Hiệu ứng Matthew có thể thay đổi vận mệnh của nhiều người

Hiệu ứng Matthew có thể thay đổi vận mệnh của nhiều người
Photo by Austin Chan / Unsplash

"Những người giàu có vẫn muốn kiếm được nhiều hơn gấp bội để khiến bản thân trở nên dư thừa, những người nghèo khó thì ngay đến thứ đang có cũng sẽ bị tước đoạt mất."

Sức mạnh của hiệu ứng Matthew

Người giàu sẽ dễ dàng kiếm được nhiều tiền hơn, còn người nghèo sẽ có xu hướng nghèo thêm; Những người nổi tiếng sẽ có khả năng nổi tiếng hơn nữa, còn những người lặng lẽ vô danh thì rất dễ trở nên im lìm lặng lẽ.

Trong Đạo Đức Kinh cũng từng đề cập tới: "Con người trong thế tục, người nghèo khổ túng thiếu lại phải đi cung phụng người phú quý dư thừa."

Đôi khi trong cùng một sự vật sẽ xuất hiện sự xung đột giữa các quy luật khác nhau, giống như có 2 người đồng thời đẩy 1 vật thể từ 2 hướng khác nhau. Lúc này, điều cần biết là bên nào mạnh hơn. Khi 2 quy luật mâu thuẫn nhau cùng tác động lên một sự việc, chúng ta phải tìm ra được quy luật nào thâu tóm những quy luật còn lại.

Điểm lợi hại của hiệu ứng Matthew đó là, nó luôn mạnh hơn các quy luật khác. Khi xảy ra xung đột, hiệu ứng Matthew luôn bao trùm và lật đổ các quy luật còn lại.

Ví dụ, mấy năm trước có một số dự đoán "cao siêu" rằng, sự phát triển của các thành phố nhỏ, nông thôn trong tương lai sẽ không kém gì các thành phố lớn, nên đã có trào lưu: Bỏ phố về rừng. Lý do đưa ra có vẻ rất thuyết phục như sau:

Thứ nhất, thành phố lớn có những căn bệnh nghiêm trọng như ô nhiễm không khí, cảnh quan thiên nhiên nghèo nàn, tắc nghẽn giao thông, giá nhà đất đắt đỏ, cạnh tranh khốc liệt,…

Thứ hai, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và các ngành phụ trợ, người dân ở các thành phố nhỏ có thể mua được rất nhiều loại hàng hoá, không thua kém gì ở các thành phố lớn.

Thứ ba, đường sắt và hàng không phát triển, nỗi lo đi lại bất tiện ở các thành phố nhỏ cũng được giảm thiểu, lợi thế về giao thông đường dài ở các thành phố lớn dần dần biến mất đi.

Thứ tư, mạng internet phát triển, các thành phố nhỏ cũng sẽ nhanh chóng thu được một lượng lớn thông tin, xoá bỏ điểm bất lợi của thành phố nhỏ.

Thứ năm, việc kết bạn và giao tiếp cộng đồng diễn ra phổ biến hơn trên internet, các cuộc họp được tổ chức định kỳ mỗi năm, mọi mối giao lưu không còn bị giới hạn về khoảng cách nữa, từ đó gần như không có sự khác biệt giữa thành phố lớn và nhỏ.

Các suy đoán cho rằng, nhân khẩu ở các thành phố lớn sẽ ngày càng ít đi, giá nhà đất cũng sụt giảm mạnh, các đô thị nhỏ có môi trường tốt sẽ dần trở nên phồn thịnh. Những lý do và suy đoán này đều rất đúng, đặc biệt chúng được tiên đoán bởi một vài "bậc thầy" trong nghề kinh doanh Bất động sản, mọi người lại càng dễ tin tưởng. Vì thế, đã có rất nhiều người bán nhà ở  các thành phố lớn để chuyển đến sinh sống trong những thành phố nhỏ hơn, thậm chí là lên rừng.

Nhưng giá nhà ở những thành phố lớn không hề giảm mà còn tăng gấp đôi. Chủ sở hữu bất động sản ở các thành phố lớn đã trải qua một đợt tăng giá trị tài sản hiếm có, một lượng lớn triệu phú, tỷ phú đã xuất hiện.

Nhưng tại sao lại xuất hiện tình huống này?

Đúng là những lý do kể trên đều rất chính xác, nhưng chúng lại không thể so sánh được với sức mạnh của một quy luật to lớn hơn đó là: Hiệu ứng Matthew. Hiệu ứng Matthew thực sự rất mạnh, nó bao trùm lên tất cả các quy luật khác. Trên thế giới này có rất nhiều quy luật, nhưng hiệu ứng Matthiew là quy luật của quy luật, kẻ mạnh của những kẻ mạnh.

Sức của hiệu ứng Matthew thể hiện ở phạm vi bao quát rộng lớn ở tất cả các lĩnh vực: phát triển đô thị, giáo dục, kinh doanh, chính trị, xã hội… Căn cứ vào hiệu ứng Matthew chúng ta có thể phán đoán một phần của tương lai, đồng thời định hướng cho những lựa chọn sắp tới.

Hiệu ứng Matthew và Tích luỹ tri thức

Những người đã tích luỹ được rất nhiều kiến thức thì trong tương lai họ sẽ có được nhiều kiến thức hơn nữa. Tức là, so với người kém hơn, tri thức của người có kiến thức phong phú sẽ không ngừng được mở rộng.

Suy luận này rất phù hợp với tình hình thực tế của chúng ta. Ở lớp cấp 3, kiến thức của những học sinh có tốt so với những học sinh có thành tích kém đương nhiên sẽ nhiều hơn, nhưng khác biệt lại không lớn. Có điều, học sinh có thành tích tốt sẽ học lên đại học, thành tích không tốt sẽ ngừng học và đi làm. Do đó, khoảng cách kiến thức sẽ ngày càng tăng lên.

Ngoài ra, hiệu ứng Matthew còn nhận được sự trợ giúp từ lý luận về khoa học não bộ và tâm lý học. Việc học kiến thức mới có liên quan đến những kiến thức có sẵn trong đầu, càng tích luỹ được càng nhiều, việc học thêm kiến thức mới sẽ càng dễ dàng, khả năng lưu trữ kiến thức mới cũng cao hơn. Vì vậy, cho dù là cùng một nội dung kiến thức thì khả năng tiếp thu cũng sẽ nhanh nhạy hơn nhưng người thiếu kiến thức. Chưa kể tới việc kiến thức mang lại cho chúng ta cảm giác thành tựu, nâng cao được động lực học tập.

Vậy ứng dụng của hiệu ứng Matthew trong tích luỹ kiến thức là gì?

Đầu tiên, nó sẽ ảnh hưởng đến quyết định học tập của bản thân chúng ta. Khi người khác bận tham gia tiệc tùng, vui chơi, giải trí thì ta có thể tĩnh tâm để học tập nâng cao giá trị bản thân hay không? Một bên là nguyện vọng trưởng thành, một bên là bản năng phóng túng, 2 bên giằng co tranh đấu mà ta thường sẽ tự hỏi rằng: Nếu ta hi sinh thú vui để học tập, tôi sẽ thu hoạch được bao nhiêu? Hôm nay không đi chơi, tiết kiệm chút thời gian để học bài, tôi sẽ học thêm được bao nhiêu đây?

Không may là, lúc ban đầu tốc độ nâng cao kiến thức sẽ rất chậm. Nếu không nắm bắt được hiệu ứng Matthew về tri thức, trong đầu ta sẽ không tránh khỏi suy nghĩ: Cho dù học tập chăm chỉ thì cũng chẳng thu lại được bao nhiêu, lợi ích thu lại quá ít, không xứng với công sức mà mình bỏ ra. Thế nên chúng ta sẽ bỏ bê học hành để vui chơi hưởng thụ.

Nhưng nếu chúng ta hiểu được hiệu ứng Matthew thì lợi ích ta thu được và thời gian bỏ ra sẽ có sự thay đổi, như hình minh hoạ bên dưới.

Tích luỹ tri thức trong thời gian ngắn sẽ không được nhiều, nhưng về dài hạn nó mang lại giá trị rất to lớn. Do đó, công sức chúng ta bỏ ra là xứng đáng, lợi ích thu được là vượt trội.

Hiệu ứng Matthew và sự tích luỹ của cải

Tích luỹ của cải cũng là điển hình của hiệu ứng Matthew - Người càng giàu càng dễ kiếm tiền. Điều này cũng phù hợp với hiện tượng thường ngày mà chúng ta quan sát được.

Ví dụ về bất động sản, người nghèo thường không thể mua được nhà sớm do thiếu tài chính, đợi đến lúc tích luỹ đủ thì giá nhà đã cao ngút trời, còn người giàu lại có thể dễ dàng mua được rất nhiều nhà cửa. Trong xu thế giá nhà đất không ngừng tăng cao, giá trị tài sản của họ sẽ tiếp tục tăng lên.

Đối mặt với hiệu ứng Matthew về của cải, rất nhiều người sẽ cảm thấy tức giận, oán hận xen lẫn với bất lực bởi hầu hết chúng ta đều là nạn nhân của nó. Phần lớn chúng ta sinh ra đều là những người có hoàn cảnh sống bình thường, thiếu hụt tài chính và cơ hội ngay từ khi mới chào đời, bị vây khốn bởi hiệu ứng Matthew. Còn về ứng dụng tích cực của hiệu ứng Matthew thì nó dường như chỉ là trò chơi may rủi của số ít người giàu.

Nhưng trên thực tế, ngay cả khi chúng ta sinh trong hoàn cảnh nghèo khó, ta vẫn có thể vận dụng hiệu ứng Matthew về của cải. Vậy làm thế nào?

Đầu tiên, đó là tiết kiệm

Làn sóng tiêu dùng nổi lên ở Mỹ đã lan truyền khắp thế giới, giới trẻ dần dần không còn thói quen tiết kiệm và bắt đầu thích mua sắm hàng hiệu, những người tháng nào cũng cháy túi đã nâng cấp từ thiểu số thành đa số. Điều này có thể tốt với những người muốn tận hưởng cuộc sống, còn đối với người trẻ muốn có sự phát triển trong tương lai nhưng tình hình kinh tế hiện tại không hề dư giả thì không nên tham gia cuộc vui, vì hiệu ứng Matthew sẽ khiến chúng ta ngày càng trở nên nghèo khó.

Chúng ta hãy thử nghĩ xem những chỗ mình tiêu tiền có thật sự hữu dụng hay không? Chắc chắn ta sẽ nhận ra rằng mình đã từng tiêu phí không ít tiền vào những việc vô bổ.

Cũng giống như tích luỹ tri thức, ở đây chúng ta sẽ có sự so sánh: nếu hôm nay không tiêu tiền thì số tiền tiết kiệm ít ỏi có ý nghĩa gì? Theo cách nghĩ của người bình thường, câu trả lời sẽ là chẳng có ý nghĩa gì cả. Bởi vì đối với người làm công ăn lương, một tháng tiết kiệm được 1-2 triệu đồng cũng sẽ chẳng có tác dụng gì, muốn mua nhà vẫn còn là một đích đến xa vời. Cảm giác tuyệt vọng khi không thể mua được nhà đã khiến cho rất nhiều người quyết định tiêu sạch số tiền 1-2 triệu còn lại. Nhưng nếu nắm bắt được hiệu ứng Matthew về của cải, chúng ta sẽ hiểu ra, dù giá trị lúc ban đầu nhỏ bé thì trong tương lai lợi ích của nó sẽ vượt xa giá trị mà chúng ta nhìn thấy ở hiện tại.

Tiết kiệm vài năm có thể để dành được một lượng tài sản nho nhỏ, nhưng khi chúng ta bất ngờ gặp được một phi vụ làm ăn nhỏ nào đó, có thể khiến ta kiếm được số tiền gấp 2-3 lần, vừa hay nó chỉ cần một khoản tiền nho nhỏ để bắt đầu. Đến lúc đó, nếu có khoản tiền tích luỹ này, rất có khả năng chúng ta sẽ thay đổi được vận mệnh của chính mình.

Hãy nhớ rằng, mặc dù khoản tích luỹ nho nhỏ hàng tháng của chúng ta không thể khởi động một dự án lớn, nhưng dự án nhỏ có thể tăng gấp 2-3 lần thu nhập của chúng ta thì hoàn toàn có thể xảy ra. Cơ hội thay đổi vận mệnh trong cuộc đời không phải vô tận, nếu ta bỏ lỡ một cơ hội đổi đời quan trọng chỉ vì một chút sơ sảy ban đầu, vậy thì sự đau khổ do hàng đêm mất ăn mất ngủ vì hối hận sẽ vĩnh viễn vượt qua cảm giác vui vẻ sung sướng khi mua được một chiếc điện thoại mới.

Quan trọng hơn nữa đó là, khi đối mặt với hiệu ứng Matthew, chúng ta phải học cách chuyển hướng đường đua. Đúng vậy, cho dù người nghèo có tiết kiệm đến thế nào thì cũng chẳng tích luỹ được bao nhiêu. Không sao cả, mặc dù đang ở trong tình trạng bất lợi như vậy nhưng vẫn có một cách khác giúp chúng ta tận dụng những hiệu ứng tích cực của hiệu ứng Matthew. Đó là, hãy chuyển hướng từ đường đua tài sản sang đường đua tri thức, kỹ năng. Xem hình minh hoạ bên dưới.

Của cải và tri thức có thể hoán đổi cho nhau nhưng hiệu quả hoán đổi lại có cách biệt cực kỳ to lớn. Tri thức, kỹ năng rất dễ chuyển hoá thành của cải, còn của cải lại khó mà chuyển hoá thành tri thức, kỹ năng – đây chính là cơ hội để người nghèo thay đổi số phận.

Chú ý rằng, mức độ mạnh yếu của hiệu ứng Matthew trong 2 lĩnh vực tri thức và của cải là khác nhau. Ví dụ: Một người sinh ra đã nghèo trong lĩnh vực của cải nhưng trong lĩnh vực tri thức kỹ năng anh ta lại có thể trở thành người được hưởng lợi, vì người sinh ra đã sẵn giàu thường có xu hướng hưởng thụ!

Chúng ta có thể lý giải theo cách này. Nguồn cung quan trọng của tri thức kỹ năng là sách, một người bình thường sẽ có thu nhập khoảng 10triệu/tháng, anh ta có thể dành ra 500.000/tháng để mua sách (sẽ được khoảng 3 cuốn). Còn một người giàu có mỗi tháng thu nhập 200triệu/tháng, anh ta có thể bỏ ra 5triệu/tháng để mua 30 cuốn sách sao? Cho dù mua cũng không đọc hết được. Đương nhiên ở đây đang đề cập đến những cuốn sách không mang tính giải trí.

Cho nên, sự tích luỹ tri thức và kỹ năng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi của cải vật chất. Đợi đến khi tích luỹ đủ tri thức và kỹ năng, chúng ta có thể chuyển hoá chúng thành của cải vật chất. Bằng cách này, ta có thể gia tăng tốc độ phát triển của hiệu ứng Matthew dựa trên phương thức chuyển đổi đường đua.

Điều này có nghĩa là, khi ban đầu không có nhiều tài sản, chúng ta cần phải tìm cách biến tài sản ít ỏi thành tri thức và kỹ năng hữu ích, sau đó tích luỹ theo hiệu ứng Matthew trong lĩnh vực tri thức, kỹ năng để gia tăng tốc độ phát triển. Sau khi tích luỹ đủ tri thức và kỹ năng chúng ta tiến vào khu vực có ưu thế, chúng ta mới có thể chuyển hoá thành tài sản.

“Ai có sẽ được cho thêm, còn ai không có sẽ bị lấy đi cả cái đã có!” – Kinh Thánh

Nguồn: Make Better team tổng hợp