Động lực để thoát khỏi cuộc đời tầm thường

Động lực để thoát khỏi cuộc đời tầm thường
Photo by Fab Lentz / Unsplash

Đã bao giờ chúng ta cố gắng dừng một đoàn tàu đang lao trên đường ray với tốc độ cao hay chưa? Nó sẽ lao tới và băng qua tất cả những vật cản phía trước, kể cả những dốc núi cao cũng không làm khó được nó. Lý do là con tàu có động lực. Lực đẩy đã khiến nó chuyển động và tăng tốc độ.

Một đầu máy xe lửa có công suất hàng ngàn mã lực. Nó có thể kéo được cả một đoàn tàu chất đầy hàng hoá phía trên. Thế nhưng nó không phải tự nhiên có được sức mạnh như thế nếu không có một cỗ máy vận hành để tạo động lực cho nó. Khi cỗ máy không hoạt động thì ngay cả một chướng ngại vật nhỏ nhất cũng có thể khiến nó không di chuyển được. Khi không có động lực thì chỉ cần đặt một cái nêm nhỏ chèn trước bánh, con tàu sẽ đứng yên và bất lực.

Khi không có động lực thì ngay cả một thứ nhỏ nhặt cũng có thể cản trở quá trình vận hành. Khi có động lực, mọi thứ sẽ gần như chạy trơn tru, các trở ngại sẽ không còn là vấn đề nữa.

Khi bắt đầu một việc mới, ta cần phải tạo ra động lực càng sớm càng tốt. Giống như ta muốn đẩy một cái xe ô tô đang đứng yên vậy. Vài cen-ti-mét đầu tiên là phần khó khăn nhất. Ta phải sử dụng hết sức lực của mình. Nhưng khi chiếc xe đã lăn bánh thì ta sẽ mất ít sức hơn rất nhiều.

Nếu chỉ cố thử đẩy chiếc xe ô tô một lần, ta sẽ không thể khiến nó dịch chuyển. Điều đó là bất khả thi. Hoặc ta dùng toàn bộ sức lực của mình hoặc là kệ xác nó. Đó là lý do khi chỉ thử làm một việc nào đó thực sự sẽ không đem lại kết quả. Một là làm, hai là không.

Những người cứ nói rằng mình đang thử làm một việc gì đó, thường thì họ sẽ không làm. Việc thử làm không khác gì chờ đợi một trở ngại xuất hiện để dừng thực hiện dự định của mình. Một người làm thực sẽ chờ đợi sự thành công. Còn người thử làm sẽ chờ đợi thứ gì đó phá quấy giữa chừng.

Chiếc ô tô mà ta muốn đẩy, nếu chỉ bỏ ra một chút sức lực, ta sẽ không thể làm cho nó lăn bánh được. Như vậy, ta sẽ không bao giờ biết được thực ra khi xe đã lăn bánh việc đẩy nó chuyển động tiếp thật dễ dàng. Vì vậy khi khởi đầu một công việc mới, hãy đẩy bằng hết sức lực của mình và khi nó đã có động lực ta có thể yên tâm dùng sức vừa phải mà vẫn có thể duy trì động lực và tăng tốc cho nó.

Ở đây chúng ta không nói về việc giành được kết quả. Kết quả có thể là sự lừa gạt khiến ta hiểu sai về động lực. Kết quả nhỏ lẻ nào đó có thể đến từ những điều kiện hay hoàn cảnh may mắn. Động lực không thuộc về vấn đề may rủi, nó luôn tạo ra kết quả. Vì vậy, hãy chú ý đến động lực chứ đừng tập trung vào những kết quả riêng lẻ.

Một người tập trung vào kết quả thay vì động lực sẽ không phát huy được hết tiềm năng của mình. Giống như một kẻ lười biếng vậy, anh ta biện minh cho sự lười biếng của mình bằng tính cách "chỉ hướng đến mục tiêu". Những người săn tìm thành quả có vẻ như rất mưu trí, nhưng họ không hiểu được sức mạnh của động lực. Một khi đã có động lực, nó sẽ khơi dậy những cách thức và phương pháp hiệu quả vốn ẩn giấu trong những con người bình thường. Động lực trở thành một sự đảm bảo cho thành công.

Những người chỉ hướng đến mục tiêu hầu như luôn phải tự thúc đẩy bản thân mình. Họ không nghĩ rằng mọi thứ xảy ra là do tự thân chúng. Họ luôn băn khoăn tại sao những người khác tuân thủ kỷ luật dễ dàng trong khi bản thân họ cứ phải ép mình. Câu trả lời là: sự mưu trí, xuất sắc mà họ tự nhận hoá ra lại là một trở lực cực lớn; tự họ tước mất cơ hội có được động lực của chính mình.

Thành quả chỉ là những kết quả riêng lẻ. Việc khởi động quá trình mới quan trọng. Vấn đề nằm ở chỗ những gì có thể giúp ta bắt đầu dịch chuyển. Quan trọng là hình thành thói quen chủ động làm theo một đam mê.

Những thói quen cũ rất khó bỏ. Một công việc mới lúc nào cũng khó khăn bởi nó mới mẻ và lạ lẫm. Trong một hoàn cảnh như vậy, gần như bất kỳ vấn đề nhỏ nào cũng có thể ngăn trở chúng ta. Vì vậy, ta phải ngay lập tức tìm ra động lực. Càng sớm càng tốt. Ta sẽ không bao giờ tránh được mọi trở ngại hoặc hoàn cảnh bất lợi. Sẽ chẳng bao giờ có một thời điểm không tồn tại vấn đề. Tuy nhiên, khi ta đã có động lực, các trở ngại sẽ không còn là mối đe doạ nghiêm trọng nữa. Cách hợp lý nhất để đương đầu với các vấn đề và tình huống khó khăn là tạo dựng động lực. Khi chúng ta có đà rồi, khó khăn hoặc tình huống phát sinh sẽ chẳng ảnh hưởng mấy đến ta.

Thực tế, mỗi phút ta đầu tư vào công việc hoặc sự nghiệp của mình đều giúp ta tạo dựng động lực. Mọi thứ ta làm sẽ hoặc là tăng hoặc là giảm động lực của ta. Và điều nêu dưới đây đặc biệt đúng trong giai đoạn khởi đầu một công việc: Một nửa cố gắng không mang lại một nửa thành công; nó không mang lại bất cứ thành công nào dù chỉ một chút.

Để có động lực ổn định cần thiết, ta phải rèn luyện một tinh thần thép, đó là: Tính kỷ luật. Nếu ta muốn thành công trong công việc mới, ta phải học hỏi để thành thục những thứ cơ bản. Và để học được chúng, ta cần có kỷ luật. Càng tập luyện nhiều, ta càng tiến bộ. Càng tiến bộ thì kết quả đạt được càng cao. Kết qủa càng cao thì ta càng có thêm động lực. Càng nhiều động lực, ta sẽ lại càng làm việc chăm chỉ hơn và lại càng nhiều động lực hơn... Nhưng khởi đầu ta cần có kỷ luật để học hỏi những điều cơ bản.

Không phải ai cũng ưa kỷ luật, nhưng mọi người đều có thể rèn luyện để có tính kỷ luật khi cần thiết. Nhưng không phải lúc nào ta cũng cần qúa gắng sức để thực hiện kỷ luật. Chỉ khi nào cần tạo chuyển biến nhất định, tức là khi nào cần tạo ra thói quen mới, người ta mới ép mình theo kỷ luật. Bất kể khó khăn thế nào thì sau 3 đến 6 tuần nghiêm túc thực hiện kỷ luật, ta sẽ hình thành được một thói quen mới. Và khi đó ta đã có động lực, nói cách khác là khi đó ta sẽ thấy việc hành động dễ dàng hơn là không hành động. Khi đã có được động lực đúng đắn, ta sẽ chỉ cần duy trì lực đẩy mà thôi.

Một công ty lớn đã chi hàng triệu đô-la cho chiến dịch quảng cáo. Chiến dịch này đã thành công và doanh thu của công ty tăng vọt. Công ty vẫn tiếp tục đầu tư cho chiến dịch quảng cáo. Một số nhà quan sát đã hỏi người đứng đầu công ty tại sao không cho dừng chiến dịch quảng cáo tốn kém này khi mà doanh thu đã vượt kỳ vọng đề ra? Người đứng đầu công ty đó trả lời: "Hãy tưởng tượng anh đang ngồi trong máy bay, để cất cánh máy bay cần rất nhiều năng lượng. Khi đã bay lên cao và đang thẳng tiến về đích thì anh có tắt động cơ đi không?"

Động lực giống như một quả cầu tuyết lớn dần thành một trận lở tuyết lớn. Cần có thời gian và năng lượng để gom đủ tuyết thành một khối cầu. Cũng cần thời gian và năng lượng để khối cầu tuyết bắt đầu lăn đều xuống chân núi. Nhưng khi nó đã bắt đầu lăn, hãy coi chừng. Khối cầu tuyết ấy sẽ cứ thế lăn và lớn dần thêm, rồi cuối cùng cuốn phăng mọi thứ cản trở trên đường đi của nó.

Tốn rất nhiều thời gian và công sức để khởi sự một công ty hoạt động hiệu quả. Nhưng một khi công ty đã hoạt động trơn tru thì khó có thứ gì có thể ngăn cản được nó – trừ bạn và Thượng đế.

THỰC HÀNH: Ngày hôm nay, tôi sẽ thực hiện những việc sau để tạo động lực cho bản thân mình:

01 – Tôi sẽ quyết định làm việc hết mình để tạo động lực. Tôi hiểu rằng đây là cách làm thực tế và thông minh. Một chiếc ô tô sẽ di chuyển dễ dàng hơn nhiều và ít tốn năng lượng hơn nếu lúc đầu nó được đẩy đi.

02 – Hôm nay, tôi sẽ làm việc với tính kỷ luật cao nhất có thể, bởi tôi biết rằng kỷ luật là chìa khoá để có được động lực.

03 – Tôi sẽ không để ý quá nhiều đến kết quả, vì tôi biết rằng chúng sẽ đến khi tôi có đủ động lực. Tôi cũng sẽ không đợi những điều kiện sẽ tốt đẹp hơn, vì tôi biết chính động lực sẽ tạo ra những điều kiện như vậy.

04 – Tôi sẽ lập một danh sách những thứ mà tôi đã tạo động lực cho nó. Tôi sẽ viết ra những lĩnh vực mà tôi cần phát triển động lực ngoài công việc như: rèn luyện thể lực, thói quen ăn uống, cuộc sống gia đình, đọc sách, phát triển bản thân và quản lý tài chính cá nhân, đầu tư, ...

Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!