông nội mình qua đời, nhận ra một nửa ngân sách hằng năm của ông ta đã bị giữ lại để dành cho việc trả nợ lãi vay của ông nội mình, và rằng ông ta sắp bị phá sản. Bất đắc dĩ, trong năm 1789, Louis XVI triệu tập Nghị viện (Estates General), vốn không họp suốt một thế kỷ rưỡi nay, để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Thế là Cách mạng Pháp bắt đầu.

Trong khi hệ thống thuộc địa Pháp đổ vỡ, Đế quốc Anh lại đang mở rộng nhanh chóng. Giống như Đế chế Hà Lan trước đó, Đế quốc Anh đã được thiết lập và điều hành chủ yếu bởi các công ty cổ phần tư nhân có mặt trên thị trường chứng khoán London. Những khu định cư của người Anh đầu tiên ở Bắc Mỹ đã được thiết lập vào đầu thế kỷ 17 bởi các công ty cổ phần như London, Plymouth, Dorchester và Massachusetts.

Tiểu lục địa Ấn Độ cũng không phải do chính quyền Anh đô hộ, mà do quân đội đánh thuê của công ty Đông Ấn Anh (British East India Company). Công ty này còn thành công hơn cả công ty VOC. Từ trụ sở chính ở phố Leadenhall, London, họ đã cai trị Đế chế Ấn Độ hùng mạnh trong khoảng một thế kỷ, duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ lên đến 350.000 binh lính, đông hơn nhiều quân đội hoàng gia Anh.

Chỉ đến năm 1858, hoàng gia Anh mới quốc hữu hoá Ấn Độ cùng với quân đội riêng của công ty Đông Ấn. Napoleon đã chế giễu dân Anh, gọi họ là quốc gia của những chủ hiệu buôn. Thế nhưng, những chủ hiệu buôn đã đánh bại chính Napoleon, và đế chế của họ đã trở thành đế chế lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay.

Nguồn: Tổng hợp từ sách