Đừng tự giới hạn bản thân

Đừng tự giới hạn bản thân
Photo by Ian Schneider / Unsplash

Vào một buổi sáng sớm, cậu bé 5 tuổi hào hứng nhảy vào lòng người cha và hỏi: "Cha ơi, cha muốn làm gì khi cha lớn lên?"

Người cha nghĩ đó là một trò chơi mới ở lớp mẫu giáo của cậu bé. Người cha đáp:  "À, cha nghĩ lớn lên cha sẽ trở thành một người cha". Cậu bé liền phản đối: "Không được, cha đang là cha còn gì. Cha muốn trở thành gì?"

"Vậy thì cha muốn trở thành một kỹ sư", người cha trả lời.

"Cũng không được. Cha đang là một kỹ sư rồi mà!", cậu bé phản đối.

"Vậy thì, cha cũng không biết nữa."

"Cha chỉ cần nói cho con biết muốn làm gì khi cha lớn lên thôi mà. Cha có thể trở thành bất cứ ai mà cha muốn."

Người cha chợt hiểu ra. Nhưng hiện anh cũng đang bần thần không thể tìm được từ nào để trả lời con trai mình. Cậu bé thôi không hỏi nữa mà chạy đi chơi. Cuộc trò chuyện không đâu vào đâu đó đã tác động sâu sắc đến người cha. Trong mắt con trai mình, anh vẫn có thể lớn lên và trở thành bất cứ ai mà anh muốn. Anh vẫn có thể mơ ước, vẫn có thể vươn tới những vì sao. Tương lai của cha vẫn chưa được định đoạt và chưa phải là một kết cục không thể thay đổi. Trong mắt con trai anh, anh vẫn còn phải lớn lên và vẫn có thể trở thành con người khác.

Những tình huống trong đó ta thấy mình trải qua những khoảnh khắc như ở trên chỉ là thứ yếu. Câu hỏi mang tính quyết định là: Ta muốn làm gì và trở thành người như thế nào trong tương lai? Tất cả những người nói rằng ta sẽ chẳng có tương lai đều không quan trọng. Cũng chẳng sao nếu những con người này vẫn ở trong cuộc đời ta. Tuy thế, có thể một người vẫn không đồng ý với họ, đó là chính ta.

Ta không bao giờ được rơi vào cái bẫy tư duy rằng cuộc đời của ta vốn đã được định đoạt rồi. Vì nếu không phải ta hiện thực hoá ước mơ của mình thì ai sẽ làm việc đó thay ta? Chắc chắn là không ai cả, bởi đơn giản một điều, người khác cũng đang bận hiện thực hoá ước mơ của họ.

Bẫy thứ hai nghe không có gì ghê gớm nhưng lại ngấm ngầm và lặng lẽ phá huỷ rất nhiều khát vọng của ta. Đó chính là lối suy nghĩ rằng hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để theo đuổi ước mơ. Giờ phải là lúc làm việc này việc kia. Ta phải hiểu rằng nếu có suy nghĩ như vậy thì chính ta đang chống lại giấc mơ của mình. Vì không có thời điểm lý tưởng nào để bắt đầu thứ gì đó mới. Cứ mỗi lần trì hoãn một sự khởi đầu mới, ta lại tự đẩy mình ra xa khỏi nó hơn.

Đôi khi chúng ta mất đi khả năng đưa ra quyết định. Chúng ta có thể phải trải qua thảm hoạ lớn. Cuộc sống thậm chí còn như vô nghĩa. Thế nhưng cơ hội cho tương lai của ta lại nằm chính trọng thảm hoạ đó. Sự mất mát thường báo hiệu cơ hội bắt đầu một cuộc sống mới và tốt đẹp hơn.

Vào tháng 12 năm 1914, Thomas Edition 67 tuổi, phòng thí nghiệm của ông bị cháy rụi. Thiệt hại ước tính 1,7 triệu đô-la, nhưng ông chỉ nhận được khoản bồi thường bảo hiểm 200 ngàn đô-la. Tệ hơn nữa, tất cả các thành quả nghiên cứu của ông đều bị phá huỷ. Bộ sưu tập khoa học, tất cả các ghi chú và kỷ vật của ông đã biến mất cùng với ngọn lữa. Công trình cả đời của ông bị tiêu tan. Con trai ông đã tìm thấy ông trong khi ông đang đứng nhìn ngọn lửa từ một khoảng cách an toàn. Trông ông hết sức bình tĩnh và thoải mái, thậm chí còn mỉm cười khi quan sát đám cháy. Điều duy nhất là ông yêu cầu một cách cấp bách là đưa vợ đến chỗ mình. Khi bà đến bên cạnh, ông nói: "Em nhìn xem, chúng ta sẽ không bao giờ được trải nghiệm bất cứ điều gì độc nhất như thế này nữa trong đời. Các thảm hoạ đều rất đáng giá. Tất cả  lỗi lầm của chúng ta đang bị thiêu rụi. Cảm ơn Chúa, ta có thể có một khởi đầu mới."

Thái độ này thật sự hữu ích nếu chúng ta từng trải qua biến cố. Tuy nhiên, không ai cần phải chờ đợi thảm hoạ xảy ra để có một khởi đầu mới. Tin tốt là ta chỉ cần luôn ý thức một điều: Chúng ta có quyền mơ ước. Ta có thể làm bất cứ thứ gì và trở thành bất kỳ ai mà ta mong muốn. Ta có quyền tìm ra quan điểm sống của riêng mình và theo đuổi nó. Ta có quyền sống với đam mê. Điểm mấy chốt là: Tương lai không giống quá khứ, cũng chẳng giống hiện tại. Ta có thể tạo ra tương lai mới vào bất cứ thời điểm nào.

Một ngày nọ, một anh chàng đánh rơi mất chùm chìa khoá nhà. Anh ta bắt đầu tìm kiếm. Người hàng xóm thấy vậy bèn ngỏ lời tìm giúp. Trong khi cô sốt sắng tìm chìa khoá cho anh ta, dứoi cả những bụi cây, cô nhận ra anh chàng chỉ tìm loanh quanh phía dưới một ngọn đèn. Anh ta cứ đi tới, đi lui trong vòng vài bước chân. Ngạc nhiên quá, cô giục anh ta tìm kiếm ở những chỗ khác. Xét cho cùng, có khả năng anh ta đã làm rơi chìa khoá ở nơi khác chứ không phải bên dưới cái đèn đó. Anh chàng trả lời: "Dĩ nhiên, tôi có thể đã làm rơi chùm chìa khoá ở chỗ khác, nhưng chỗ này sáng".

Rất nhiều người cho rằng ước mơ của họ sẽ trở thành hiện thực với những hoạt động họ đang làm. Việc này giống như thể ta chỉ tìm chìa khoá ở dưới ngọn đèn vậy. Thực tế, chúng ta có thể tìm thấy đam mê và mơ ước cả đời ở một nơi hoàn toàn khác. Có thể chiếc chìa khoá nằm ở đâu đó trong quá khứ. Do vậy hãy lục tìm cả những ước mơ xưa cũ của chúng ta. Đồng thời, hãy chắc chắn là ta có đủ năng lượng để thay đổi cuộc đời.

Con người hiện đại muốn có bản hướng dẫn sử dụng tivi, lịch phát sóng các trận bóng đá, lịch trình cho kỳ nghỉ... để có thể quản lý thời gian tốt hơn. Tuy nhiên, ta không nghĩ rằng thật quá vô lý khi tốc độ quan trọng hơn cả hướng đi? Ta không cho rằng thật là nguy hiểm khi một người muốn tiết kiệm từng phút nhưng lại lãng phí nhiều năm trời và có thể chôn vùi cả giấc mơ của mình? Có thể vì anh ta không hề nghĩ xem anh ta muốn đi theo hướng nào, hoặc có thể anh ta không tin rằng ngày mai mình có thể làm được điều hoàn toàn khác với hôm nay, hoặc cũng có thể anh ta không biết rằng mình vẫn có thể trở thành một thứ gì đó khác.

Gilbert Kaplan đã ra mắt tạp chí đầu tiên của mình khi mới 25 tuổi. Ông là người tham công tiếc việc điển hình. Chỉ trong vòng 15 năm, ông đã biến tạp chí của mình thành một trong những tạp chí dẫn đầu với số lượng phát hành lớn. Ông làm việc cả ngày lẫn đêm. Nhưng vào năm 40 tuổi, ông bất ngờ bán tạp chí. Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Một ngày nọ, ông đã nghe bản giao hưởng thứ hai của Mahler và âm thanh của nó mê hoặc ông. Có thứ gì đó đã ngủ yên trong tâm trí ông từ lâu chợt được đánh thức. Nhưng còn một thứ khác: ông nhận thấy bản giao hưởng này nên được trình diễn theo một cách khác vì nó vẫn còn thiếu một chút gì đó. Và ông đã quyết định trở thành một nhạc trưởng. Mọi chuyên gia âm nhạc đều nhận định rằng đây là một việc làm bất khả thi nhưng Kaplan lại nghĩ khác, không những vậy ông còn đặt cho mình một mục tiêu cao hơn: ông sẽ chơi bản nhạc của Mahler theo cách không giống như bất cứ ai đã từng chơi trước đó. Những người biết ông đều nghĩ ông thật điên rồ.

Thế nhưng 2 năm sau, giấc mơ của ông đã trở thành sự thật. Năm 1996, Gilbert Kaplan đã thu âm album nhạc cổ điển thành công nhất ở Hoa Kỳ. Cũng trong năm đó, ông đã mở màn Liên hoan Salzburg, với vai trò nhạc trưởng lừng danh.

"Không điều gì có thể khuất phục ý chí của một người dám mạo hiểm cả sự sống còn của mình để đạt được mục tiêu đề ra."

Tại sao nhiều người đi làm việc cho người khác và nhiều người có thể khiến người khác làm việc cho mình? Sự khác biệt chính là ở mức độ dám theo đuổi ước mơ của mỗi người. Càng cố gắng sống với ước mơ của mình, chúng ta càng trở nên mạnh mẽ. Trong cuộc đời này không có gì đáng hài lòng hơn việc được theo đuổi ước mơ và khát vọng của mình.

Người ta không hiểu được lý do vì sao một số người lại thức khuya dậy sớm và nỗ lực mỗi ngày. Thật khó để giải thích, nó giống như tình yêu, khi bạn yêu say đắm một ai đó, một cái gì đó thì cho dù người khác có nói như thế nào bạn vẫn yêu đắm say và sẵn sàng đối đầu thử thách. Những bài học từ thất bại, những lần vượt qua đau đớn phá vỡ giới hạn, cái cảm giác chiến thắng bản thân nó là thứ hạnh phúc đầy mê hoặc.

Một số người nói rằng: "Tại sao lại sống như vậy, tất cả chỉ là hư vô, chết đi rồi cũng có mang theo được đâu?". Đúng! Chết đi thì mọi thứ chỉ là hư vô, nhưng ta đâu có ý định mang theo chúng, ta sẽ để lại cho con cháu, để thế hệ sau này kế thừa và tiếp tục phát huy. Đó là những đẳng cấp mới, chân trời mới.

Mỗi người chúng ta đều có điều gì đó trong đời xứng đáng để nỗ lực theo đuổi. Cho dù hoàn cảnh của chúng ta như thế nào, xuất thân ra sao, những người xung quanh ta có thể không thấy điều tuyệt vời mà ta thấy, nhưng không có nghĩa rằng ta phải kết thúc tại nơi ấy, không có nghĩa rằng ta không thể vươn xa. Ao nhỏ không nuôi được cá lớn, đại dương mênh mông là nơi chúng ta thuộc về.

Đừng tự giới hạn bản thân nữa

Nhưng xin hãy nhớ: "Nếu đam mê chở bạn đi, hãy để lý trí nắm dây cương" – Benjamin Franklin

Không phải lúc nào người nỗ lực cũng là người có thể chiến thắng trong thế giới này. Mà chính phương hướng cùng với nỗ lực mới là yếu tố tạo nên sự tiến bộ. Để tiến lên phía trước – chúng ta phải bơi theo thủy triều. Ta sẽ thịnh vượng và thành công nếu làm việc phù hợp với sức mạnh tự nhiên. Một nỗ lực nhất định cùng với sức mạnh tự nhiên này sẽ đưa con người đi nhanh hơn và xa hơn nhiều so với nỗ lực nhiều hơn được sử dụng để chống lại sức mạnh này. Những người làm việc một cách mù quáng, bất chấp những dòng chảy tự nhiên này, sẽ tự gây khó khăn cho cuộc sống của mình và hiếm khi thịnh vượng.

Luật 4 mùa cuộc sống

Vì vậy, điều cần thiết đầu tiên là phải HIỂU NGUYÊN TẮC thành công – tìm hiểu cách thức hoạt động và cách sử dụng nó. Điều thứ hai, thậm chí còn quan trọng hơn – ÁP DỤNG sự hiểu biết đó vào các vấn đề ta phải đối mặt. Chính vì vậy mà, Solomon nói: "Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác".

Và đây là thực hành thiết kế tương lai của mình theo các bước sau:

01 - Ngày hôm nay tôi sẽ dành thời gian để suy ngẫm. Đây là lúc để nhìn lại. Tôi sẽ ngồi yên lặng ở một nơi nào đó hoặc thong thả dạo bộ. Tôi sẽ tìm kiếm sự yên bình và lắng nghe tiếng nói từ trái tim, từ trực giác mách bảo.

02 - Tôi sẽ dựa lưng vào đâu đó và nghĩ xem đời tôi đã nếm trải bao nhiêu điều trong 5-10 năm qua. Tôi đã học được những gì, hoàn thành được bao nhiêu thứ, đã gặp được bao nhiêu người? Những trải nghiệm của tôi trong quãng thời gian đó là gì?

03 - Tôi sẽ tự hỏi mình: "Nếu tôi thực sự được lựa chọn lại một lần nữa, tôi sẽ lựa chọn điều gì và trở thành người như thế nào? Điều gì tôi muốn mình làm lại một lần nữa? Tôi sẽ là ai trong 5-10 năm tới và tôi sẽ làm gì?". Tôi sẽ viết lại tất cả các suy nghĩ của mình về chủ đề này. Nó sẽ giúp tôi hiểu được mình thực sự thích gì và cái gì phù hợp với mình.

04 - Tôi sẽ thừa nhận rằng mình thực sự có cơ hội lựa chọn. Tất cả tuỳ thuộc vào tôi. Bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể tạo ra cuộc sống tương lai xứng đáng với mình. Tôi là người hoạch định cuộc sống của chính mình. Tôi có đủ can đảm để sống hạnh phúc.

05 - Tôi sẽ không ngừng nâng cao trí tuệ và sự hiểu biết, các quy luật của tự nhiên và con người bằng cách đọc sách hoặc đọc các bài viết được chia sẻ ở đây. Sau đó, áp dụng chúng vào cuộc sống và công việc của tôi.

"Hạnh phúc là bây giờ và ở đây!"