Tại sao phải nỗ lực 110% khả năng

Tại sao phải nỗ lực 110% khả năng
Photo by Massimo Sartirana / Unsplash

Một nhà báo hỏi nhà vô địch cử tạ thế giới người Bungary: "Trong 10 lần nâng tạ của anh thì anh thấy lần nào là quan trọng nhất?"

Nhà vô địch trả lời: "Lần thứ 11".

Để có thể nỗ lực 110% khả năng thì ta cần phải hiểu rằng 100% là chưa đủ. Giả sử bây giờ có người bảo chúng ta thực hiện động tác chống đẩy, chúng ta sẽ thực hiện được bao nhiêu cái? Nếu dốc hết sức, chúng ta sẽ đạt được kết quả tối đa. Nếu ta không chống đẩy trong nhiều năm, thì kết quả đó có lẽ chẳng gây được chút ấn tượng nào. Nếu tập chống đẩy 10 phút một ngày, ta sẽ chống đẩy được bao nhiêu cái sau 3 tháng luyện tập?

Hãy tưởng tượng trong thời gian 3 tháng đó, ta luyện tập chống đẩy đều đặn, ngày 4 lần và mỗi lần 10 phút. Lần nào tập cũng cố gắng hết sức mình (100%). Đến khi ta hoàn toàn không thể cố gắng được nữa, ta hãy tập thêm một nhịp nữa (110%). Không phải lúc nào ta cũng tập được lên tới 110%, thỉnh thoảng có thể chỉ được nửa nhịp thôi, thế nhưng tất cả các vận động viên đều biết rằng: "Sự cải thiện sẽ đến từ chính cái lần "thêm" đó –  cái lần mà ta nghĩ thực sự không thể."

Bây giờ, ta sẽ thấy rằng mình thực sự nhiều năng lực hơn ta vẫn tưởng. Điều này không chỉ đúng với việc chống đẩy mà còn đúng với mọi khía cạnh của cuộc sống. Tất cả chúng ta đều có những "cơ bắp thành công" chưa được luyện tập và phát huy ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Luôn có những người sẵn sàng nỗ lực 110%. Những người này sẽ trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ. Họ sẽ được tưởng thưởng. 10% cuối cùng không chỉ là 10% thêm vào nó có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nếu tính ra nó có thể là 10.000% bởi vì đơn giản đấy là nỗ lực vượt qua cái mà ta cho là không thể, đó là vô giá. Và kết quả đạt được cao hơn nhiều so với 100% đầu tiên.

Để thực sự biết được khả năng của mình, ta phải sẵn sàng cố gắng 110%. Hãy tạo thói quen bước thêm vài dặm. Luôn cố gắng làm nhiều hơn những gì người khác mong đợi ở chúng ta.

Tỷ phú John Templeton, nhà quản lý quỹ thành công nhất từ trước tới nay, rất hiếm trả lời phỏng vấn khi ông đang bận rộn. Ông thường từ chối thẳng thừng việc chụp ảnh. Sau cùng ông cũng phá lệ và đồng ý cho một tạp chí chụp ảnh mình trong vòng 30 phút. Tuy nhiên, người thợ ảnh của tạp chí này đã chụp ông trong gần 7 tiếng đồng hồ.

Khi được hỏi tại sao lại để người chụp ảnh chụp lâu đến vậy, ông trả lời: "Đúng là tôi không muốn mất thời gian vào việc chụp ảnh, nhưng người thợ ảnh đó muốn nỗ lực đến 110% khả năng. Anh ta đầy đam mê và vô cùng yêu thích công việc của mình đến mức tôi không muốn làm gián đoạn sự nhiệt tình của anh ta".

Tại sao một vài người chỉ sử dụng tối đa 50 đến 80% khả năng của họ trong khi người khác có thể nỗ lực 110%? Câu trả lời rất đơn giản: Chúng ta làm những gì mà chúng ta yêu thích. Trên thực tế có những người rất thích thú khi nỗ lực 100% khả năng. Không ai sinh ra đã có sẵn thiên hướng như vậy cả, mà ngược lại chúng ta có thiên hướng đi theo con đường ít trở ngại nhất.

Và nếu chỉ cần dùng 50% khả năng thì tại sao phải nỗ lực 110%? Câu trả lời là: "Chỉ có như thế ta mới có thể đạt được những thứ mà ta mong muốn". Những người hiểu được điều này sẽ cảm thấy vui sướng khi nỗ lực 110% khả năng. Nếu gặp tình huống khó khăn, câu khẩu hiệu của họ sẽ là: "Càng khó khăn, càng phải làm". Với họ, nỗi đau không thể chịu nổi chính là không thể chạm được vào mục tiêu của mình. Đó là lý do tại sao họ lại thực hiện những nhiệm vụ khó khăn vất vả. Họ vui vẻ nỗ lực 110% khả năng.

Arnold Schwarzenegger – diễn viên chính trong bộ phim rất nổi tiếng 'Kẻ Huỷ Diệt' và là nhà vô địch thể hình thế giới – từng nói: "Đau đớn cũng tốt. Cách xử lý nỗi đau sẽ cho bạn thấy ai mới là nhà vô địch. Tôi thích nỗi đau vì nó giúp tôi trở thành nhà vô địch".

Có người khăng khăng: "Không thể nỗ lực hơn 100% được. Làm sao mà người ta không thể bỏ ra hơn cái mà mình có?". Hãy hỏi họ làm sao họ biết 100% là tối đa? Các nhà nghiên cứu đã khẳng định rất nhiều lần rằng khả năng của chúng ta lớn hơn rất nhiều so với những gì ta tưởng. Cái mà ta thường nghĩ là 100% có khi thực tế chỉ là 70% hay thậm chí còn ít hơn. Ta có thể làm được nhiều hơn thế.

Nếu chúng ta chỉ muốn cố gắng ở mức 100% thì cũng có nghĩa là ta đang đặt một giới hạn quá thấp cho tiềm năng của mình. Lý do tuyệt vời biện minh cho sự lười nhác của những người sống theo chiến lược 100% là: "Họ cho rằng mình không thể làm thêm được nữa". Những cá nhân này không thể phát triển hơn được nữa, giới hạn 100% giống như là một loài rào điện mà những người này nghĩ rằng chỉ cần chạm tay vào lập tức sẽ bị điện giật.

Bất kể ai sống theo chiến lược nỗ lực 100% thì với họ 80% đã là kết quả khá tốt rồi. Hơn nữa, họ cảm thấy mình được ở trong một vùng an toàn và chắc chắn tránh xa vùng có thể gây đau đớn – vùng mà có thể mang lại cho họ sự phát triển. Về căn bản, một người như vậy sẽ cảm thấy hài lòng với ít hơn những gì mà họ đang có, vì 80% kết qủa là họ có thể chấp nhận rồi.

Ngược lại, người thành công là những người không hài lòng với những gì mà họ đang có. Những con người nỗ lực 110% khả năng cũng không chấp nhận giới hạn nào cho năng lực của họ. Họ trông đợi ở bản thân cao hơn giới hạn mà họ tưởng tượng 100% kia. Họ không đo lường thành công của bản thân qua những gì họ có mà qua những gì họ muốn. Bằng cách nỗ lực thêm 10%  họ luôn tự nhắc nhở mình rằng họ không hài lòng với những giới hạn mà họ đã tạo ra. Họ biết rằng 100% không phải là một kết quả đáng hài lòng vì họ sẽ chỉ luẩn quẩn trong giới hạn tưởng tượng vốn hạn chế sự phát triển.

Nỗ lực 110% khả năng tức là trở thành bản thể tốt nhất mà ta hoàn toàn có thể đạt được.

Một trong những lời biện minh xưa cũ khác và vô nghĩa nhất là nếu tôi có điều kiện này, điều kiện kia thì tôi sẽ có thể làm việc này việc kia. Bất kỳ ai nghĩ như vậy đều đang tự ru ngủ mình trong cảm giác an toàn sai lầm. Thực tế, kiểu người này không thể nỗ lực 110% khả năng, vì sống theo chiến lược 110% là một cách sống, một thói quen chức không phải thứ chỉ xảy ra một lần. Đó là một triết lý. Và trước hết, nó phải là một điều kiện chứ không phải là hành động một lần theo lý thuyết suông.

Nếu ta làm việc với một người nỗ lực 110% khả năng, ta lập tức ngưỡng mộ người ấy. Chúng ta sẽ biết rằng mình đang đồng hành với một người thành công. Và công ty đó sẽ thành công bởi tất cả các doanh nghiệp lớn trên thế giới này đều được tạo ra bởi những người như thế.

Những ai không sống với nỗ lực 110% sẽ không bao giờ trải nghiệm vẻ đẹp đích thực của thế giới này, bởi mọi phần thưởng và những điều tuyệt vời mà thế giới mang lại sẽ nằm trong 10% nỗ lực mà chúng ta thêm vào. 10% này sẽ khiến cho cuộc đời ta trở thành kiệt tác.

THỰC HÀNH – Hôm nay tôi sẽ làm các bước sau để cải thiện khả năng nỗ lực 110%:

01 – Hôm nay tôi sẽ nỗ lực 110% ở ít nhất 3 hoạt động mà tôi thực hiện. Tức là ngay cả khi tôi không thể làm thêm nữa, tôi sẽ cố gắng thêm một lần cuối.

02 – Hôm nay, tôi sẽ không chấp nhận bất cứ giới hạn nào. 100% là ý tưởng bịa đặt về mức độ hoàn thành của tôi và nó không đúng với thực tế. Tôi muốn làm ở mức tốt nhất có thể. Càng khó khăn tôi càng phải cố gắng.

03 – Bức tranh về bản thân mà tôi không tương xứng với thực tế, tôi có thể thay thế nó với bức tranh về người mà tôi mong muốn trở thành. Bức tranh này không có các giới hạn. Hôm nay, tôi sẽ viết ra tôi muốn trở thành người như thế nào rồi tưởng tượng mình đã trở thành như thế. Tôi cũng sẽ nỗ lực tương xứng.

Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!