Lắng nghe trực giác của mình

Lắng nghe trực giác của mình
Photo by Jen Theodore / Unsplash

Một ngày nọ, một người mẹ có con đang học trung học đến văn phòng tư vấn, cô có ý định cho con đi du học từ hơn một năm nay nhưng xem xét kỹ thấy nhiều trường hợp du học thành công, nhưng cũng có nhiều trường hợp thất bại nên đến tận bây giờ vẫn chưa đưa ra được quyết định. Dù có thử nghe lời khuyên của nhiều người thì kết qủa cũng luôn là một nửa khuyên nên cho con đi du học, một nửa can ngăn.

Giả sử như nếu có những bài phân tích dài hàng trăm trang trang giấy viết về chủ đề: "Có nên cho con đi du học khi còn là học sinh trung học hay không?" thì cũng không thể nào đưa ra được kết luận cuối cùng. Cách suy nghĩ và chọn lọc của ta luôn bị giới hạn trong những thông tin mới mà ta chưa từng trải nghiệm. Tư duy và tri thức của ta cũng như vậy, không thể đưa ra được lời giải đáp chính xác cho những quyết định dù là nhỏ nhất. Vậy thì sao có thể đưa ra được đáp án chính xác cho các bậc phụ huynh và học sinh về vấn đề có nên đi du học từ sớm hay không?

Nếu tham khảo những ví dụ về những đứa trẻ thành công hay thất bại từ việc du học từ sớm rồi đánh giá con của mình sẽ rơi vào trường hợp nào trong 2 trường hợp trên thì việc đánh giá vấn đề từ bên ngoài ấy tự thân nó đã nảy sinh vấn đề. Quan trọng là bản thân phụ huynh của đứa trẻ ấy, bởi vì hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau nên không thể dựa vào hoàn cảnh khác nhau mà kết quả giống nhau được. Tất cả chỉ có thể dựa vào trực giác của phụ huynh và đứa trẻ. Đấy chính là lý do mà người mẹ trong một năm dù có miệt mài đi lượm lặt và tiếp nhận thêm thông tin thì vẫn không thể nào đưa ra quyết định cuối cùng.

Thực ra quyết định về những phi vụ làm ăn bạc tỉ của những CEO trong các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là khởi nghiệp thường không phải là dựa vào những lập luận chặt chẽ mà đa phần dựa theo trực giác và cảm tính cá nhân.

Nếu vậy, tư duy và trực giác khác nhau như thế nào? Trước tiên hãy thử xét về tư duy. Loài người tồn tại, tiến hoá và ưu việt hơn các loài khác là nhờ vào tư duy và quan niệm. Mỗi cá nhân bằng tư duy của bản thân mà sáng tạo ra thế giới của riêng mình. Suy nghĩ của con người, kiến thức mà khối óc tiếp nhận chính là sức mạnh tạo nên thế giới.

Thành bại là ở quyết tâm, nguyên tắc ấy chắc hẳn ai cũng thuộc nằm lòng. Thế nhưng nó cũng là cái bẫy. Bản chất thực sự của những suy nghĩ, quan niệm, giá trị quan làm nên thế giới này rốt cuộc là gì? Giả sử tất cả tư duy và giá trị quan đều là từ suối nguồn thông tuệ thì sẽ chẳng có vấn đề gì cả. Nếu như vậy thì có lẽ trên đời này sẽ chẳng có rắc rối nào hết.

Thế nhưng giữa tư duy, quan niệm của chúng ta và bản chất cuộc sống luôn tồn tại khoảng cách. Rất khó có thể tìm được chân lí trí tuệ trong vô vàn những tư duy và giác ngộ. Bản chất của thế gian này khác hẳn với tư duy của ta. Những quan niệm và suy nghĩ mà con người hướng tới thường dễ sa vào "cái tôi" của bản thân. Đấy cũng chính là sự tự cao, tự đại, tự mãn chỉ luôn suy nghĩ "làm thế nào để đem lại lợi ích cho bản thân mình".

Nếu vậy thì chẳng lẽ không được tư duy hay sao? Không một ngôn từ nào có thể biểu hiện trọn vẹn nhưng nếu thử tìm một từ có hàm nghĩa sâu sắc hơn cả tư duy thì có thể gọi đó là cảm nhận, linh cảm hay chính là trực giác. Trực giác và linh cảm lúc nào cũng sâu sắc hơn tư duy. Trái tim lúc nào cũng sâu sắc hơn khối óc. Trực giác xuất phát từ một nơi sâu hơn tư duy. Đôi lúc điều đó giống như âm thanh của những thế lực siêu nhiên ở trong chính ta vậy. Càng là những cá thể nhạy cảm càng có thể nghe được âm thanh ấy thật vẹn toàn.

Đối với rất nhiều người trong chúng ta, những suy nghĩ, ưu phiền hay tham vọng cá nhân luôn luôn được ưu tiên hơn linh cảm, trực giác. Những người ấy luôn coi trọng khối óc hơn là trái tim. Họ có quá nhiều việc phải làm, quá nhiều thứ phải đạt được, và so với việc bình tâm lại để lắng nghe âm vang tiếng gọi của trực giác thì họ luôn muốn sử dụng khối óc để giải quyết mọi việc nhanh chóng và dễ dàng.

Những thứ được tạo nên từ tư duy của con người, cho dù có tinh xảo đến đâu, cho dù có được tạo ra từ những công trình nghiên cứu vĩ đại hay dữ liệu chính xác, thì cũng không thể nào tránh khỏi hạn chế. Suy nghĩ của ta không phải là toàn diện, không thể nào bao hàm được tổng quan vạn vật nên không thể nào phản ánh được toàn vẹn chân lí.

Khi một vấn đề xảy ra, tư duy sẽ giới hạn phạm vi và suy nghĩ theo một khuôn mẫu. Thế nhưng nếu theo như bản chất của vạn vật thì rắc rối không phải chỉ giới hạn ở một cá nhân hay một thời khắc nào hết mà là hệ quả của chuỗi những sự việc liên quan trong vũ trụ này. Chính vì thế nên bất cứ vấn đề gì cũng không bao giờ độc lập với phần còn lại của thế giới. Một vấn đề tưởng chừng vặt vãnh những vẫn thuộc một phần của vũ trụ này. Mọi sự việc trên thế gian này đều có tương quan, tương hỗ, liên kết với nhau như từng mắt lưới trong vũ trụ. Tư duy và khối óc con người liệu có thể thông tỏ được tất cả mọi việc trên thế gian này không? Làm sao bộ óc của con người có thể xử lí được hàng trăm hàng triệu thông tin trong vũ trụ này.

Khi tiến hành một công việc hay đưa ra một quyết định cũng tương tự như vậy. Sự việc đã được an bài lúc nào cũng theo dòng chảy và diễn ra một cách tự nhiên nhất, không gượng ép, không dục vọng, không mục đích. Nếu đang trăn trở việc nên hay không nên làm việc nào đó thì cũng đừng gắng sức lạm dụng thông tin và tri thức để cố đưa ra kết luận (dù có thông tin và tri thức là rất cần thiết). Khi dùng hết khả năng của tư duy và tri thức rồi mà không quyết định được thì hãy thử tạm để tư duy và logic sang một bên mà lắng tai nghe âm thanh của trực giác và linh cảm đang rộn rã trong trái tim mình.

Tất nhiên cũng thật khó để xác định được trực giác có nhạy bén hay chính xác hay không. Trong khi tư duy và óc phán đoán là kết quả của việc tổng hợp vô số những thông tin, lí thuyết, kiến thức thì ngược lại, linh cảm và trực giác dẹp bỏ tư duy sang một bên. Dường như những mẫn cảm xuất hiện đột ngột và lạ lùng nhất khi ta tạm trút nhẹ nỗi lòng.

Chính vì thế, so với việc đau đáu suy nghĩ để tìm câu trả lời thì ngược lại, việc tự nhiên đặt và trả lời một câu hỏi mà không nghĩ ngợi quá lâu thiên về trực giác nhiều hơn. Những câu nói vu vơ không suy nghĩ nhiều khi lại có thể nắm bắt được linh cảm chính xác nhất.

Đôi khi không phải lới nói của chính bản thân mà chỉ đơn thuần chỉ là lời nói của ai đó vô tình ngang qua ta thôi cũng có thể là một gợi ý quan trọng mà trực giác đang mách bảo. Linh cảm nhiều khi có thể là tự ở trong bản thân ta những cũng có thể xuất hiện từ những người khác xung quanh mình.

Giả sử như ta đang tìm kiếm một lời giải cho một nghi vấn nào đó thì đột nhiên đáp án lại xuất hiện tình cờ ở một chương trình truyền hình mà lâu lắm rồi ta cũng chẳng bật tivi lên xem, hay ở trên đúng mặt báo mà ta vô tình giở ra. Hay là khi học một điều gì đó mới mẻ, ta phát hiện ra những nội dung liên quan đến nó mà ngày thường ra chẳng bao giờ màng tới, những điều ấy lạ kỳ thay lại xuất hiện vào những lúc tình cờ nhất. Nhà tâm lí học nổi tiếng Carl Jung gọi điều này là đồng hiện.

Một ngày nọ, khi Jung đang nghe bệnh nhân mà mình phụ trách điều trị kể về giấc mơ có liên quan đến con bọ hung thì đúng lúc ấy một con bọ hung thật từ cửa sổ bay vào. Điều này có thể coi là sự trùng hợp ngẫu nhiên có ý nghĩa nhưng nếu trên góc độ trình tự của vạn vật trong vũ trụ này thì không có gì là ngẫu nhiên cả.

Nhà vật lí học David Pitt đã sử dụng học thuyết đồng hiện của Jung làm đòn bẩy cho việc chứng minh "sự sắp đặt bí ẩn". Những điều hiện lên trước mắt ta không phải là toàn bộ thế giới này. Nếu như có một sự sắp đặt sẵn ẩn sâu trong từng sjw việc thì mọi việc trong vũ trụ bí ẩn này đều có liên quan đến nhau.

Linh cảm và trực giác sinh ra từ chính "sự sắp đặt bí ẩn" của thế giới này. Vậy làm thế nào để nắm bắt được linh cảm và trực giác giữa người với người, người với vật thông qua sự đồng hiện đó? Để có thể đạt được điều này, phải trút bỏ những gánh nặng trong lòng để có thể tiếp nhận được điều huyền bí và vĩ đại của thế giới này.

Ta phải biết cách từ chối để không bị chôn vùi trong cơn bão thông tin và kiến thức của thời đại này. Tạm quên đi thói quen suy nghĩ quá nhiều, có những lúc cần phải gạt bỏ mọi thứ để trong lòng hoàn toàn trống rỗng như hư không. Giữa khoảng hư vô ấy đủ để sự thông tuệ của trực giác phát sáng như ánh mặt trời. Cần phải trút bỏ muộn phiền, mở lòng mà lắng nghe bằng cả trái tim mới có thể nghe được những âm thanh hư không ấy của trực giác. Tạm lắng lại những suy nghĩ hỗn tạp xuất phát từ bản ngã của con người, những dục vọng, hận thù, cố chấp, thiểu não, phù phiếm, hãy thử cho tâm trong sạch. Như vậy ta sẽ nghe thấy được cả những âm thanh của cánh hoa nở, tiếng thì thầm của lá cây, tiếng hương của đoá sen đang ôm ấp.

Từ bây giờ, ta hãy thử bỏ thói quen đi tìm đáp án cho những câu hỏi của chính mình thông qua việc tra tìm thông tin trên internet hay tìm đến thầy bói để nhờ gỡ rối mỗi khi phát sinh vấn đề trong cuộc sống. Hãy trút nhẹ nỗi lòng và tự đặt câu hỏi. Từ những câu hỏi bình thường nhất của nhân gian đến những chân lí của vũ trụ, mọi đáp án đã có sẵn. Dĩ nhiên là đáp án của nó có thể được tìm ra bằng nhiều cách khác nhau. Đáp án có thể tìm thấy từ ngoại cảnh như bài thuyết pháp của sư thầy, từ sách báo, tivi hay từ lời nói ngây ngô của một đứa trẻ theo triết lí đồng hiện, hoặc trong chính bản thân ta do trực giác mách bảo. Thôi cố chấp và giả định không có gì là không thể, ta sẽ chạm được đến chân lí bằng tinh thần lành mạnh và cởi mở của mình.

Đừng đau đáu và giày vò trong suy nghĩ mà hãy lắng nghe âm thanh của trực giác đang đến từ nơi sâu thẳm nhất trong bản thân mình. Xem xét lại từng thói quen của bản thân và cảm nhận bằng nội tâm của mình. Đáp án luôn có sẵn nhưng ẩn sâu trong bản thân mình biết đâu đấy sẽ lập tức loé lên.

Nguồn: Tổng hợp từ sách.