Điều gì có thể mang đến sự giàu có cho tất cả mọi người?

Điều gì có thể mang đến sự giàu có cho tất cả mọi người?
Photo by Mathieu Stern / Unsplash

Cách mạng Khoa học và ý tưởng về sự tiến bộ đã xuất hiện. Ý tưởng về sự tiến bộ được xây dựng dựa trên quan niệm, nếu chúng ta thừa nhận sự ngu dốt của mình và đầu tư các nguồn lực vào nghiên cứu, thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Ý tưởng này đã sớm được chuyển thành những thuật ngữ kinh tế.

Bất cứ ai tin tưởng vào sự tiến bộ đều tin rằng những phát kiến địa lý, phát minh khoa học kĩ thuật và phát triển về mặt tổ chức có thể làm tăng tổng sản lượng hàng hoá, hoạt động thương mại và sự giàu có của con người.

Những tuyến đường thương mại mới ở Đại Tây Dương có thể phát triển mạnh mẽ mà không làm hỏng những tuyến đường cũ ở Ấn Độ Dương. Các loại hàng hoá mới có thể được sản xuất mà không làm giảm sản lượng của các hàng hoá cũ. Ví dụ, một người có thể mở một tiệm bánh mới chuyên bán bánh sô-cô-la và bánh sừng bò mà không làm cho những tiệm bánh chuyên bán bánh mì bị phá sản.

Mọi người chỉ đơn giản là phát triển những khẩu vị mới và ăn nhiều hơn. Tôi có thể giàu có mà không làm bạn nghèo; tôi có thể ăn đến béo phì và không có chuyện bạn phải chết đói. Toàn bộ chiếc bánh toàn cầu có thể nở ra.

Trong hơn 500 năm qua, ý tưởng về sự tiến bộ đã thuyết phục con người đặt ngày càng nhiều niềm tin vào tương lai. Sự tin tưởng này đã tạo ra nguồn tín dụng; tín dụng đã mang lại sự tăng trưởng kinh tế thực sự; và sự tăng trưởng củng cố niềm tin vào tương lai, mở đường cho càng nhiều lượng tín dụng thêm nữa.

Quá trình đó không diễn ra trong phút chốc – nền kinh tế hoạt động giống một tàu siêu tốc lượn lên lượn xuống hơn là một quả bóng bay. Nhưng về lâu dài, khi những chỗ gập ghềnh được san phẳng, chiều hướng tổng thể là cực kỳ rõ nét. Ngày nay, có quá nhiều lượng tín dụng trên thế giới để chính phủ, các tập đoàn kinh tế và các hộ kinh doanh cá thể có thể dễ dàng nhận được những khoản vay lớn, dài hạn với lãi suất thấp vượt xa thu nhập hiện tại.

Niềm tin vào việc chiếc bánh toàn cầu đang nở ra cuối cùng đã dẫn đến sự thay đổi to lớn. Năm 1776, nhà kinh tế học người Scotland, Adam Smith đã xuất bản cuốn Của cải của các dân tộc (The Wealth of Nations), đây có lẽ là bản tuyên ngôn kinh tế học quan trọng nhất mọi thời đại.

Trong chương 8 của tập 1, Smith đã đưa ra lập luận mới lạ sau đây: khi một chủ đất, một người thợ dệt, hoặc một người thợ đóng giày có được lợi nhuận nhiều hơn nhu cầu mà anh ta cần để nuôi gia đình, anh ta sẽ dùng phần thặng dư để thuê thêm người giúp việc làm tăng thêm lợi nhuận của mình. Càng nhiều lợi nhuận, càng có thể thuê nhiều người giúp việc hơn. Suy ra sự gia tăng lợi nhuận của những cá nhân khởi nghiệp sẽ là cơ sở cho việc gia tăng sự giàu có và thịnh vượng của tập thể.

Bạn có thể không coi đây là một ý tưởng đột phá, vì tất cả chúng ta đang sống trong một thế giới tư bản đã tiếp nhận lập luận của Smith như một điều hiển nhiên. Chúng ta nghe các biến thể của chủ đề này trong những tin tức hằng ngày. Tuy nhiên, tuyên bố của Smith cho rằng ham muốn vị kỷ mạnh mẽ của loài người muốn tăng lợi nhuận cá nhân là cơ sở cho sự giàu có của tập thể, chính là một trong những ý tưởng đột phá nhất trong lịch sử loài người – đột phá không chỉ từ viễn kiến kinh tế, mà còn cả từ viễn kiến đạo đức và chính trị.

Thực tế, Smith nói rằng tham lam thì tốt, và bằng cách trở nên giàu có hơn, tôi đã đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, không chỉ cho riêng bản thân mình. Vị kỷ chính là vị tha.

Smith đã dạy mọi người suy nghĩ về nền kinh tế như là một “tình huống đôi bên cùng có lợi”, trong đó lợi nhuận của tôi cũng là lợi nhuận của bạn. Không chỉ mỗi người chúng ta đều có thể thưởng thức một phần to hơn của chiếc bánh, mà phần bánh tăng thêm của bạn phụ thuộc vào phần bánh tăng thêm của tôi. Nếu tôi nghèo, bạn cũng sẽ nghèo, vì tôi không thể mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Nếu tôi giàu, bạn cũng sẽ giàu, vì bạn có thể bán cho tôi thứ gì đó. Smith phủ nhận mâu thuẫn truyền thống giữa sự giàu có và đạo đức, và mở ra những cánh cửa thiên đường cho những người giàu có. Giàu có nghĩa là đạo đức.

Trong câu chuyện của Smith, mọi người trở nên giàu có không phải bằng việc bóc lột những người xung quanh mà bằng cách làm tăng kích thước của toàn bộ chiếc bánh. Và khi chiếc bánh to lên, mọi người đều hưởng lợi. Theo như thế, người giàu là những người hữu ích nhất và rộng lượng nhất trong xã hội, vì họ đã quay các bánh xe tăng trưởng phục vụ lợi ích của mọi người.

Nguồn: Tổng hợp từ sách