Cách tranh luận hiệu quả theo nhà đàm phán Harvard

Tranh luận hiệu quả
Photo by Cherrydeck / Unsplash

Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi có những xung đột. Những xung đột này làm cho chúng ta có thể cảm thấy không thoải mái. Nhưng xung đột là hữu ích cho sự phát triển. Vấn đề là, làm thế nào để chúng ta đối phó với xung đột một cách hiệu quả nhất? Làm thế nào để giải quyết những xung đột mang tính cảm xúc nhất của bản thân.

Chúng ta đã thấy mình trong một cuộc tranh cãi mà ta cảm thấy rất bực bội, đến mức mọi thứ trở nên trầm trọng hơn? Và cảm giác rằng vấn đề không thể thương lượng, không thể giải quyết?

Vâng, chúng ta là con người. Tất cả chúng ta đều trải qua những xung đột trong cuộc sống của mình, và thấy những gì đang xảy ra trong thế giới của chúng ta ngày nay. Chúng ta đã rơi vào cái bẫy khó có thể thoát ra khi tranh luận về một vấn đề nào đó.

Khi chúng ta rơi vào cái bẫy tranh luận thì: "Bất cứ điều gì bên kia nói, tôi đều không tin. Tôi sẽ không tin tưởng bất kì điều gì, và tôi sẽ làm mọi thứ có thể để chứng minh tôi đúng, bạn sai. Tôi sẽ bóp nghẹt bạn để nâng bản thân tôi lên."

Vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta đang tranh luận về cái gì, vấn đề là ở cách thức. Chúng ta nên tranh luận như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể tranh luận hiệu quả hơn?

Có 3 rào cản lớn mà chúng ta thực sự có thể vượt qua để có những cuộc tranh luận hiệu quả hơn. Những rào cản này là: 1 - Bản sắc; 2 - Sự đề cao; 3 - Sự liên kết.

1 - Bản sắc

Tại sao chúng ta lại xúc động như vậy trong những tình huống xung đột? Điều này thường xuất phát từ một cái gì đó sâu sắc hơn gọi là bản sắc (bản ngã) của chúng ta. Bản sắc chính là các giá trị cốt lõi, niềm tin cốt lõi của chúng ta. Chúng ta thường cảm thấy bản sắc của mình bị đe doạ khi tranh luận với phía bên kia.

Trong khoảnh khắc bản ngã của chúng ta bị cuốn vào những xung đột này, đột nhiên cảm xúc của chúng ta trở nên trẻ con, nó biến thành một cuộc xung đột hoàn toàn khác. Bây giờ cảm xúc trẻ con đó, là niềm tự hào của chúng ta. Ý thức của chúng ta cho rằng bản thân đang bị đe doạ hoặc gặp nguy hiểm.

Để vượt qua rào cản này thì điều quan trọng nhất là chúng ta cần biết ta là ai và ta đại diện cho điều gì? Các giá trị và niềm tin đang thúc đẩy ta đấu tranh cho lập trường về vấn đề này là gì? Ta càng hiểu ta là ai, ta càng có nhiều khả năng đạt được mục đích của mình mà vẫn giữ được sự cân bằng, ngay cả khi người kia đe dọa những giá trị và niềm tin cốt lõi của ta.

2 - Sự đề cao

Mỗi bên đều muốn cảm thấy được đề cao. Đó là một vấn đề. Lắng nghe và thấu hiểu. Khi chúng ta đang trong một cuộc xung đột, đừng nói mà hãy dành 10 phút đầu tiên có ý thức lắng nghe phía bên kia. Giá trị đằng sau quan điểm của họ là gì? Lập luận, lý do của họ là gì? Tại sao họ giữ quan điểm này về một vấn đề nào đó như: giáo dục hoặc chăm sóc sức khỏe?

Khi chúng ta thực sự hiểu và nhìn thấy giá trị trong quan điểm của họ, hãy cho họ biết rằng: "Tôi hiểu quan điểm của anh" và thật vi diệu, điều này có tác dụng to lớn. Không có gì khiến chúng ta cảm thấy tự hào hơn là được đề cao. Nhận ra điều này chính là sức mạnh của chúng ta. Hãy đề cao họ.

3 - Sự liên kết

Mối liên hệ cảm xúc giữa chúng ta và phía bên kia như thế nào? Chúng ta thường tiếp cận những tình huống xung đột này kiểu như tôi đối lập với anh. Ý kiến của tôi về chăm sóc sức khỏe đối lập với của anh, quan điểm của tôi về giáo dục đối lập với của anh. Điều đó sẽ khiến hai bên như 2 con dê qua cầu.

Để giải quyết vấn đề này là hãy tìm tiếng nói chung. Biến bên kia từ đối thủ thành đối tác, như vậy không còn là ta đấu với ngươi, mà là hai chúng ta đối mặt với cùng một vấn đề chung.

Hãy hỏi người kia, "Lời khuyên của anh (trong vấn đề này) là gì?" về cách chúng ta đạt được nhiều lợi ích nhất có thể cho cả 2 bên. Thay đổi bản chất cuộc trò chuyện. Bây giờ, chúng ta đưa ba điều này vào thực tế, nó có thể chuyển hoá các mối quan hệ của chúng ta.

Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bắt đầu một cuộc cách mạng, nhưng là một cuộc cách mạng tích cực của sự hiểu biết lớn hơn, sự đánh giá cao hơn, liên kết lớn hơn. Làm thế nào để chuyển hoá sự xung đột trong cộng đồng của chúng ta, đất nước của chúng ta và thế giới của chúng ta. Điều đó là có thể, nhưng nó phải bắt đầu với mỗi người chúng ta.

Nguồn: Big Think


MakeBetter lược dịch.