Điều gì khiến bong bóng kinh tế nổ tung?

Điều gì khiến bong bóng kinh tế nổ tung?
Photo by Pieter / Unsplash

Chủ nghĩa tư bản đã bắt đầu như một lý thuyết về cách vận hành của nền kinh tế. Nó vừa mang tính mô tả vừa mang tính quy tắc - nó giải thích về cách thức hoạt động của tiền bạc, và đưa ra ý tưởng rằng sự tái đầu tư lợi nhuận trong sản xuất sẽ dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Nhưng chủ nghĩa tư bản dần trở nên vượt xa hơn một học thuyết kinh tế rất nhiều. Hiện nay, nó bao gồm một lý thuyết đạo đức – một bộ những bài giảng về cách mọi người nên ứng xử ra sao, giáo dục con cái của họ và suy nghĩ như thế nào. Nguyên lý cơ bản của nó cho rằng tăng trưởng kinh tế chính là ân điển tối cao, hoặc chí ít là đại diện cho ân điển tối cao, vì công lý, tự do và thậm chí cả hạnh phúc, tất cả đều phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế.

Hãy hỏi một nhà tư bản làm cách nào mang công lý và tự do chính trị đến một nơi như Zimbabwe hay Afghanistan, và hẳn bạn sẽ nhận được một bài giảng, rằng sự sung túc kinh tế và việc tầng lớp trung lưu phát triển mạnh là không thể thiếu cho những cơ chế dân chủ ổn định như thế nào, và về sự cần thiết của việc khắc sâu những giá trị của tự do kinh doanh, tiết kiệm, và tự lực vào tâm trí những người dân bộ lạc ở Afghanistan.

Tín ngưỡng mới này cũng đã có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của khoa học hiện đại. Nghiên cứu khoa học thường được tài trợ bởi chính phủ hoặc doanh nghiệp tư nhân. Khi chính phủ tư bản và các doanh nghiệp xem xét việc đầu tư vào một dự án khoa học cụ thể, những câu hỏi đầu tiên thường là, “Dự án này có cho phép chúng ta gia tăng sản xuất và lợi nhuận hay không? Nó có tạo ra tăng trưởng kinh tế hay không?”

Một dự án mà không thể vượt qua được những chướng ngại này thì có rất ít cơ hội tìm được nhà tài trợ. Không một tiến trình lịch sử nào của khoa học hiện đại có thể loại bỏ chủ nghĩa tư bản ra khỏi bức tranh toàn cảnh.

Trái lại, sẽ không thể hiểu được lịch sử của chủ nghĩa tư bản nếu không đưa khoa học vào. Niềm tin của chủ nghĩa tư bản vào sự tăng trưởng kinh tế không ngừng đã đi ngược lại với những gì mà hiện tại chúng ta biết về vũ trụ. Một xã hội của loài sói sẽ vô cùng ngu xuẩn nếu tin rằng nguồn cung những con cừu sẽ tiếp tục tăng vô hạn.

Tuy vậy, nền kinh tế của con người vẫn thành công trong việc tăng trưởng theo cấp số nhân trong suốt kỷ nguyên hiện đại, nhờ vào việc cứ mỗi vài năm, các nhà khoa học lại đưa ra một khám phá hay một cải tiến mới – chẳng hạn như châu Mỹ, động cơ đốt trong hoặc cừu nhân bản. Các ngân hàng và chính phủ in tiền, nhưng cuối cùng, chính các nhà khoa học mới là người trả tiền cho những hoá đơn.

Trong những năm vừa qua, các ngân hàng và chính phủ đã in tiền giấy một cách điên cuồng. Mọi người đều sợ rằng khủng hoảng kinh tế thời nay có thể gây gián đoạn cho sự tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, họ đã in khống hàng ngàn tỉ đô-la, euro và yên Nhật từ hư không, bơm vốn tín dụng với lãi suất thấp vào hệ thống, và hy vọng rằng những nhà khoa học, kĩ thuật viên và kĩ sư sẽ thành công trong việc đưa ra thứ gì đó thực sự to lớn, trước khi bong bóng nổ tung.

Mọi chuyện phụ thuộc vào những người làm việc trong các phòng thí nghiệm. Những khám phá mới trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học và công nghệ nano có thể tạo ra toàn bộ những ngành công nghệ mới, mà lợi nhuận của chúng có thể bù đắp cho hàng ngàn tỉ tiền ảo mà ngân hàng và chính phủ đã tạo ra kể từ năm 2008. Nếu các phòng thí nghiệm không thể biến những kỳ vọng này thành hiện thực trước khi bong bóng nổ tung, thì chúng ta đang đi đến những giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Nguồn: Tổng hợp từ sách