Lợi ích của việc không hài lòng

Lợi ích của việc không hài lòng
Photo by Toa Heftiba / Unsplash

Có một bộ tộc được chia thành hai ngôi làng nằm sát cạnh nhau, sinh sống trên một hòn đảo. Mỗi ngôi làng có một tù trưởng và mỗi tù trưởng nắm giữ một bí mật. Bộ tộc này chỉ thực sự hạnh phúc khi hội tụ cả 2 bí mật. Điều này đảm bảo duy trì sự gắn kết và hoà thuận trong bộ tộc.

Rồi một hôm núi lửa phun trào, mỗi tù trưởng phải di dân trong làng của mình lên một chiếc thuyền và đảm bảo an toàn cho họ. Trong làn khói dày đặc của núi lửa 2 chiếc thuyền dần lạc mất nhau.

Sau khi thiên tai qua đi, giờ đây mỗi làng đã tìm được nơi trú ẩn mới. Mỗi tù trưởng sau đó đã cử không biết bao nhiêu thuyền đi tìm kiếm, nhưng những chiếc thuyền tìm kiếm đó không bao giờ quay trở lại.

Ban đầu vị tù trưởng nghĩ rằng có lẽ những người tìm kiếm đã bỏ mạng trong quá trình tìm kiếm. Nhưng lâu dần họ hiểu ra một điều rằng, có thể những người tìm kiếm đó đã tìm được một hòn đảo xinh đẹp và lập gia đình ở đó.

Những người đi tìm kiếm đã trở thành nạn nhân của sự hài lòng!


Khi chúng ta tìm điểm chung của tất cả những người đã một lần hoặc hơn một lần thành ông chủ và gặt hái được thành công lớn, ta sẽ thấy tất cả đều từng không hài lòng. Họ đã không hài lòng về một vài khía cạnh trong cuộc sống của họ. Họ thất vọng về cách họ sống. Nỗi thất vọng này có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân sau: Không hài lòng với thu nhập, công việc hiện tại, chất lượng cuộc sống, không hạnh phúc, thiếu tôn trọng, thiếu không gian sáng tạo...

Thế nhưng hiện nay rất nhiều người coi sự không hài lòng là một trạng thái không tốt. Khi nuôi dạy một đứa trẻ, chúng ta thường xuyên dạy trẻ phải biết hài lòng với những gì chúng có. Sự hài lòng đại diện cho một thứ gì đó đáng giá và có thể đem lại hạnh phúc cho con người.

Thực ra, chúng ta có thể đang nhầm lẫn giữa sự bằng lòng và lòng biết ơn. Chúng ta nên biết ơn mọi thứ ta có, ngay cả khi ta chỉ có một chiếc ô tô nhỏ, ít ra chúng ta vẫn có nó. Chúng ta nên biết ơn vì có thức ăn, những người ở bên cạnh, biết yêu và được yêu. Bất kể ta có gì trong tay, hãy tỏ lòng biết ơn. Lòng biết ơn hết sức quan trọng, vì khi biết ơn ta luôn cảm thấy được che chở và không còn cảm thấy sợ hãi.

Ngược lại, sự hài lòng rất nguy hiểm. Đừng vội bằng lòng với những gì ta đang có, bằng lòng với việc ta là ai. Đừng nên khom người một chỗ và dừng phát triển. Mọi sinh vật sống đều phải phát triển nếu không nó sẽ chết. Chúng ta chỉ thực sự sống khi luôn học hỏi, phát triển và không ngừng đặt ra mục tiêu mới. Chỉ có như vậy ta mới có giá trị, mới có thể hạnh phúc và chỉ có như vậy ta mới sống một cuộc đời trọn vẹn.

Do đó, đây chính là lợi ích của sự không hài lòng. Ta cũng có thể gọi nó là tham vọng, là khát vọng hoàn thiện bản thân. Nó là một động lực thúc đẩy ta phát triển. Đằng sau bất kỳ người nào gặt hái được thành công lớn, ta đều thấy ở họ sự không hài lòng. Chính vào lúc ta cảm thấy hài lòng, năng suất của ta sẽ giảm xuống và sự tiến bộ cũng sẽ ngưng trệ. Chẳng mấy chốc ta sẽ bị bỏ lại phía sau bởi những người mà họ không hài lòng với những gì họ đang có và họ luôn yêu cầu cao hơn đối với bản thân nên họ sẽ vượt qua những người đã thoả mãn.

Đó là lý do vì sao người Mỹ luôn nói: "Hãy khát khao được tự do". Sự không bằng lòng là chìa khoá để có được tự do. Còn sự bằng lòng sẽ sớm trở thành một nhà tù mà những kẻ lười biếng sẽ thấy ngày càng khó thoát ra.

Vì thế ta đừng bao giờ thoả mãn vời mức độ thành công của mình. Nếu thành công của ta không lớn lên thì nó sẽ teo lại. Không có khoảng ngưng phát triển trong tự nhiên hay trong kinh doanh. Nếu muốn thành công, ta buộc phải phát triển. Khi ấy sự không bằng lòng là động lực thúc đẩy nó. Đó là bản chất của con người. Ngay cả khi chúng ta tin vào quan niệm thông thường rằng sự không bằng lòng chẳng mang lại lợi ích gì, thì thực tế là những người luôn không hài lòng là những người hạnh phúc nhất. Họ luôn muốn hoàn thiện bản thân mình và luôn tìm kiếm sự trọn vẹn và niềm đam mê. Một người không bằng lòng với những gì mình có biết rằng anh ta sẽ không bao giờ chạm tới mục tiêu của mình bởi với anh ta mục tiêu là chặng đường đi chứ không phải là đích đến. Với thái độ sống này anh ta có thể tận hưởng tiến trình cũng như từng khoảnh khắc trên chặng đường của mình và biết ơn điều đó.

Nếu chúng ta muốn mở rộng công ty hãy tìm kiếm những người mong muốn được làm việc với mình. Việc mở rộng quy mô của bất kỳ công ty nào chỉ khả thi khi ta gia tăng sức mạnh bằng cách khiến người khác hào hứng với ý tưởng của mình.

Hãy quan sát những người không bằng lòng với những gì mình có. Nhiều người rất dễ nhận ra nhưng một số khác lại không bộc lộ. Đừng bao giờ làm việc với những cá nhân luôn thấy thoả mãn. Ta sẽ thấy việc di chuyển một tảng đá còn dễ dàng hơn. Cũng đừng cố thay đổi những người này với quan điểm của ta về sự không hài lòng. Hãy chấp nhận rằng ai cũng có tự do ý chí và có quyền tự quyết định.

Hãy tìm kiếm những người không bằng lòng với thu nhập của họ. Không có gì làm người ta dễ thoái chí hơn một thu nhập thấp, vừa đủ. Nhiều người chỉ nhận được mức thu nhập ở mức vừa đủ để không viết đơn xin thôi việc. Ta có thể giúp những người này bằng cách trao cho họ cơ hội.

Một số người tìm ra ngay công việc mà họ hứng thú khi còn trẻ. Nhưng số người đó rất hiếm. Hầu hết mọi người an phận với công việc đầu tiên có được và cứ bám rễ trong lĩnh vực đó nhiều năm liền. Nếu không thích công việc đang làm, tại sao ta cứ bám trụ tại đó? Tại sao rất nhiều người tiếp tục công việc mà họ chẳng thấy hài lòng và đem lại mức thu nhập bèo bọt? Nếu một người phải chi trả các loại hoá đơn, phải lo cho gia đình thì sẽ rất khó để họ từ bỏ công việc của mình cho dù họ ghét cay ghét đắng nó. Vì vậy, hầu hết mọi người sẽ dành 20-30 năm để theo đuổi công việc mà họ không thích. Họ làm như vậy bởi họ không còn lựa chọn nào khác. Nếu ta mang tới cho họ một cơ hội thật sự, ta có thể thuyết phục được những người không hài lòng rằng họ không cần phải làm công việc mà họ thực sự không muốn.

Việc này cũng có thể áp dụng tương tự với những cá nhân không bằng lòng vì họ không còn thử thách để chinh phục. Hãy đưa cho họ thử thách và ta sẽ nhận được kết quả đáng kinh ngạc. Một người lêu lổng, lang thang đây đó không mục đích ngày hôm qua sẽ bất ngờ biến thành một người hăm hở với mục tiêu rõ ràng ngày hôm nay.

Hãy chứng minh cho người khác thấy rằng công việc có thể mang lại hứng thú. Những người khăng khăng rằng sự thoải mái chỉ có thể tìm thấy ở ngoài công việc, căn bản là đang chạy trốn thực tại. Đối với từng cá nhân, luôn có một công việc hứng thú đến nỗi khiến anh ta sẽ không còn muốn hoặc không thể tách bạch giữa công việc và thời gian rảnh rỗi.

Những người thành công biết ơn những gì họ có bây giờ. Thế nhưng, họ sẽ không hạnh phúc nếu vẫn sống trong điều kiện đó vào ngày mai. Họ biết rằng phát triển là nhu cầu cơ bản của con người và là luật của sự tồn tại trong tự nhiên.

Nguồn: Tổng hợp từ sách