Khi bạn ngừng quan tâm, kết quả sẽ đến

Khi bạn ngừng quan tâm, kết quả sẽ đến
Photo by Kelly Sikkema / Unsplash

Xưa, có một nhà văn chuyên viết những bài luận kích thích tư duy về nhiều chủ đề khác nhau. Nhờ làm việc chăm chỉ và khả năng sáng tạo dường như vô tận, cô đã xuất bản được nhiều tác phẩm thu hút độc giả của mình.

Tuy nhiên, một ngày nọ, cô thấy mình sa sút khả năng sáng tạo, không thể tìm thấy bất kỳ nguồn cảm hứng nào cho nỗ lực viết lách tiếp theo của mình; cô ấy đã suy ngẫm về các chủ đề khác nhau, nhưng dường như không có chủ đề nào gây được tiếng vang. Cô lùng sục các giá sách và tìm kiếm trên mạng nhưng không có kết quả.

Cảm giác hoảng sợ len lỏi vào tâm trí cô, vì cô sợ mình đã cạn kiệt ý tưởng hay là nạn nhân của chứng “táo bón con chữ”. Tuy nhiên, sau khi hít một hơi thật sâu, cô đã đưa ra lựa chọn tỉnh táo là tạm gác nó lại một thời gian và chuyển sự chú ý của mình sang những mục tiêu khác.

Thật kỳ lạ, khi đang đi dạo trong một khu rừng yên ả mà không hề có ý định nghĩ ra một chủ đề nào đó (hoặc thậm chí là nghĩ về khát vọng viết lách của mình), một ý tưởng bất ngờ nảy ra trong đầu. Và cô chợt nhận ra rằng, khi cô ngừng cố gắng quá mức, điều cô đang tìm kiếm đã xuất hiện một cách dễ dàng.

Nhà văn này đã trải qua một nghịch lý kỳ lạ. Cô muốn làm việc hiệu quả, nhưng càng cố gắng thì cô lại càng không làm được. Chỉ khi cô ấy ngừng quan tâm và trút bỏ áp lực khổng lồ của việc cần phải làm việc hiệu quả khỏi đôi vai thì cô ấy mới có thể viết trở lại. Vì vậy, phấn đấu, nỗ lực không phải lúc nào cũng đạt được điều mình mong muốn. Hơn nữa, những điều này có thể còn chống lại chúng ta.

Vấn đề đang xảy ra với cô là gì?

Tác giả Aldous Huxley lần đầu tiên mô tả 'Luật hiệu ứng ngược', rằng: “Chúng ta càng cố gắng bằng ý chí có ý thức để làm điều gì đó thì chúng ta càng ít thành công”. Vậy, có thực là khi chúng ta ngừng cố gắng thành công một cách có ý thức, chúng ta sẽ tăng cơ hội thành công? Liệu kết quả có đến khi chúng ta ngừng quan tâm? Bài viết này khám phá ‘Quy luật hiệu ứng ngược’, còn được gọi là ‘Quy luật nỗ lực đảo ngược’.

Xưa kia ở Trung Quốc cổ đại, một thương gia đã gặp một nhà hiền triết mà ông nghe nói là một trong những người khôn ngoan nhất còn sống. Người thương gia cố gắng gây ấn tượng với nhà hiền triết bằng cách cho ông biết ông đã kiếm được bao nhiêu tiền trong giao dịch buôn bán mới nhất.

Nhà hiền triết gật đầu nhưng có vẻ không mấy ấn tượng. Sau đó, anh ta mời nhà hiền triết đến thăm để xem ngôi nhà khổng lồ của mình và tất cả sự giàu có mà anh ta đã tích lũy được trong nhiều năm. Nhưng nhà hiền triết vẫn không ấn tượng. Thay vào đó, ông hỏi người thương gia tại sao lại muốn gây ấn tượng với ông bằng cách khoe sự giàu có của mình.

Vì người lái buôn không hiểu câu hỏi, nhà hiền triết nhắc anh ta về lời của Lão Tử rằng: “Những người cố gắng vượt trội hơn người khác sẽ làm mờ đi ánh sáng của chính mình. Những người tự cho mình là đúng không thể biết mình sai lầm đến mức nào. Những người khoe khoang về thành tích của mình sẽ làm giảm bớt ý nghĩa của những việc họ đã làm.”

Chúng ta đã được dạy rằng thành tựu đòi hỏi nỗ lực. Nhưng, với nhiều thứ trong cuộc sống, ‘nỗ lực’ cũng có thể phản tác dụng. Về phần người thương gia, anh ta muốn nhận được sự chấp thuận của nhà hiền triết, nhưng càng cố gắng thì càng không gây được ấn tượng với ông.

Nhà hiền triết nhắc nhở chúng ta rằng, càng tỏ ra hơn người thì chúng ta càng kém tỏa sáng. Nếu chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu như vậy, tại sao chúng ta phải liên tục nhắc nhở người khác? Mọi người ngày càng nghi ngờ những cá nhân cần đi khoe khoang, ba hoa và thu hút sự chú ý nhiều nhất có thể.

Họ đang cố gắng chứng minh điều gì? Họ đang bù đắp cho điều gì không? Có vẻ như họ cần thuyết phục thế giới về giá trị của mình. Nghịch lý thay, điều đó cho thấy, chúng ta càng cảm thấy cần phải thuyết phục thế giới rằng chúng ta có giá trị như thế nào thì chúng ta lại càng tin rằng thế giới đang nghĩ chúng ta có ít giá trị hơn.

Nếu người thương gia không háo hức gây ấn tượng, anh ta có thể để thành tích của mình tự nói lên khi thời điểm phù hợp xuất hiện. Điều này sẽ gây ấn tượng với nhà hiền triết nhiều hơn, không chỉ vì bản thân thành tích mà còn vì anh ta không cần phải khoe khoang về chúng. Nó nói lên điều gì đó về tính cách của người thương gia: rằng anh ta khiêm tốn và tự tin vào bản thân mình, đồng thời cũng tách biệt, ở một mức độ nhất định, khỏi những thứ bên ngoài như của cải và địa vị.

Vì vậy, Luật Hiệu ứng Ngược lại xuất hiện: anh ta phá hoại kết quả mong muốn của mình bằng cách quan tâm quá nhiều đến ý kiến của nhà hiền triết. Liên quan đến sức khỏe tâm lý của chúng ta, Luật Hiệu ứng Ngược dường như cũng đang phát huy tác dụng, khi chúng ta trải nghiệm rằng bằng cách cố gắng kiểm soát trạng thái tinh thần của mình, chúng ta hầu như chỉ cản đường mình.

Trong blog của mình, The Runaway Mind, Giáo sư David Clark chia sẻ, quá nhiều nỗ lực sẽ gây ra khó khăn như thế nào trong việc vượt qua cảm xúc đau khổ. Ông hỏi người đọc liệu chúng ta có từng “nghẹt thở dưới áp lực” chẳng hạn như trong một cuộc đua, kỳ thi hoặc phỏng vấn xin việc hay không.

Ông nói: “Bạn có thể đã dành một thời gian dài để chuẩn bị cho thời điểm này. Bạn đã nhiều lần nhắc nhở bản thân rằng mình phải cố gắng hết sức. Bạn có thể cảm thấy áp lực nặng nề; tất cả sự chú ý và năng lượng của bạn đều được dồn vào màn trình diễn của mình. Với nỗ lực và quyết tâm cao độ, bạn đã bước về phía trước nhưng rồi tai họa ập đến. Bạn đã thổi bay cơ hội của mình! Bạn đã phạm sai lầm và trải qua một trong những khoảnh khắc đáng xấu hổ nhất trong cuộc đời”.

Theo Clark, cái gọi là 'Nghịch lý kiểm soát tinh thần' này cũng xảy ra khi cố gắng vượt qua nỗi đau tinh thần. Chẳng hạn, việc cố gắng quá mức để ngừng suy nghĩ tiêu cực thường gây phản tác dụng, chỉ làm tăng thêm sự tiêu cực của chúng ta. Khi trở thành nạn nhân của Nghịch lý kiểm soát tinh thần, chúng ta nhận thấy rằng càng cố gắng kiểm soát suy nghĩ của mình thì chúng ta càng ít thành công trong việc đó, điều này trùng hợp với Luật hiệu ứng ngược.

Vì vậy, khi nói đến việc kiểm soát tinh thần, chúng ta có thể nói: “những gì bạn chống lại vẫn sẽ tồn tại”. Chỉ khi chúng ta ngừng cố gắng, ngừng quan tâm đến sự hiện diện của ý nghĩ về con voi màu hồng trong tâm trí mình thì cuối cùng nó mới biến mất.

Julia Cameron đã viết trong cuốn sách “The Artist’s Way (tạm dịch: Con đường của nghệ sĩ)” rằng: “Chúng ta thường xuyên cố gắng thúc đẩy, kéo, phác thảo và kiểm soát các ý tưởng của mình thay vì để chúng phát triển một cách tự nhiên. Quá trình sáng tạo là một quá trình thả lỏng chứ không phải kiểm soát. Bí ẩn là trung tâm của sự sáng tạo. Điều đó và sự ngạc nhiên”.

Chúng ta thường cảm thấy khả năng sáng tạo của mình nảy nở khi chúng ta không yêu cầu điều đó, chẳng hạn như trong khoảnh khắc thư giãn khi tắm, khi đi dạo trong rừng và ngay trước khi đi ngủ. Trong những khoảnh khắc mà chúng ta không còn quan tâm đến nó nữa, ý tưởng mà chúng ta đang tìm kiếm sẽ xuất hiện một cách ngẫu nhiên.

Các Đạo gia thời xưa thấy rằng khi chúng ta quá bận tâm đến kết quả, chúng ta có khả năng phá hoại hiệu suất của mình. Câu chuyện kinh điển trong Đạo giáo của Trang Tử về sự lo lắng, một cung thủ đã bắn hoàn hảo trong khi luyện tập nhưng không thể thực hiện khi tranh giải trong một cuộc thi cho thấy việc quan tâm quá nhiều đến kết quả sẽ chống lại chúng ta như thế nào.

Khi quan tâm quá nhiều đến kết quả, dù chúng ta đang làm gì, chúng ta cũng cảm thấy căng thẳng. Khi căng thẳng, dù nhiệm vụ chúng ta có khả năng hoàn thành xuất sắc, nhưng cảm giác ta đang ở trong tình huống cấp bách xuất hiện. Tâm trí của chúng ta bận rộn với tương lai và thậm chí có thể đắm chìm trong quá khứ, chẳng hạn như suy ngẫm về những sai lầm trong quá khứ. Chúng ta không có mặt ở hiện tại.

Chúng ta có thể tin rằng càng lo lắng về nhiệm vụ và kết quả của nó thì chúng ta càng có nhiều quyền kiểm soát và càng có nhiều cơ hội thành công. Nhưng điều ngược lại mới là đúng: chúng ta càng lo lắng, càng cố gắng kiểm soát thì hiệu suất của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.Đây là lúc Luật hiệu ứng ngược lại phát huy tác dụng: chúng ta càng quan tâm đến việc đạt được thành công thì nó càng lảng tránh chúng ta. Khi quan tâm quá nhiều đến kết quả, chúng ta có thể sẽ thúc đẩy bản thân theo những cách mà cuối cùng sẽ cản trở sự tiến bộ của chúng ta.

Vận động viên Christopher Bergland giải thích trên tờ ‘Psychology Today’ (Tâm lý học ngày nay) rằng: Trạng thái hiệu suất tối ưu, còn được gọi là “the zone”, xuất hiện một cách nghịch lý như thế nào khi chúng ta không nỗ lực đạt được nó.

Anh nói: “Tư duy ‘hành động không cần nỗ lực’ (còn được gọi là ‘Vô vi’) sẽ làm tăng cơ hội cho vận động viên đạt được trạng thái hiệu suất tối ưu, thi đấu dễ dàng và giành chiến thắng. Nghịch lý của vô vi là phấn đấu ít hơn, không cố gắng để giành chiến thắng bằng mọi giá, thường tạo ra nhiều thành công hơn”.

Khi xem xét trạng thái tinh thần của hành động không cần nỗ lực, hay trạng thái hiệu suất tối ưu, chúng ta phát hiện ra rằng trạng thái hiện hữu này (hay trạng thái hành động mà không quan tâm đến vấn đề gì khác) được đặc trưng là vắng những suy nghĩ lan man về quá khứ và tương lai.

Mặc dù 'vô vi' rất có thể sẽ dẫn tới “thứ gì đó” mà chúng ta gọi là kết quả, nhưng những kết quả này không phải là trọng tâm. Kết quả mong đợi có thể ở trong tâm trí chúng ta nhưng sự chú ý của chúng ta lại tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Nhiệm vụ thậm chí không còn là nhiệm vụ nữa, như thể nghệ sĩ piano và tác phẩm âm nhạc là một, nhà văn và cuốn tiểu thuyết là một và cầu thủ bóng đá và trận đấu là một.

Khi không còn lo lắng về những thành tựu trong tương lai hay suy ngẫm về những thất bại trong quá khứ, thì hiệu suất làm việc của một người sẽ không bị ảnh hưởng mà dường như còn được nâng cao.

Do đó, chúng ta có thể nói rằng một khi chúng ta ngừng quan tâm, kết quả sẽ đến, những trở ngại về tinh thần và thể chất mà chúng ta tự đặt ra cho bản thân sẽ biến mất; chúng không cản trở hành động cần thiết của chúng ta ở hiện tại.

Nguồn: EINZELGANGER - MakeBetter lược dịch