Luật hấp dẫn: Ai phục vụ tốt nhất sẽ được nhiều nhất

Luật hấp dẫn: Ai phục vụ tốt nhất sẽ được nhiều nhất
Photo by Samuel Regan-Asante / Unsplash

Vì cuộc sống là tấm gương phản chiếu của vua và nô lệ. Đó là những gì bạn đang có và những gì bạn đang làm. Hãy trao cho thế giới điều tốt nhất bạn có. Và điều tốt nhất sẽ quay trở lại với bạn.  – MADELINE BRIDGES.

Có câu ngạn ngữ cổ rằng: “Ai phục vụ tốt nhất sẽ được lợi nhiều nhất” không chỉ là để an ủi. Hãy nhìn xung quanh bạn. Những hoạt động kinh doanh nào đang diễn ra? Những ai đang tạo nên những thành công lớn? Có phải họ là những người chỉ muốn chộp lấy tiền một cách nhanh chóng mà không quan tâm đến những gì họ cung cấp? Hay họ là những người luôn phấn đấu để mang lại giá trị lớn hơn một chút, cống hiến nhiều hơn một chút so với mức họ được trả?

Khi hai đầu cân là bằng nhau, thì chỉ một phần trọng lượng nhỏ được đặt vào một bên sẽ làm đầu cân bên kia nghiêng hẳn đi như đặt cả một tấn. Tương tự như vậy, mỗi giá trị tốt hơn một chút, một chút nỗ lực thêm sẽ làm cho ai đó hoặc doanh nghiệp nào đó nổi bật giữa đám đông tầm thường như một người đàn ông cao lớn giữa những chú lợn con và mang lại kết quả vượt trội so với nỗ lực bỏ ra.

Điều đó sẽ được trả công – không chỉ là lời ngợi khen mà còn bằng những đồng tiền xứng đáng – để mang lại nhiều giá trị hơn một chút so với mức cần thiết, để làm việc chăm chỉ hơn một chút so với mức bạn được trả. Đó là giá trị tăng thêm đáng kể.

Vì LUẬT HẤP DẪN là SỰ PHỤC VỤ. Chúng ta nhận được tương xứng với những gì chúng ta trao đi. Trên thực tế, chúng ta thường nhận được với tỷ lệ lớn hơn nhiều. “Hãy ném bánh của ngươi xuống nước, nó sẽ quay trở lại với ngươi gấp trăm lần.”

Đằng sau mọi thứ là quy luật bất biến của Vũ trụ – rằng kết quả cho thấy bạn là ai. Suy nghĩ của bạn là nguyên nhân. Cách duy nhất bạn có thể thay đổi kết quả là trước tiên hãy thay đổi nguyên nhân.

Người ta sống trong cảnh nghèo khó và thiếu thốn vì họ bị bao bọc trong đau khổ đến nỗi họ chỉ nghĩ đến sự thiếu thốn và buồn phiền. Họ mong đợi điều họ muốn. Họ mở cánh cửa tâm trí của mình chỉ để đón nhận khó khăn, bệnh tật và nghèo đói. Đúng là họ hy vọng điều gì đó tốt hơn nhưng hy vọng của họ bị nỗi sợ hãi nhấn chìm đến mức họ không bao giờ có cơ hội.

Bạn không thể nhận được điều tốt trong khi lại mong chờ điều xấu. Bạn không thể giàu có trong khi đang tìm kiếm sự nghèo đói. “Phúc thay ai mong đợi nhiều, vì quả thật tâm hồn người ấy sẽ được tràn đầy”.

Tâm trí Vũ trụ thể hiện phần lớn thông qua cá nhân. Nó liên tục tìm kiếm một lối thoát. Nó giống như một hồ chứa nước rộng lớn, được bổ sung liên tục bởi các dòng suối trên núi. Tạo một kênh cho nó và nước sẽ chảy với khối lượng ngày càng tăng. Theo cách tương tự, nếu bạn một khi mở ra một kênh dịch vụ mà Trí tuệ Vũ trụ có thể tự thể hiện thông qua bạn, thì những món quà của nó sẽ tuôn chảy với số lượng ngày càng tăng và bạn sẽ được thịnh vượng trong quá trình này.

Có vẻ khó tin nhưng đây là ý tưởng mà qua đó các ngân hàng vĩ đại được tạo ra. Hay nói cách khác, các ông chủ ngân hàng đã áp dụng đúng nguyên lý này. Một nước nào đó cần hàng tỉ đô-la (hay vốn) để phát triển. Người dân nước đó làm việc chăm chỉ nhưng thiếu các dụng cụ cần thiết để làm việc hiệu quả. Làm thế nào họ có thể kiếm được tiền?

Họ đến gặp một chủ ngân hàng – trình bày vấn đề của họ với ngân hàng. Bản thân ngân hàng không có tiền, nhưng ngân hàng biết cách huy động nó bằng cách nào và ở đâu. Ngân hàng bán lời hứa trả tiền của nước đó (nói cách khác là trái phiếu của họ) cho những người có tiền để đầu tư. Ngân hàng chỉ đơn thuần là một dịch vụ. Nhưng đó là một dịch vụ vô giá nên cả hai bên đều vui vẻ trả công cho ngân hàng một cách hào phóng.

Tương tự như vậy, bằng cách mở ra một kênh giữa nguồn cung phổ quát (hay nguồn cung vô tận) và nhu cầu của con người – bằng cách giúp đỡ hàng xóm, bạn bè hay phục vụ khách hàng của bạn – bạn chắc chắn sẽ thu được lợi nhuận cho chính mình. Và bạn càng mở rộng kênh của mình – bạn càng cung cấp dịch vụ tốt hơn hoặc cung cấp những giá trị tốt hơn – thì càng có nhiều thứ chắc chắn chảy qua kênh của bạn, thì bạn càng thu được nhiều lợi nhuận nhờ đó.

Nhưng bạn phải sử dụng tài năng của mình nếu muốn kiếm lợi từ nó. Việc dịch vụ của bạn nhỏ đến mức nào không quan trọng – sử dụng nó sẽ làm cho nó trở nên lớn hơn. Bạn phải LÀM điều gì đó, SỬ DỤNG những tài năng mà Chúa đã ban cho bạn để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn vì bạn đã có mặt trong đó.

Bạn không cần phải lui vào phòng, giam mình ở đó và cầu nguyện. Đó là một phương pháp ích kỷ, chỉ quan tâm đến tâm hồn của chính mình mà mặc kệ những người khác. Chối bỏ bản thân hay đi theo chủ nghĩa khổ hạnh chẳng mang lại lợi ích gì cho ai cả.

Hãy nhớ lại ngụ ngôn về những tài năng: "Ông chủ giao cho đầy tớ của mình trông coi tài sản khi ông đi xa. Khi trở về, ông chủ đánh giá khả năng quản lý những người đầy tớ của mình. Ông ta đánh giá họ theo mức độ trung thành của mỗi người trong việc đầu tư khôn ngoan tài sản của mình để thu được lợi ích. Một điều hiển nhiên là, ông chủ đang dựa vào lợi ích thu được để đánh giá đầy tớ. Lợi ích đạt được cho thấy sự trung thành của đầy tớ. Người chủ thưởng cho đầy tớ tùy theo cách mỗi người xử lý công việc quản lý của mình. Ông ta đánh giá hai người đầy tớ là 'trung thành' và thưởng cho họ một phần thưởng xứng đáng. Đối với người đầy tớ duy nhất 'không trung thành', người trốn tránh nhiệm vụ ngay cả với việc đơn giản là gửi tiền và nhận khoản lợi nhuận an toàn từ lãi suất ngân hàng, người đó sẽ không còn được quản lý và bị trừ lương mà đáng ra anh ta có thể nhận được nhiều hơn."

Bạn đã biết điều gì xảy ra với người đã không sử dụng tài năng của mình, trong khi những người tận dụng tài năng của mình lại được giao trách nhiệm quản lý thêm nhiều việc.

Đối với tôi, câu chuyện ngụ ngôn đó luôn diễn đạt toàn bộ quy luật của cuộc sống. Điều đúng duy nhất là sử dụng tất cả các nguồn lực tốt lành. Điều sai duy nhất là bỏ bê hoặc lạm dụng chúng.

Bạn không được lạm dụng những điều tốt đẹp đã được ban cho bạn một cách hoang phí để chống lại những người xung quanh mình. Thay vào đó, bạn hãy đối xử với người khác như bạn mong người khác đối xử với bạn. Bạn hãy sử dụng những điều tốt đẹp của mình để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Nếu bạn là chủ ngân hàng, bạn phải sử dụng số tiền mình có để kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu bạn là thương gia, bạn phải bán hàng hóa mình có để mua thêm hàng hóa. Nếu bạn là bác sĩ, bạn phải giúp đỡ bệnh nhân của mình để được thực hành nhiều hơn. Nếu bạn là một nhân viên bán hàng, bạn phải làm công việc của mình tốt hơn những người xung quanh một chút nếu muốn kiếm được nhiều tiền hơn. Và nếu bạn muốn có nhiều nguồn cung cấp phổ quát hơn, bạn phải sử dụng những gì bạn có theo cách để giúp bản thân phục vụ tốt hơn cho những người xung quanh.

Nếu bạn muốn trở nên vĩ đại, bạn phải phục vụ. Và người phục vụ nhiều nhất sẽ là người vĩ đại nhất. Nếu bạn muốn kiếm nhiều tiền hơn, thay vì tự mình tìm kiếm nó, hãy xem bạn có thể kiếm nhiều tiền hơn cho người khác như thế nào. Trong quá trình đó, chắc chắn bạn cũng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn cho chính mình.

Chúng ta nhận được những gì chúng ta cho đi – nhưng chúng ta phải cho đi trước.
Việc bạn bắt đầu từ đâu không quan trọng – cho dù bạn có thể là một người lao động công nhật bình thường nhưng bạn vẫn có thể cho đi – cho đi một chút năng lượng, làm việc và suy nghĩ nhiều hơn so với những gì bạn được trả. Chúa Giêsu nói: “Ai bắt bạn đi một dặm, hãy đi với người đó hai dặm”. Hãy cố gắng bổ sung thêm một chút kỹ năng vào công việc của bạn. Hãy sử dụng trí óc của bạn để tìm ra cách tốt hơn để thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào được giao cho bạn. Sẽ không lâu nữa bạn sẽ ra khỏi tầng lớp lao động phổ thông.

Không có công việc nào không thể được cải thiện bằng suy nghĩ. Không có phương pháp nào không thể được cải thiện bằng tư duy. Vì vậy, hãy hào phóng suy nghĩ về công việc của bạn.

Hãy luôn tự hỏi mỗi khi bạn làm việc gì đó: “Có cách nào để việc này có thể được thực hiện dễ dàng hơn, nhanh hơn, tốt hơn không?”

Đọc trong thời gian rảnh rỗi mọi thứ liên quan đến công việc của bạn hoặc công việc mong muốn sắp tới của bạn. Trong thời đại của các tạp chí, sách và thư viện và đặc biệt là internet, thì rất ít nghề nghiệp không được đề cập kỹ lưỡng trong một số tác phẩm hay.

Hãy nhìn xung quanh bạn bây giờ. Làm thế nào bạn có thể mang lại giá trị lớn hơn cho những gì bạn nhận được? Làm thế nào bạn có thể phục vụ tốt hơn? Làm thế nào bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn cho ông chủ của mình hoặc tiết kiệm nhiều hơn cho khách hàng của mình? Hãy giữ suy nghĩ đó luôn ở vị trí hàng đầu trong tâm trí bạn và bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc kiếm thêm tiền cho bản thân!

Tấm Séc trắng
Có một bài viết của Gardner Hunting trên tạp chí “Christian Business”, bài viết hay đến nỗi tôi trích dẫn lại toàn bộ ở đây:

“Cả đời tôi đã mơ hồ biết rằng việc nhận được tiền là kết quả của việc kiếm tiền; nhưng tôi chưa bao giờ có một nhận thức hoàn toàn về sự thật đó cho đến gần đây. Tóm lại bây giờ, kết quả của tất cả trải nghiệm của tôi, có cả dễ chịu và khó chịu là: 'Một người nhận lại chính xác những gì anh ta cho đi, chỉ có điều nó sẽ được nhân lên gấp bội'.

Nếu tôi cung cấp cho bất kỳ ai loại dịch vụ mà người đó muốn thì tôi sẽ nhận lại được lợi ích đó. Nếu tôi phục vụ nhiều hơn, tôi sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn. Nếu tôi cho đi nhiều hơn, tôi sẽ nhận được nhiều hơn nữa. Nhưng tôi sẽ nhận lại nhiều hơn những gì tôi cho đi. Giống hệt như khi tôi trồng một giạ khoai tây, tôi nhận lại được 30 hoặc 40 giạ, và nhiều hơn nữa tùy theo sự chú ý mà tôi dành sự chăm sóc cho cây trồng phát triển.

Nếu tôi cống hiến cho người chủ của mình nhiều hơn những gì ông ấy mong đợi ở tôi, ông ấy sẽ tăng lương cho tôi – và không kèm theo điều kiện nào khác. Hơn nữa, việc ông ấy tăng lương cho tôi không phụ thuộc vào tính công bằng của ông ấy – ông ấy phải tăng lương cho tôi hoặc mất tôi, bởi vì nếu ông ấy không đánh giá cao tôi thì sẽ có người khác đánh giá cao tôi.

Nhưng đây chỉ là một phần thôi. Nếu tôi giúp đỡ người đàn ông ngồi cạnh bàn làm việc của mình, điều đó sẽ mang lại cho tôi gấp bội, ngay cả khi anh ta rõ ràng là đối thủ. Vì những gì tôi trao cho anh ấy, tôi cũng trao cho công ty, và công ty sẽ coi trọng nó, bởi vì điều mà công ty chủ yếu mong muốn là tinh thần đồng đội trong tổ chức chứ không phải thành tích xuất sắc của cá nhân.

Nếu tôi có kẻ thù trong tổ chức, quy tắc tương tự cũng được áp dụng; nếu tôi đưa cho anh ấy, với mục đích giúp đỡ anh ta, thứ gì đó thực sự sẽ giúp anh ta, thì tôi đang phục vụ tổ chức.

Các tập đoàn lớn đánh giá cao người hòa giải vì điều kiện tiên quyết để thành công là sự hòa hợp giữa các nhân viên. Nếu sếp của tôi không đánh giá cao tôi thì quy tắc tương tự cũng được áp dụng; nếu tôi làm cho anh ta nhiều hơn, hơn cả mong đợi, anh ta không thể từ chối đánh giá cao tôi và để việc đó cho người khác làm.

Càng suy nghĩ về luật này, bạn sẽ càng thấy nó sâu sắc hơn. Theo đúng nghĩa đen, Cuộc sống đưa cho bạn một tấm séc trống, có chữ ký của Người tạo ra Luật phổ quát và để bạn tự điền vào số tiền và hình thức thanh toán mà bạn muốn!

Những thành công tầm thường là những thành công chỉ tuân theo quy luật này một chút – điền vào tấm séc một số tiền nhỏ – nhưng lại thiếu tầm nhìn lớn trong đó. Chỉ cần mỗi nhân viên hiểu quy luật này và khắc sâu trong tâm trí mình như một nguyên tắc, mà không bị dao động trước những tâm trạng thất thường thì sự thành công của tổ chức sẽ là điều kỳ diệu.

Một trong những nỗi lo sợ của tôi là khi thúc đẩy thành công của người khác, tôi đang làm mất đi thành công của chính mình; nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại.

Hãy tưởng tượng như thế này, mỗi nhân viên đều coi mình giống như công ty. Công ty của anh ta sẽ cống hiến như thế nào cho số tiền nhận được từ công chúng? Công ty cung cấp dịch vụ! Dịch vụ trước tiên! Dịch vụ được cung cấp càng tốt thì số tiền hoàn lại càng nhiều. Công ty làm gì để thu hút sự chú ý của công chúng đến dịch vụ của mình? Nó quảng cáo, đó là một phần của dịch vụ.

Bây giờ, giả sử rằng tôi, với tư cách là một nhân viên, tôi sẽ cung cấp dịch vụ của mình (làm việc được giao) cho công ty trước khi tất cả những gì tôi mong đợi được trả. Giả sử tôi quảng cáo dịch vụ của mình. Tôi phải làm thế nào? Tôi phải cung cấp dịch vụ của mình, từ việc gửi thư một cách chính xác đến bán hàng hoặc làm hài lòng khách hàng; cho khách hàng thấy trải nghiệm dịch vụ hoặc khuyến khích khách hàng tự mình trải nghiệm nó; từ việc giúp đối thủ trực tiếp của tôi được tăng lương, đến việc bán sản phẩm của cả chiến dịch.

Đối với việc quảng cáo bản thân, tôi bắt đầu quảng cáo bản thân ngay khi tôi bước vào văn phòng hoặc cửa hàng vào mỗi sáng: trang phục gọn gàng lịch sự, tuân thủ kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp, cư xử đúng mực, làm việc hết mình,... Và mọi người nhìn vào tôi đều thấy quảng cáo của tôi. Mọi người xung quanh tôi đều nhìn thấy quảng cáo của tôi trước mắt họ suốt cả ngày. Ông chủ cũng vậy – người đứng đầu trực tiếp của tôi và người đứng đầu công ty, bất kể họ ở đâu. Và nếu tôi thực hiện đúng quảng cáo của mình thì không ai có thể ngăn cản tôi bán hàng hóa, dịch vụ của mình!

Người ta càng công kích tôi, người ta càng quảng cáo tôi nhiều hơn, bởi vì người ta kêu gọi sự chú ý của người khác đến tôi, và tôi đang cung cấp điều gì đó tốt hơn những gì người ta nói, các bên quan tâm – những người chủ của tôi – sẽ nhìn thấy điều đó và sẽ không bị ảnh hưởng bởi những gì người ta nói.

Hơn thế nữa, tôi phải cống hiến hết mình cho mọi người mà tôi tiếp xúc, từ vợ tôi đến người đánh giày cho tôi; từ anh em tôi đến kẻ thù không đội trời chung của tôi.

Đôi khi người ta sẽ bảo bạn hãy mỉm cười nhưng nụ cười tôi đưa ra phải là một nụ cười thực sự phù hợp với quảng cáo của nó. Nếu tôi đi loanh quanh và cười toe toét như một một gã ngớ ngẩn, tôi sẽ nhận lại những nụ cười đầy hàm ý của mọi người –  và gấp bội!

Nếu tôi cho đi thứ giá trị, tôi sẽ nhận lại thứ giá trị – và gấp bội! Nếu có ai phản đối rằng đây là một quan điểm ích kỷ, thì tôi trả lời người đó rằng bất kỳ quy luật cứu rỗi nào, từ bất cứ điều gì được thực hiện bởi bất kỳ ai vì bất kỳ mục đích nào, đều là một quan điểm ích kỷ. Lòng vị tha duy nhất từng được dạy thực sự là cho đi thứ nhỏ hơn với hy vọng nhận được thứ lớn hơn.

Tại sao tôi lại chắc chắn về luật này đến vậy? Làm thế nào bạn có thể chắc chắn? Tôi đã xem nó hoạt động, nó hoạt động ở khắp mọi nơi. Bạn chỉ cần thử nó, tiếp tục thử nó và nó sẽ chứng tỏ là đúng với bạn.

Nó đúng không phải bởi tôi nói như vậy, cũng không phải bởi vì bất kỳ ai cũng nói như vậy, nó chỉ là sự thật. Phật giáo gọi nó Luật của Nghiệp; những người theo chủ nghĩa nhân đạo gọi đó là Luật Phục vụ; Doanh nhân gọi đó là Luật Có đi có lại; Chúa Giêsu gọi đó là Luật Tình Yêu.

Đó là sự thật – Nguyên tắc CHO và NHẬN – chỉ có rất ít người đi đến giới hạn của nó. Nhưng đi đến giới hạn là cách để đạt được lợi nhuận không giới hạn!

Tôi sẽ cho gì đây? Tất nhiên là những gì tôi có. Giả sử bạn tin vào ý tưởng này và giả sử bạn nên bắt đầu đưa ra ý tưởng đó một cách khéo léo, khôn ngoan và tự mình thực hiện nó trong tổ chức của mình. Bạn nghĩ sẽ mất bao lâu trước khi bạn trở thành người có quyền lực trong tổ chức đó, được công nhận và được trả lương như vậy?

Nó có giá trị hơn tất cả những thứ mà bạn có thể có được. Những gì bạn có, hãy cho đi – chia sẻ cho mọi người. Nếu bạn có một ý tưởng, đừng giữ nó chỉ để sử dụng cho riêng mình, hãy cho đi. Đó là điều tốt nhất bạn phải cho đi và điều tốt nhất là để cho đi – và điều đó sẽ mang lại những thứ tốt đẹp nhất cho bạn.

Tôi tin rằng nếu một người tuân theo nguyên tắc này, ngay cả đối với bí mật kinh doanh của mình, anh ta sẽ thu được lợi nhuận ngày càng nhiều và chắc chắn hơn là anh ta nắm giữ bất cứ thứ gì cho riêng mình.

Anh ta sẽ không bao giờ phải lo lắng về công việc của mình vì anh ta đang làm việc dựa trên luật gốc rễ. Luật không bao giờ thất bại và bạn sẽ dễ dàng khám phá ra cái gì là Luật và cái gì Không phải là luật. Và nếu luật đáng được sử dụng một thời gian thì nó cũng đáng được sử dụng mọi lúc.

Trước tiên hãy nhìn xung quanh bạn với con mắt để nhìn thấu sự thật, sau đó thử nghiệm. Thông qua cả hai phương pháp phân tích, bạn sẽ tìm thấy một tấm séc trống đang chờ bạn điền vào ‘bất cứ điều gì bạn mong muốn’ và một cách mới để cầu nguyện và đạt được những gì bạn cầu nguyện.”

Nguồn: Bí mật của thời đại – Make Better tổng hợp và lược dịch.

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!