Mối nguy của việc đặt những mục tiêu khiêm tốn

Mối nguy của việc đặt những mục tiêu khiêm tốn
Photo by Afif Ramdhasuma / Unsplash

Người trợ lý của một nhà tỷ phú đang cảm thấy hoang mang khi ông chủ đặt ra cho cậu những mục tiêu lớn và những kế hoạch mà với cậu nó là những kế hoạch "trên trời". Chàng trai nhìn vào những con số ông viết trên giấy mà không tin vào mắt mình, đây mới là năm đầu tiên của cậu khi làm việc cho ông. Không bận tâm, nhà tỷ phú tiếp tục nói về những kế hoạch và được đà ông đẩy các mục tiêu lên cao hơn.

Chàng trợ lý không nghĩ mình có thể đạt được những mục tiêu này. Không phải là cậu không mong muốn đạt được chúng, mà bởi đơn giản cậu không tin là mình có thể làm được. Cậu ta cho rằng những mục tiêu này thật phi thực tế và bày tỏ nỗi lo lắng của mình với sếp.

Nhà tỷ phú trả lời: "Ta đã trở nên giàu có là nhờ đặt ra những mục tiêu cao cho chính mình. Thực ra, những mục tiêu này là qúa cao và phi thực tế nhưng ta đã trưởng thành nhờ chúng".

Sau đó ông bảo chàng trợ lý đi theo mình. Ông dẫn cậu ta ra vườn ra, nơi có những cây bí ngô to tướng đang mọc ở góc vườn. Ở đó có duy nhất một cây bí ngô có hình dáng kỳ lạ và nhỏ hơn rất nhiều so với cây khác vì nó được trồng trong một cái chai thuỷ tinh. Nhà tỷ phú chỉ cho cậu thấy và nói: "Mục tiêu của chúng ta quyết định sự trưởng thành của ta. Chúng ta trưởng thành cùng với những mục tiêu mà mình đặt ra giống như cây bí ngô trồng trong cái chai kia. Thật không may hầu hết người ta đều lựa chọn một mục tiêu qúa nhỏ, mà thực tế chính mục tiêu này đã hạn chế sự trưởng thành của họ và khiến họ trở nên nhỏ bé. Một người chỉ mong muốn có được một đô-la thì cuộc đời sẽ chỉ trả cho anh ta đúng một đô-la mà thôi".


Có rất nhiều cuốn sách viết về cách thiết lập mục tiêu. Chúng ta thực sự không cần chúng vì mọi người điều biết cách thiết lập mục tiêu. Còn cách nào khác để chúng ta đạt được tất cả những gì chúng ta đang sở hữu? Căn nhà hay ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi của ta, chiếc xe của ta đang lái, đều là ví dụ của việc đạt được các mục tiêu. Đầu tiên chúng ta biết mình muốn gì, sau đó ta tìm cách để đạt được chúng. Đơn giản vậy thôi.

Nếu khao khát của chúng ta đủ lớn, chúng ta sẽ luôn tìm ra cách để đạt được thứ ta muốn trong đời. Lý do chính mà người ta không giành được nhiều thành quả hơn là bởi họ chỉ phấn đấu cho những thứ mà họ có thể đạt được trong tầm với thay vì gắng sức thực hiện những ước mơ và mục tiêu cao hơn. Đó là lý do mà Jonathan Swift từng mỉa mai: "Người không kỳ vọng luôn thấy hạnh phúc vì họ không bao giờ bị thất vọng".

Kỳ vọng của chúng ta và những mục tiêu từ kỳ vọng đó quyết định thứ mà ta sẽ đạt được trong đời. Nếu ta khao khát điều gì đó và nỗ lực làm việc để đạt được nó thì ta sẽ có được nó. Chúng ta chỉ phải lưu ý rằng đừng đặt mục tiêu quá nhỏ. Có như vậy thì đến khi về già, chúng ta không phải nhìn lại đầy tiếc nuối và tự hỏi: "Nếu trước đây mình đặt ra các mục tiêu cao hơn thì sao nhỉ?"

Nếu muốn kiếm được một mức thu nhập trên trung bình, ta phải biến mong muốn đó thành một nhu cầu bức thiết. Biến nó thành một việc PHẢI làm. Chúng ta phải xác định đạt được mục tiêu theo cách mà nếu không đạt được nó thì ta sẽ thực sự đau đớn. Chẳng ai có thể đạt được mục tiêu cao với suy nghĩ rằng "nếu đạt được thì cũng tốt".

Bất cứ khi nào thế giới đạt được một thành tựu to lớn, tức là đã có người nào đó bất tuân những gì được gọi là thực tại hiển nhiên và quyết định thay đổi hiện thực ấy. Cuối cùng, người đó dồn toàn bộ tâm sức vào việc hiện thực hoá ý tưởng để đạt được mục tiêu của mình đến mức không thể hoặc không muốn bằng lòng với cái hiện thực hiển nhiên ấy nữa.

Nếu muốn có một cuộc cách mạng thực sự trong cuộc đời thì chúng ta phải đặt ra những thử thách lớn hơn và những mục tiêu cao hơn. Những thử thách và mục tiêu đó không phải là một ngôi nhà đẹp đẽ trong mơ hay là một chiếc ô tô đắt đỏ, cũng không phải là sự xa hoa hay tiện nghi. Nó càng không phải tiền bạc mà chính là phẩm chất của chúng ta, thứ vốn sẽ phát triển trong quá trình bạn tìm cách đạt được mục tiêu.

Sau cùng, việc chúng ta đạt được tất cả các mục tiêu hay không cũng không còn quá quan trọng. Điều thực sự quan trọng là ta đặt ra các mục tiêu và ta chỉ có thể đạt được nó nếu ta mở rộng các giới hạn của bản thân. Bằng cách này chúng ta học hỏi, trưởng thành và phát triển những năng lực mới. Giá trị thật sự của một mục tiêu cao chính là sự phát triển của bản thân trong qúa trình phấn đấu đạt được nó. Mục tiêu càng cao, chúng ta càng cần phải trưởng thành hơn để với tới nó.

Những cá nhân rất thành công thậm chí còn khẳng định rằng, mọi người nên đặt ra các mục tiêu mà họ không thể đạt được trong suốt cuộc đời. Như vậy, chúng ta sẽ không ngừng mở rộng giới hạn của bản thân và trưởng thành.

Liệu còn cách khác mà chúng ta có thể phát triển bản thân để trở thành hình mẫu tốt nhất nếu như không yêu cầu cuộc đời cho mình thứ tốt nhất?

Và kể cả nếu chúng ta không đạt được một số mục tiêu cao đã đặt ra, chúng ta vẫn sẽ giành được nhiều thứ hơn khi sống một cuộc đời bình lặng. Người có ước mơ vươn tới những vì sao có lẽ sẽ không tới được đó; nhưng chắc chắn họ sẽ vượt qua những ngọn cây. Con đường đạt đến những mục tiêu của chúng ta mở ra rất nhiều chân trời mới, thú vị và tuyệt đẹp vốn chỉ có thể thấy được trên đường đi.

Có thể chúng ta đã nghe đến câu: "Mục tiêu là hành trình chứ không phải điểm đến". Đây cũng là lý do chúng ta khiến chúng ta không nhất thiết phải đạt được tất cả các mục tiêu. Tuy nhiên, mục tiêu của ta quyết định con đường mà chúng ta đi. Mục tiêu càng cao, tự khắc chất lượng cuộc sống của chúng ta càng cao.

Nhưng chúng ta cần phải phân biệt giữa mục tiêu ngắn hạn với dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn có bản chất khác với mục tiêu dài hạn và mục tiêu trọn đời mà chúng ta đã nói đến lúc này.

Khi không thể đặt mục tiêu đủ lớn cho cuộc đời mình, ta cũng không nên đề cao các mục tiêu ngắn hạn quá mức.

💡
Để thực hiện được các thay đổi lớn, trước hết ta cần thay đổi bản thân mình. Nhưng điều này lại thường tốn rất nhiều thời gian. Đôi khi lâu hơn mức một người sẵn sàng bỏ ra. Hầu hết người ta quá đề cao các thành tựu có thể đạt được trong một năm và xem nhẹ thứ họ có thể đạt được trong mười năm.

Chúng ta có xu hướng mất niềm tin khi không đạt được các mục tiêu ngắn hạn. Chúng ta cũng mất luôn sự tự tin và động lực. Vì vậy sẽ hữu ích khi đặt ra các mục tiêu ngắn hạn nằm trong khả năng của chúng ta. Chẳng hạn, chỉ đặt ra các mục tiêu tăng 20% so với những gì đã đạt được năm trước. Tất nhiên, chúng ta cũng nên làm mọi cách để đạt được những mục tiêu đó. Khi đó chúng ta có thể cam kết hơn nữa với những mục tiêu tương lai.

Nếu tiếp tục hụt mất những mục tiêu ngắn hạn thì chúng ta sẽ không còn tin bản thân có thể đạt mục tiêu dài hạn và những mục tiêu lớn. Bởi vậy chúng ta phải tạo dựng sự tự tin dựa trên những mục tiêu ngắn hạn đã đạt được.

Chúng ta hãy nhớ, nên đặt ra các mục tiêu dài hạn càng cao càng tốt vì chúng sẽ quyết định hướng đi của chúng ta. Chúng quyết định việc chúng ta sẽ làm gì khi tiếp nhận vô vàn cơ hội hàng ngày. Những cơ hội này chỉ có ý nghĩa khi ta có mục tiêu. Mục tiêu càng cao, chúng ta càng thấy nhiều cơ hội hơn để tận dụng.

Các mục tiêu dài hạn cũng cho chúng ta biết rằng ta thực sự muốn trưởng thành. Nhấn mạnh một lần nữa, chúng ta có thể không đạt được hết các mục tiêu lớn của mình, nhưng khi ta làm mọi thứ để đạt được chúng, thì khả năng cao sẽ thành công. Dù thế nào, việc đã đặt ra mục tiêu cao cho thấy ta cố gắng hết sức và đang trưởng thành, vì thế đang sống trọn vẹn nhất và tận hưởng cuộc sống. Chỉ bằng cách này ta mới trở thành phiên bản tốt nhất mà ta có thể.

💡
Những người thành công không đòi hỏi tính thực tế. Họ biết rằng nó không tồn tại, thay vào đó họ hình thành thế giới quan của mình theo cách mà họ muốn thấy.

Đó là lý do những người thành công không quan tâm đến thứ gì là "thực tế". Họ sẽ hỏi thực tại của họ nên như thế nào. Họ nói, như Che Guevara từng nói: "Chúng ta hãy thực tế. Hãy làm những điều không thể". Họ cũng biết rằng thế giới của họ sẽ không bao giờ lớn hơn các mục tiêu của họ. Đó là lý do họ đặt ra các mục tiêu cao.


THỰC HÀNH – Hôm nay tôi sẽ thực hiện các việc sau để tận dụng nhiều hơn sức mạnh của các mục tiêu:

01 - Tôi nhận thức được rằng không có gì ảnh hưởng đến cuộc đời tôi nhiều hơn những mục tiêu dài hạn của chính mình. Các mục tiêu càng lớn thì cuộc đời tôi càng trở nên sôi động và giàu có. Các mục tiêu lớn giúp tôi trở thành con người tốt nhất trong cuộc đời mình.

02 - Vì vậy, tôi sẽ nghĩ xem mình có nên đặt ra các mục tiêu dài hạn thậm chí còn lớn hơn nữa không. Tôi sẽ không chia sẻ mục tiêu này cho những người không hiểu nó, bởi làm vậy chỉ khiến tôi rơi vào những tranh luận vô ích. Thay vào đó tôi sẽ nghĩ đến những người có thể giúp tôi đạt được mục tiêu của mình.

03 - Cũng bởi mục tiêu này quá trừu tượng nên tôi sẽ làm một cuốn album ảnh để lồng vào tất cả những ước mơ của mình dưới dạng những bức ảnh mà tôi cắt ra từ tạp chí. Hoặc tôi dùng trí tưởng tượng của mình để tưởng tượng ra các hình ảnh chân thực nhất về những ước mơ của mình. Nếu tôi nhìn vào hay nghĩ về nó hàng ngày, việc đạt được các mục tiêu sẽ trở thành một việc nhất định phải làm.

04 - Tôi sẽ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn mà tôi luôn có thể đạt được với sự nỗ lực. Bằng cách này, tôi sẽ củng cố sự tự tin để theo đuổi các mục tiêu dài hạn và cao hơn.

Nguồn: Tổng hợp từ sách

Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!