Mục đích sống – Ngọn hải đăng của cuộc đời

Mục đích sống – Ngọn hải đăng của cuộc đời
Photo by William Bout / Unsplash

Trong thế giới ngày nay, con người phải đối mặt với một tình trạng khó khăn đặc biệt: Ngay khi việc học của chúng ta kết thúc, chúng ta đột nhiên thấy mình bị ném vào thế giới của công việc, nơi mọi người có thể tàn nhẫn và cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Chỉ mới vài năm trước đây thôi, nếu chúng ta may mắn, cha mẹ chúng ta đã đáp ứng đa số các nhu cầu của chúng ta và luôn có mặt để hướng dẫn hoặc giải quyết mọi vấn đề mà ta gặp phải. Thường thì họ đã bảo vệ chúng ta quá mức. Giờ đây chúng ta thấy mình chỉ có một mình, với rất ít hoặc không có kinh nghiệm sống nào để dựa vào. Chúng ta phải đưa ra những quyết định và lựa chọn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ tương lai của mình.

Trong quá khứ không xa lắm, những lựa chọn nghề nghiệp và cuộc sống của mọi người khá hạn chế. Họ sẽ chấp nhận những công việc hoặc vai trò cụ thể có sẵn cho họ và gắn bó với nó trọn đời. Những người đi trước, với kinh nghiệm và uy tín có thể đề xuất một số hướng đi nếu cần thiết. Nhưng ngày nay cuộc sống ổn định và sự trợ giúp đó rất khó tìm thấy, khi thế giới thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Mọi người đều bị cuốn vào cuộc đấu tranh khắc nghiệt để vươn tới thành công. Điều đó khiến họ trở nên chỉ quan tâm đến những nhu cầu và kế hoạch của bản thân. Bên cạnh đó, lời khuyên của cha mẹ, những thế hệ trước chúng ta có thể hoàn toàn lạc hậu trong trật tự mới này.

Khi đối mặt với tình trạng chưa từng có này, chúng ta có xu hướng phản ứng theo một trong 2 cách:

Thứ nhất, phấn khích với mọi thay đổi, một số người trong chúng ta đã nắm lấy cơ hội trong trật tự mới này. Chúng ta trẻ và tràn đầy năng lượng. Bàn tiệc cơ hội được cung cấp bởi thế giới kỹ thuật số khiến chúng ta choáng váng. Chúng ta có thể thử nhiều công việc khác nhau, có nhiều mối quan hệ và cuộc phiêu lưu khác nhau. Những cam kết đối với một nghề nghiệp hoặc một tổ chức, cá nhân có vẻ như là những hạn chế không cần thiết đối với sự tự do này. Việc nghe theo lời khuyên của thế hệ đi trước dường như đã lỗi thời. Tốt hơn nên khám phá, vui chơi, và cởi mở. Đến lúc nào đó chúng ta sẽ tìm ra chính xác những gì cần làm với cuộc sống của chúng ta. Trong khi đó, việc duy trì sự tự do để làm những gì ta muốn và đi đến nơi nào ta thích trở thành động lực chính của bản thân.

Thứ hai, một số người trong chúng ta phản ứng theo cách ngược lại, sợ hãi sự hỗn độn, nhanh chóng lựa chọn một nghề nghiệp thiết thực và đảm bảo cuộc sống của bản thân, và hi vọng nó có liên quan đến công việc mà chúng ta ưa thích, nhưng nếu không được như vậy thì ta cũng vẫn chấp nhận. Chúng ta thoải mái với sự che chở, dựa vào những mối quan hệ thân tình, thậm chí chúng ta có thể tiếp tục bám lấy cha mẹ mình. Động lực thúc đẩy chúng ta là bằng cách nào đó thiết lập sự ổn định vốn rất khó tìm thấy trong thế giới này.

Tuy nhiên, cả hai con đường này đều có xu hướng dẫn đến một số vấn đề ở chặng kế tiếp:

Trong trường hợp thứ nhất, khi thử rất nhiều thứ, chúng ta không bao giờ thật sự phát triển các kỹ năng vững chắc trong một lĩnh vực cụ thể. Chúng ta cảm thấy khó tập trung lâu dài vào một công việc cụ thể vì chúng ta đã quá quen với việc lượn lờ quanh quẩn và tự làm cho mình mất tập trung, khiến cho việc học các kỹ năng mới trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì thế những khả năng nghề nghiệp của chúng ta bắt đầu thu hẹp. Chúng ta bị mắc kẹt trong việc chuyển từ công việc này sang công việc khác. Có thể hiện giờ chúng ta muốn có một công việc lâu dài nhưng chúng ta rất khó chấp nhận những hạn chế đối với sự tự do của chúng ta mà công việc lâu dài đó yêu cầu. Dù có thể chúng ta không muốn thừa nhận điều đó với chính mình, nhưng sự tự do của chúng ta có thể bắt đầu dần dần thu hẹp.

Trong trường hợp thứ hai, sự nghiệp mà chúng ta cam kết ở độ tuổi 20 có thể bắt đầu trở nên tẻ nhạt ở lứa tuổi 30. Ta đã chọn nó vì những mục đích thực tế và nó có ít liên quan với những gì chúng ta thật sự yêu thích trong cuộc sống. Nó bắt đầu có vẻ như chỉ đơn thuần là một công việc. Tâm trí của chúng ta bị tách rời khỏi công việc. Và lúc này, bàn tiệc cơ hội trong thế giới hiện đại bắt đầu cám dỗ chúng ta khi chúng ta đến chặng giữa cuộc đời. Có lẽ chúng ta cần một nghề nghiệp, một mối quan hệ hoặc một cuộc phiêu lưu mới mẻ, thú vị nào đó.

Trong cả hai trường hợp, chúng ta đã làm những gì có thể để kiểm soát sự chán nản của mình. Nhưng khi năm tháng trôi qua, chúng ta bắt đầu trải qua những cơn đau mà chúng ta không thể chối bỏ hoặc kìm nén. Chúng ta không nhận thức được nguồn gốc của sự khó chịu này – đó là sự thiếu mục đích và hướng đi thật sự trong cuộc đời. Và những sự dày vò xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta.

Sự dày vò này xuất hiện dưới nhiều hình thức:

Chúng ta cảm thấy ngày càng buồn chán. Chúng ta làm công việc của mình một cách hời hợt, hình thức, chống đối. Chúng ta quay sang tìm kiếm các thú tiêu khiển khác nhau để tìm sự khuây khỏa. Nhưng theo quy luật hiệu suất giảm dần, chúng ta cần liên tục tìm ra những hình thức tiêu khiển mới và mạnh mẽ hơn – xu hướng giải trí mới nhất, du lịch đến một địa điểm xa lạ, theo một nhân vật có uy tín hoặc chính nghĩa mới, những sở thích đến và đi nhanh chóng, mọi dạng nghiện ngập. Chỉ khi chúng ta ở một mình hoặc trong những khoảnh khắc không làm gì cả, chúng ta mới thật sự trải nghiệm sự buồn chán kinh niên vốn thúc đẩy nhiều hành động của chúng ta và bào mòn chúng ta.

Chúng ta cảm thấy ngày càng bất an. Tất cả chúng ta đều có những ước mơ và một ý thức về tiềm năng của chính mình. Nếu trước đó đã lang thang vô định trong cuộc đời hoặc lạc lối, chúng ta bắt đầu nhận thức được sự khác biệt giữa những giấc mơ và thực tế. Chúng ta không có thành tựu nào cả. Chúng ta cảm thấy ghen tị với những người thành đạt. Cái tôi của chúng ta dễ phát cáu, đặt chúng ta vào một cái bẫy. Chúng ta quá mong manh trước những lời chỉ trích. Việc học, đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta không biết một số điều nào đó và cần phải cải thiện, nhưng chúng ta lại cảm thấy quá bất an khi phải thừa nhận điều này. Và vì thế những ý tưởng của chúng ta trở nên sáo mòn và những kỹ năng trở nên trì trệ. Chúng ta che đậy điều này bằng một dáng vẻ tự tin và những ý kiến mạnh mẽ, hoặc sự vượt trội về đạo đức, nhưng sự bất an bên trong không hề bị lung lay.

Chúng ta thường cảm thấy lo lắng và căng thẳng, nhưng không bao giờ biết lý do. Cuộc sống liên quan đến những trở ngại và khó khăn không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta đã dành phần lớn thời gian để cố gắng tránh bất cứ thứ gì gây tổn thương. Có lẽ chúng ta đã không nhận những trách nhiệm mà chính nó đã khiến cho chúng ta thất bại. Chúng ta tránh xa các lựa chọn khó khăn và các tình huống căng thẳng. Nhưng hiện giờ chúng đang nổi lên – chúng ta buộc phải hoàn thành một việc gì đó trước một hạn chót, hoặc chúng ta đột nhiên trở nên tham vọng và muốn thực hiện một giấc mơ nào đó. Trước đây chúng ta chưa học được cách xử lý những tình huống như vậy, và sự lo lắng cùng căng thẳng làm chúng ta chùn bước. Sự tránh né của chúng ta dẫn đến một sự lo lắng như là một hiệu ứng, liên tục.

Và cuối cùng, chúng ta cảm thấy mình bị trầm cảm. Tất cả chúng ta đều muốn tin rằng có một mục đích và ý nghĩa đối với cuộc sống của mình, rằng chúng ta được kết nối với một cái gì đó lớn lao hơn bản thân. Chúng ta muốn cảm nhận một giá trị và ý nghĩa nào đó đối với những gì chúng ta đã làm. Không có niềm tin đó, chúng ta trải nghiệm một sự trống rỗng và trầm cảm mà chúng ta sẽ gán cho các yếu tố khác.

Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu?

Cảm giác lạc lõng và bối rối này không phải là lỗi của ai cả. Đó là một phản ứng tự nhiên khi được sinh ra trong những thời kỳ có sự thay đổi lớn lao và hỗn độn. Các hệ thống hỗ trợ của quá khứ hầu như đã biến mất hoặc lạc hậu. Những quy ước, quy tắc và những điều cấm kỵ vốn từng định hướng cho hành vi cũng đã biến mất. Tất cả chúng ta đều trôi giạt lênh đênh, và không có gì lạ khi rất nhiều người đánh mất bản thân trong những cơn nghiện và trầm cảm.

Vấn đề ở đây rất đơn giản: Do bản chất, loài người chúng ta khao khát một cảm giác về phương hướng. Các loài động vật khác dựa vào bản năng để hướng dẫn và xác định hành vi của chúng. Chúng ta đã trở nên phụ thuộc vào ý thức của mình. Nhưng tâm trí con người là một cái hố không đáy – nó cung cấp cho chúng ta không gian tinh thần vô tận để khám phá. Trí tưởng tượng có thể đưa chúng ta đến bất cứ nơi nào và gợi lên bất cứ điều gì. Bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể chọn đi theo 100 hướng khác nhau. Không có những hệ thống niềm tin hoặc quy ước tại chỗ, dường như chúng ta không có những điểm la bàn rõ ràng để hướng dẫn hành vi và quyết định của mình, và điều này có thể gây điên loạn.

Giải pháp là gì?

May mắn thay, có một cách để thoát khỏi tình trạng khó khăn này và nó có sẵn cho mỗi chúng ta. Không cần phải tìm kiếm những bậc thầy hay hoài niệm về quá khứ. Một la bàn và hệ thống hướng dẫn bên ngoài không tồn tại. Nó đến từ việc tìm kiếm và khám phá mục đích cá nhân cho cuộc sống của chúng ta. Đó là con đường của những người thành công và đóng góp lớn nhất cho sự tiến bộ của văn hóa nhân loại, và chúng ta chỉ phải nhìn thấy con đường đó để đi theo nó. Sau đây là cách thức hoạt động của nó.

Mỗi người là một cá nhân hoàn toàn độc đáo. Sự độc đáo này được ghi vào chúng ta theo ba cách – cấu trúc ADN riêng biệt, cách thức nối kết riêng biệt của bộ não, và những kinh nghiệm trải qua trong cuộc sống, vốn không giống với trải nghiệm của bất kỳ ai khác. Hãy xem sự độc đáo này như một hạt giống được gieo trồng khi chúng ta chào đời, với tiềm năng phát triển. Và sự độc đáo này có một mục đích.

Trong tự nhiên, trong một hệ sinh thái thịnh vượng, chúng ta có thể quan sát được một mức độ đa dạng cao giữa các loài. Với các loài đa dạng này hoạt động trong một trạng thái cân bằng, hệ thống này rất phong phú và tự nuôi sống nó, tạo ra các loài mới hơn và nhiều mối tương quan hơn. Ngược lại, một hệ sinh thái kém đa dạng thì khá cằn cỗi, và sức khỏe của nó mong manh hơn nhiều.

Con người chúng ta hoạt động trong hệ sinh thái văn hóa của chính chúng ta. Trong suốt lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng những nền văn hóa lành mạnh và nổi tiếng nhất là những nền văn hóa khuyến khích và khai thác sự đa dạng nội bộ lớn nhất giữa các cá nhân – ví dụ như người Hy Lạp cổ đại, người Trung Quốc thời Tống, nước Ý thời Phục hưng, thập niên 1920 ở thế giới phương Tây. Đây là những thời kỳ sáng tạo vĩ đại, những điểm cao trong lịch sử. Chúng ta có thể đối chiếu điều này với sự tuân thủ và sự vô sinh văn hóa trong những chế độ độc tài.

Bằng cách làm cho sự độc đáo của chúng ta nở hoa trên chặng đường đời, thông qua các kỹ năng đặc biệt và tính chất cụ thể của công việc, chúng ta đóng góp phần của mình cho sự đa dạng cần thiết này. Sự độc đáo này thật sự vượt qua sự tồn tại cá nhân của chúng ta. Tự nhiên đã đóng dấu nó lên chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể giải thích vì sao chúng ta bị cuốn hút vào âm nhạc, vào việc giúp đỡ người khác, hoặc vào các dạng kiến thức cụ thể? Chúng ta đã kế thừa nó, và nó ở đó vì một mục đích.

Nỗ lực để kết nối với sự độc đáo này và vun bồi nó sẽ cung cấp cho chúng ta một con đường để đi, một hệ thống hướng dẫn bên trong chúng ta trong suốt cuộc đời. Nhưng việc kết nối với hệ thống này không đến dễ dàng. Thông thường các dấu hiệu của sự độc đáo rõ ràng hơn đối với chúng ta trong thời thơ ấu. Chúng ta thấy mình bị lôi cuốn một cách tự nhiên vào các môn học hoặc hoạt động cụ thể, bất chấp ảnh hưởng của cha mẹ.

Chúng ta có thể gọi đây là những khuynh hướng nguyên thủy. Chúng nói với ta, giống như một tiếng nói sâu thẳm bên trong. Nhưng khi ta lớn hơn, tiếng nói đó bị nhấn chìm bởi cha mẹ, bạn cùng trang lứa, thầy cô, và nền văn hóa nói chung. Nó nói với chúng ta nên thích điều gì, cái gì tuyệt, cái gì không tuyệt. Về sau, chúng ta bắt đầu mất đi ý thức về việc chúng ta là ai, điều gì làm cho chúng ta khác biệt. Chúng ta chọn những con đường sự nghiệp không phù hợp với bản chất của mình.

Để khai thác hệ thống hướng dẫn này, chúng ta phải tạo mối liên kết với sự độc đáo của chúng ta, càng mạnh càng tốt, và học cách tin tưởng vào tiếng nói đó. (xem thêm “Những chiến lược để khám phá Mục đích sống”). Cho đến khi phải xoay sở để thực hiện điều này, nếu tìm thấy chúng ta sẽ được tưởng thưởng một cách hào phóng.

Chúng ta có một ý thức về phương hướng, dưới hình thức một con đường sự nghiệp phù hợp với những khuynh hướng cụ thể, độc đáo của chúng ta. Chúng ta có một tiếng gọi. Chúng ta biết những kỹ năng nào mình cần và muốn phát triển. Chúng ta có những mục tiêu chính và những mục tiêu phụ.

Khi đi sai đường hoặc gặp phải những vướng mắc khiến chúng ta mất tập trung vào các mục tiêu, chúng ta cảm thấy không thoải mái và nhanh chóng quay lại con đường cũ. Chúng ta có thể khám phá và có những cuộc phiêu lưu, như một lẽ tự nhiên đối với chúng ta khi còn trẻ.

Nhưng có một hướng liên quan tới sự khám phá vốn giải thoát chúng ta khỏi những nghi ngờ và phân tâm liên tục. Con đường này không yêu cầu chúng ta phải đi theo một tuyến đơn giản, hoặc thu hẹp các lựa chọn của chúng ta. Có lẽ chúng ta cảm thấy sức hút của những người uyên bác, những người có đa dạng những kiến thức ở những ngành nghề khác nhau.

Con đường của chúng ta bao gồm việc làm chủ nhiều kỹ năng và kết hợp chúng theo những cách thức mang tính sáng tạo và phát minh. Đây là cách của thiên tài của Leonardo da Vinci, người đã kết hợp những sở thích của mình trong mỹ thuật, khoa học, kiến trúc và kỹ thuật, làm chủ được từng ngành trong số đó. Cách đi theo con đường này phù hợp với những xu hướng hiện đại, phong phú của chúng ta và tình yêu của chúng ta đối với sự khám phá rộng rãi.

Khi tham gia vào hệ thống hướng dẫn từ bên trong này, tất cả những cảm xúc tiêu cực dẫn chúng ta tới tình trạng không mục đích đều bị vô hiệu hóa và thậm chí trở thành những cảm xúc tích cực. Chẳng hạn, chúng ta có thể cảm thấy nhàm chán trong quá trình tích lũy các kỹ năng, việc thực hành có thể tẻ nhạt. Nhưng chúng ta có thể chấp nhận sự nhàm chán khi biết rõ những lợi ích to lớn sắp tới. Chúng ta đang học một cái gì đó kích thích bản thân. Tâm trí của chúng ta tập trung vào công việc một cách hoàn toàn. Chúng ta phát triển khả năng tập trung sâu sắc, và với sự tập trung này, thay đổi tích cực sẽ xuất hiện. Chúng ta hấp thụ được những kiến thức vì chúng ta tham gia việc học hỏi với mục đích rõ ràng và cảm xúc tích cực. Khi đó chúng ta học với tốc độ nhanh hơn nhiều, điều này dẫn đến năng lượng sáng tạo. Với một tâm trí tràn đầy thông tin mới mẻ, những ý tưởng bắt đầu đến với chúng ta từ chốn hư không. Việc đạt được những cấp độ sáng tạo như vậy mang tới sự mãn nguyện lớn lao, và việc bổ sung thêm các kỹ năng mới vào vốn liếng của chúng ta trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Với một ý thức về mục đích, chúng ta cảm thấy ít bất an hơn nhiều. Chúng ta ý thức rõ ràng rằng chúng ta đang tiến bộ, đang khám phá ra một số hoặc tất cả tiềm năng của mình. Chúng ta có thể bắt đầu nhìn lại những thành tựu khác nhau, dù nhỏ hay lớn. Chúng ta đã hoàn thành nhiều thứ. Có thể chúng ta có những giây phút nghi ngờ, nhưng thông thường chúng liên quan đến chất lượng công việc thay vì lòng tự tôn của chúng ta. Chúng ta sẽ thường xuyên tự hỏi: "Có phải chúng ta đã thực hiện tốt nhất công việc của mình không?".

Khi tập trung nhiều hơn vào chính công việc và chất lượng của nó thay vì tập trung vào những gì mọi người nghĩ về chúng ta, chúng ta có thể phân biệt giữa những lời chỉ trích thiết thực và hiểm độc. Chúng ta có một nội tâm kiên cường, giúp chúng ta phục hồi từ những thất bại và học hỏi từ chúng. Chúng ta biết mình là ai và tự nhận thức này trở thành cái mỏ neo trong cuộc sống của mình.

Với hệ thống hướng dẫn đã có từ bên trong, chúng ta có thể biến sự lo lắng và căng thẳng thành những cảm xúc hữu ích. Khi cố gắng đạt được các mục tiêu như viết một cuốn sách, xây dựng một doanh nghiệp, chúng ta phải kiểm soát sự lo lắng, bất an và sự không chắc chắn, phải đưa ra quyết định hàng ngày về những việc cần làm. Trong quá trình này, nếu chúng ta suy nghĩ quá nhiều về việc mình phải đi bao xa, chúng ta có thể cảm thấy bị choáng ngợp, hỗn loạn. Thay vì vậy, chúng ta học cách tập trung vào các mục tiêu nhỏ, từng bước một trên hành trình, trong khi vẫn giữ được tốc độ. Chúng ta phát triển khả năng điều chỉnh sự lo lắng của mình, đủ để chúng ta bước tiếp và tiếp tục cải thiện công việc, nhưng không đến nỗi làm chúng ta tê liệt. Đây là một kỹ năng sống quan trọng. Chúng ta cũng phát triển một khả năng chịu đựng đối với sự căng thẳng, thậm chí có thể lợi dụng nó. Thật ra, con người chúng ta tự có khả năng xử lý sự căng thẳng. Tâm trí bồn chồn và tràn đầy năng lượng của chúng ta phát triển tốt nhất khi chúng ta hoạt động trí óc và thể chất, cái bơm adrenaline của chúng ta. Một hiện tượng phổ biến là mọi người có xu hướng già đi và xấu đi nhanh hơn ngay sau khi họ nghỉ hưu. Tâm trí của họ không có gì để nuôi sống nó. Suy nghĩ lo lắng quay trở lại. Họ trở nên ít hoạt động hơn. Hãy duy trì một số áp lực và sự căng thẳng, và nếu biết cách xử lý chúng, chúng ta có thể cải thiện sức khỏe của mình.

Và cuối cùng, với một ý thức về mục đích, chúng ta ít có xu hướng bị trầm cảm hơn. Vâng, những khoảnh khắc ngã lòng là không thể tránh khỏi, thậm chí nên được chào đón. Nó buộc chúng ta rút lui và đánh giá lại chính mình. Nhưng chúng ta cảm thấy phấn khích và vượt lên sự tầm thường của cuộc sống hàng ngày trong thế giới hiện đại. Chúng ta biết rằng mình đang thực hiện một sứ mệnh. Chúng ta đang đóng góp cho một cái gì đó lớn hơn nhiều so với bản thân mình, và điều này khiến chúng ta vượt lên. Chúng ta có những khoảnh khắc thực sự tuyệt vời, mà nó đã trợ lực cho chúng ta. Ngay cả cái chết cũng có thể mất đi tính chất đau khổ của nó. Những gì chúng ta đã hoàn thành sẽ tồn tại lâu hơn chúng ta và chúng ta không còn cảm giác suy nhược vì đã lãng phí tiềm năng của mình.

Hãy suy xét về Mục đích sống theo cách đã được chứng minh: Trong lịch sử quân sự, chúng ta thấy có 2 loại quân đội – một loại chiến đấu vì một chính nghĩa hoặc một lý tưởng, và một loại chiến đấu chủ yếu vì tiền. Những người tham chiến vì một chính nghĩa sẽ chiến đấu hết mình. Họ gắn số phận cá nhân của họ với chính nghĩa và quốc gia, họ sẵn sàng chết trong chiến trận vì chính nghĩa. Những người ban đầu ít nhiệt tình trong đội quân đó dần bị cuốn theo tinh thần của nhóm. Vị tướng có thể đòi hỏi những người lính của mình nhiều hơn. Các tiểu đoàn thống nhất hơn và các chỉ huy sáng tạo hơn. Việc chiến đấu cho một chính nghĩa được biết đến như là một sức mạnh nhân lên gấp bội – sự kết nối với chính nghĩa càng sâu sắc, tinh thần càng cao, và tinh thần này chuyển hóa thành sức mạnh lớn hơn. Một quân đội như vậy thường có thể đánh bại một đội quân lớn hơn nhiều nhưng ít động lực hơn.

Có thể nói điều gì đó tương tự về cuộc sống của bạn? Đó là hoạt động với ý thức cao về mục đích là một sức mạnh được nhân lên. Tất cả các quyết định và hành động của bạn có một sức mạnh lớn hơn ở đằng sau chúng bởi vì chúng được hướng dẫn bởi một ý tưởng và mục đích cao cả hơn. Nhiều khía cạnh trong tính cách của bạn được định hướng vào mục đích này, mang lại cho bạn năng lượng bền vững hơn. Sự tập trung của bạn và khả năng vượt qua nghịch cảnh mang lại cho bạn một sức mạnh không thể chối cãi. Bạn có thể đòi hỏi bản thân nhiều hơn. Và trong một thế giới có rất nhiều người đang đi lang thang vô mục đích, bạn sẽ dễ dàng vượt qua họ và thu hút sự chú ý vì điều này. Mọi người sẽ muốn ở bên cạnh bạn để hấp thụ tinh thần của bạn.

Nguồn: Tổng hợp từ sách

Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!