Làm thế nào để duy trì được sự giàu có?

Làm thế nào để duy trì được sự giàu có?
Photo by Sean Pollock / Unsplash

Ở bài trước, trong câu chuyện của Smith, mọi người trở nên giàu có không phải bằng việc bóc lột những người xung quanh mà bằng cách làm tăng kích thước của toàn bộ chiếc bánh kinh tế. Và khi chiếc bánh to lên, mọi người đều hưởng lợi. Theo như thế, người giàu là những người hữu ích nhất và rộng lượng nhất trong xã hội, vì họ đã quay các bánh xe tăng trưởng phục vụ lợi ích của mọi người.

Tuy nhiên, tất cả điều này còn phụ thuộc vào việc liệu người giàu có sử dụng lợi nhuận của họ để mở nhà máy mới và thuê nhân công mới hay không, thay vì lãng phí chúng vào những hoạt động phi sản xuất. Do đó, Smith nhắc đi nhắc lại câu châm ngôn rằng, “Khi lợi nhuận tăng, người chủ đất hoặc người thợ dệt sẽ thuê thêm người giúp việc”, chứ không phải là, “Khi lợi nhuận tăng, ông già Keo kiệt sẽ cất tiền trong một két sắt, và chỉ lấy ra khi cần đếm chúng”.

Một phần chủ yếu của kinh tế chủ nghĩa tư bản hiện đại là sự xuất hiện của một nguyên tắc đạo đức mới, theo đó lợi nhuận phải được tái đầu tư vào sản xuất. Quá trình này đem lại lợi nhuận mới, thứ mà một lần nữa lại được tái đầu tư vào sản xuất, mang lại lợi nhuận nhiều hơn, và cứ thế... đến vô tận.

Những khoản đầu tư có thể được biểu hiện bằng nhiều cách: mở rộng nhà máy, tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển những sản phẩm mới. Tuy nhiên, tất cả những khoản đầu tư này, theo cách nào đó, phải làm tăng sản lượng và chuyển thành lợi nhuận lớn hơn. Trong tín ngưỡng tư bản mới, điều răn thứ nhất và thiêng liêng nhất là: “Lợi nhuận của sản xuất phải được tái đầu tư vào sự gia tăng sản xuất”.

Điều đó giải thích tại sao lý thuyết kinh tế về tiền bạc được gọi là “chủ nghĩa tư bản”. Chủ nghĩa tư bản phân biệt giữa “tư bản” với “của cải” đơn thuần. Tư bản bao gồm tiền bạc, hàng hoá và những nguồn lực được đầu tư vào sản xuất. Mặt khác, của cải thì được chôn xuống đất, hoặc bị lãng phí vào những hoạt động phi sản xuất. Một vị Pharaoh đổ nhiều nguồn lực vào một kim tự tháp phi sản xuất không phải là một nhà tư bản. Một tên cướp biển đã cướp một hạm đội châu báu của Tây Ban Nha và chôn một thùng đầy tiền vàng lấp lánh trên bãi biển của hòn đảo Caribe nào đó không phải là một nhà tư bản. Nhưng một người thợ máy làm việc chăm chỉ, đầu tư một phần thu nhập của mình vào thị trường chứng khoán, chính là một nhà tư bản.

Quan niệm cho rằng “Lợi nhuận của sản xuất phải được tái đầu tư vào sự gia tăng sản xuất” nghe có vẻ bình thường. Tuy nhiên, trong lịch sử nó lại xa lạ với hầu hết mọi người. Trong thời kỳ tiền hiện đại, ít nhiều người ta đã tin rằng quy mô sản xuất gần như bất biến. Vì vậy, tại sao phải tái đầu tư lợi nhuận của bạn, nếu quy mô sản xuất sẽ không tăng lên nhiều, bất kể bạn có làm gì đi nữa?

Vì vậy, những quý tộc thời trung cổ chỉ biết đi theo những quy chuẩn của sự hào phóng và tiêu dùng xa xỉ. Họ dành lợi tức của mình cho những cuộc cưỡi ngựa đấu thương, yến tiệc, dinh thự và chiến tranh, vào các tổ chức từ thiện và những nhà thờ đồ sộ. Một số ít đã thử tái đầu tư lợi tức bằng việc tăng sản lượng nông nghiệp trên đất của họ, trồng những loại lúa mì tốt hơn, hay tìm kiếm những thị trường mới.

Trong thời kỳ hiện đại, giới quý tộc đã bị thay thế bởi một tầng lớp ưu tú mới, những thành viên của tầng lớp này là tín đồ đích thực của tín ngưỡng tư bản. Tầng lớp ưu tú tư bản mới không bao gồm các công tước và hầu tước, mà gồm những chủ tịch hội đồng quản trị, chuyên gia chứng khoán và các nhà tư bản công nghiệp. Sự giàu có của những nhà tài phiệt này vượt xa các quý tộc thời trung cổ, nhưng họ không mấy chú ý đến chuyện tiêu xài hoang phí, và phần lợi nhuận dành cho những hoạt động phi sản xuất chiếm tỉ lệ nhỏ hơn nhiều.

Các quý tộc thời trung cổ đều vận trang phục sặc sỡ bằng vàng hay bằng lụa, và dành nhiều thời gian để tham dự yến tiệc, lễ hội và những trận cưỡi ngựa đấu thương sôi nổi. Trong khi đó, các quý ông CEO hiện đại, khoác những bộ đồng phục đơn điệu, gọi là com-lê, khiến tất cả họ trông như một đàn quạ, và họ có rất ít thời gian cho các lễ hội.

Một nhà tư bản mạo hiểm điển hình sẽ vội vã lao từ cuộc họp kinh doanh này sang cuộc họp kinh doanh khác, cố gắng tìm ra chỗ để đầu tư vốn của mình, và theo dõi sự lên xuống của những cổ phiếu và trái phiếu mà ông ta sở hữu. Đúng vậy, quần áo của ông ta có thể mang nhãn hiệu Versace, và ông ta có thể đi khắp nơi bằng máy bay riêng, nhưng các chi phí này không đáng là bao so với những gì mà ông ta đầu tư vào sự tăng trưởng kinh tế của con người.

Không chỉ các doanh nhân có thế lực, mặc quần áo đắt tiền hiệu Versace, mới là những nhà đầu tư làm tăng trưởng kinh tế. Người dân bình thường và cơ quan chính phủ cũng có chung suy nghĩ như vậy. Có bao nhiêu cuộc trò chuyện trong bữa tối ở những khu phố bình dân không sớm thì muộn cũng bị sa lầy trong sự tranh luận bất tận về chuyện chẳng biết nên đầu tư tiền tiết kiệm của họ vào thị trường chứng khoán, trái phiếu hay bất động sản?

Các chính phủ cũng cố gắng để đầu tư tiền thuế vào những hoạt động kinh doanh sản xuất sẽ làm gia tăng lợi nhuận trong tương lai – ví dụ, việc xây dựng một bến cảng mới có thể giúp xuất khẩu sản phẩm từ các nhà máy dễ dàng hơn, khiến họ có thể đóng thuế nhiều hơn, vì vậy tiền thu thuế của chính phủ trong tương lai sẽ tăng lên. Một chính phủ khác có thể thích đầu tư vào giáo dục hơn, dựa trên nền tảng là những công dân có học thức sẽ tạo cơ sở cho những ngành công nghiệp mới có kĩ thuật cao và sinh lời lớn, đóng nhiều thuế mà không cần những hải cảng có cơ sở thiết bị đắt tiền.

Nguồn: Tổng hợp từ sách