Đừng bị ám ảnh bởi giá trị quan

Đừng bị ám ảnh bởi giá trị quan
Photo by Brett Jordan / Unsplash

Khi ta nghĩ rằng: "Tại sao người ta lại có thể sống với những suy nghĩ vô lý như thế kia được nhỉ?" thì đối phương cũng nghĩ giống hệt ta lúc đó. Đó chính là nguồn cơn của những sự xung đột.

Mỗi người sống đều mang trong mình những giá trị quan, niềm tin hay quan niệm cố hữu. Và những giá trị quan đó luôn biến đổi không ngừng. Việc lựa chọn giá trị quan nào phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của chính ta. Vì vậy, giá trị quan là vấn đề lựa chọn chứ không phải vấn đề đúng sai. Lựa chọn tôn giáo, tư tưởng, cách tư duy, suy nghĩ, niềm tin hoàn toàn là vấn đề của ta và đương nhiên ta phải chịu trách nhiệm cho quyết định đó của mình.

Thỉnh thoảng, khi suy nghĩ ta gắn liền với một giá trị quan nào đó, ta sẽ dễ nghĩ rằng chỉ có việc tồn tại trong thế giới này mới là việc có ý nghĩa. Ta sẽ không thể nào hiểu được những người có giá trị quan trái ngược với ta. Những người đó sẽ cảm thấy đối phương vừa đáng thương vừa bức bối. Không biết chừng có người sẽ không hiểu: "Làm thế nào họ lại chọn theo tôn giáo đó". Cũng có thể trong thâm tâm, họ sẽ nảy sinh cảm giác vô cùng khó tiếp nhận và muốn bài trừ. Dẫu vậy, đây cũng là những biểu hiện ở mức độ vừa phải.

Hãy nhìn lại lịch sử của nhân loại và thế giới này. Vấn đề nên chọn theo tôn giáo nào đã gây nên vô số cuộc chiến tranh và dẫn đến cái chết của bao nhiêu con người. Bởi vì ta đắm chìm trong suy nghĩ chỉ có tôn giaos và giá trị quan mà ta lựa chọn là đúng, những thứ khác đều là sai.

Vì vậy, ta nên lựa chọn giá trị quan nào là việc rất quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là ở sự tự nhận thức của ta khi cho rằng mọi giá trị quan đều hoàn toàn đúng hoặc không sai. Đạo Phật đúng tuyệt đối ư? Nếu ai đó nghĩ như vậy thì hoàn toàn không hiểu gì về đạo Phật. Kinh Kim Cương hay vô số những sách kinh khác đã dạy rằng, đừng quá ám ảnh bởi những lời dạy trong sách kinh. Ở đó người ta nói rằng: Gặp Phật "giết" Phật, gặp tổ "giết" tổ (ý muốn nói rằng hãy đập phá mọi thứ nếu nó làm vướng chân ta). Đó chính là tinh thần cởi mở của chân lí. Chân lí là không hoàn toàn tập trung vào một giá trị quan, một niềm tin hay một tôn giáo nào, và không cố chấp cho rằng chỉ có nó mới là chân lí. Tinh thần cởi mở, không ám ảnh mới là tinh thần có thể khiến chân lí trở thành đúng như tên gọi.

Một Phật tử chân chính là người dù có đọc Kinh Thánh của Cơ Đốc giáo cũng sẽ có thể nhìn thấu chân lí như nó vốn có bằng tấm lòng rộng mở, không định kiến hay phiến diện. Tại sao ta lại mang theo định kiến và có những cảm giác không tốt chỉ vì duy nhất một lý do Kinh Thánh không phải là kinh điển của Phật giáo? Định kiến và thành kiến sẽ trở thành bức tường ngăn cản không cho ta thấy những lời dạy đúng đắn được đúc kết trong Kinh Thánh. Tương tự như vậy, sự phân định giữa thiện và ác, quân ta và quân địch, đúng và sai là nguyên nhân dẫn đến tranh giành và đấu tranh.

Nếu ta lựa chọn và tuyệt đối tin tưởng vào một giá trị quan thì sẽ dễ dàng dẫn đến những hành động bộc phát và sai lầm. Vì vậy, hãy yên lặng quan sát cuộc sống của chính mình. Mọi hành động trong cuộc sống xuất phát từ thân thể, lời nói, hay suy nghĩ đều được thực hiện dựa trên nền tảng của một giá trị quan, niềm tin.

Việc chọn một giá trị quan nào đó cũng đồng nghĩa với việc chọn sống một cuộc sống nào đó. Do vậy, ta phải quan sát thật kỹ càng và khách quan xem giá trị quan của mình như thế nào. Nó chính là chiếc chìa khoá giải được mọi vấn đề của cuộc sống. Bởi vì khi nói rằng cuộc sống của ta có vấn đề cũng tức là cái giá trị quan đang chứa đựng những mặt trái ấy có vấn đề. Nếu ta tìm được vần đề tồn tại trong giá trị quan đó thì cũng dễ dàng giải quyết nó nhanh hơn mong đợi.

Do đó, việc quan trọng nhất là phải chọn được cho mình một giá trị quan đúng đắn và tốt đẹp. Việc quan trọng tiếp theo là, dù đó là giá trị quan nào thì cũng không quá ám ảnh và thiên về một hướng một cách cực đoan. Bởi vì ta không thể tồn tại trên thế gian này nếu xem nhẹ cách thức và cũng không thể sống với việc chỉ biết cách thức mà xem nhẹ bản chất.

Giá trị quan tốt đẹp mà ta có thể lựa chọn ấy gồm những gì? Ví dụ như đừng quá ám ảnh vào một thứ gì đó, sống giản dị, chấp nhận và tiếp nhận mọi sự tồn tại và hành động diễn ra trong cuộc sống của ta, đừng bị trói buộc bởi quá khứ hay tương lai mà hãy sống cho ngay giây phút này, thỉnh thoảng đi dạo trên con đường mòn lên núi, dành thời gian tản bộ giữa thiên nhiên, cầu nguyện và ngồi thiền, làm bạn với tự nhiên vô vi chứ không phải những vật nhân tạo, tận hưởng sự an nhàn từ việc thưởng thức một chén trà, cho bản thân chút thời gian được ở một mình, bảo vệ các sinh mệnh, chọn những đồ ăn có nguồn gốc tự nhiên thay cho đồ ăn đã qua chế biến, làm việc thiện, giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên ta cũng không quá ám ảnh bởi những cách thức trên.

Nếu ta bị ám ảnh thì sẽ sinh ra cái tốt và cái xấu, tình yêu và sự ghét bỏ, giây phút ta phân biệt mọi thứ thành 2 thái cực như trên cũng là lúc hạt giống của sự xung đột và chiến tranh bắt đầu nảy mầm. Không có chuyện người coi cầu nguyện và ngồi thiền là giá trị quan tốt đẹp được phép ghét bỏ những người không thích cầu nguyện và ngồi thiền.

Đức Phật không phải là người mang theo giá trị quan đúng đắn mà chính là người đã vứt bỏ mọi giá trị quan để sống trong cuộc đời này. Người vứt bỏ mọi phán đoán yêu mến và căm ghét, tốt và xấu về tất cả các giá trị quan. Người lựa chọn sống thuận theo nhân duyên tự nhiên như nó vốn có. Người sở hữu tinh thần tự do. Bởi vì không bị ám ảnh bởi một giá trị quan đặc biệt nào nên người có thể chấp nhận mọi giá trị quan, chấp nhận cả cảm giác khó tiếp nhận, định kiến hay sự thiên vị, chấp nhận và sử dụng nó cho đến khi buộc phải vứt bỏ. Đó chính là lời dạy đúng đắn về trung đạo.

Cuộc sống của ta được tạo nên bởi sự lựa chọn có tính nhân tạo. Hãy vứt bỏ mọi giá trị quan. Hãy lấy lại mọi thứ đã vứt bỏ. Chỉ đến khi vứt bỏ hết ta mới có thể tự do tự tại lấy lại và sử dụng mọi thứ.

Trong quan hệ đối nhân xử thế và kinh doanh, hãy yên lặng quan sát xem giá trị quan mà ta lựa chọn là như thế nào. Nếu được hãy lập danh sách những giá trị quan và niềm tin của riêng ta. Hãy quan sát xem cái gì có thể gây ra sự mâu thuẫn, ghét bỏ, căm ghét bởi giá trị quan đó. Từng giá trị quan sẽ kéo theo vô số việc tốt và xấu song hành. Ta sẽ đem lòng yêu mến việc tốt và ghét bỏ việc xấu. Ta cũng thường có xu hướng phân chia những người ta gặp thành 2 loại người tốt và xấu, từ đó một sẽ yêu quý, một sẽ ghét bỏ. Cũng từ đó sẽ xuất hiện phe anh, phe tôi, cái của anh, cái của tôi, cuối cùng "ngã tưởng", một thứ ngu ngốc cũng sẽ xuất hiện và tạo dựng được chỗ đứng của mình.

Tuy nhiên, nếu ta buông bỏ sự ám ảnh về danh mục các giá trị quan thì mọi việc tốt, xấu đều biến mất; bình đẳng, bình yên, sự tĩnh lặng sẽ theo nhau tìm đến. Mọi thị phi, phân biệt trong thế giới này sẽ chấm dứt; mọi sự ghét bỏ, mâu thuẫn cũng sẽ biến mất.

Nguồn: Tổng hợp từ sách.