Những truyện cười và bài học tư duy sáng tạo

Những truyện cười và bài học tư duy sáng tạo
Photo by Nick Fewings / Unsplash

01 – Người mù thắp đèn lồng

Một người mù đến nhà người bạn chơi. Lúc ra về, trời đã tối, người bạn mới thắp đèn lồng rồi đưa cho anh ta và nói: “Muộn rồi, đường tối, anh cầm đèn này đi về nhé!”.

Người mù nổi trận lôi đình nói: “Anh biết rõ tôi bị mù, mà còn đưa cho tôi một chiếc đèn lồng để soi đường. Anh cười nhạo tôi phải không?".

Người bạn của anh nói: “Anh hiểu sai rồi. Anh đi đường có nhiều người, anh thắp đèn, nếu người khác nhìn thấy anh, họ sẽ không đâm vào anh”.

Người mù chợt ngộ ra: "Quả đúng như vậy!"

Lời bàn:

Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng suy xét cục bộ là suy nghĩ theo quan điểm của bản thân, còn suy nghĩ tổng thể là đặt bản thân vào tổng thể hoàn cảnh để xem xét. Khi suy nghĩ vấn đề một cách có hệ thống, bạn sẽ thấy rằng hành động của mình sẽ tương tác với những người khác.


02 – Quả trứng của Columbus

Sau khi Columbus khám phá ra châu Mỹ, nhiều người nghĩ rằng Columbus chẳng qua chỉ tình cờ thấy mà thôi. Bất kỳ ai khác có vận may thì cũng có thể làm được điều đó.

Vì vậy, trong một bữa tiệc lớn, một nhà quý tộc chất vấn ông: "Ông Columbus, tất cả chúng ta đều biết rằng Châu Mỹ ở đó. Ông chỉ là may mắn tình cờ đến đó trước! Nếu chúng tôi đi, chúng tôi sẽ phát hiện ra nó".

Trước sự chất vấn này, Columbus không hề bối rối, ông nảy ra một ý tưởng, nhặt một quả trứng luộc trên bàn lên và nói với mọi người: "Thưa quý vị, thưa quý vị, ai có thể đặt quả trứng này đứng trên bàn? Có ai làm được không?"

Mọi người đều háo hức thử, nhưng lần lượt thất bại. Columbus khẽ mỉm cười, cầm quả trứng lên, gõ nhẹ cho bẹp một đầu quả trứng rồi đặt nó đứng ở đó. Sau đó Columbus nói: "Vâng, đơn giản vậy thôi. Khám phá ra Châu Mỹ thực sự không khó, dễ như đặt đứng quả trứng này".

"Nhưng, thưa quý vị, trước khi tôi đặt đứng quả trứng lên, ai trong các bạn làm được điều đó?"

Lời bàn:

Sáng kiến thực chất là một thái độ cởi mở trước những ý tưởng mới, những góc độ mới, những thay đổi mới, bản thân nó cũng thể hiện ở việc nhìn vấn đề với một góc độ mới. Nhiều khi người ta sẽ nói: “Đây cũng được xem là sáng kiến à? Tôi cũng biết!”.

Sáng kiến vốn đơn giản như vậy, mấu chốt nằm ở việc bạn có dám nghĩ đến nó và bạn có sẵn sàng thực hiện nó hay không.


03 – Hiện tượng Ếch xanh

Có người đã làm thực nghiệm cho một con ếch xanh vào chậu nước nóng, khi gặp sự thay đổi lớn, con ếch sẽ lập tức nhảy ra và phản ứng nhanh.

Nhưng nếu thả ếch vào nước lạnh và làm ấm nước từ từ, bạn sẽ thấy ban đầu ếch sẽ bơi thoải mái trong nước. Nhiệt độ của nước trong chậu từ từ tăng lên, nó không để ý, vẫn cảm thấy ấm áp và mãn nguyện.

Một khi nhiệt độ tăng 70 đến 80 độ, nó cảm thấy bị đe dọa và muốn nhảy ra ngoài, nhưng đã quá muộn. Vì chân nó không nghe lời nữa, nó không thể nhảy lên được nữa, và cuối cùng bị luộc chín. Đây là câu chuyện luộc ếch bằng nước ấm.

Lời bàn:

Từ câu chuyện này, chúng ta rút ra được 3 bài học.

Đầu tiên, những thay đổi lớn của hoàn cảnh có thể quyết định sự thành công và thất bại của chúng ta. Nhưng đôi khi chúng không dễ để nhìn thấy, chúng ta cần luôn luôn chú ý, học hỏi nhiều, thật tỉnh táo và đón đầu những thay đổi để không bị quá muộn.

Thứ hai, một môi trường quá thoải mái chính là thời điểm nguy hiểm nhất. Một lối sống quá quen thuộc có thể là lối sống nguy hiểm nhất của bạn. Không ngừng đổi mới, bỏ mô hình cũ và tin rằng mọi thứ đều có chỗ có thể cải thiện.

Thứ ba, để có thể phát hiện ra những thay đổi nhỏ trong xu hướng, bạn phải dừng lại và suy nghĩ từ nhiều góc độ khác nhau, và học hỏi là cách tốt nhất để phát hiện ra những thay đổi.


04 – Số phận của những người thợ xây

Ba người thợ xây đang xây một bức tường. Có người đi tới, hỏi: “Các anh làm gì vậy?”

Người thứ nhất, tức giận nói: “Đang xây tường, ông không thấy sao?”.

Người thứ hai ngẩng đầu cười nói: “Chúng tôi đang xây nhà cao tầng”.

Người thứ ba vừa ngâm nga hát vừa làm, nụ cười rạng rỡ và hạnh phúc: “Chúng tôi đang xây dựng một thành phố mới”.

Mười năm sau, người đầu tiên vẫn xây tường ở một công trường khác; người thứ hai trở thành kỹ sư và ngồi trong văn phòng với các thiết kế; còn người thứ ba là ông chủ của hai người trên.

Lời bàn:

Công việc đầu tay xem ra rất bình thường nhưng rất có thể là bước khởi đầu của một sự nghiệp lớn. Việc chúng ta có nhận ra điều này hay không, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể làm nên sự nghiệp lớn hay không.


05 – Lắng nghe là một nghệ thuật

Một người dẫn chương trình nổi tiếng của Mỹ, một ngày nọ, trong chương trình phát sóng trực tiếp có rất đông khán giả ngồi bên dưới, ông hỏi cậu bé là khách mời của chương trình: “Sau này lớn lên cháu muốn trở thành người như thế nào?”

Cậu bé trả lời: “Chà… cháu muốn trở thành phi công, lái máy bay”.

Sau đó ông hỏi tiếp: “Nếu một ngày máy bay của cháu bay qua Thái Bình Dương và tất cả các động cơ bị tắt vì hết nhiên liệu, cháu sẽ làm gì?”

Cậu bé nghe vậy bèn hồ hởi đáp, khuôn mặt thơ ngây không giấu được niềm vui: “Cháu sẽ yêu cầu các hành khách thắt dây an toàn, còn mình thì nhảy dù xuống dưới...”

Khi cậu bé còn chưa kịp nói hết câu thì ngay lập tức, khán giả phía dưới người thì cười ồ lên, người thì lắc đầu ngao ngán trước câu trả lời của cậu bé. Ngay trong lúc tất cả mọi người đều đang nghĩ cậu bé có hành động xấu xí, ích kỷ thì người dẫn chương trình lại ân cần ra hiệu cho cậu bé nói tiếp.

Cậu bé mím môi nói tiếp: “lấy nhiên liệu rồi quay trở lại cứu mọi người”.

Lời bàn:

Đây chính là "nghệ thuật lắng nghe".

Thứ nhất, là không nghe nửa chừng.

Thứ hai, là không đưa suy nghĩ của bản thân gắn vào lời nói của người khác. Học cách lắng nghe, lắng nghe cẩn thận và lắng nghe với tinh thần cởi mở.

Nguồn: Sưu tầm


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!