Những chiến lược để khám phá Mục đích sống

Những chiến lược để khám phá Mục đích sống
Photo by Edi Libedinsky / Unsplash

Khi chúng ta hoạt động với ý thức cao về mục đích đồng nghĩa với việc sức mạnh của bản thân được nhân lên. Tất cả các quyết định và hành động của ta có một sức mạnh lớn hơn ở đằng sau bởi vì chúng được hướng dẫn bởi một ý tưởng, một mục đích. Nhiều khía cạnh trong tính cách của chúng ta được định hướng vào mục đích này, mang lại cho ta năng lượng bền vững hơn. Sự tập trung của chúng ta và khả năng vượt qua nghịch cảnh mang lại cho chúng ta một năng lượng mạnh mẽ. Chúng ta có thể đòi hỏi bản thân nhiều hơn. Và trong một thế giới có rất nhiều người đang đi lang thang vô mục đích, ta sẽ dễ dàng vượt qua họ và thu hút sự chú ý vì điều này. Mọi người sẽ muốn ở bên cạnh chúng ta để hấp thụ tinh thần ấy.

Nhưng khó khăn bắt đầu xảy ra khi chúng ta cống hiến bản thân cho việc phát triển hoặc củng cố ý thức về mục đích của mình. Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều kẻ thù và chướng ngại cản trở sự tiến bộ của mình. Sự nhàm chán và thất vọng với chính mình khi công việc và tiến độ ban đầu diễn ra rất chậm chạp; việc thiếu sự phản biện đáng tin cậy từ mọi người; mức độ lo lắng mà chúng ta phải kiểm soát; và cuối cùng, sự kiệt sức thường đi kèm với lao động tập trung trong một thời gian dài.

5 chiến lược sau đây được thiết kế để giúp chúng ta vượt qua những trở ngại này. Không cần phải đi theo thứ tự, đầu tiên là xuất phát điểm cơ bản. Chúng ta có thể áp dụng tất cả các chiến lược ở đây để đảm bảo liên tục tiến về phía trước.

1 – Khám phá tiếng gọi của cuộc đời

Chúng ta bắt đầu chiến lược này bằng cách tìm kiếm các dấu hiệu trong những năm đầu đời, khi dấu hiệu thường rõ ràng nhất. Một số người có thể dễ dàng nhớ lại những dấu hiệu sớm đó, nhưng đối với nhiều người trong chúng ta, nó đòi hỏi sự xem xét nội tâm và đào sâu suy nghĩ. Điều chúng ta đang tìm kiếm là những khoảnh khắc mà chúng ta bị ấn tượng mạnh, bị mê hoặc bởi một sự kiện cụ thể, hoặc chủ đề nào đó, hoặc các hoạt động và hình thức chơi đùa hồi còn nhỏ.

Nhà khoa học vĩ đại Marie Curie có thể nhớ lại rõ ràng khoảnh khắc khi bà bốn tuổi và bước vào văn phòng của cha mình, đột nhiên bị mê hoặc bởi cảnh tượng tất cả các loại ống nghiệm và thiết bị đo lường cho các thí nghiệm hóa học khác nhau được đặt phía sau một tủ kính bóng loáng. Bà sẽ có cảm giác tương tự mỗi khi bước vào phòng thí nghiệm trong suốt đời mình.

Đối với Anton Chekhov nhà văn vĩ đại người Nga, đó là lần ông xem vở kịch đầu tiên trong một nhà hát, khi còn là một cậu bé ở thị trấn nhỏ của ông. Toàn bộ bầu không khí sân khấu đó khiến ông xúc động.

Đối với Steve Jobs, đó là lần ông đi qua một cửa hàng điện tử khi còn nhỏ và nhìn thấy những vật dụng kỳ diệu trong cửa sổ, ngạc nhiên trước thiết kế và sự phức tạp của chúng.

Đối với Tiger Woods, đó là khi anh hai tuổi, quan sát cha mình đánh những quả bóng golf vào lưới trong nhà để xe và không thể kiềm chế sự phấn khích và mong muốn bắt chước ông.

Đối với nhà văn Jean-Paul Sartre, đó là một niềm đam mê thời thơ ấu với những từ được in trên một trang giấy, và ý nghĩa kỳ diệu mà mỗi từ có thể có.

Những khoảnh khắc thu hút cảm xúc này xảy ra đột ngột và không có bất kỳ sự thúc giục nào từ cha mẹ hoặc bạn bè. Khó nói được tại sao chúng xảy ra; chúng là dấu hiệu của một cái gì đó vượt quá tầm kiểm soát cá nhân của chúng ta. Nữ diễn viên Ingrid Bergman đã thể hiện điều này tốt nhất, khi nói về niềm đam mê của bà khi được biểu diễn trước máy quay phim của cha mình từ lúc còn rất nhỏ: “Tôi không chọn việc diễn xuất. Nó đã chọn tôi”.

Đôi khi những khoảnh khắc này có thể đến khi chúng ta lớn tuổi hơn, như khi Martin Luther King Jr. nhận ra sứ mệnh của mình trong cuộc sống khi bị lôi kéo vào cuộc tẩy chay những chiếc xe buýt ở Montgomery.

Và đôi khi chúng có thể xảy ra trong khi quan sát những người khác, vốn là bậc thầy trong lĩnh vực của họ. Khi còn trẻ, đạo diễn điện ảnh người Nhật Bản Akira Kurosawa cảm thấy cuộc sống đặc biệt không có mục đích. Anh thử vẽ tranh, sau đó học việc với tư cách trợ lý đạo diễn cho các bộ phim, một công việc mà anh ghét. Anh đã dự tính thôi việc khi được giao nhiệm vụ giúp việc cho đạo diễn Kajiro Yamamoto vào năm 1936. Khi quan sát bậc thầy vĩ đại này làm việc, đột nhiên trước mắt anh mở ra những khả năng kỳ diệu của điện ảnh, và anh nhận ra tiếng gọi của mình. Như sau này anh mô tả: “Nó giống như cơn gió trên một ngọn đèo thổi ngang qua mặt tôi. Ý tôi là cơn gió trong lành tuyệt diệu mà bạn cảm thấy sau chuyến leo dốc vất vả. Hơi thở của cơn gió đó cho bạn biết bạn đã đến đỉnh đèo. Sau đó, bạn đứng trên đèo và nhìn xuống toàn cảnh khi nó mở ra. Khi tôi đứng sau lưng Yama-san, ông đang ngồi trên chiếc ghế đạo diễn bên cạnh máy quay, tôi cảm thấy trái tim mình phồng lên với cảm giác tương tự. Cuối cùng tôi đã tìm thấy nó”.

Về những dấu hiệu khác, hãy kiểm tra những khoảnh khắc trong cuộc sống của chúng ta, khi một số công việc hoặc hoạt động nhất định có vẻ như đến với ta một cách tự nhiên và dễ dàng, giống như bơi xuôi theo dòng nước. Khi thực hiện các hoạt động như vậy, ta có khả năng chịu đựng lớn hơn đối với sự nhàm chán của công việc. Những lời chỉ trích của mọi người không dễ dàng làm cho ta nản lòng; ta muốn học hỏi. Ta hãy so sánh, đối chiếu điều này với các hoạt động hoặc công việc khác mà ta thấy vô cùng nhàm chán và bất mãn, khiến cho ta nản lòng.

Từ những yếu tố khác nhau này, chúng ta sẽ có thể nhận ra tiếng gọi của mình. Về bản chất, khi trải qua quá trình này, ta đang khám phá chính mình, điều gì làm cho ta khác biệt, điều gì dẫn đến những ý kiến của kẻ khác. Chúng ta đang tự hỏi mình về những điều ta thích và không thích. Trong giai đoạn sau của cuộc đời, chúng ta thường mất đi những sở thích về mọi thứ, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa và của những gì người khác đang làm.

Chúng ta cần giảm dần những ảnh hưởng bên ngoài như vậy. Càng lắng nghe sâu sắc với tiếng gọi của bản thân, ta càng có nhiều khả năng cưỡng lại những ý tưởng tồi tệ của kẻ khác. Sử dụng một cuốn nhật ký để ghi lại những cuộc đối thoại với bản thân nếu cần thiết. Chúng ta đang phát triển thói quen đánh giá và lắng nghe chính mình để có thể liên tục theo dõi tiến trình đó và nhận ra tiếng gọi này với các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống.

Nếu còn trẻ và mới bắt đầu sự nghiệp, chúng ta nên khám phá một lĩnh vực tương đối rộng liên quan đến những khuynh hướng của bản thân – chẳng hạn, nếu sở thích của ta là từ ngữ và việc viết lách, hãy thử nhiều kiểu viết khác nhau cho tới khi ta xác định được kiểu phù hợp với mình. Nếu ta lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm hơn, ta sẽ muốn chọn các kỹ năng đã phát triển và tìm cách điều chỉnh chúng theo hướng tiếng gọi thật sự của mình. Tiếng gọi này có thể kết hợp với một số lĩnh vực mà ta thích thú. Đối với Steve Jobs, đó là sự giao thoa của công nghệ và thiết kế. Giữ cho quá trình này có một kết thúc mở; kinh nghiệm của ta sẽ dẫn đường cho mình.

Đừng cố gắng tránh né việc khám phá tiếng gọi của bản thân hoặc nghĩ rằng nó sẽ đơn giản đến với ta một cách tự nhiên. Mặc dù nó có thể đến với một vài người khá sớm hoặc trong một khoảnh khắc chớp nhoáng, nhưng đối với hầu hết chúng ta, nó đòi hỏi sự xem xét nội tâm và nỗ lực liên tục. Việc thử nghiệm các kỹ năng và lựa chọn liên quan đến tính cách và các khuynh hướng của bản thân không chỉ là bước thiết yếu nhất để phát triển ý thức cao về mục đích mà có lẽ nó là bước quan trọng nhất trong cuộc sống nói chung. Việc hiểu biết một cách sâu sắc ta là ai và sự độc đáo của ta sẽ giúp cho việc tránh tất cả những cạm bẫy khác trở nên dễ dàng hơn nhiều.

2 – Sử dụng những kích thích tiêu cực

Chìa khóa để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào là trước tiên phải phát triển những kỹ năng trong các lĩnh vực khác nhau, mà sau đó chúng ta có thể kết hợp theo những cách thức độc đáo và sáng tạo. Nhưng quá trình này có thể tẻ nhạt và đau đớn, khi ta nhận thức được những hạn chế và sự thiếu hụt tương đối các kỹ năng của mình. Hầu hết mọi người, dù trong ý thức hoặc vô thức, đều tìm cách tránh sự tẻ nhạt, đau đớn và bất kỳ nghịch cảnh nào. Họ cố gắng đặt mình vào những nơi mà họ sẽ  ít phải đối mặt với sự trích hơn và giảm thiểu khả năng thất bại. Chúng ta phải chọn theo hướng ngược lại. Ta cần sử dụng những trải nghiệm tiêu cực, những hạn chế, thậm chí sự đau đớn như phương tiện hoàn hảo để xây dựng các cấp độ kỹ năng và mài giũa ý thức của ta về mục đích.

Khi tập thể dục, ta hiểu tầm quan trọng của các mức độ đau và khó chịu có thể kiểm soát, bởi vì sau đó chúng mang lại sức mạnh, khả năng chịu đựng và các cảm giác tích cực khác. Điều tương tự sẽ đến với ta bằng cách thật sự đưa sự buồn chán vào thực hành. Thất vọng là một dấu hiệu cho thấy ta đang tiến bộ khi tâm trí của ta nhận thức được các cấp độ kỹ năng cao hơn mà ta chưa đạt được.

Chúng ta có thể sử dụng và khai thác bất kỳ loại thời hạn (deadline) nào cần thiết để thúc đẩy tiến trình. Nếu ta tự cho mình một năm để hoàn thành một dự án hoặc khởi nghiệp, thông thường ta sẽ mất một năm hoặc hơn. Nếu ta tự cho mình thời hạn 3 tháng, ta sẽ hoàn thành nó sớm hơn rất nhiều; và năng lượng tập trung cho nó sẽ giúp nâng cao trình độ kỹ năng của ta và mang tới kết quả cuối cùng tốt hơn nhiều. Nếu cần, hãy ấn định những hạn chót một cách hợp lý và chặt chẽ để tăng cường ý thức của ta về mục đích.

Thomas Edison biết rằng ông có thể sẽ phải mất rất nhiều thời gian để đạt được những phát minh của mình, và vì vậy ông đã phát triển thói quen nói về sự tuyệt vời trong tương lai của các phát minh này với các nhà báo, đề cao thái quá những ý tưởng của ông. Với sự công khai đó, lúc này ông bị đặt vào tình thế hoặc phải làm cho nó xảy ra tương đối sớm, hoặc bị chế nhạo. Lúc này ông phải chứng tỏ mình có thể giải quyết tình thế khó khăn, và hầu như ông luôn luôn làm được điều đó. Vị thiền sư vĩ đại của thế kỷ 18 Hakuin đã làm được điều này hiệu quả hơn. Ông đã rất thất vọng với những bài thực hành đặc biệt (những bài tập được thiết kế để châm ngòi cho sự giác ngộ) mà thầy của ông giao cho ông. Sự thiếu tiến bộ của ông khiến ông cảm thấy tuyệt vọng, vì vậy ông tự nhủ, hết sức nghiêm túc, “Nếu mình không giải quyết được một trong những bài thực hành này trong bảy ngày, mình sẽ tự sát”. Quyết tâm này khiến ông tu tập một cách hiệu quả và cứ tiếp tục như thế cho tới khi ông hoàn toàn giác ngộ.

Khi tiến bộ trên con đường của mình, ta sẽ phải chịu đựng ngày càng nhiều sự chỉ trích của mọi người. Một số trong đó có thể mang tính xây dựng, nhưng nhiều chỉ trích khác xuất phát từ sự đố kỵ. Chúng ta có thể nhận ra nó bởi sắc thái cảm xúc của cá nhân đó khi thể hiện những ý kiến tiêu cực của họ. Nói chung, họ quá lố, nói với vẻ hơi gay gắt, họ cá nhân hoá nó, tỏ ý nghi ngờ về khả năng của ta, nhấn mạnh vào tính cách của ta thay vì công việc; họ thiếu những chi tiết cụ thể về điều cần được cải thiện và cách thức cải thiện vấn đề. Một khi ta đã nhận ra chúng, giải pháp là không chủ quan với những lời chỉ trích này dưới mọi hình thức. Trở nên phòng thủ là một dấu hiệu cho thấy họ đã làm cho ta bực mình. Thay vì vậy, hãy sử dụng những ý kiến tiêu cực của họ để thúc đẩy ta và bổ sung thêm cho ý thức của ta về mục đích.

3 – Hấp thụ năng lượng có chủ đích

Con người cực kỳ nhạy cảm với tâm trạng và năng lượng của người khác. Vì lý do này, chúng ta nên tránh tiếp xúc quá nhiều với những người có ý thức thấp hoặc sai về mục đích. Mặt khác, ta luôn cần cố gắng tìm kiếm và liên kết với những người có ý thức cao về mục đích. Đây có thể là người cố vấn hoặc giáo viên hoặc đối tác hoàn hảo trong một dự án. Những người như vậy sẽ có xu hướng đưa những điều tốt nhất bên trong ta ra bên ngoài, và ta sẽ thấy việc tiếp nhận những lời chỉ trích của họ trở nên dễ dàng hơn, thậm chí còn khá thú vị.

Đây là chiến lược đã mang lại cho Coco Chanel (người sáng lập hãng thời trang Chanel nổi tiếng ngày nay) rất nhiều sức mạnh. Bà đã bắt đầu cuộc sống từ một vị trí rất thấp kém, một đứa trẻ mồ côi có rất ít hoặc không có nguồn vui nào trong cuộc sống. Ở tuổi đôi mươi, bà nhận ra rằng tiếng gọi của bà là thiết kế y phục và bắt đầu dây chuyền may mặc của riêng mình. Tuy nhiên, bà rất cần sự hướng dẫn, nhất là ở phương diện kinh doanh. Bà tìm kiếm những người có thể giúp mình tìm ra đường đi. Ở tuổi hai mươi lăm, bà đã gặp được mục tiêu hoàn hảo, một doanh nhân người Anh lớn tuổi giàu có tên là Arthur “Boy” Capel. Bà bị thu hút bởi tham vọng của ông ta, kinh nghiệm toàn diện của ông ta, kiến thức về các bộ môn nghệ thuật và tính thực tế tàn nhẫn của ông ta.

Bà quyết liệt bám lấy ông ta. Ông ta có thể truyền cho bà niềm tin rằng bà có thể trở thành một nhà thiết kế nổi tiếng. Ông ta dạy bà kiến thức kinh doanh tổng quát. Ông ta đưa ra những lời chỉ trích cứng rắn mà bà có thể chấp nhận vì sự tôn trọng sâu sắc mà bà dành cho ông ta. Ông ta hướng dẫn bà trong những quyết định quan trọng đầu tiên của bà về việc thành lập doanh nghiệp. Từ ông ta, bà đã phát triển một ý thức rất cao về mục đích mà bà duy trì suốt đời. Nếu không có ảnh hưởng của ông ta, con đường của bà sẽ quá rối rắm và khó khăn. Sau đó, bà tiếp tục quay lại chiến lược này. Bà tìm thấy những người đàn ông và phụ nữ khác có những kỹ năng mà bà thiếu hoặc cần được củng cố – sự thanh lịch trong giao tiếp, một sự nhạy cảm đối với các xu hướng văn hóa – và đã phát triển các mối quan hệ cho phép bà học hỏi từ họ.

Trong trường hợp này, chúng muốn tìm được những người thực tế và không chỉ đơn thuần là những người có sức lôi cuốn hay có tầm nhìn. Chúng ta cần lời khuyên thiết thực của họ, và tiếp thu tinh thần của họ để hoàn thành công việc. Nếu có thể, hãy tập trung lại xung quanh bạn một nhóm người từ các lĩnh vực khác nhau, như những bạn bè hoặc cộng sự, những người có năng lượng tương tự. Ta sẽ giúp họ nâng cao ý thức về mục đích. Đừng dính dáng tới những mối liên kết hoặc những cố vấn ảo, không thực tế. Họ sẽ không có tác dụng gì.

4 – Tạo một thang mục tiêu với những bậc là mục tiêu nhỏ hơn

Hoạt động với các mục tiêu dài hạn sẽ mang lại cho chúng ta sự rõ ràng và quyết tâm cao độ. Những mục tiêu này, chẳng hạn một dự án hoặc việc thành lập một doanh nghiệp, có thể tương đối nhiều tham vọng, đủ để thể hiện điều tốt nhất ở chúng ta. Tuy nhiên, vấn đề là chúng cũng sẽ tạo ra sự lo lắng khi ta nhìn vào núi công việc ta phải làm để đạt được chúng. Để kiểm soát sự lo lắng này, ta phải tạo ra một thang mục tiêu, gồm các mục tiêu nhỏ hơn là các bậc thang, đi từ đỉnh (mục tiêu dài hạn) xuống tới chân cầu thang (vị trí hiện tại).

Mục tiêu dài hạn càng dễ đạt được khi ta càng chia nhỏ nó thành các mục tiêu ngắn hạn, nhỏ hơn và ta có thể đạt được chúng trong các khung thời gian tương đối ngắn, mang lại cho ta những giây phút hài lòng và cảm giác tiến bộ. Luôn luôn chia tách các công việc thành những công việc nhỏ hơn. Mỗi ngày hoặc mỗi tuần ta phải có những mục tiêu nhỏ hơn tương ứng. Điều này sẽ giúp ta tập trung và tránh được những trở ngại hoặc đi đường vòng mà vốn sẽ gây lãng phí năng lượng của mình.

Đồng thời, chúng ta cần liên tục nhắc nhở bản thân về mục tiêu lớn hơn, để tránh mất dấu nó hoặc quá sa lầy vào các chi tiết. Quay trở lại tầm nhìn ban đầu theo định kỳ và tưởng tượng sự hài lòng to lớn mà ta sẽ có khi đạt được kết quả. Điều này sẽ cung cấp cho ta sự rõ ràng và thôi thúc ta tiến tới. Chúng ta cũng cần xây dựng một mức độ linh hoạt trong quá trình này. Tại một số thời điểm nhất định, ta đánh giá lại tiến trình của mình và điều chỉnh các mục tiêu khác nhau khi cần thiết, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, điều chỉnh và cải thiện mục tiêu ban đầu của bản thân.

Hãy nhớ rằng những gì chúng ta đang theo đuổi là một loạt các kết quả và thành tựu thiết thực, không phải là một danh sách các giấc mơ chưa thực hiện và các dự án bị hủy bỏ. Việc hướng tới các mục tiêu nhỏ hơn trong mục tiêu tổng thể sẽ giúp ta di chuyển theo đúng hướng.

5 – Đắm chìm vào công việc

Có lẽ khó khăn lớn nhất mà ta sẽ gặp phải trong việc duy trì một ý thức cao và nhất quán về mục đích là mức độ cam kết vốn được đòi hỏi theo thời gian và những hi sinh đi kèm với nó. Chúng ta phải xử lý nhiều khoảnh khắc thất vọng, buồn chán và thất bại, và những cám dỗ bất tận của những trò tiêu khiển trước mắt. Những lợi ích được liệt kê trong những Giải pháp bên trên thường không dễ dàng nhìn thấy. Và khi năm tháng chồng chất, chúng ta có thể đối mặt với sự kiệt sức.

Để bù đắp cho sự tẻ nhạt này, chúng ta cần có những khoảnh khắc thả mình vào dòng chảy trong đó tâm trí của ta trở nên đắm chìm vào công việc đến mức ta được tách ra khỏi cái tôi của mình. Ta trải nghiệm cảm giác bình lặng sâu sắc và niềm vui. Nhà tâm lý học Abraham Maslow đã gọi chúng là “những trải nghiệm đỉnh cao” – một khi có chúng, ta sẽ mãi mãi thay đổi. Ta sẽ cảm thấy sự thôi thúc phải tìm lại những trải nghiệm đó. Những thú vui tức thì mà thế giới đưa ra sẽ nhạt nhẽo hơn nhiều khi so sánh. Và khi ta cảm thấy được đền đáp cho sự cống hiến và hi sinh, ý thức về mục đích của ta sẽ được tăng cường.

Lưu ý rằng, chúng ta không thể tạo ra ngay được những trải nghiệm này, nhưng ta có thể thiết lập các giai đoạn cho chúng và gia tăng đáng kể khả năng để chúng xảy ra:

Đầu tiên, điều cần thiết là phải đợi cho đến khi ta tiến xa hơn trong quá trình, ít nhất là hơn nửa phần trong một dự án, hoặc sau vài năm nghiên cứu trong lĩnh vực của mình. Vào những lúc như vậy, tâm trí của ta sẽ được lấp đầy một cách tự nhiên với tất cả các loại thông tin và thực hành, chín muồi cho một trải nghiệm đỉnh cao.

Thứ hai, ta phải ấn định kế hoạch làm việc liên tục – càng nhiều giờ trong ngày và càng nhiều ngày trong tuần càng tốt. Với mục đích này, ta phải nghiêm ngặt loại bỏ những mức độ mất tập trung thông thường, thậm chí ta cần có kế hoạch sẽ biến mất trong một khoảng thời gian. Hãy nghĩ về nó như một kiểu "nhập thất" trong tôn giáo. Steve Jobs sẽ đóng cửa phòng làm việc của mình, dành cả ngày để ẩn náu trong phòng và đợi cho đến khi ông rơi vào trạng thái tập trung sâu. Một khi ta trở nên lão luyện với thực hành này, ta có thể thực hiện nó ở hầu hết mọi nơi. Einstein nổi tiếng về việc thường đi vào một trạng thái tập trung sâu đến mức quên mất bản thân khi đi trên đường phố hoặc khi chèo thuyền trên hồ.

Thứ ba, tầm quan trọng phải được đặt vào công việc, không bao giờ được đặt vào chính mình hoặc vào mong muốn được công nhận của bản thân. Chúng ta đang hợp nhất tâm trí của mình với công việc, và bất kỳ suy nghĩ xâm phạm nào từ cái tôi, từ bất kỳ nghi ngờ nào về bản thân, hoặc từ bất kỳ nỗi ám ảnh cá nhân nào sẽ làm gián đoạn dòng chảy. Ta sẽ nhận ra dòng chảy này không chỉ có tính chất liệu pháp tuyệt vời mà còn mang lại những kết quả sáng tạo phi thường.

Trong khoảng thời gian nữ diễn viên Ingrid Bergman tham gia vào một dự án phim cụ thể, bà trút từng giọt năng lượng của mình vào đó, quên đi mọi thứ khác trong cuộc sống. Không như các diễn viên khác, vốn đặt nặng quan tâm vào số tiền họ kiếm được hoặc sự chú ý mà họ nhận được, Bergman chỉ nhìn thấy cơ hội để hoàn toàn hóa thân vào vai diễn mà bà sẽ diễn và đưa nó vào cuộc sống. Với mục đích này, bà tham gia với các nhà văn và đạo diễn có liên quan, chủ động thay đổi vai trò và một số đoạn hội thoại, làm cho nó trở nên chân thực hơn; họ tin tưởng bà về vấn đề này, bởi vì những ý tưởng của bà hầu như luôn luôn xuất sắc và dựa trên suy nghĩ sâu sắc về nhân vật.

Trong quá trình viết và suy nghĩ, một khi đã thấy đủ, bà sẽ trải qua nhiều ngày hoặc nhiều tuần cảm thấy mình hợp nhất với vai trò đó, và không tương tác với người khác nữa. Khi làm như vậy, bà có thể quên đi mọi nỗi đau trong cuộc sống của mình – việc mất cha mẹ khi bà còn nhỏ, người chồng vũ phu của bà. Đây là những khoảnh khắc của niềm vui đích thực trong đời bà, và bà đã chuyển dịch những trải nghiệm đỉnh cao đó lên màn ảnh. Khán giả có thể cảm nhận được một hiện thực sâu sắc trong các vai diễn của bà, và họ đã đồng nhất bản thân một cách mạnh mẽ khác thường với các nhân vật mà bà thủ vai. Việc biết rằng bà sẽ có những trải nghiệm như vậy theo định kỳ và những kết quả kèm theo giúp bà vượt qua nỗi đau và sự hi sinh mà bà đòi hỏi ở bản thân.

Hãy xem đây là một hình thức hiến dâng mang tính chất Tôn giáo cho công việc của mình. Sự tận tâm đó cuối cùng sẽ mang lại những khoảnh khắc hợp nhất với chính công việc, và một dạng hạnh phúc không thể diễn đạt bằng lời cho đến khi ta đã trải nghiệm nó.

Nguồn: Tổng hợp từ sách

Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!