Làm sao để chọn đúng hướng?

La bàn, người khởi nghiệp cần có
Photo by Jamie Street / Unsplash

01 - CHỌN HƯỚNG KHỞI NGHIỆP LÀ QUAN TRỌNG NHẤT

Có chọn đúng mới có thể làm nên sự nghiệp. Trai sợ nhất vào nhầm nghề, gái sợ nhất lấy nhầm chồng, một khi chọn nhầm ngành nghề và thị trường, bất kể nỗ lực bao nhiêu, kết quả đều vô ích.

Hướng khởi nghiệp chính xác khiến bạn làm chơi ăn thật

Nếu làm đúng việc vào đúng lúc, có muốn không thành công cũng khó, ngược lại nếu vào thời điểm không thích hợp, sai địa điểm và sai đối thủ mà đánh một trận sai lầm, kết quả như thế nào không cần nói cũng biết.

Phải bắt tay khởi sự ngay từ thị trường béo bở nhất, đây chính là điều Lôi Quân ông chủ của Xiaomi đã tổng kết. Khi cơ hội lập nghiệp đến, chỉ cần bạn đã ở đúng chỗ, thì sóng tự nhiên sẽ đẩy bạn lên đỉnh cao, cho nên cách làm thông minh nhất là thuận theo thế của thời cuộc mà làm.

💡
Chọn đúng hướng khởi nghiệp là có được trên 50% thành công, phương hướng chính xác khiến bạn làm chơi ăn thật, phương hướng sai khiến bạn làm thật mà ăn chơi. Nếu phương hướng sai thì khi thực hiện bỏ sức càng nhiều thì sai lầm càng lớn, thất bại sẽ càng thảm hại.

Sai lầm thường gặp nhất khi khởi nghiệp là “biết gì làm nấy”, phát huy sở trường tránh sở đoản tất nhiên là đúng, nhưng khi chọn hướng khởi nghiệp, phải suy xét tổng hợp ba nhân tố chính gồm: nhu cầu của người dùng, sở trường và sở thích của bản thân.

(1) Đầu tiên phải nghĩ đến sở thích cá nhân, niềm hứng thú, đam mê là bậc thầy tốt nhất. Bắt một thanh niên yêu thích văn học đi học vật lý chắc chắn anh ta không thể học tốt được, ngược lại, nếu bạn chọn việc mà bạn thích để khởi nghiệp, bạn sẽ phát huy được sức sống và khả năng sáng tạo vô hạn.

(2) Kế đó phải xem xét sở trường của bản thân, phát huy sở trường của mình ở mức cao nhất có thể giúp bạn thu được một số ưu thế trong cạnh tranh.

(3) Cuối cùng phải suy xét đến nhu cầu của người dùng, nếu không nắm được, chắc chắn không có thị trường, đương nhiên cũng không thể có công ty thành công.

Khởi nghiệp cần phải thuận theo thời mà làm, trong ba yếu tố trên tìm ra một điểm cân bằng, người may mắn có thể có cùng lúc ba nhân tố trên, tuy nhiên đa số thì chỉ có hai trong ba nhân tố.

02 - XÁC ĐỊNH NHU CẦU THỰC SỰ CỦA KHÁCH HÀNG

Phải nắm chắc nhu cầu lớn nhất của khách hàng, giải quyết nhu cầu của họ. Nhu cầu quyết định đến sự lớn nhỏ của thị trường, nhu cầu càng lớn thị trường sẽ càng lớn.

Khởi nghiệp xung quanh nhu cầu của khách hàng

Nhu cầu là thứ mà người dùng sẵn sàng trả một giá nhất định để mua. Nắm chắc nhu cầu của khách hàng, là phải hiểu rõ người nào trong tình huống nào cần dùng sản phẩm nào. Sản phẩm là đạo, kinh doanh là thuật.

Khi rối trí với việc quảng bá sản phẩm ra thị trường, chi bằng hãy ngồi lại bình tĩnh xem xét cẩn trọng sản phẩm của mình sau đó trả lời câu hỏi:

(1) Khách hàng là ai?

(2) Họ dùng sản phẩm này để giải quyết vấn đề gì?

(3) Vấn đề này quan trọng đến mức nào đối với họ?

(4) Phương pháp của chúng ta có tiện lợi nhất hay không?

(5) Giá họ phải trả có xứng với thứ họ nhận được hay không?

💡
Chúng ta phải biết rõ khách hàng là ai. Nếu khách hàng chỉ là một số ít người có nhu cầu trong một số trường hợp nhất định, thì tốt nhất đừng làm, vì đó chỉ là khái niệm chứ chưa thể xem là thương phẩm. 

Nếu mọi người trong đại đa số tình huống phải có sản phẩm ấy, thì đó là cơ hội khởi nghiệp. Càng nhiều người trong càng nhiều tình huống phải sử dụng sản phẩm của chúng ta, cũng có nghĩa là nhu cầu càng lớn. Nếu bạn tìm được một sản phẩm mà hàng ngày mọi người đều phải dùng, thì bạn chính là Google.

💡
Nếu mọi người trong đại đa số tình huống phải có sản phẩm ấy, thì đó là cơ hội khởi nghiệp.

Không doanh nghiệp nào có thể phục vụ và thỏa mãn nhu cầu của tất cả mọi người. Từ góc độ kinh tế học, bỏ qua một bộ phận khách hàng thường là lựa chọn kinh tế nhất. Để thỏa mãn 20% khách hàng, thường phải tăng thêm 80% giá thành, chi bằng bỏ qua một cách có chọn lọc những khách hàng này. Ví dụ, một trang web nổi tiếng đã mua một đài truyền hình. Như vậy chi phí vận hành và tinh thần sức lực mà công ty web ấy phải bỏ ra để vận hành đài truyền hình này chắc chắn sẽ vượt xa khoản lợi nhuận mà nó có thể đem lại, rõ ràng chỉ vì cái danh nổi tiếng mà cái giá công ty ấy phải bỏ ra có khi là sự thua lỗ của cả công ty.

💡
Cần chọn lọc khách hàng. Để thỏa mãn 20% khách hàng, thường phải tăng thêm 80% giá thành, chi bằng bỏ qua một cách có chọn lọc những khách hàng này.

Phân biệt rõ nhu cầu thật và nhu cầu giả

Nhu cầu của khách hàng chia thành nhu cầu thật (needs) và nhu cầu giả (wants). Nếu hỏi khách hàng thích kim cương không, ai cũng trả lời “thích”, hỏi khách hàng cần kim cương không, ai cũng đáp “cần”, hỏi khách hàng có dùng tiền để mua kim cương không, nhiều khách hàng đáp “sẽ”, nhưng khi mời khách hàng lập tức móc tiền ra mua, thì e là chẳng mấy ai, trả lời câu hỏi và móc tiền ra là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Cần và mua là hai chuyện khác nhau, một số nhu cầu thực ra không tồn tại. Với những khách hàng có sản phẩm của bạn cũng được, mà không có cũng chẳng sao thì họ sẽ không muốn trả giá cho nhu cầu của họ. Những nhu cầu ấy có thể được thay thế, và đều thuộc những nhu cầu thêm hương, thêm hoa cho cuộc sống của họ.

Không ít doanh nghiệp đã hao tổn nhân lực, vật lực, tài lực chỉ vì kiểu nhu cầu giả này, cuối cùng thất bại. Những nhu cầu mà không thể đưa vào để sản xuất hàng loạt thì không phải là nhu cầu có giá trị thị trường, đầu tư vào thì phần được chẳng bù nổi phần mất.

💡
Đừng hỏi nhà tư vấn mà hãy hỏi chính mình, đừng hỏi bản thân mà hãy hỏi thị trường, đừng hỏi thị trường mà hãy hỏi khách hàng. Làm sản phẩm bản thân muốn sử dụng, chỉ cần giải quyết được một nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp sẽ sinh tồn và phát triển được.

Người khởi nghiệp thường xem sở thích của bản thân là nhu cầu của khách hàng, xem nhu cầu cá biệt thành nhu cầu phổ biến. Để một cá nhân mua sản phẩm của bạn thì dễ, nhưng làm thế nào để hàng ngàn hàng vạn người xếp hàng mua sản phẩm của bạn? Chất lượng sản phẩm ra sao ai cũng cần, nhưng có người cần sản phẩm của bạn với việc có được thị trường là hai chuyện khác nhau.

Nhu cầu sẽ quyết định đến sự lớn nhỏ của thị trường, nhu cầu càng mạnh thì thị trường càng lớn.

03 - PHẢI NHẮM VÀO THỊ TRƯỜNG BÉO BỞ NHẤT

Chọn hướng khởi nghiệp phải tìm được một điểm cân bằng giữa sở thích, sở trường đặc biệt của cá nhân và nhu cầu thị trường, sau đó chuyên tâm vào điểm này. Người may mắn có thể có cả ba yếu tố đó, nhưng đa số phải bỏ đi một số, "chọn sự nghiệp thì theo cái nghịch, chọn cuộc sống thì theo cái thuận". Ý muốn nói, chọn cuộc sống thì chọn theo sở thích bản thân trước, còn chọn khởi nghiệp thì chọn nhu cầu trị trường trước.

Ao nhỏ chẳng nuôi nên cá lớn

Quy mô thị trường có tính quyết định, nó quyết định đến mức lớn nhất mà bạn có thể đạt đến. Thị trường béo bở nhất chính là thị trường quy mô lớn, tỉ suất lợi nhuận cao, hãy cố gắng hết sức trong khả năng để chọn thị trường béo bở nhất, sau đó hãy dồn sức cho nó. Chiếm 10% thị phần trong một thị trường lớn, có giá trị hơn nhiều so với việc chiếm 50% thị phần trong một thị trường nhỏ, thị trường lớn đồng nghĩa không gian tăng trưởng rộng.

Nếu người khởi nghiệp từ đầu đã chọn thị trường nhỏ, thì dù lăn lộn thế nào đi nữa cũng vô dụng, vì ao nhỏ làm sao nuôi dưỡng nên cá lớn. Người khởi nghiệp nên “nhìn 5 năm, nghĩ 3 năm, rồi thật sự làm tốt trong một vài năm”.

Giới đầu tư mạo hiểm còn có một cách gọi là “công ty không lớn được”. Dạng công ty này ở vào tình trạng rất khó xử, tiền kiếm được ít một hàng năm, chẳng phải đói nhưng cũng chẳng phát triển thêm được. Xuất hiện tình huống này là vì chọn sai thị trường.

Khởi nghiệp, cần phải dốc hết khả năng để chọn làm ở thị trường béo bở nhất, vậy thị trường nào là béo bở nhất?

Đầu tiên phải là thị trường có quy mô lớn, kế đó là thị trường có tỉ suất lợi nhuận cao. Thị trường béo bở nhất cũng là thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất, nhiều khi chúng ta chẳng có cơ hội chen chân vào, thiếu tài nguyên, thiếu năng lực, nhưng chúng ta phải chú ý vào thị trường béo bở nhất, để có thể nắm bắt cơ hội bất cứ lúc nào.

💡
Thị trường béo bở nhất cũng là thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất, nhiều khi chúng ta chẳng có cơ hội chen chân vào, thiếu tài nguyên, thiếu năng lực, nhưng chúng ta phải chú ý vào thị trường béo bở nhất, để có thể nắm bắt cơ hội bất cứ lúc nào.

Nguồn: Tổng hợp từ sách