Just do it! - Cứ làm đi!

Just do it! - Cứ làm đi!
Photo by Brett Jordan / Unsplash

Vào những năm 1960-1970, Adidas là một hãng thống trị ngành may mặc thể thao thế giới lúc bấy giờ. Thời điểm đó, Adidas hầu như không có đối thủ đáng gờm trực tiếp nào.

Nhưng rồi một ngày, có một nhóm các chàng trai trẻ đã quyết định thành lập một công ty có thể sánh ngang với gã khổng lồ Adidas. "Vạn sự khởi đầu nan!" , những chàng trai này cũng không phải là ngoại lệ khi họ có một khởi đầu không hề dễ dàng. Ban đầu họ kiếm tìm sự ủng hộ của gia đình và bạn bè cho ý tưởng của họ. Nhưng thay vì nhận được sự ủng hộ và khích lệ, họ đã bị chính gia đình, người thân và bạn bè của mình phản đối về ý tưởng này. Gia đình và bạn bè muốn ngăn cản các chàng trai. Khi không căn ngăn được, họ quay sang cười nhạo và chỉ trích sự phiêu lưu của các chàng trai trẻ.

Các chàng trai trẻ ngồi lại cùng nhau và nghĩ cách làm thế nào để thuyết phục gia đình và bạn bè mình. Họ suy nghĩ rất lâu nhưng cũng chẳng tìm ra được một giải pháp nào. Cuối cùng, một người trong số họ cất tiếng: "Mặc kệ những người khác nói gì, ta cứ làm đi!". Tất cả các chàng trai đều nhận thấy đây là giải pháp duy nhất. Không nghe quá nhiều những gì mà người khác nói, cứ làm đi. Không nghĩ quá nhiều, cứ làm đi. Họ trở nên rất hào hứng với 3 từ này đến nỗi dùng chúng làm luôn khẩu hiệu cho công ty mới thành lập. Và để luôn nhìn thấy khẩu hiệu đó, họ cho in trên những chiếc áo phông đồng phục dòng chữ "Just do it!".

Kể từ đó, việc mặc những chiếc áo phông in dòng chữ này khi làm việc đã trở thành thói quen của họ. Bằng cách này, họ luôn được nhắc nhở rằng cần phải hành động thay vì quan tâm đến những ý kiến phản đối của người khác.

Đến đây chắc chúng ta cũng có thể đoán được công ty đó là công ty nào rồi. Chỉ trong vòng vài năm, Nike đã vượt mặt Adidas trở thành nhà sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới.


Chúng ta thường hay nói về những ước mơ của mình. Quá nhiều người biết cách làm nhưng lại không làm. Tại sao vậy?

01 - Chúng ta có trì hoãn hành động vì sợ mắc sai lầm không? Chúng ta sợ thất bại?

02 - Có điều gì mà ta chưa làm ngay vì ta đang bao biện bây giờ chưa phải là lúc thích hợp để hành động không?

03 - Ta có cảm thấy trước hết cần phải có sự chuẩn bị nữa không? Cần thêm kiến thức? Thêm kinh nghiệm? Cần thêm nền tảng tốt hơn?

04 - Ta có nghĩ rằng một cơ hội tốt chỉ xảy đến một lần và vì vậy ta không dám sử dụng nó quá sớm bởi vì ta vẫn chưa có được sự chuẩn bị hoàn hảo cho nó?

05 - Ta có nghĩ rằng trước hết cần phải thay đổi một vài hoàn cảnh không?

Ta có thấy rằng tất cả những câu hỏi trên chỉ là sự bao biện cho việc không hành động không?

Rất nhiều thứ sẽ đâu vào đấy chỉ cần chúng ta bắt đầu và tích cực làm việc. Không có cách làm nào là hoàn hảo. Một con người cũng khó có thể tạo ra được sự hoàn hảo. Vì thế mà không có thời điểm hoàn hảo. Cũng chính vì lẽ đó mà ta thường nghe những người thành công nói rằng: "Làm ngay hay hơn làm đúng". Mọi điều lớn lao đều bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Mọi thứ đều được xây dựng trên những sai lầm mà chúng ta mắc phải ban đầu. Và sai lầm là nền tảng cho thành công.

Vì vậy phương châm của chúng ta nên là: bắt đầu không hoàn hảo tốt hơn là do dự tìm kiếm sự hoàn hảo để bắt đầu. Chúng ta sẽ không bao giờ đủ sẵn sàng cho những nhiệm vụ thực sự lớn. Chỉ khi xắn tay vào làm chúng ta mới học được điều gì là cần thiết. "Sự chuẩn bị" tốt nhất là bắt tay vào hành động.

Một cái cày hoen gỉ được đặt cạnh một cái cày sáng loáng trong nhà kho. Cái cày hoen gỉ nhìn anh bạn hàng xóm đẹp đẽ của mình với ánh mắt đầy ghen tỵ và hỏi: "Tại sao trông anh đẹp thế trong khi tôi cũng như anh mà lại tàn tạ thế này?". Chiếc cày đẹp đẽ liền trả lời: "Vẻ đẹp lộng lẫy của tôi là do lao động mà có đấy thôi".

Ngày nay, chúng ta vẫn được nghe rất nhiều người kêu gào đòi hỏi công bằng xã hội. Rất nhiều lời than vãn yêu cầu bình đẳng hơn. Tuy nhiên, chỉ có một công thức duy nhất: muốn nhận được như những gì người khác nhận được thì ta phải làm ít nhất là bằng người khác. Bất kỳ cách nào khác đều không phải là công bằng mà chỉ là chủ nghĩa quân bình, thứ chủ nghĩa khiến con người trở nên lười biếng và đùn đẩy trách nhiệm.

Bất cứ ở đâu chủ nghĩa quân bình được áp dụng, sự tiến bộ và sức sáng tạo sẽ biến mất.

Mọi điều chúng ta đã nói về việc "hãy hành động" sẽ không mang lại kết quả mong muốn nếu ta chỉ hô khẩu hiệu. Vì vậy, hãy thực hành những quy tắc đơn lẻ hàng ngày cho đến khi chúng ta thấm được chúng. Thực hành tốt hơn nhiều so với việc ta chỉ nghĩ về chúng. Hãy hành động. Hãy nhớ rằng trên thế giới này đã quá nhiều người nói hay rồi.

Bên cạnh đó, tự kiểm soát bản thân cũng là việc quan trọng mà ta cần ưu tiên. Ghi chép lại các hoạt động hàng ngày. Lập ra thời gian biểu để tự kiểm soát bản thân. Với mọi hoạt động quan trọng hàng ngày, hãy chắc chắn có một ô trống nhỏ bên cạnh để có thể ghi số lần mà ta đã thực hiện chúng. Ta cũng cần một ô trống để ghi kết quả. Đó nên là những ô nhỏ ghi vừa một con số và không có chỗ để ghi lý do.

Ta chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất để đo lường mức độ nghiêm túc của mình. Đó chính là số lượng các hoạt động mà ta đã làm. Nếu nhận thấy mình chưa thực sự cố gắng, hãy ngồi xuống và ngẫm nghĩ các lý do của mình. Hãy tự hỏi tại sao ta muốn giành được một điều gì đó. Hãy dành thời gian để trả lời câu hỏi này, bởi thứ thôi thúc ta phải hành động không nằm ở hiểu biết về cách làm mà chính là nhận thức về lý do khiến ta phải làm. Khi người ta đã biết đích xác vì sao muốn làm thì người ta sẽ luôn tìm ra cách để làm.

Hãy nhìn vào các lý do của ta mỗi ngày. Hãy viết ra các mục tiêu của mình ra một cuốn sổ và thường xuyên mở ra xem và trong khi xem, hãy tự hỏi mình một cách thẳng thắn và chân thành: "Tại sao mình phải đạt được những mục tiêu này?"

Hãy tìm kiếm động lực, khám phá ra điều thôi thúc ta mỗi ngày và chủ động áp dụng chúng.


Enrico Caruso đã từng mơ ước được hát ở nhà hát opera nổi tiếng Scala, Milan, Ý. Nhưng có thời gian ông đã "tạm thời" chôn vùi giấc mơ đó và làm việc cho một công ty biểu diễn opera lưu động. Một ngày nọ, bạn của ông bắt gặp ông ở Sicily. Caruso đã kể cho bạn mình nghe về công việc hiện tại. Nghe xong, người bạn hỏi ông: "Cậu đang làm gì ở đây vậy?". Hơi ngạc nhiên, Caruso trả lời: "Thì tôi vừa nói với anh đấy thôi!". Cậu không hiểu rồi, tớ muốn biết là cậu thực sự đang làm gì ở đây để đạt được ước mơ của mình. Tớ muốn cậu đã làm được gì với cơ hội của mình?"

Caruso hiểu ra, và câu trả lời là: Không gì cả! Caruso đã thôi ước mơ, đã thoả hiệp và từ bỏ những mục tiêu trước đây. Ông đã đắm chìm vào những thứ tầm thường. Ông đã không còn tôn trọng chính mình nữa. Thất vọng, Caruso đã uống rất nhiều rượu. Thế nên khi đến lượt mình diễn, ông đã say mèm. Ở trên sân khấu, ông dẫm vào đuôi váy của bạn diễn khiến chiếc váy tuột khỏi người cô. Tiếp đó là sự hỗn loạn. Sân khấu opera bỗng chốc trở thành sân khấu hài kịch.

Caruso bị đuổi việc. Họ chỉ cần ông diễn nốt một màn của vở kịch trước khi nghỉ việc. Ông lại rơi vào đau khổ vì sốc nhưng dù sao vẫn diễn hết sức mình. Dù sao thì ông cũng sẽ bị đá khỏi công ty nên bấy giờ ông có thể hát thoải mái. Ông hát như chưa bao giờ được hát. Hát như thể ông đang diễn ở nhà hát Scala, Milan vậy.

Giọng hát của ông khiến khán giả nổi da gà. Các nhà bình luận có mặt ở đó đều cảm thấy phấn khích. Mọi người đều bày tỏ rằng họ chưa bao giờ nghe ai hát hay đến như vậy. Người đứng đầu gánh hát lập tức muốn Caruso quay lại làm việc.

Nhưng Caruso muốn tận dụng cơ hội tốt này và thẳng tiến đến Milan. Ông chăm chỉ tập luyện mỗi ngày. Một ngày chưa thể kết thúc khi ông chưa làm hết sức mình. Rất nhanh sau đó, ông trở thành một ngôi sao tầm thế giới.


Bất cứ thứ gì giá trị đối với thế giới này đều được khai mở và tạo ra bởi những con người đã hành động. Just do it! – Cứ làm đi!

Nguồn: Tổng hợp từ sách

Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!