Dám mạo hiểm để thành công

Dám mạo hiểm để thành công
Photo by Samantha Sophia / Unsplash

Đâu phải không biết dũng cảm thường là tiền đề của hành động, hành động luôn là tiền đề của thành công. Nhưng đa số đều bị sự khiếp nhược và lo sợ bên trong bản thân làm cho người ta trở nên tầm thường bình dị.

1 - Nắm chắc 6 phần, lập tức hành động

Trên thế giới chẳng có thành công nào là bằng phẳng bình lặng. Không dám phá vỡ lệ thường, hành động máy móc, thì với tư cách là kẻ đến sau bạn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội.

Phải dám phá vỡ lệ thường mới có cơ hội

Sự chắc chắn và cơ hội tỷ lệ nghịch với nhau, theo đuổi sự chắc chắn sẽ mất đi cơ hội. Sự chắc chắn càng lớn, cơ hội càng nhỏ. Chỉ cần 6 phần thắng là phải lập tức hành động ngay, không nhìn trước ngó sau, do dự tính tới tính lui.

Một việc nếu có 7 phần thành công thì đó là chuyện của những người dòng dõi trâm anh thế phiệt; đợi đến khi có 8 phần thắng lợi, thì đó là chuyện của những người người tai to, mặt lớn, đương chức đương quyền; khi đã có 9 phần chắc ăn, thì đó là chuyện của hoàng thân quốc thích, còn nếu có 10 phần chắc chắn, thì đó chỉ có thể là chuyện của Thượng đế.

Thành công là kết quả của việc đột phá lệ thường

Lệ thường là những quy tắc trò chơi của những người thành công trước đó đặt ra, chính xác hơn đó là những phương pháp mà họ đã dựa vào để thành công.

Người đến sau nếu muốn thành công phải phá vỡ những thường lệ này, nếu vẫn tham gia cuộc chơi với những lệ thường này, thì căn bản chẳng thể có cơ hội. Muốn phá vỡ những lệ thường ấy phải mạo hiểm, những người thành công đều là những người dám mạo hiểm, đều là cóc mà dám ăn thịt thiên nga.

Đa số ranh giới đều do chúng ta tưởng tượng ra, việc không thể tiến lên phía trước đều là kết quả của việc chúng ta tự tay trói chân mình, tự nói với mình là đó ranh giới không thể vượt qua, đó là nguyên tắc không thể phá vỡ. Nhiều lúc, ranh giới chỉ tồn tại trong đầu chúng ta thôi, còn trong hiện thực hoàn toàn chẳng có.

2 - Dám mạo hiểm mới có cơ hội thắng lợi

Trên đời rất hiếm chuyện người đã dốc hết tâm lực nhưng vẫn không thành công, dám hành động là đã có 7 phần thành công. Những người ít khả năng thành công nhất là những người làm việc mà nhìn trước ngó sau, sợ tiến lo lùi.

Thành công nhắm vào ai có tinh thần mạo hiểm

Cơ hội trên đời chia làm hai:

Một là, chúng ta nhìn thấy việc người khác chưa nhìn thấy, sau đó chúng ta làm và thành công, loại cơ hội như vậy không nhiều, cũng không phải là thứ ai cũng có thể gặp được.

Hai là, khi người khác bỏ qua thì chúng ta lại làm và thành công, đây là loại thường thấy nhất, cũng tức là mạo hiểm mà thành.

Đã không phải là quan chức thành đạt lại chẳng phải thân phú quý, thì làm sao miếng bánh ngon tự rơi vào miệng bạn được? Cơ hội của bạn chỉ có thể do chính bạn tạo nên, khi người khác còn chưa nhìn rõ hoặc xem thường mà bạn dám lao vào làm, dám làm những việc người khác không làm, đó chính là cơ hội để thành công, cho dù thất bại nhưng chưa mất mạng thì hãy mạnh dạn thử tiếp nếu có dịp.

Đời người chính là một cuộc chơi mạo hiểm, ngay từ khi sinh ra chúng ta đã không biết mình phải đi về đâu, gặp gỡ những ai và việc gì, nhưng khi đã xuất phát, người đi được xa nhất chính là những ai chấp nhận làm, chấp nhận mạo hiểm. Đã hiểu rõ kết quả xấu nhất, nếu xác định bản thân có thể chịu được, thì hãy mạnh dạn mà làm, đừng nên lo được lo mất, nhìn trước ngó sau.

Nhiều công ty đều nhắm đến tuyển dụng nhân viên có tinh thần mạo hiểm. Họ thường chấp nhận rủi ro khi tuyển dụng những nhân viên đã từng thất bại, chứ không thích tuyển một người mà lúc nào cũng cẩn trọng đồng thời không có lập trường. Ở Microsoft, nhận thức chung của mọi người: tốt nhất là đi thử thách với từng cơ hội, cho dù thất bại, cũng còn tốt hơn so với không dám thử.

Trong công việc chẳng có con đường nào hoàn hảo toàn bộ, trên con đường theo đuổi mục đích, sẽ có những rủi ro thách thức không thể báo trước; rủi ro luôn tiềm ẩn ở mọi nơi, bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện trước mặt bạn.

Trong thế giới toàn cầu hóa mở cửa hiện nay, tính tùy biến và tính ngẫu nhiên ngày càng lớn, thường xuyên biến đổi khó lường, khó nắm bắt. Trong môi trường không xác định như vậy, tinh thần mạo hiểm đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá nhất.

💡
Khi người khác bỏ qua thì chúng ta lại làm và thành công, đây là loại thường thấy nhất, cũng tức là mạo hiểm mà thành.

3 - Công ty nhỏ chỉ có thể dựa vào mạo hiểm để tìm kiếm không gian sinh tồn

Cơ hội chính là khi người khác chưa nhìn rõ bạn đã hành động, mạo hiểm là sức mạnh cạnh tranh của công ty nhỏ, dùng điều này để đổi lấy không gian sinh tồn.

💡
Hãy mạnh dạn mạo hiểm! Điều bạn mất chỉ là sự ràng buộc!

Cơ chế của các công ty lớn quyết định họ không thể mạo hiểm, quy mô của công ty lớn quyết định chúng cần quản lý theo quy trình, kế hoạch được lên từ trước trong thời gian dài, dự toán được quyết định từ sớm, tất cả đều phải tiến hành theo thời gian biểu và tiến độ, việc gì cũng phải trải qua một loạt sự thẩm định và quy trình nghiêm ngặt.

Triết lý kinh doanh của công ty lớn tất yếu lấy việc tránh rủi ro làm chủ, theo đuổi sự phát triển ổn định và giảm thiểu sai lầm. Đây là logic sinh tồn của công ty lớn, nhưng không phải là mô hình sản xuất của công ty nhỏ, nhất là những công ty mới khởi nghiệp thì chẳng có tư cách để sinh tồn theo cách đó, vì công ty nhỏ trong buổi đầu mới sáng lập, cần người chẳng có người, cần tiền chẳng có tiền, cần thương hiệu chẳng có thương hiệu.

Vậy làm thế nào để công ty khởi nghiệp có được chỗ đứng trên thị trường?

Chỉ có một cách, làm cho bản thân mình trở nên đặc biệt, cung cấp những dịch vụ mà người khác không thể cung cấp, sản xuất những hàng hóa mà người khác không thể chế tạo, phá vỡ các quy tắc thông thường, ra chiêu không theo quy luật.

Tuy những việc làm này đều là mạo hiểm, nhưng công ty nhỏ mạo hiểm mà thất bại thì đã sao? Trên đời chẳng có chuyện nào 10 phần thì hết 9 phần chắc chắn, xin nhắc lại một câu nói cũ, thứ mà ta mất đi chỉ là sự ràng buộc, một khi thành công, thứ mà ta có được sẽ là cả thế giới.

Hầu như những người thành công đều ngầm thừa nhận trong sự thành công của họ có yếu tố may mắn, đó là vì thành công của họ đều là kết quả của một loạt sự sáng tạo, một loạt hành động phá vỡ thường lệ, một loạt quyết định mạo hiểm.

💡
Kinh doanh là một môn khoa học, chỉ cần chúng ta làm đúng 4P gồm sản phẩm (product), giá cả (price), kênh phân phối (place) và quảng bá (promotion), thì thành công tất sẽ đến.

Đây là những lời thực tế, công ty nhỏ khi ra quyết định phải nhanh. Công ty nhỏ cần phải mạo hiểm nhiều hơn nữa, lấy đó để đổi lại không gian sinh tồn. Nhất là khi kiếm được thùng vàng đầu tiên, cần phải có sự mạo hiểm nhất định, bất cứ sự thành công ở ngành nghề nào cũng đều cần một chút may mắn, có khi cần đánh cược với vận may.

Nguồn: Tổng hợp từ sách